19/5/16

Tiến sĩ Australia thán phục bác sĩ chữa vô sinh Việt Nam

Làm việc với bác sĩ điều trị vô sinh ở Việt Nam, nữ tiến sĩ Adrianne K. Pope thốt lên: “Các bạn nên tự hào về những điều đang làm được và khiến nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Australia phải thán phục”.


Tiến sĩ Adrianne K. Pope có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Bà giữ chức Chủ tịch Hội Sinh sản của Australia liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Bà cũng từng là đại diện khoa học tại Ủy ban Chứng nhận Chất lượng về Kỹ thuật sinh sản RTAC và có rất nhiều kinh nghiệm khi công tác tại Monash IVF, trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm của Australia.
Trong chuyến đến làm việc và kiểm tra đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức mới đây, nữ tiến sĩ bày tỏ sự ngạc nhiên về những thành quả mà Việt Nam đạt được trong lĩnh vực điều trị vô sinh hiếm muộn. Chia sẻ với VnExpress.net, tiến sĩ Adrianne K. Pope cho biết so với lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2006, hiện nơi đây có những bước tiến ngạc nhiên trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Một số trung tâm đạt được sự chuyên nghiệp ở cấp độ quốc tế, mở ra cơ hội cho thị trường du lịch chữa bệnh của người nước ngoài đến Việt Nam, nhất là từ những nơi có chi phí đắt đỏ.
Nữ tiến sĩ trong quá trình thẩm định và cấp Chứng nhận Chất lượng về Kỹ thuật sinh sản RTAC tại Việt Nam. Ảnh: K.H
Nữ tiến sĩ trong quá trình thẩm định và cấp Chứng nhận Chất lượng về Kỹ thuật sinh sản RTAC tại Việt Nam. Ảnh: K.H
Nữ tiến sĩ cũng đánh giá cao hoạt động nâng cao chất lượng hướng đến an toàn người bệnh nhằm đảm bảo kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm an toàn hơn cho bệnh nhân. 
Chứng nhận RTAC là quy chuẩn chung trong quản trị và thúc đẩy nâng cao chất lượng dành cho các đơn vị hỗ trợ sinh sản. Tất cả trung tâm IVF ở Australia, New Zealand và Singapore đều phải tuân thủ các điều khoản trong bộ tiêu chuẩn này và được kiểm định định kỳ bởi một tổ chức độc lập. Tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có một số ít đơn vị hỗ trợ sinh sản có được chứng nhận chất lượng này. 
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và vô sinh TP HCM cho biết khi có những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên Việt Nam năm 1997, kỹ thuật này còn rất lạ lẫm và tỷ lệ thành công còn rất thấp. Vượt qua những khó khăn thời kỳ sơ khai, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm Việt Nam dần tạo được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới. Năm 2005, nhiều nước bắt đầu gửi bác sĩ đến Việt Nam để học tập. Hiện nay Việt Nam là trung tâm đào tạo thụ tinh ống nghiệm lớn nhất khu vực, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế uy tín. Trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam ngày càng được khẳng định với những bài báo cáo, công trình khoa học tạo được tiếng vang. Đây là điều không phải lĩnh vực nào của ngành y Việt cũng đạt được.
Thụ tinh ống nghiệm Việt Nam ngày càng tạo được tiếng vang trong khu vực và thế giới. Ảnh: Lê Phương.
Thụ tinh ống nghiệm Việt Nam ngày càng tạo được tiếng vang trong khu vực và thế giới. Ảnh: Lê Phương.
Hiện mỗi năm có hàng trăm cặp vợ chồng nước ngoài đến Việt Nam chữa vô sinh. Bên cạnh những người đến công tác rồi kết hợp điều trị, có bệnh nhân chỉ đến chữa bệnh rồi về. Không ít trường hợp thụ tinh thất bại nhiều lần ở nước ngoài lại thành công khi chữa trị một lần tại Việt Nam với chi phí rẻ hơn rất nhiều. Nhiều Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài cũng tìm về quê nhà để điều trị vô sinh.  
Theo bác sĩ Tường, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam chi phí thấp hơn các nước, cơ hội thành công của một chu kỳ điều trị khá cao. Thụ tinh trong ống nghiệm là lấy trứng và tinh trùng tạo thành phôi. Số phôi này nếu nuôi cấy đông lạnh tốt có thể dùng cấy nhiều lần, nhiều cơ hội để có thai chứ không phải chỉ một lần. Trung bình một trường hợp sau khi làm phôi có thể đủ để cấy 2-3 lần, mỗi lần cơ hội thành công 40-50%. Do đó một lần làm thụ tinh ống nghiệm thì tỷ lệ có thai tính chung lên đến 60-70%. 
“Về con người, kỹ thuật, quy trình... thì Việt Nam không thua kém nhưng dịch vụ, giao tiếp còn nhiều hạn chế. Các trung tâm đang nâng cao chất lượng dịch vụ, áp dụng các nguyên tắc về quản trị chất lượng như sự an toàn, hiệu quả, giảm tỷ lệ biến chứng...”, bác sĩ Tường chia sẻ. 
Lê Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét