4/5/16

Case report:
Subcapsular renal hematoma after ureteroscopic lithotripsy
 by pneumatic lithoclast.
                                                                               Vo Ngoc Thach
Abstract:
Nowadays, ureterorenoscopic lithotrisy (URSL) is widely used and a popular
technique in the urology. Catastrophe, complication frequently included fever, colic pain, dysuria, gross hematuria, perforation, false passage, intussusception, avulsion…Subcapsular renal hematoma(SRH) after ureteroscopic lithotripsy is a very rare catastrophe, which has not been mentioned in medical texbooks. Only a number of casaes were introduced in literature during few years ago.
We present a 51-year-old female patient who has developed subcapsular renal hematoma after URSL by pneumatic lithoclast with a left lower ureteric radiolucent calculus on 17th day postoperation, who has managed succesfully with drainage by open surgery.
We would like to share this paper with colleague.
Key words: subcapsular renal hematoma, ureterorenoscopic lithotripsy, perirenal hematoma.

Thông báo một trường hợp:
Tụ máu dưới bao Thận sau Nội soi tán sỏi Niệu quản
 ngược dòng
                                                                              Võ Ngọc Thạch*    
          
Tóm tắt
Ngày nay, Nội soi tán sỏi Niệu quản ngược dòng (ureterorenoscopic lithotripsy URSL), là một phẫu thuật thường quy trong chuyên khoa Niệu. Tai biến, biến chứng của phẫu thuật thường gặp là: sốt, đau quặn thận, đái khó, đái máu, thủng niệu quản, lạc đường, lộn lòng niệu quản (intussusception), đứt niệu quản(avulsion)…Tụ máu dưới bao thận ( subcapsular renal hematoma SRH) là một biến chứng hiếm, chỉ một số ít trường hợp được ghi nhận trên Y văn tiếng Anh trong vài năm gần đây.
Chúng tôi giới thiệu một bệnh nhân, nữ, 51 tuổi, bị tụ máu dưới bao thận sau khi được Nội soi tán sỏi niệu quản đoạn chậu bên trái, ngược dòng bằng xung hơi vào ngày thứ 17 và đã được chữa khỏi bằng phẫu thuật dẫn lưu.
Chúng tôi muốn chia sẻ với quý đồng nghiệp để phòng ngừa và chữa trị tốt hơn cho những trường hợp tương tự có thể gặp trong tương lai.
Từ khóa: Tụ máu dưới bao thận, Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng, Tụ máu quanh thận.
...............................................................................................................................
 (*) BVĐK Vĩnh Đức Quảng Nam. Email: bsthach1964@gmail.com
       Tel: 0983114090


1/ Giới thiệu:
Tụ máu dưới bao Thận là hình ảnh máu được tích tụ ở giữa nhu mô Thận và vỏ bọc Thận. Đây là biến chứng thường gặp trong chấn thương Thận, ít hơn trong Tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), chụp mạch thận, u thận ác tính , bệnh nhân dùng thuốc chống đông…Tụ máu dưới bao thận sau Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng là hiếm và nguy hiểm. Bansal [ 2 ] là người đầu tiên thông báo biến chứng này trên Y văn vào năm 2010, trên một bn nam 35 tuổi, có sỏi niệu quản chậu
với bệnh kèm là Đái tháo đường.
Ở Việt Nam, Bs Nguyễn Văn Truyện[1] gặp một trường hợp tại BV Thống Nhất Đồng Nai vào năm 2015.
Vào 11/ 2015, chúng tôi có một bệnh nhân tương tự; nay, thông báo để được chia sẻ với quý đồng nghiệp.
2/ Bệnh án
  2.1/Hành chánh
        - Họ tên: Nguyễn Thị Đ…, Nữ, sn: 1964
        - Địa chỉ: Thôn 3, Xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam
        - Vào viện 6/11/2015, Số lưu trữ: 9602/ 2015
  2.2/ Lý do nhập viện: Đau hông lưng Trái
  2.3/ Tiền sử: không có gì đặc biệt
  2.4/ Bện sử:
         Bệnh nhân được chẩn đoán: Sỏi niệu quản chậu bên trái/ Thận trái ứ
         nước độ II-III và được phẫu thuật Nội soi tán sỏi niệu quản bằng hệ thống
         bán cứng 9Fr( semi-rigid ureteoscpes) với xung hơi (pneumatic lithoclast)
         vào 16/10/2015, (có đặt double J) hậu phẫu tạm ổn và được ra viện sau 3
          ngày (do một đồng nghiệp thực hiện). Đến ngày 3/11 (17 sau mổ), bệnh
         nhân thấy đau tức hông lưng trai nhiều kèm mệt mỏi, nên tới lại bv tái
         khám và được PTV cho rút thông double J vì cho rằng các triệu chứng
          này là do thông double J,(Bn không được làm bất cứ một xét nghiệm
         nào). Sau khi rút double J, bn vẫn không  hêt mà lại đau thêm vùng hông
         lưng trái , nên bn vào lại bv 6/11/2015.
  2.5/ Khám lâm sàng:
         BN tỉnh táo, huyết động ổ định, sốt nhẹ, tiểu tiện bình thường,
          van đau tức nhiều vùng hông lưng bên trái, chạm thận trái (+), ấn hông
          trái rất đau. Chiều cao: 1,5m, cân nặng 42kg
          Ngoài ra chưa phát hiện gì thêm.
  2.6/ Xét nghiệm:
         HC: 4.250.000, BC: 5600, Hct: 38%, Hb: 123g/l, nhóm máu O
         Ure: 6,9 mmol/l, creatinin: 69 µmol/l
         Siêu âm: Hình ảnh Nang thận trái xuất huyết, kt# 80×55mm
         Ct scan: Nang thận trái xuất huyết, kt# 72×55mm, HU=62 .

  2.7/ Chẩn đoán: Tụ máu dưới bao thận trái lớn sau Nội soi tán sỏi niệu quản
                             trái ngược dòng bằng xung hơi.
  2.8/ Điều trị:
          Phẫu thuật cấp cứu trì hoãn
          Phương pháp mổ: Mổ mở, lấy máu tụ, cầm máu, dẫn lưu
          Tường trình: Rạch da đường s-m Foley, vào hố thận, khối máu tụ lớn,
           mở cân Gerota, máu đen như hắc ín trào ra, sau đó có ít máu đỏ sẩm
           loãng, hút sạch, không thấy rách nhu mô thận, nhét spongel, dẫn lưu,
           đóng lại vết mổ 2 lớp.
          Hậu phẫu: hoàn toàn ổn định, ra viện sau 7 ngày.
3/ Nhận xét-Bàn luận:
  3.1/ Lâm sàng:
         Triệu chứng lâm sàng tùy thuộc thời gian và mức độ chảy máu.
          Theo ghi nhận của đa số các tác giả, tụ máu dưới bao thận sau URSL
           cũng có đầy đủ những dấu hiệu như trong tam chứng Lenk ( Lenk’
           triad) đó là: Đau vùng hông lưng bên tán sỏi; một mass căng, mềm, đau;
           và triệu chứng của mất máu trong (tùy mức độ ).
           Thời điểm xuất hiện triệu chứng thường trong vòng 24-48 giờ sau mổ.
            11 trường hợp của Bai. J & cs.[5] đều xảy ra dưới 10 giờ sau mổ.
           Trong 3 bn của Tao.W [4] có 1 bn phát bệnh ở ngày thứ 10. Trong 4 bn
            của Chiu.PK &cs [3] có 1 bn xuất hiện ở ngày thứ 20. Bệnh nhân của
           chúng tôi  phát bệnh muộn, có thể vào ngày thứ 15 đến ngày thứ 17, vì
            17 ngày sau mổ bn mới thấy đau hông lưng và đi tái khám.
           Theo chúng tôi, đây là tai biến xảy ra ngay trong lúc mổ. Mức độ chảy
           máu tùy vào sự thương tổn nhiều hay ít. Nếu nặng, bệnh nhân sẽ biểu  
            hiện lâm sàng ngay sau mổ; ngược lại với những sang thương ít hơn,
           máu chảy “rỉ rả” và cần phải có một thời gian nhất định để khối máu tụ
           đủ độ lớn và gây nên triệu chứng. Trường hợp của chúng tôi thuộc dạng
           này.
  3.2/ Nguyên nhân:
          Bai J&cs cho rằng, có 4 nguyên nhân ( có ý nghĩa thống kê)  làm cho
          tai biến này dễ xảy ra đó là: Nhu mô thận bên có sỏi mỏng (ứ nước
          nặng), sỏi lớn, thời gian mổ kéo dài, áp lực bơm tưới rửa lớn [5]       
          Bansal [2] còn cho dây dẫn ( guide wire) có thể đâm thủng gây nên tai
          biến.
          Cơ chế được giải thích là khi áp lực bơm tưới rửa quá mạnh, làm gia tăng
         đột ngột áp lực trong hệ thống đài-bể thận vốn dĩ đã tăng cao do tắc
         nghẽn (như hiện tượng “giọt nước tràn ly”) gây vỡ formices của hệ thống
         đài- bể thận. Mặc khác, ứ nước (trước đó) làm cho mạch máu trong nhu
          mô thận căng dãn, thành mạch mỏng, nhất là mạch máu ở vùng giữa vỏ
         và tủy thận; khi áp lực tăng đột ngột, các mạch này sẽ vỡ và chảy máu.
         Một nghiên cứu của  Kao M H&cs[6] trên 45 bn được tán sỏi niệu
         quản đoạn lưng và sỏi thận qua nội soi ngược dòng với ống mềm(FURSL
          = flexible ureterorenoscopic lithotripsy) và Ho: YAG laser, cho thấy có 4
         Bn bị tụ máu quanh thận (perirenal hematoma=PRH); 3 trong 4 bn này
         được điều trị bảo tồn; 1 bn phải cắt thận cầm máu, nhưng tử vong sau
          2 tuần do nhiễm trùng máu và suy đa phủ tạng dù đã được hồi sức tích
         cực. Qua nghiên cứu này, tác giả nêu ra một số yếu tố nguy cơ góp phần
         tạo ra PRH/SRH đó là: Nhu mô thận mỏng, bệnh thận mạn tính(CKD),
         bệnh nhân gầy ốm, nhiễm trùng niệu tiềm ẩn (subclinic ìnfection).
         Theo chúng tôi, nguyên nhân quan trọng hàng đầu kéo theo các nguyên
         nhân khác là kích thước và thành phần hóa học của sỏi.Với sỏi niệu quản
         lớn, cứng, thể khảm (impact) thì URSL nhiều khi khá khó khăn, dễ có tai
         biến, biến chứng, nhất là ở những bn có nhiều yếu tố nguy cơ như trên.
         Đái tháo đường cũng là một nguy cơ đáng sợ, mạch máu ở thận của người
         có đái tháo đường trở nên “dòn” hơn, dễ vỡ hơn.
         Đặc biệt ở nữ, dễ có nhiễm trùng niệu tiềm ẩn, bạch cầu sẽ thâm nhập vào
         nhu mô thận, làm thận dễ tổn thương hơn.
         Tay nghề của phẫu thuật viên cũng là một “yếu tố nguy cơ” cần chú ý!
  3.3/ Tỷ lệ:
    Chiu PK và cs [3], tổng kết từ 2007- 2012, có 1114 ca URSL bằng Laser  thì  
     4 ca bị SRH (o, 36%); Tao W&cs[4]  tổng kết được 3 trường hợp (0,15%)
     SRH từ 2059 ca URSL bằng laser, trong 6 năm (2006-2012); Bai J & cs
     [5] thống kê được 11 trường hợp (o,4%) bị SRH trong tổng số 2848 ca
     URSL từ 1/2003- 9/2010.
     Ở Việt Nam, chưa có một thống kê nào, nhưng tai biến này chắc chắn có,
     chỉ tác giả ngại thống báo mà thôi.
     Nói chung, tỷ lệ tai biến này thấp chỉ < 1%, nhưng khá nguy hiểm.
  3.4/ Chẩn đoán:
     Với phương tiện hiện đại, phổ biến như Siêu âm, Ctsan, chẩn đoán tai
      biến này không khó. Cần siêu âm kiểm tra tất cả các bn URSL trước
      khi ra viện để tránh bỏ sót.
  3.5/ Điều trị:
     Qua phân tích nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh như trên, có thể nhận
      nhận định rằng SRH sau URSL là một chấn thương thận từ bên trong.
     Vây, việc điều trị là ưu tiên điều trị nội khoa bảo tồn, chỉ can thiệp ngoại
      trong một số tình huống đặc biệt hay điều trị nội không đáp ứng.
      Điều trị nội gồm: Nghỉ ngơi, chống đau, chống nhiễm trùng, truyền máu
     (nếu thiếu). Hầu hết bn đều đáp ứng tốt với điều trị nội khi có khối máu
     tụ dưới 5cm. Điều trị nội cũng được xem như bước chuẩn bị tốt cho
     những trường hợp phải can thiệp ngoại khoa.
     Điều trị ngoại khoa gồm: Cầm máu, lấy máu tụ và dẫn lưu; đôi khi phải
     cắt thận để cầm máu như trường hợp của Kao M. H &cs [6].
      Thời điểm can thiệp cũng cần phải lưu ý; vì máu chảy tích tụ dưới bao thận
      nên có xu hướng tự cầm do có áp lực, nếu can thiệp sớm nhiều khi phải cắt
      thận một cách phí phạm! Thời điểm can thiệp tốt nhất là ở tuần lễ thứ 2 từ
     ngày thứ 7 đến ngày thứ 15, lúc này chảy máu đã tạm yên, khối máu tụ chưa
     xơ hóa, vị trí tổn thương được phân biệt rõ ràng, phẫu thuật sẽ thuận lợi!.
     Theo chúng tôi, trong điều trị nội, ngoài việc theo dõi dấu hiệu sinh tồn,
      theo dõi khối máu tụ là vô cùng quan trọng ( bằng Siêu âm và Ct scan), nếu
     điều trị tích cực mà dấu hiệu sinh tồn không ổn định, hình ảnh Ct cho thấy
     từ một SRH chuyển sang PRH ( perirenal hematoma) tức là vỏ bao thận đã
     vỡ, đồng nghĩa với một tổn thương nặng, máu chảy nhiều và cần phải can
     thiệp khẩn cấp, trong những tình huống này rất khó bảo tồn được thận.
    Điều trị ngoại còn để phòng ngừa thận Page(Page kidney) sau này. Khối máu
    tụ lớn nếu không được lấy đi, sẽ xơ hóa →chèn ép thận → thận thiếu máu
    →kích hoạt hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAA) → tăng huyết áp.
    Bệnh nhân của chúng tôi, mặc dù sinh hiệu ổn định, nhưng có hematom khá
    lớn ( 80×55mm) nên chúng tôi quyết định can thiệp để tránh biến chứng này.
  3.6/ Dự phòng:
     Trước một bn có sỏi niệu quản với  nhiều nguy cơ như đã phân tích, việc lựa
     chọn phương pháp phẫu thuật là vô cùng quan trọng; cần thiết nephrostomy
     trước khi URSL hoặc ESWL hoặc nội soi sau phúc mạc hoặc mổ mở, để
     tránh tai biến cho bn. Không nên vì cái tôi của mình quá mà đem tai họa cho
     người khác!
4/ Kêt luận:
    Tụ máu dưới bao thận sau Nội soi tán sỏi niệu quản ngược dòng là một tai
     biến hiếm gặp nhưng khá nguy hiểm. Để phòng tránh, cần chú ý đến những
     trường hợp có sỏi lớn, cứng, thận bên có sỏi ứ nước nặng, nhu mô mỏng, có
     bệnh kèm như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính…để lựa chọn phương
     pháp điều trị thích hợp đem lại sự an toàn cho người bệnh.
                                                     &&&&&
Tài liệu tham khảo:     
 1/ Nguyễn Văn Truyện&cs (2016) Tụ máu dưới bao thận sau nội soi tán sỏi bằng laser sỏi niệu quản đoạn 1/3 giữa, nhân một trường hợp. Y học tp Hồ Chí Minh, phụ bản tập 20 số 2. trang:83-88.
Banal U, et al (2010):Subcapsular renal hematoma after ureterorenoscopy: An unknown complication of a known Procedure. Urol ann, vol 2, pp: 119-121
Chiu P.K, et al (2013) Subcapsular renal hematoma after ureteroscopy and laser lithotripsy. Journal of endourology, vol 27(9), pp:1115-1119.

Tao W, et al (2015) Subcapsular renal hematoma after ureteroscopy with holmium:yttrium-aluminum-garnet laser lithotripsy. (Abstract)

Bai J & et al (2012) Subcapsular renal haematoma after holmium:yttrium-aluminum-garnet laser ureterolithotripsy. BJU Int, vol 109, pp: 1230-1234.
Kao M-H, Wang C-C, Risk factors for developing a perirenal hematoma after flexible ureteroscopic lithotripsy, Urological Science (2015), http://dx.doi.org/10.1016/j.urols.2015.09.003
  Salvado´ JA, Consigliere L, Gallegos H, Rojas F, Astroza G (2016) Subcapsular renal-infected hematoma after retrograde intrarenal surgery: a rare but serious complication, Journal of Endourology Case Reports 2:1, 52–54, DOI: 10.1089/cren.2016.0007.

 8/http://www.karger.com/Article/Abstract/350891

Meng H & et al (2013).Renal Subcapsular Hemorrhage Complicating Ureterolithotripsy: An Unknown Complication of a Known Day-to-Day Procedure.  Urol Int  vol 91, pp:335-339 




 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét