Lịch sử không 'kẹp-díp'
Gia Hiền
Năm 2009, một cuộc tranh cãi khá gay gắt đã nổ ra xung quanh việc cuốn tiểu thuyết “Ma chiến hữu” của nhà văn Trung Quốc - Mạc Ngôn - được dịch và in tại Việt Nam. Cuốn sách tương đối bình thường, thậm chí có thể xem là trung bình yếu nếu so với bút lực thường thấy của Mạc Ngôn.
Với nội dung xoay quanh một hồn ma là lính Trung Quốc, tham gia chiến tranh biên giới 1979 và tử trận, “Ma chiến hữu” không nhồi nhét quan điểm chính trị hay kích động hằn thù, mà ngược lại, nó lên án lý do phi nghĩa của cuộc chiến, dẫn đến cái chết uổng của bao người lính còn quá trẻ. Không mấy nổi tiếng tại Trung Quốc, nhưng tại Việt Nam, “Ma chiến hữu” lại gây tranh cãi, chỉ bởi, nhiều người cho rằng: Tại sao lại in một cuốn sách nói về cuộc chiến tranh biên giới 1979 từ góc nhìn phía bên kia?
Cuộc tranh cãi nhanh chóng ngã ngũ, khi những người phản đối cuốn sách cuối cùng cũng lật nó ra xem và có lẽ là ngạc nhiên khi tìm ra những tư tưởng nhân văn trong đó.
Bẵng đi 5 năm, đến năm 2014, một cuốn sách khác viết về cuộc chiến tranh biên giới 1979, của một tác giả Việt Nam, được ấn hành. Đó là tiểu thuyết “Mình và họ” của nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương. Cuốn sách đoạt giải cao nhất của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015 và vừa được Nhà xuất bản Trẻ tái bản đầu năm 2016. Dẫu vậy, “Mình và họ” không thể nói là đạt thành công về lượng ấn bản bán ra. Và ngoài giới phê bình cũng như độc giả diện hẹp, công chúng gần như không biết đến cuốn tiểu thuyết rất hay này. Các phương tiện truyền thông hoặc dè dặt, hoặc tránh né giới thiệu nội dung cuốn sách. Một người bạn tôi, làm biên tập viên chuyên mục giới thiệu sách cho biết, lãnh đạo của chị từ chối nhắc tới “Mình và họ” vì được xem là “nhạy cảm”.
Kể từ khi Việt - Trung bình thường hóa quan hệ, “nhạy cảm” là một cụm từ thường được sử dụng khi nói về cuộc chiến 1979. Cuộc chiến ấy đã rơi vào vòng mờ ảo trong hàng thập kỷ, trong khi những cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ, và cả một giai đoạn ngắn chống phát-xít Nhật, vẫn được đề cập như một phần không thể thiếu trong các trang sách giáo khoa. Tôi cho rằng, việc bình thường hóa quan hệ láng giềng không có nghĩa cần phải che lại lịch sử.
Dọc theo bãi biển Normandy - nơi diễn ra sự kiện đổ bộ “D-Day” của quân đồng minh ngày 6/6/1944, hiện nay được quy hoạch thành một di tích lịch sử khổng lồ. Những quốc gia tham chiến phe đồng minh đều lập những nghĩa trang riêng tại đây, với các biểu tượng của quốc gia mình. Hơn 9.000 bia mộ của các tử sĩ, được đồng nhất tưởng niệm với những cây thánh giá trắng muốt, đều tăm tắp, như một công trình nghệ thuật sắp đặt ấn tượng. Và ấn tượng nhất, là tượng đài tưởng niệm tử sĩ Normandy, với hình tượng một người đàn ông đang bay lên trên con sóng, đôi tay khỏe khoắn giơ lên như nâng một vạt nắng dưới bầu trời xanh. Mỗi năm, có hàng triệu lượt người đến thăm quần thể tưởng niệm, và đặt hoa dưới chân tượng đài tử sĩ Normandy. Không chỉ có thân nhân những người ngã xuống, đó còn là bất cứ ai trân trọng lịch sử, và yêu hòa bình.
Đã đến lúc chúng ta cũng cần có một tượng đài dành cho những người đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Năm 2014, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, các cựu chiến binh của sư đoàn 356 - đơn vị lập nhiều thành tích trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc tháng 2/1979 - đã đề xuất xây dựng một tượng đài tưởng niệm. Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội đã ủng hộ đề xuất. Nhưng đến nay, gần hai năm sau, ý kiến này vẫn chưa được hiện thực hóa. Một tượng đài để ghi ơn và tưởng nhớ về những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến biên giới phía bắc. Đó không phải là đào xới nỗi đau quá khứ, mà đó là sự trân trọng những giá trị mà hiện tại đang được thụ hưởng từ xương máu cha anh.
Nhiều năm qua, cứ độ tháng 2, hình ảnh những bông hoa sim tím sẫm nơi biên viễn, kèm dòng chữ “17/2/1979 - Nhân dân sẽ không quên”, lại được đồng loạt đưa lên các mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam. Nếu nhân dân đã chọn lựa, thì bông hoa sim ấy hoàn toàn có thể trở thành một biểu tượng. Như là người đàn ông bay trên đầu sóng ở bãi biển Normandy, như là ngọn lửa bất diệt trên Hồng trường Matxcơva, hay như chiếc chuông cảnh tỉnh một năm chỉ gõ một lần ở Hirosima.
Những trang sách sử thì có thể “kẹp-díp”, lơ đãng lật qua. Nhưng lịch sử thì không. Đó là trí nhớ của dân tộc.
Gia Hiền
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét