CUỘC BIỂU TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI
Từ mấy ngày nay, ở trong nước xuất hiện một hình thức biểu tình mới, “toạ kháng” (biểu tình ngồi) của một nhóm nhỏ hoặc thậm chí của một người. Tôi xin post lại một bài viết đã đăng trên blog của tôi trên đài VOA năm 2011 về cuộc biểu tình của một người gây chấn động trên khắp thế giới.
***
Biểu tình, thực chất, là một cách lên tiếng tập thể. Ví tính chất tập thể ấy, người ta có thói quen đánh giá các cuộc biểu tình qua số lượng: biểu tình càng đông người bao nhiêu càng được xem là thành công bấy nhiêu.
Tuy nhiên, trên thế giới và trong lịch sử, không hiếm các cuộc biểu tình chỉ có một người.
Gần đây nhất và có lẽ cũng nổi tiếng nhất là cuộc biểu tình kéo dài trên 10 năm trước Quốc Hội Anh ở London của Brian William Haw (1949-2011).
Haw chỉ là một người Anh bình thường như hàng chục triệu người Anh bình thường khác. Sinh ra trong một gia đình bình dân, đông con, bố mất sớm (vì tự tử), Haw sinh sống bằng các nghề lao động khá lam lũ và có lúc làm nhân viên xã hội chuyên giúp đỡ các thanh thiếu niên có vấn đề trong xã hội. Những chuyến du lịch sang Northern Ireland thăm viếng di tích The Troubles ghi dấu các cuộc bạo loạn sắc tộc kéo dài hàng mấy thập niên khiến cả hàng ngàn người bị giết chết cũng như dấu tích cuộc diệt chủng tàn bạo với cả triệu nạn nhân của Khmer Đỏ ở Cambodia càng làm tăng ý thức về sự công chính và sự thù ghét bạo động ở Haw.
Giữa năm 2001, khi Mỹ và các đồng minh, trong đó, quan trọng nhất là Anh, chuẩn bị tấn công Iraq, Haw quyết định xuống đường phản đối. Với ông, đó là một cuộc chiến phi pháp và vô nhân đạo. Nó sẽ dẫn đến cái chết cho vô số người, từ người Iraq đến chính người Mỹ, người Anh cũng như các quốc gia đồng minh của họ.
Xin lưu ý, thời gian ấy, đặc biệt từ năm 2003, ở Mỹ và Anh cũng như nhiều quốc gia khác, các cuộc biểu tình phản đối ý đồ – và sau đó là hiện thực – xâm chiếm Iraq của Mỹ cũng nổ ra dữ dội. Theo sự ước tính của Dominique Reynié, một nhà chính trị học người Pháp, trong mấy tháng đầu năm 2003, trên khắp thế giới có khoảng gần 3000 cuộc biểu tình quy tụ khoảng 36 triệu người để phản đối Mỹ.
Trong khi cả mấy chục triệu người ấy xuống đường hò hét phản đối vài tiếng đồng hồ rồi về nhà tiếp tục cuộc sống êm ấm như cũ, Haw quyết định khác hẳn. Ngày 2 tháng 6 năm 2001, ông từ giã vợ và bảy đứa con (nhỏ nhất chưa tới 10 tuổi và lớn nhất mới ngoài 20) đến dựng một chiếc lều nho nhỏ ngay trong Quảng trường Quốc Hội Anh chung quanh giăng đầy các biểu ngữ phản đối lệnh cấm vận Iraq và âm mưu tấn công Iraq của chính phủ Anh.
Thoạt đầu, ai cũng tưởng Haw sẽ chỉ ở đó vài ngày hoặc nhiều nhất là vài tuần. Lúc ông tuyên bố ông chỉ chấm dứt cuộc biểu-tình-một-mình khi nào chính phủ Anh rút hết quân ra khỏi Iraq, hầu như không ai tin cả. Dân chúng không tin và chính phủ cũng không tin. Nhưng, cuối cùng ông đã làm như vậy thật. Ông cứ ở trong cái lều nho nhỏ, tạm bợ ấy từ ngày này qua ngày khác. Rồi từ năm này qua năm khác. Đến năm 2003, vợ ông không thể chịu đựng nổi nữa, bèn đâm đơn xin ly dị. Ông đồng ý. Rồi ông tiếp tục cuộc biểu-tình-một-mình của mình. Cho đến lúc ông qua đời.
Như vậy, tổng cộng thời gian biểu-tình-một-mình trước Quảng trường Quốc Hội Anh của Brian Haw là 10 năm.
Hơn 3.500 ngàn đêm, Haw sống trong túp lều nho nhỏ bên lề đường, bất chấp mọi sự khắc nghiệt của thời tiết London. Mùa hè, dưới cái nắng chói chang gay gắt, người ta thấy Haw ngồi đó. Mùa đông, tuyết rơi trắng xóa mọi con đường, người ta cũng thấy Haw ngồi đó. Thân thể của ông càng ngày càng gầy đi, chai sạm lại, trông phong trần hẳn. Nhưng ông vẫn cương quyết tiếp tục cuộc tranh đấu.
Suốt 10 năm ấy, Haw sống chủ yếu bằng sự hỗ trợ của dân chúng. Nhiều người mang bánh mì, nước uống và thuốc lá cho ông. Và ông cũng chỉ cần có thế. Khi cần vệ sinh thì ông đến các nhà vệ sinh công cộng gần đó. Lâu lâu ông được mời đến nhà một số người ủng hộ nào đó để tắm rửa một cách đàng hoàng. Có người cho ông cả điện thoại di động để ông tiện liên lạc với giới truyền thông cũng như với các chính khách.
Suốt 10 năm, hình ảnh Haw gầy guộc và gân guốc trong túp lều dựng tạm bên lề đường đã đi khắp thế giới. Chính quyền địa phương ở London càng lúc càng thấy chướng mắt nên tìm cách xua đuổi hoặc bắt giữ ông. Tháng 10 năm 2002, chính quyền thành phố Westminster truy tố Haw về tội lấn chiếm lề đường. Nhưng họ không thành công vì sự phản đối của những người ủng hộ Haw, trong đó có cả các nghị viên và chính trị gia. Năm 2005, chính quyền địa phương thông qua đạo luật cấm chiếm dụng khu vực công cộng cho các cuộc phản đối lâu dài với lý do sợ khủng bố. Nhưng nhiều người cãi: đạo luật ấy vốn được đặt ra để đối phó với Haw lại không thể áp dụng vào trường hợp của ông vì ông đã có mặt ở đó cả bốn năm trước khi đạo luật ra đời. Tòa án đồng ý với lập luận ấy và Haw lại tiếp tục được ở trong chiếc lều tạm bợ của mình. Chính quyền phản đối quyết định của tòa án. Ở phiên tòa phúc thẩm, tòa án lại đồng ý với quan điểm của chính quyền: lệnh cấm áp dụng cả với Haw. Sáng sớm ngày 23 tháng 5 năm 2006, 78 (vâng, bảy mươi tám!) cảnh sát ập đến nhổ dẹp túp lều tạm bợ cũng như các biểu ngữ phản đối của Haw. Sau này, cảnh sát Anh tiết lộ là cuộc “tổng tấn công” nhắm vào túp lều của Haw ngốn mất 27.000 bảng Anh của chính phủ.
Nhưng Brian Haw không chịu đầu hàng. Ông vẫn cương quyết “bám trụ” ở Quảng trường Quốc Hội. Cũng trong một túp lều tạm bợ vây kín bằng các biểu ngữ chống chiến tranh. Ngày 25 tháng 10 năm 2010, ông bị cảnh sát bắt. Lần này thì ông bỏ cuộc. Không phải vì cảnh sát hay sợ cảnh sát. Mà vì bệnh. Trước đó một tháng, ông phát hiện mình bị ung thư phổi. Đầu năm 2011, ông được chở đến Berlin để trị bệnh. Nhưng cuối cùng, ông đành bỏ cuộc hẳn vào ngày 18 tháng 6 năm 2011.
Nhìn lại, cuộc biểu-tình-một-mình kéo dài 10 năm của Brian Haw là thành công hay thất bại?
Ở khía cạnh nào đó, có thể nói là ông thất bại. Ông không thể ngăn chận được cuộc cấm vận, rồi sau đó, cuộc tấn công Iraq của Mỹ với sự tham gia của Anh.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, giới bình luận chính trị và xã hội lại cho là ông thành công. Thành công ở chỗ: ông làm cho ý thức phản chiến trong dân chúng càng ngày càng sâu sắc và mạnh mẽ, cuối cùng, trở thành một áp lực khiến chính phủ phải tìm cách nhanh chóng kết thúc cuộc chiến mà ông cho là phi pháp và vô nhân đạo ấy.
Nên lưu ý là, trong suốt 10 năm một mình bám trụ trong túp lều mong manh tạm bợ ở Quảng Trường Quốc Hội, nếu một mặt Haw trở thành một cái gai dưới mắt chính quyền thì mặt khác, dần dần ông lại trở thành biểu tượng của khát vọng hòa bình không những ở Anh mà còn trên khắp thế giới. Có vô số bản tin hoặc phim tài liệu về ông được chiếu trên các đài truyền hình lớn (ví dụ cuốn phim A Man Called Brian của Mahmound Shoolizadeh được trình chiếu trong nhiều cuộc liên hoan phim ảnh quốc tế). Nhiều bản nhạc cũng như nhiều vở kịch được sáng tác từ cảm hứng về ông. Hình ảnh ông trở nên quen thuộc với mọi người. Các chuyến xe chở du khách từ xa đến Quảng trường Quốc Hội bao giờ cũng dừng lại trước túp lều vá víu xộc xệch của ông và nhiều người vừa vẫy tay vừa gào tên ông “Brian! Brian!”.
Khi ông qua đời, nhiều người, kể cả các tên tuổi lớn trong các lãnh vực chính trị, xã hội và văn hóa, lớn tiếng khen ngợi ông, xem ông như là biểu tượng của tính nguyên tắc, của lòng yêu chuộng hòa bình, kẻ sẵn sàng hy sinh tất cả để bảo vệ điều mình tin tưởng.
Một số dân biểu còn đề nghị dựng tượng Brian Haw ngay trên Quảng trường Quốc Hội của Anh.
Như vậy, Haw thành công hay thất bại?
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét