QUAN NIỆM ĐÚNG VỀ HIẾN PHÁP
Hà Huy Toàn
Hiến pháp trước hết là một khái niệm pháp lý nhưng khái niệm này thuộc về một khái niệm khác rộng hơn khái niệm này, đó là pháp luật hoặc luật pháp. Pháp luật bao gồm cả Hiến pháp lẫn các đạo luật cụ thể dựa vào Hiến pháp hoặc phải phù hợp với Hiến pháp. Vậy muốn hiểu đúng về Hiến pháp, trước hết phải hiểu đúng về pháp luật.
Pháp luật (hoặc Luật pháp) là các quy tắc xử sự theo nguyên tắc bình đẳng mang tính chất bắt buộc đối với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định chung đồng thời được bảo đảm thực hiện bởi nhà nước pháp quyền 1).
Nói đến pháp luật, trước hết phải nhấn mạnh nguyên tắc bình đẳng. Pháp luật theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó phải tuân theo nguyên tắc bình đẳng hoặc phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, nếu không dựa trên nguyên tắc bình đẳng thì mọi quy tắc xử sự đều phải bị loại bỏ khỏi khái niệm đúng đắn về pháp luật, một khái niệm đúng đắn về pháp luật phải bao hàm ý niệm chân thực về sự bình đẳng 2). Hoặc có thể nói ngắn gọn hơn như Thánh Aurelius Augustin (354 – 430) đã từng nói đúng rằng: một điều luật bất công không phải là luật 3).
Chính Thánh Aurelius Augustin đã xác quyết đúng đắn rằng: an unjust law is no law at all, tức là một điều luật bất công không phải là luật. Xác quyết đúng đắn như vậy, Thánh Aurelius Augustin đã nói cho người đời hiểu được đúng đắn rằng: pháp luật phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng hoặc bất cứ quy định nào mà không dựa trên nguyên tắc bình đẳng sẽ không thể thuộc về pháp luật.
Tiếp theo, Thánh Thomas Aquinas (1225 – 1274) cũng xác quyết đúng đắn rằng: Luật bất công là luật chỉ được làm ra bởi con người mà không xuất phát từ luật vĩnh cửu và luật tự nhiên. Luật nào nâng cao phẩm giá con người, luật đó công bằng. Luật nào làm mất phẩm giá con người, luật đó bất công (An unjust law is a human law that is not rooted in eternal law and natural law. Any law that uplifts human personality is just. Any law that degrades human personality is unjust). Xác quyết đúng đắn như vậy, Thánh Thomas Aquinas đã lấy tác dụng thực tế làm tiêu chuẩn khách quan để xác định một quy định nào đó có thuộc về pháp luật hay không thuộc về pháp luật mà chỉ nhân danh pháp luật hoặc chỉ mạo nhận pháp luật 4).
Cả Thánh Aurelius Augustin lẫn Thánh Thomas Aquinas đều đúng đắn nhưng Thánh Thomas Aquinas thiên về lịch sử, bổ sung cho Thánh Aurelius Augustin vốn thiên về logic 5).
Từ xưa đến nay, hình như pháp luật được hiểu theo hai quan niệm khác nhau: quan niệm thứ nhất cho rằng pháp luật chỉ có một loại duy nhất dựa trên nguyên tắc bình đẳng hoặc bao gồm các quy tắc xử sự dẫn đến Tự do – Bình đẳng – Bác ái chỉ tồn tại với các cộng đồng văn minh, quan niệm thứ hai cho rằng pháp luật có thể có hai loại đối lập nhau: một loại tốt đẹp dựa trên tư tưởng đúng đắn đối lập với một loại xấu xa dựa trên tư tưởng sai lầm, luật tốt đẹp bảo vệ nhân quyền chỉ tồn tại với các cộng đồng văn minh đối lập với luật xấu xa tước đoạt nhân quyền chỉ tồn tại với các cộng đồng dã man, tức là cộng đồng nào cũng có luật cho mình nhưng luật có thể có hai loại đối lập nhau như trên khiến người ta phải chống lại luật xấu xa bằng luật tốt đẹp. Cả quan niệm thứ nhất lẫn quan niệm thứ hai đều có vẻ như cùng bắt nguồn từ Aristotle rồi bộc lộ dần dần theo sự phát triển tư tưởng từ đó về sau: quan niệm thứ nhất được thể hiện rõ ràng bởi Thánh Aurelius Augustin nhưng quan niệm thứ hai lại được thể hiện rõ ràng bởi Thánh Thomas Aquinas. Thật ra, không hề có hai quan niệm khác nhau như vậy về pháp luật mà chỉ có một quan niệm duy nhất thật sự đúng đắn về pháp luật được trình bày khái quát ở đây, theo đó pháp luật phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng nhằm nâng cao phẩm giá con người. Chẳng qua vì pháp luật chưa được định nghĩa chính xác bởi Aristotle mà dễ bị xuyên tạc hoặc dễ bị lạm dụng để làm ra các quy định bất công, vừa độc đoán vừa xấu xa, làm mất phẩm giá con người, nên cả Thánh Aurelius Augustin lẫn Thánh Thomas Aquinas đều phải xác quyết đúng đắn như vậy nhằm chống lại mọi sự xuyên tạc hoặc mọi sự lạm dụng đối với pháp luật. Xác quyết đúng đắn như vậy, cả Thánh Aurelius Augustin lẫn Thánh Thomas Aquinas đều soi sáng cho tôi định nghĩa chính xác về pháp luật, đồng thời lấp đầy một lỗ hổng quan trọng ở Aristotle 6).
Nói về pháp luật, có lẽ cần phải liên hệ với Claude Frédéric Bastiat (1801 – 1850), dường như tác gia này không biết quan niệm đúng đắn về pháp luật mà vẫn phân chia pháp luật thành hai loại đối lập nhau: một loại tốt đẹp dựa trên tư tưởng đúng đắn đối lập với một loại xấu xa dựa trên tư tưởng sai lầm, luật tốt đẹp bảo vệ nhân quyền đối lập với luật xấu xa tước đoạt nhân quyền khiến người ta phải chống lại luật xấu xa bằng luật tốt đẹp 7).
Ở đây tôi lập luận bằng quan niệm khoa học cho rằng pháp luật chỉ có một loại duy nhất dựa trên nguyên tắc bình đẳng.
Vậy cần phải xác định nguồn gốc cho pháp luật, đó là bản tính vị kỷ. Bản tính vị kỷ là khuynh hướng tâm lý lấy mình làm mục đích đồng thời lấy mọi thứ khác làm phương tiện để thoả mãn mình8). Bản tính này biểu hiện thành ba phẩm chất cơ bản: ích kỷ, tư lợi và tham lam. Với ba phẩm chất đó, bản tính vị kỷ vừa tốt đẹp vừa xấu xa, nó chỉ xấu xa khi thúc đẩy người ta làm điều xấu xa, cũng như nó chỉ tốt đẹp khi thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp, điều tốt đẹp làm lợi cho nhân loại đối lập với điều xấu xa vốn chỉ gây hại cho nhân loại.
Bản tính vị kỷ tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc. Chính vì bản tính vị kỷ tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc nên cần phải có pháp luật để ngăn ngừa người ta làm điều xấu xa đồng thời khuyến khích người ta làm điều tốt đẹp. Cũng chính vì bản tính vị kỷ tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc nên pháp luật tất yếu phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng.
Bình đẳng là giống nhau hoặc như nhau về cả quyền lẫn nghĩa vụ. Nguyên tắc bình đẳng là nguyên tắc chính trị hoặc nguyên tắc pháp lý làm cho mọi cá nhân đều giống nhau hoặc như nhau về cả quyền lẫn nghĩa vụ.
Quyền là quyền lực thuộc về bất cứ người nào cho phép người đó được làm bất cứ điều gì có lợi cho bản thân đồng thời cũng có lợi cho cả người khác, bao gồm tất cả các quyền làm người thuộc về mỗi cá nhân nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi.
Nghĩa vụ là trách nhiệm thuộc về mỗi cá nhân nhất định phải làm bất cứ điều gì có lợi cho cả cộng đồng mà không nhất thiết phải làm hại bản thân.
Nguyên tắc bình đẳng dẫn đến sự công bằng, tức là sự cân bằng giữa quyền với nghĩa vụ, theo đó một người nào mà bị khuyết tật ở chân chẳng hạn sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ quân dịch nhưng cũng không thể thực hiện được một quyền tương ứng: quyền đi lại, mặc dù pháp luật vẫn bảo đảm quyền này cho người đó, khiến người khác không thể ganh tỵ với người đó.
Muốn có pháp luật, trước hết phải làm ra pháp luật; làm ra pháp luật rồi lại phải sử dụng pháp luật; trong khi sử dụng pháp luật lại phải giữ gìn hoặc bảo vệ pháp luật. Nhưng muốn làm được ba việc đó lại đòi hỏi phải có ba quyền lực tương ứng: quyền lực lập pháp, quyền lực hành pháp và quyền lực tư pháp; trong đó quyền lực lập pháp bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp, chính vì bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp nên quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản; chức năng quy định là chức năng tự mình ra lệnh hoặc tự mình sửa lại quyết định đã được đưa ra bởi người khác; chức năng ngăn cản là chức năng làm vô hiệu hoá quyết định đã được đưa ra bởi người khác, nhưng nếu đã có thể ngăn cản được thì cũng có thể phê chuẩn được, mà đã phê chuẩn tức là lại không ngăn cản nữa 9). Mối quan hệ giữa ba quyền lực đó sẽ cấu thành ba trật tự khác nhau để tổ chức xã hội. Vậy cần phải xác định lần lượt từng trật tự nhất định trong ba trật tự đó.
Trật tự thứ nhất được gọi là chính thể chuyên chế, theo đó cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều được tập trung cả vào một cá nhân duy nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, trong đó lại chỉ có một cá nhân duy nhất làm thủ lĩnh nắm quyền quyết định, tức là xét đến cùng chính thể chuyên chế chỉ tập trung cả ba quyền lực đó vào một cá nhân duy nhất mà thôi. Cá nhân đó được gọi là nhà độc tài (dictator), tức là một người quyết định mọi việc. Nhà độc tài tập hợp một đám tay chân thân tín thành nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài; trên cơ sở đó, nhà độc tài chỉ làm ra mệnh lệnh rồi lại sử dụng mệnh lệnh đồng thời bảo vệ mệnh lệnh mà không thể làm ra pháp luật rồi lại không thể sử dụng pháp luật đồng thời cũng không thể bảo vệ pháp luật. Mệnh lệnh biểu hiện thành vài ba quy tắc độc đoán, các quy tắc đó chỉ biểu hiện ý chí riêng cho chính nhà độc tài đồng thời chỉ bảo đảm lợi ích cho một số ít cá nhân nào đó (một số ít cá nhân đó bao gồm nhà độc tài cùng với đám tay chân thân tín làm tay sai cho chính nhà độc tài). Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, nhà độc tài sẽ chỉ làm ra mệnh lệnh bằng các phương pháp ngẫu hứng, rồi sử dụng (thi hành) mệnh lệnh bằng các phương pháp tuỳ tiện đồng thời bảo vệ mệnh lệnh bằng các phương pháp xiêu lệch, hãy nhớ lại câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần sẽ hiểu được ngay về cái tất yếu đó (xem chú thích 8). Chính vì chỉ có mệnh lệnh mà không có pháp luật nên chính thể chuyên chế chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: bạo hành, cướp bóc và dối trá. Ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả tương ứng: khiếp sợ, bất công và ngu dốt. Sự thể như sau: bạo hành gây nên sự khiếp sợ (nhà độc tài phải bạo hành với dân chúng làm cho dân chúng khiếp sợ mà phục tùng nhà độc tài, nếu nhà độc tài không bạo hành với dân chúng thì dân chúng sẽ không phục tùng nhà độc tài), cướp bóc gây nên sự bất công (nhà độc tài phải cướp bóc dân chúng làm cho nhà độc tài trở nên giàu có nhưng dân chúng lại trở nên nghèo khó, nếu không cướp bóc thì nhà độc tài sẽ không có phương tiện để cai trị dân chúng), dối trá gây nên sự ngu dốt (nhà độc tài phải dối trá với dân chúng làm cho dân chúng ngu dốt mà chấp nhận làm tôi tớ cho nhà độc tài, nếu nhà độc tài không dối trá với dân chúng thì dân chúng sẽ chỉ đòi hỏi quyền lợi cho mình mà không muốn phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà độc tài, tức là dân chúng sẽ đòi hỏi được bình đẳng với nhà độc tài). Mệnh lệnh nhằm bảo tồn mâu thuẫn đối kháng giữa người cai trị với người bị cai trị vốn chỉ biểu hiện thành các quy tắc độc đoán không chỉ gây nên xung đột giữa nhà độc tài với dân chúng mà còn gây nên xung đột giữa cá nhân này với cá nhân khác, từ đó gây nên xung đột giữa nhóm người này với nhóm người khác, làm cho mọi cá nhân đều bị đau khổ như nhau; tức là các quy tắc đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều tốt đẹp mà còn thúc đẩy người ta làm điều xấu xa làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính xấu xa. Bằng mệnh lệnh, chính thể chuyên chế gò ép mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ biệt lập phải sống bằng kinh tế tự túc làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một phần tử cô lập hoặc một cá nhân phi xã hội 10). Hệ quả này cho thấy mệnh lệnh không những không nhắm đến mà còn đi ngược lại mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể chuyên chế làm cho pháp luật trở thành con số không với các điều luật loại trừ nhau, theo đó các điều luật công bằng bị vô hiệu hoá bởi các điều luật xiêu lệch hoặc các điều luật bất công. Hãy làm một phép toán đơn giản để hiểu biết được đúng đắn về sự thể đó: a – a = 0 hoặc a + (– a) = 0, từ đó suy ra rằng chính thể chuyên chế không có pháp luật hoặc pháp luật không thể tồn tại được với chính thể chuyên chế. Nếu nhà nước chuyên chế (nhà độc tài cũng như vua chúa) bày đặt pháp luật thì pháp luật phải mù quáng cùng cực với các điều luật loại trừ nhau như đã nói ở trên kia để rồi trở thành pháp luật mù quáng hoặc pháp luật tự phủ định chính mình. Chính vì không có pháp luật hoặc chỉ quy pháp luật về bạo lực nên chính thể chuyên chế làm cho nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài trở thành nhà nước bạo quyền, tức là nhà nước đó chỉ tồn tại bằng bạo lực: được thiết lập bằng bạo lực đồng thời được bảo tồn bằng bạo lực cũng như chỉ quản lý bằng bạo lực đồng thời bị quản lý bằng bạo lực. Bạo lực làm cho đa số dân chúng khiếp sợ mà phục tùng thiểu số cai trị. Đây chính là nguyên tắc cơ bản cho chính thể chuyên chế 11). Ở Việt nam, bạo lực thường được gọi bằng một danh từ đặc thù là Luật Rừng làm cho người ta hiểu được rằng nhà nước bạo quyền có thể có hẳn cả một Rừng Luật nhưng nhà nước đó chỉ có thể phải sử dụng Luật Rừng mà thôi. Chừng nào mỗi cá nhân nhất định vẫn có thể tự thoả mãn được mình trong khuôn khổ biệt lập, chừng đó chính thể chuyên chế còn có thể yên tâm tồn tại được. Nhưng nếu nhu cầu mà mở rộng hơn khuôn khổ đó khiến mỗi cá nhân nhất định phải thoả mãn mình bằng những phương tiện cần thiết bên ngoài khuôn khổ đó mới tồn tại được thì chính thể chuyên chế sẽ bị đe doạ bởi các nguy cơ thầm kín đến từ mỗi cá nhân nhất định, mỗi cá nhân đó sẽ tự phát phá vỡ cái khuôn khổ biệt lập đang giam hãm mình: cá nhân này sẽ trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình, kinh tế đổi chác sẽ thay thế kinh tế tự túc. Mọi chuyển biến đó đều có thể sẽ mở đường cho cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội diễn biến theo xu hướng nào: dân chủ hay chuyên chế hay nửa vời, sẽ phụ thuộc vào lực lượng cách mạng theo xu hướng đó, nếu theo xu hướng dân chủ thì lực lượng cách mạng sẽ tiêu diệt chính thể chuyên chế hoặc thay thế chính thể chuyên chế bằng chính thể dân chủ, nếu theo xu hướng chuyên chế thì lực lượng cách mạng sẽ tái lập chính thể chuyên chế dưới một hình thức khác, nếu theo xu hướng nửa vời thì lực lượng cách mạng cũng sẽ tiêu diệt chính thể chuyên chế hoặc thay thế chính thể chuyên chế bằng chính thể nửa vời được trình bày ngay sau đây.
Trật tự thứ hai được gọi là chính thể quý tộc hoặc chính thể nửa vời, theo đó ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia cho hai cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp đồng thời thực hiện cả quyền lực tư pháp đối lập với cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp đồng thời cũng thực hiện cả quyền lực tư pháp, làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia. Chính vì cùng thực hiện quyền lực tư pháp làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia nên cơ quan lập pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực lập pháp cũng như cơ quan hành pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực hành pháp mà thôi. Cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều chỉ được thực hiện nửa vời làm cho chính thể quý tộc cũng không có pháp luật, y hệt như chính thể chuyên chế, mà chỉ có các quy tắc nửa vời. Các quy tắc này làm cho mọi cá nhân đều phải hành xử theo danh diện (bao gồm cả danh dự lẫn thể diện), theo đó mỗi người phải biết hành xử theo một chuẩn mực riêng được quy định cho mình phải làm mà không được hành xử theo các chuẩn mực khác được quy định cho người khác phải làm, tức là chính thể quý tộc chỉ có thể tồn tại được bằng danh diện. Đây chính là nguyên tắc cơ bản cho chính thể quý tộc hoặc chính thể nửa vời 12). Danh diện chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất, đó là sự điều độ, theo đó cái gì cũng phải điều độ. Nhưng vì cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nên tuyệt đối không thể có cái gì làm tiêu chuẩn hoặc cơ sở cho sự điều độ. Sự điều độ không có cơ sở nào hoặc tiêu chuẩn nào để hiện hữu làm cho chính thể quý tộc chỉ tồn tại mập mờ mà thôi, tức là chỉ được xác định tương đối. Thực tế cho thấy chính thể quý tộc chỉ làm bước quá độ giữa chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ. Chính vì chỉ làm bước quá độ như vậy nên chính thể quý tộc có thể được định danh bằng chính thể quá độ hoặc chính thể nửa vời. Chính thể nửa vời chỉ có thể tồn tại mập mờ với nhiều hình thái khác nhau nhưng có lẽ chính thể này biểu hiện rõ rệt nhất thành nền chuyên chế giai cấp hoặc nền dân chủ giai cấp, như nền dân chủ tư sản cũng như nền dân chủ chủ nô, v. v.. Nền chuyên chế giai cấp đòi hỏi phải tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một giai cấp nhất định để giai cấp này thống trị tất cả các giai cấp khác. Việc tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một giai cấp nhất định lại đòi hỏi phải phân chia đồng đều cả ba quyền lực kia cho tất cả các cá nhân khác nhau hợp thành giai cấp đó, tức là phải áp dụng chính thể dân chủ cho giai cấp đó, để nền chuyên chế giai cấp phải biểu hiện trái ngược thành nền dân chủ giai cấp. Do có tính chất nửa vời: vừa chuyên chế vừa dân chủ, hoặc chỉ bào đảm quyền lợi cho giai cấp thống trị đồng thời áp đặt nghĩa vụ cho các giai cấp bị thống trị nên chính thể quý tộc không thể có pháp luật theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó vốn đã được định nghĩa ở trên kia mà chỉ có các quy tắc nửa vời: vừa độc đoán vừa nghiêm minh, biểu hiện thành các đạo luật nửa vời: vừa mù quáng vừa nghiêm minh. Chính các quy tắc đó đã giải thích được tại sao lại xảy ra cuộc Nội chiến ở Mỹ từ năm 1861 đến năm 1865 hoặc tại sao nền dân chủ chủ nô ở cả Hy lạp lẫn La mã vào thời đại cổ xưa phải bị suy vong sau khi đã phát triển cùng cực bằng tinh lực hạn chế được tạo ra bởi một số ít quy tắc nghiêm minh trong các đạo luật nửa vời.
Trật tự thứ ba được gọi là chính thể dân chủ, theo đó ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia độc lập với nhau cho ba cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; ba cơ quan đó cấu thành nhà nước dân chủ, tức là nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước 13). Do quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nên cơ quan lập pháp phải được phân chia thành hai thiết chế khác nhau: Thượng Nghị viện phân biệt với Hạ Nghị viện về cả số lượng thành viên lẫn nhiệm kỳ hoạt động. Để ngăn chặn sự liên kết bất chính giữa ba cơ quan đó, chính thể dân chủ phải có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng biểu hiện thành nhiều đảng phái khác nhau hoạt động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên để nếu một nhóm người nào đó mà nắm được cả ba quyền lực kia thì nhóm người đó sẽ phải bị kiểm sát chặt chẽ (kiểm tra kết hợp với giám sát) bởi tất cả các nhóm người khác, làm cho ba cơ quan kia phải thật sự độc lập với nhau để cùng nhau thực hiện ý chí chung. Tiếp theo, muốn cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thực hiện triệt để, chính thể dân chủ phải có chế độ bầu cử tự do để ngăn ngừa được tệ nạn quan liêu trong nhà nước dân chủ hoặc bảo đảm được sự bình đẳng thật sự giữa nhà nước dân chủ với toàn thể nhân dân bao gồm mọi cá nhân đều được quy định thành công dân; chế độ bầu cử tự do làm cho người ta lựa chọn được những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng làm cho người lãnh đạo chỉ phụ thuộc vào nhân dân mà phải phục vụ nhân dân, tức là làm cho nhân dân thật sự làm chủ đối với cả ba cơ quan khác nhau cấu thành nhà nước dân chủ. Vậy xét đến cùng, chính thể dân chủ làm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi cá nhân đều làm ra pháp luật rồi lại đều sử dụng pháp luật đồng thời đều bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, mọi cá nhân đều phải làm ra pháp luật bằng các phương pháp công bằng, rồi sử dụng (thi hành) pháp luật bằng các phương pháp tự do đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng các phương pháp bác ái. Một lần nữa câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần lại thể hiện giá trị hiện thực ở đây (xem chú thích 8). Chính vì phải có pháp luật rồi mới có nhà nước dân chủ nên chính thể dân chủ chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện độc lập ba quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho các nhà cầm quyền không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật bất công dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được các nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được các nhà cầm quyền. Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật. Pháp luật chỉ có thể phải bao gồm các quy tắc nghiêm minh biểu hiện thành các điều luật nghiêm minh, các điều luật này bảo tồn Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tự do là tình trạng được làm tất cả những gì có lợi cho mình đồng thời cũng có lợi cho cả người khác biểu hiện thành toàn bộ các quyền làm người thuộc về mỗi cá nhân nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi. Bình đẳng là như nhau hoặc giống nhau về cả quyền lẫn nghĩa vụ. Bác ái là yêu thương người khác như yêu thương chính mình. Pháp luật bao gồm các quy tắc nghiêm minh ngăn ngừa sự xung đột giữa người với người làm cho mọi cá nhân đều được hạnh phúc như nhau; tức là pháp luật không chỉ ngăn cản người ta làm điều xấu xa mà còn thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp, hoặc nói cụ thể hơn: pháp luật thúc đẩy người ta hành xử theo ĐẠO ĐỨC, tức là khả năng làm theo cái THIỆN hoặc khả năng chống lại cái ÁC. Đây chính là nguyên tắc cơ bản cho chính thể dân chủ 14). Bằng pháp luật, chính thể dân chủ đặt để mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ liên đới chỉ sống bằng kinh tế đổi chác làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một cá nhân xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật luôn luôn nhắm đến mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho chính nó, tức là chính thể dân chủ bảo đảm cho pháp luật tồn tại hoặc pháp luật chỉ tồn tại được với chính thể dân chủ mà thôi. Cũng chính vì bảo đảm cho pháp luật tồn tại nên chính thể dân chủ làm cho nhà nước dân chủ trở thành nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước này chỉ tồn tại bằng pháp luật: được thiết lập bằng pháp luật đồng thời được bảo tồn bằng pháp luật cũng như chỉ quản lý bằng pháp luật đồng thời được quản lý bằng pháp luật.
Như vậy, về mặt lý thuyết, chỉ có ba trật tự khác nhau để tổ chức xã hội: chính thể chuyên chế, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Ngoài ba trật tự đó sẽ không còn một trật tự nào khác. Xã hội ở bất cứ đâu vào bất cứ thời đại nào cũng phải được tổ chức theo một trật tự nhất định trong ba trật tự đó, nếu không phải trật tự này thì cũng phải trật tự khác chỉ trong ba trật tự đó thôi 15).
Để có thể làm cho quý độc giả dễ dàng giải quyết được vấn đề hệ trọng được đặt ra ở đây, tức là làm thế nào để xác định được đúng đắn bản chất cho Hiến pháp, tôi sẽ phân chia pháp luật thành hai loại khác nhau: pháp luật trừu tượng khác biệt với pháp luật cụ thể về đối tượng tác động. Pháp luật trừu tượng nhằm vào bản tính vị kỷ nhưng pháp luật cụ thể lại chỉ nhằm vào lĩnh vực hoạt động được thúc đẩy bởi bản tính vị kỷ. Chỉ có một bản tính vị kỷ luôn luôn tồn tại cố định trong mọi cá nhân sống vào mọi lúc nhưng bản tính đó lại gây ra rất nhiều hành động khác nhau luôn luôn biến đổi liên tục từ dạng này sang dạng khác không chỉ được thực hiện bởi mỗi cá nhân nhất định mà còn được thực hiện bởi mọi cá nhân sống vào mọi lúc. Vậy pháp luật trừu tượng chỉ có một dạng duy nhất luôn luôn tồn tại cố định mà không được biến động bất thường nhưng pháp luật cụ thể lại phải có rất nhiều dạng khác nhau luôn luôn biến đổi liên tục từ dạng này sang dạng khác, chẳng hạn như Luật Hình sự, v. v., thỉnh thoảng phải được sửa đổi cho phù hợp với tình thình thực tế. Tuy khác biệt nhau về đối tượng tác động nhưng pháp luật trừu tượng thống nhất với pháp luật cụ thể thành một hệ thống pháp luật, trong đó pháp luật trừu tượng phải làm cơ sở chung cho pháp luật cụ thể để pháp luật cụ thể chỉ biểu hiện cụ thể pháp luật trừu tượng trong từng lĩnh vực nhất định mà thôi.
Pháp luật trừu tượng là pháp luật phải quy định các nguyên tắc chung nhất biểu hiện thành chính thể dân chủ với các quy tắc chính trị bảo đảm cho cả hệ thống pháp luật tồn tại để bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp hoặc động cơ đạo đức thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp hoặc ngăn chặn người ta làm điều xấu xa; pháp luật trừu tượng biểu hiện thành HIẾN PHÁP hoặc HIẾN CHƯƠNG (hoặc một cái gì đó tương tự như vậy). Vì chỉ nhằm vào bản tính vị kỷ mà không hề nhằm vào bất cứ hành vi nào được thúc đẩy bởi chính bản tính đó nên pháp luật trừu tượng được lấy làm đối tượng chính cho việc nghiên cứu ở đây, tức là việc nghiên cứu ở đây chủ yếu chỉ nhằm vào pháp luật theo ý nghĩa rộng nhất cho danh từ đó.
Pháp luật cụ thể là pháp luật chỉ quy định các nguyên tắc riêng cho các hành vi cụ thể được thúc đẩy bởi bản tính vị kỷ; pháp luật cụ thể chỉ biểu hiện pháp luật trừu tượng trong từng lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như dân sự hoặc hình sự, v. v., pháp luật cụ thể cũng có thể phải bao gồm cả pháp luật trừu tượng nhưng chỉ bao gồm pháp luật trừu tượng với một bộ phận nhất định mà thôi, tức là pháp luật cụ thể cũng có thể phải bao gồm một số quy tắc chính trị nhưng các quy tắc này chỉ bao chiếm một bộ phận nhất định cho lĩnh vực chính trị hoặc chỉ làm hệ quả cho lĩnh vực đó, chẳng hạn như đạo luật về đảng phái hoặc đạo luật về bầu cử, v. v.. Chính vì chỉ biểu hiện cụ thể pháp luật trừu tượng trong từng lĩnh vực nhất định hoặc chỉ bao gồm một số quy tắc chính trị mà không thể bao gồm tất cả các quy tắc chính trị nên ở đây pháp luật cụ thể không được xem xét chi tiết trong quan hệ với chính nó mà chỉ có thể được đề cập khái quát trong quan hệ với pháp luật trừu tượng.
Pháp luật trừu tượng biểu hiện thành Hiến pháp hoặc Đạo luật Cơ bản (cũng có thể được gọi là Hiến chương) nhưng pháp luật cụ thể lại chỉ biểu hiện thành các đạo luật cụ thể phù hợp với hiến pháp hoặc chỉ có hiệu lực theo hiến pháp.
Hiến pháp là đạo luật cơ bản làm cơ sở pháp lý cho cả xã hội công dân lẫn nhà nước pháp quyền, bao gồm các điều luật khái quát nhất chỉ quy định chung nhất các quy tắc chính trị bảo đảm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đồng thời bảo đảm cho nhà nước pháp quyền phải được phân chia thành ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vừa độc lập với nhau về cơ thể hoặc nhân sự vừa thống nhất với nhau về ý chí hoặc mục đích để mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn nghĩa vụ dựa trên Tự do – Bình đẳng – Bác ái.
Như vậy, hiến pháp phải quy định xã hội được tổ chức theo chính thể dân chủ, tức là quy định chế độ chính trị phải bảo đảm cho mọi cá nhân đều làm chủ bản thân bằng pháp luật. Trong chính thể dân chủ, mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng mỗi cá nhân nhất định sử dụng như thế nào cả ba quyền lực đó sẽ phụ thuộc vào khả năng riêng ở từng cá nhân nhất định: nếu có hiểu biết hoặc hiểu biết cao thì có thể sử dụng trực tiếp cả ba quyền lực đó nhưng nếu không hiểu biết hoặc hiểu biết thấp thì có thể sử dụng gián tiếp cả ba quyền lực đó thông qua thân nhân hoặc các cơ quan đại diện được bầu chọn bởi chính nhân dân.
Về nội dung, hiến pháp phải bao gồm các điều luật khái quát nhất chỉ quy định chung nhất các quy tắc chính trị bảo đảm cho mọi cá nhân đều có cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đòi hỏi phải phân chia chính quyền thành ba cơ quan khác nhau hoạt động độc lập với nhau để mỗi cơ quan nhất định thực hiện độc lập một quyền lực nhất định trong ba quyền lực đó, nhằm bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã hội, cũng tức là bảo đảm cho mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn nghĩa vụ. Hiến pháp không được bao gồm các điều luật chi tiết quy định cụ thể một lĩnh vực nào đó ngoài các quy tắc chính trị. Ví dụ: Hiến pháp có thể phải quy định khái quát nhất cả quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế nhưng không cần phải quy định chi tiết những cái gì đó được rút ra từ cả quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế, tức là không cần phải quy định chi tiết nền kinh tế hoạt động như thế nào; vì nền kinh tế hoạt động như thế nào sẽ được suy ra từ cả quyền lẫn nghĩa vụ về kinh tế đã được quy định ngay trong hiến pháp nên hiến pháp không cần phải quy định chi tiết nền kinh tế hoạt động như thế nào. Tương tự như vậy, hiến pháp không cần phải quy định chi tiết nền văn hoá hoạt động như thế nào; vì nền văn hoá hoạt động như thế nào sẽ được suy ra từ cả quyền lẫn nghĩa vụ về văn hoá đã được quy định ngay trong hiến pháp nên hiến pháp không cần phải quy định chi tiết nền văn hoá hoạt động như thế nào. Tóm lại, hiến pháp phải đặt trọng tâm vào các nguyên tắc chính trị mà không được sa đà vào những hoạt động cụ thể ngoài các nguyên tắc chính trị mới thể hiện được sự khôn ngoan. Hiến pháp phải thể hiện sự khôn ngoan để phát tiết sự khôn ngoan chứ không được áp đặt sự khôn ngoan để tiêu diệt sự khôn ngoan, hoặc không được lấy sự khôn ngoan làm vỏ bọc để thể hiện bất cứ cái gì đó trái ngược với sự khôn ngoan, làm như vậy sẽ tiêu diệt sự khôn ngoan.
Nội dung như vậy làm cho hiến pháp ắt phải có tính chất nhất quán với các điều luật khái quát thống nhất với nhau hoặc liên quan hữu cơ với nhau: vừa bổ sung cho nhau vừa làm tiền đề cho nhau tồn tại mà không hề loại trừ nhau hoặc không triệt phá nhau, không có điều luật này tiêu diệt điều luật khác cũng như không có điều luật này vô hiệu hoá điều luật khác, hiến pháp không có gì khó hiểu khi có điều luật nọ viện dẫn điều luật kia để thể hiện tính chất nhất quán. Nội dung đó cũng làm cho hiến pháp có tính chất khách quan với tất cả các điều luật khái quát nhất đều thể hiện chân thực ý chí chung cho mọi cá nhân khiến mọi cá nhân đều chấp nhận hiến pháp mà không có cá nhân nào chống lại hiến pháp. Nội dung đó cũng đương nhiên làm cho hiến pháp có tính chất phổ quát với các điều luật khái quát vượt qua mọi giới hạn về cả không gian lẫn thời gian mà trở thành giá trị chung cho cả nhân loại. Ví dụ: Hiến pháp Mỹ không có điều luật chi tiết quy định cụ thể cả lãnh thổ quốc gia lẫn nghi thức quốc gia (quốc kỳ, quốc hiệu, quốc ca, v. v.) làm cho Hiến pháp Mỹ được tiếp nhận rộng rãi bởi nhiều quốc gia khác ngoài nước Mỹ; tính chất phổ quát làm cho Hiến pháp Mỹ bành trướng ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trên khắp thế giới đến mức độ mà càng bị chống cự sẽ càng bành trướng mạnh mẽ hơn. Tất nhiên, Hiến pháp Mỹ cũng có tính chất đặc thù được quy định bởi hoàn cảnh ra đời khác hẳn với tính chất phổ quát được quy định bởi nguyên tắc dân chủ.
Nói như vậy để hiểu rằng: muốn có tính chất nhất quán, hiến pháp phải thực hiện được mục đích cho pháp luật; muốn có tính chất khách quan, hiến pháp phải được làm ra bằng phương pháp khách quan mà không thể được làm ra bằng phương pháp chủ quan, tức là phải được làm ra bởi tất cả các thành phần khác nhau trong nhân dân mà tuyệt đối không thể được làm ra bởi một cá nhân nhất định hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ; muốn có tính chất phổ quát, hiến pháp phải hướng tới pháp luật trừu tượng để trở thành pháp luật trừu tượng mà không được sa đà vào pháp luật cụ thể để rồi chỉ trở thành pháp luật cụ thể.
Về hình thức, hiến pháp có thể được phân chia thành hai loại khác biệt nhau về cách thức thể hiện: Hiến pháp Hữu hình khác biệt với Hiến pháp Vô hình. Hiến pháp Hữu hình là hiến pháp được biểu hiện độc lập thành một đạo luật độc lập với một văn bản độc lập làm cơ sở chung cho cả hệ thống pháp luật, chẳng hạn như Hiến pháp Mỹ. Hiến pháp Vô hình là hiến pháp không được biểu hiện độc lập thành một đạo luật độc lập với một văn bản độc lập mà chỉ được biểu hiện phụ thuộc qua nhiều đạo luật cụ thể với các văn bản cụ thể nhưng vẫn làm cơ sở chung cho cả hệ thống pháp luật, chẳng hạn như Hiến pháp Anh. Dù khác biệt nhau về cách thức thể hiện như vậy, nhưng cả Hiến pháp Hữu hình lẫn Hiến pháp Vô hình đều thể hiện chung thành các điều luật khái quát nhất có nội dung nhất quán như đã được trình bày khái quát ở trên. Do phải thống nhất nội dung với hình thức lại thêm tính chất nhất quán cho cả hai mặt đó nên Hiến pháp không thể được làm ra bởi những người bình thường mà chỉ có thể phải được tạo tác bởi những người trưởng thành về trí tuệ có thể biết suy nghĩ hợp lý theo các quy tắc logic để Hiến pháp phải tuân theo các quy tắc đó, tức là nhân loại phải trưởng thành về trí tuệ mới có thể làm được Hiến pháp theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó để chung sống hòa bình. Điều gì đúng với cả nhân loại đương nhiên cũng đúng với từng dân tộc nhất định. Không nên nói mập mờ như A. De Tocqueville: các Hiến pháp chỉ nhất quán (vừa logic vừa hợp lý) với các dân tộc đang ở tuổi thanh xuân 16), mà phải nói rõ ràng rằng: các Hiến pháp chỉ nhất quán với các dân tộc đã trưởng thành về trí tuệ.
Về cấu trúc hoặc bố cục, Hiến pháp có ba phần khác nhau tương ứng với ba chế định cơ bản.
Phần thứ nhất là chế định về xã hội công dân, trong đó phải bao gồm cả xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập hoạt động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên. Phần này bao gồm các điều luật quy định cả quyền lẫn nghĩa vụ cho mọi cá nhân để mỗi cá nhân trở thành một công dân, trong đó phải nhấn mạnh đặc biệt các quyền chính trị để mọi công dân đều có thể làm chủ đối với nhà nước dân chủ hoặc nhà nước pháp quyền, theo đó Quyền lực Hiến pháp hoăc Quyền lực Lập hiến phải thuộc về mọi công dân. Vì quyền có số lượng phụ thuộc vào khả năng nhận thức, theo đó trình độ nhận thức càng cao sẽ làm cho quyền càng nhiều hoặc càng lớn, nên dù sống cả đời để liệt kê cũng không ai có thể liệt kê được hết tất cả các quyền. Sự thể đó bắt buộc người ta phải phân chia quyền thành hai loại khác nhau về hình thức thể hiện: quyền đại diện phân biệt với quyền ngụ ý. Quyền đại diện là các quyền cơ bản được liệt kê trong Hiến pháp. Quyền ngụ ý là các quyền phát sinh không thể được liệt trong Hiến pháp mà chỉ có thể được suy ra từ các quyền cơ bản đã được liệt kê trong Hiến pháp. Sự thể đó cũng cho thấy việc làm Hiến pháp đòi hỏi phải có tư duy khái quát mới có thể đạt được mục đích tốt đẹp.
Phần thứ hai là chế định về nhà nước dân chủ hoặc nhà nước pháp quyền, bao gồm các điều luật khái quát nhất quy định nhà nước này phải dựa trên ba thiết chế cơ bản như đã được trình bày ở trên, bao gồm: 1/ Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được các nhà cầm quyền lạm dụng quyền lực nhà nước. 2/ Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được các nhà cầm quyền. 3/ Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ hoặc nhà nước pháp quyền phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba thiết chế đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật. Phần này nhất thiết phải quy định cách thức cụ thể để thực hiện từng quyền lực nhất định trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, để sao cho mỗi quyền lực nhất định trong ba quyền lực đó phải bị chế ước bởi hai quyền lực kia: nếu được sử dụng sai lầm dẫn đến quyết định sai lầm thì mỗi quyền lực nhất định trong ba quyền lực đó phải bị phủ quyết đối với quyết định sai lầm bởi hai quyền lực kia.
Phần thứ ba là chế định về bảo vệ hiến pháp bao gồm các điều luật khái quát quy định cơ chế tự vệ cho Hiến pháp để Hiến pháp phải được bảo vệ bởi chính nó, theo đó Hiến pháp không thể chỉ được bảo vệ bởi một cá nhân duy nhất hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ mà phải được bảo vệ bởi mọi cá nhân hoặc ít nhất cũng phải được bảo vệ bởi đại đa số cá nhân trong xã hội. Muốn được bảo vệ bởi mọi cá nhân hoặc ít nhất cũng được bảo vệ bởi đại đa số cá nhân trong xã hội, Hiến pháp phải quy định vị trí tối cao cho chính nó trong cả hệ thống pháp luật để cả hệ thống đó phải lấy Hiến pháp làm nền tảng chung cho mình, tức là tất cả các điều luật khác đều phải dựa vào Hiến pháp hoặc đều phải phù hợp với Hiến pháp. Muốn tự vệ, Hiến pháp phải làm trung tâm cho cả hệ thống pháp luật, theo đó Hiến pháp phải có vị trí tối cao đồng thời phải có giá trị pháp lý cao nhất để mọi điều luật khác đều phải dựa vào Hiến pháp hoặc phải phù hợp với Hiến pháp. Nếu nhà nước pháp quyền mà được phân cấp (được phân chia theo cấp bậc) thì quy phạm pháp luật được ban hành bởi cấp dưới phải phù hợp mà tuyệt đối không được trái ngược với quy phạm pháp luật được ban hành bởi cấp trên.
Tùy theo bản sắc văn hóa mà mỗi cộng đồng nhất định sẽ làm Hiến pháp cho mình theo một cấu trúc nhất định nhưng nói chung Hiến pháp luôn luôn có ba phần khác nhau thống nhất với nhau như đã được trình bày trên đây, theo đó mỗi phần nhất định liên quan chặt chẽ với các phần khác để cả ba phần đó đều phải bảo đảm Quyền lực Hiến pháp hoặc Quyền lực Lập hiến thuộc về mọi cá nhân.
Về hiệu lực, hiến pháp có thể được phân chia thành hai loại đối lập nhau: Hiến pháp Chân chính đối lập với Hiến pháp Giả nguỵ. Hiến pháp Chân chính đã được định nghĩa ở trên, nhờ quy định nhà nước pháp quyền phải dựa trên ba thiết chế cơ bản như đã được trình bày ở trên mà Hiến pháp Chân chính bảo đảm được cho mọi cá nhân đều thực hiện được cả quyền lẫn nghĩa vụ để xã hội có Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Hiến pháp Giả nguỵ là một văn kiện chính trị làm cơ sở pháp lý cho chính thể chuyên chế hoặc chế độ độc tài, bao gồm các điều luật chi tiết vừa mâu thuẫn với nhau vừa mâu thuẫn với chính mình nhằm bảo đảm tập trung quyền lợi cho một cá nhân nhất định hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ đồng thời tập trung nghĩa vụ cho tất cả các cá nhân khác. Hiến pháp Giả nguỵ tách quyền với nghĩa vụ làm cho người nào hưởng quyền sẽ trở thành chủ nhân đối lập thù địch với người nào làm nghĩa vụ sẽ trở thành nô lệ, đồng thời tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một cá nhân nhất định hoặc một số ít cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ làm cho tất cả các cá nhân khác bị mất hết cả ba quyền lực đó. Quả thật, chính vì chỉ có các điều luật chi tiết vừa mâu thuẫn với nhau vừa mâu thuẫn với chính mình nên Hiến pháp Giả nguỵ trở thành con số không (0); con số không cho thấy Hiến pháp Giả nguỵ không có những yếu tố cần thiết cho hiến pháp khiến Hiến pháp Giả ngụy biểu hiện nguyên hình thành Hiến pháp Phản – Hiến pháp. Không có những yếu tố cần thiết cho hiến pháp, Hiến pháp Giả nguỵ không thể bảo đảm cho hệ thống pháp luật tồn tại; hệ thống pháp luật không tồn tại làm cho xã hội không có tự do, không có bình đẳng, không có bác ái, cũng tức là không có hòa bình mà chỉ có chiến tranh. Nhà nước chuyên chế có hẳn cả một rừng luật nhưng chỉ có thể sử dụng luật rừng mà thôi. Hiến pháp Giả nguỵ xuất hiện nhiều trên khắp thế giới từ đầu thế kỷ XX đến nay thể hiện xu hướng lạm dụng đối với hiến pháp, trong đó phải kể đến Hiến pháp Fascist ở nước Đức từ năm 1933 đến năm 1945 vốn tương đồng tự nhiên với Hiến pháp Soviet ở Nga từ năm 1924 đến năm 1991. Hãy quay trở lại Hiến pháp Soviet 1977 đã quy định tại Điều khoản 6 như sau:
“Lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Soviet và hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, là Đảng Cộng sản Soviet. Đảng là của dân, và vì dân.
Đảng Cộng sản, được trang bị bằng Chủ nghĩa Marx – Lenin, quyết định mô hình chung cho sự phát triển của xã hội và đường lối đối nội và đối ngoại của Liên bang Soviet, chỉ đạo các kế hoạch lớn của nhân dân Soviet, và có vai trò lên kế hoạch, hệ thống hóa và chứng minh lý thuyết trong cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Soviet” 17).
Điều khoản này hoàn toàn bất bình đẳng hoặc trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc bình đẳng. Không cần phải thông minh lắm cũng có thể hiểu được rằng điều khoản này đối lập thù địch với pháp luật. Pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng làm cho quyền phải thống nhất với nghĩa vụ hoặc nghĩa vụ phải song hành với quyền, nhưng điều khoản này đã tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào Đảng Cộng sản trong đó chỉ có một số ít đảng viên chủ chốt nắm quyền lãnh đạo thâu tóm cả ba quyền lực đó đồng thời tước đoạt cả ba quyền lực đó đối với mọi cá nhân khác, tức là điều khoản này không chỉ tách rời quyền với nghĩa vụ mà còn đem đối lập quyền với nghĩa vụ nữa hoặc tập trung mọi quyền lợi vào một số ít đảng viên chủ chốt đồng thời tập trung mọi nghĩa vụ vào mọi cá nhân khác, cũng tức là quy định một số ít đảng viên chủ chốt phải làm kẻ thù không đội trời chung với mọi cá nhân khác hoặc quy định mọi cá nhân khác phải làm kẻ thù không đội trời chung với một số ít đảng viên chủ chốt làm cho xã hội soviet trở thành trạng thái tự nhiên đã được mô tả chân thực bởi Thomas Hobbes với những cuộc chiến tranh triền miên cho tất cả chống lại tất cả 18), chưa kể điều khoản này còn áp đặt Chủ nghĩa Marx – Lenin cho xã hội soviet làm cho xã hội đó bị suy thoái trầm trọng về mọi mặt: sùng bái các giá trị kinh tế mà chà đạp lên tất cả các giá trị khác, như tự do, đạo đức, tâm linh, v. v.. Đây chính là điều khoản quan trọng nhất trong Hiến pháp Soviet 1977 nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, điều khoản này không phải là pháp luật mà chỉ là một quy định độc đoán mạo nhận pháp luật để bảo tồn chế độ nô lệ ở Liên bang Soviet làm cho Liên bang Soviet vốn đã rối ren lại càng rối ren hơn nữa. Tình trạng rối ren chỉ thể hiện chân thực cái mâu thuẫn loại trừ nhau giữa điều khoản này với hầu hết các điều khoản khác trong Hiến pháp Soviet 1977. Vậy Hiến pháp đó chỉ thuộc về Hiến pháp Giả ngụy thể hiện trần trụi xu hướng lạm dụng đối với Hiến pháp từ năm 1924 qua năm 1936 đến năm 1977. Chính vì nắm bắt được xu hướng đó nên Friedrich August von Hayek (1899 – 1992) đã phải phân biệt Hiến pháp Tự do với Hiến pháp Nô lệ bằng một tác phẩm trứ danh được xuất bản vào năm 1960 nhằm ngăn ngừa xu hướng đó: The Constitution of Liberty (Hiến pháp về Tự do) 19). Đối lập với Hiến pháp Giả ngụy, Hiến pháp Chân chính hoặc Hiến pháp theo ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó sẽ bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã hội, cũng tức là ngăn ngừa chiến tranh mà duy trì hòa bình cho xã hội để hòa bình luôn luôn làm linh hồn cho Hiến pháp!
Về sức sống hoặc tuổi thọ, Hiến pháp phải khác hẳn tất cả các đạo luật cụ thể. Tất cả các đạo luật cụ thể đều có thể phải biến động theo hoàn cảnh thực tế vốn luôn luôn biến động để đạo luật này có thể được thay thế bằng đạo luật khác nhưng Hiến pháp phải ổn định qua mọi biến động xã hội để sống mãi với trạng thái ổn định theo thời gian bất chấp mọi biến động đó, tức là tất cả các đạo luật cụ thể đều có thể phải được thay thế hoặc phải được sửa đổi vào bất cứ lúc nào để thích nghi với tình hình thực tế vốn luôn luôn thay đổi nhưng Hiến pháp không thể được thay thế hoặc được sửa đổi như vậy mà phải được giữ gìn ổn định qua mọi biến động xã hội trừ khi có những mâu thuẫn rõ ràng về mặt logic cần phải được khắc phục sao cho nhất quán về mặt logic để Hiến pháp phải tồn tại ổn định. Một mặt, do chỉ nhằm tác động vào bản tính vị kỷ vốn chỉ tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc để bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp nên Hiến pháp cũng phải tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến theo bản tính vị kỷ. Bản tính vị kỷ vừa tồn tại xuyên không gian vừa tồn tại vượt thời gian làm cho Hiến pháp cũng phải tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến theo bản tính đó. Nói cho đúng hơn, Hiến pháp phải làm cái ách thường trực cho bản tính vị kỷ để bản tính vị kỷ chỉ thường xuyên thúc đẩy mọi cá nhân hành xử theo đạo đức. Cũng chính vì phải làm cái ách thường trực cho bản tính vị kỷ vốn tồn tại cố định trong mọi cá nhân sống vào mọi lúc nên Hiến pháp nhất thiết phải tồn tại cố định qua mọi biến động xã hội. Mặt khác, do được thiết lập theo đúng các quy tắc logic để logic nội tại phải mang tính chất nhất quán nên Hiến pháp không gây nên xung đột xã hội vốn làm cho Hiến pháp chỉ sống lay lắt hoặc chỉ tồn tại bấp bênh mà luôn luôn mang lại hòa hợp xã hội làm cho Hiến pháp tồn tại cố định với trạng thái ổn định theo thời gian bất chấp mọi biến động xã hội. Dù chỉ được sinh ra một lần nhưng Hiến pháp theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó sẽ không bao giờ chết mà phải sống mãi với trạng thái ổn định theo thời gian qua mọi biến động xã hội. Tất nhiên, yêu cầu này không thể được thỏa mãn hoàn toàn bởi Hiến pháp Giả ngụy mà chỉ có thể được thỏa mãn hoàn toàn bởi Hiến pháp Chân chính. Cần phải minh định rõ ràng như vậy bằng quan niệm đúng đắn về Hiến pháp. Hiến pháp Giả ngụy luôn luôn có những mâu thuẫn nội tại về mặt logic rất nguy hiểm cho chính nó, cũng như những căn bệnh nan y rất nguy hiểm cho cơ thể sống. Mặc dù cũng muốn sống mãi với trạng thái ổn định theo bản tính vị kỷ vốn tồn tại cố định trong mọi cá nhân sống vào mọi lúc nhưng vì có những mâu thuẫn nội tại về mặt logic mà sẽ gây nên xung đột xã hội nên Hiến pháp Giả ngụy không thể sống mãi với trạng thái thái ổn định theo thời gian mà sẽ chết vào một thời điểm nào đó sau khi gây nên vô số tai họa cho chính tác giả. Trong Hiến pháp Giả ngụy luôn luôn có những mâu thuẫn logic giữa các điều luật khác nhau: điều luật này có thể quy định rằng: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng điều luật khác lại có thể quy định rằng: chỉ một số ít công dân nào đó nắm giữ mãi mãi cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, để cai trị tất cả các công dân khác theo nguyên tắc xiêu lệch hoặc nguyên tắc bất bình đẳng làm cho ngay cả khái niệm về công dân cũng bị mất nội hàm xác định để rồi chỉ mang nội hàm xác định cho khái niệm về thần dân hoặc nô lệ thôi. Nói mọi người đều bình đẳng rồi lại nói mọi người không bình đẳng chẳng qua chỉ nói dối làm cho người ta mất lòng tin hoặc không thể tin vào lời nói đó. Mâu thuẫn đó làm nên sức sống bấp bênh hoặc sức sống mong manh cho Hiến pháp Giả ngụy để Hiến pháp Giả ngụy không thể ổn định qua mọi biến động mà sẽ luôn luôn biến động theo sự biến động xã hội với một trong hai khả năng xác định: thứ nhất, Hiến pháp Giả ngụy không thể sống lâu mà sẽ tự hủy diệt mình rồi được thay thế bằng Hiến pháp Chân chính, sự thức tỉnh tinh thần sẽ làm điều kiện tất yếu cho khả năng đó; thứ hai, Hiến pháp Giả ngụy được sửa đổi dễ dàng như trở bàn tay chẳng khác gì tất cả các đạo luật cụ thể, sự u mê tinh thần sẽ làm điều kiện tất yếu cho khả năng này. Nếu không tự hủy diệt mình rồi được thay thế bằng Hiến pháp Chân chính thì Hiến pháp Giả ngụy sẽ được sửa đổi thường xuyên theo nhiều cách bất thường mà đẩy cả xã hội vào chiến tranh triền miên giữa người với người. Đối lập với Hiến pháp Giả ngụy, Hiến pháp Chân chính luôn luôn có sự nhất quán nội tại về mặt logic. Sự nhất quán này làm nên sức sống vĩnh cửu hoặc khả năng trường tồn cho Hiến pháp Chân chính để Hiến pháp Chân chính có thể ổn định qua mọi biến động. Cho dù có thể bị tiêu diệt bởi bất cứ nguyên nhân nào hoặc bị bức tử bởi bất cứ thế lực nào, Hiến pháp Chân chính cũng sẽ phục sinh cùng với tinh thần dân chủ.
Vẫn biết rằng không có gì hoàn hảo tuyệt đối. Ngay cả Hiến pháp cũng vậy. Khi mới ra đời, Hiến pháp nào cũng có thể vi phạm các quy tắc logic mà có những mâu thuẫn nội tại về mặt logic đòi hỏi phải được khắc phục bởi chính tác giả, như trẻ con sơ sinh cần phải được chăm sóc bởi chính cha mẹ vậy. Tác giả như thế nào sẽ tạo ra tác phẩm như thế. Tác giả thông minh sẽ khắc phục được những mâu thuẫn nội tại về mặt logic bằng các quy tắc logic để Hiến pháp Sơ sinh lớn khôn thành Hiến pháp Chân chính. Người Mỹ đã rất thông minh khi tạo ra được Hiến pháp 1787 nhưng Người Mỹ còn thông minh hơn nữa khi biết khắc phục những mâu thuẫn logic trong Hiến pháp đó bằng các quy tắc logic từ năm 1789 đến năm 1992 để Hiến pháp đó lớn khôn thành Hiến pháp Chân chính. Ngược lại, tác giả u mê sẽ không thể khắc phục được những mâu thuẫn nội tại về mặt logic bằng các quy tắc logic mà sẽ chỉ làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn đó bằng các lý lẽ tư biện vừa thô thiển vừa cùn quịt để Hiến pháp Sơ sinh nhỏ dại thành Hiến pháp Giả ngụy. Nhiều người tin rằng việc làm ra Hiến pháp Giả ngụy luôn luôn chỉ được thúc đẩy bởi lợi ích cục bộ thuộc về một số ít tác giả nào đó nhưng tôi không chỉ tin vào quan điểm đó mà còn phải tin vào một quan điểm khác cho rằng lợi ích cục bộ chỉ được sinh ra từ ý thức u mê. Từ đó suy ra rằng tác giả nào cũng tham lam nhưng không phải tác giả nào cũng u mê. Một cộng đồng u mê sẽ chỉ làm ra được Hiến pháp Giả ngụy với quyền tác giả chỉ thuộc về một số ít kẻ nào vừa mạnh nhất về bạo lực vừa giỏi nhất về ngụy biện trong cộng đồng đó, còn lại đa số người khác yếu kém hơn về trí tuệ đương nhiên phải chấp nhận Hiến pháp Giả ngụy được áp đặt khiên cưỡng bởi một số ít người kia. Người ta có thể bác bỏ ý kiến này bằng một ý kiến khác cho rằng: đa số người khác thông minh hơn nhưng sợ hãi mà không dám phản đối đành phải chấp nhận miễn cưỡng Hiến pháp Giả ngụy. Ý kiến đó hoàn toàn không có sức thuyết phục đối với những người thông minh. Phản đối mà sợ hãi đến nỗi không dám nói thành lời chẳng qua chỉ thể hiện sự ủng hộ dưới dạng miễn cưỡng, chưa kể sự im lặng còn có thể thể hiện sự đồng ý hoặc thậm chí còn có thể thể hiện sự đồng lõa! Trong đa số người đó có thể có một số người nào đó thật sự thông minh dám lên tiếng phản đối Hiến pháp Giả ngụy nhưng một số người đó không nhận được sự ủng hộ bằng lời nói mà chỉ nhận được ủng hộ bằng câm lặng khiến họ trở thành tiếng nói trong sa mạc, họ đang sống mà như đã chết theo mọi người đồng chí câm lặng! Phải khẳng định chắc chắn mà không sợ sai lầm rằng một cộng đồng u mê vẫn có những người thông minh nhưng số người đó quá ít vừa không thể khai sáng cho nhiều người khác trong cộng đồng đó vừa không thể làm đại diện cho cả cộng đồng đó. Trong cộng đồng đó, sẽ sai lầm chết người khi tuyên bố rằng đa số luôn luôn đúng rồi thành tâm tin vào lời tuyên bố đó. Vậy cần phải thừa nhận rằng một cộng đồng u mê sẽ cùng làm ra Hiến pháp Giả ngụy nhưng quyền tác giả đối với Hiến pháp đó chỉ thuộc về một số ít kẻ nào mạnh nhất về bạo lực đồng thời cũng giỏi nhất về ngụy biện trong cộng đồng đó đối lập với đa số người khác cùng làm tác giả nhưng không có quyền tác giả đối với Hiến pháp đó, nếu đa số người đó mà được thừa nhận hoặc bị xác quyết có quyền tác giả đối với Hiến pháp Giả ngụy thì chẳng qua họ chỉ được tiêm thêm thuốc mê mà thôi. Ngược lại, một cộng đồng thông minh sẽ cùng làm ra được Hiến pháp Chân chính với quyền tác giả phải đương nhiên thuộc về mọi cá nhân trong cộng đồng đó.
Hiến pháp nào cho bất cứ cộng đồng nào cũng không thể được làm riêng bởi một cá nhân duy nhất hoặc một số ít người nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ trong cộng đồng đó mà chỉ có thể phải được làm chung bởi tất cả các cá nhân trong cộng đồng đó. Nhưng Hiến pháp Chân chính phải được làm bằng ý chí chung dựa trên sự đồng thuận chính trị đối lập với Hiến pháp Giả ngụy chỉ được làm bằng ý chí riêng dựa trên sự dị nghịch chính trị. Cộng đồng nào cũng đa nguyên về chính trị nhưng một cộng đồng u mê với tư duy lộn xộn sẽ không tìm kiếm được sự đồng thuận chính trị mà phải phó mặc cho sự dị nghịch chính trị để một số ít kẻ nào mạnh nhất về bạo lực đồng thời cũng giỏi nhất về ngụy biện khéo che giấu ý đồ xấu bằng ngôn từ hoa mỹ chủ động áp đặt Hiến pháp Giả ngụy cho cả cộng đồng đó, còn lại những người khác chỉ thụ động chấp nhận Hiến pháp đó mà không biết gì về Hiến pháp hoặc biết mà không dám nói gì về Hiến pháp, không luận bàn gì về Hiến pháp, không làm gì về Hiến pháp, tức là họ cũng tham gia làm ra Hiến pháp Giả ngụy bằng thái độ bàng quan (không nói gì mà cũng chẳng làm gì, giống như thái độ vô vi trong Đạo giáo). Nếu có người nào phản đối Hiến pháp Giả ngụy thì số người này phải nhỏ bé đến nỗi có thể bị bịt miệng dễ dàng bởi những người khác. Ngược lại, một cộng đồng thông minh với tư duy nhất quán sẽ tìm kiếm được sự đồng thuận chính trị để làm ra được Hiến pháp Chân chính với sự nhất quán nội tại về mặt logic như đã được trình bày rõ ràng ở trên kia. A. De Tocqueville đã gần đúng khi nói rằng: các hiến pháp chỉ nhất quán (vừa logic vừa hợp lý) với các dân tộc đang ở tuổi thanh xuân20). Lẽ ra A. De Tocqueville phải nói cho đúng rằng: các hiến pháp chỉ nhất quán với các dân tộc đang ở tuổi trưởng thành. Quả thật, chỉ các dân tộc đang ở tuổi trưởng thành mới có thể làm được Hiến pháp vừa logic vừa hợp lý với các điều luật khái quát nhất chỉ thống nhất với nhau mà không loại trừ nhau, tức là Hiến pháp Chân chính.
Vậy muốn làm được Hiến pháp Chân chính, nhất thiết phải biết tư duy nhất quán. Muốn biết tư duy nhất quán, cộng đồng nào cũng cần phải được khai thông tư tưởng bởi các triết gia (Philosophers) hoặc các nhà tư tưởng (Thinkers). Từ đó suy ra rằng bất cứ cộng đồng nào muốn làm được Hiến pháp Chân chính cũng trước hết cần phải có hệ tư tưởng khai sáng.
Ở Hy lạp vào thời đại cổ xưa, Aristote đã sưu tầm được 58 Hiến pháp. Tất cả đều được xác định phải làm đạo luật nền tảng cho cả hệ thống pháp luật nhưng không có cái nào giống Hiến pháp Chân chính được trình bày rõ ràng ở đây. Có lẽ chính vì không có những đặc tính cần thiết cho một Hiến pháp Chân chính nên tất cả đều bị tiêu vong làm cho nền dân chủ cổ điển, vốn chỉ bảo đảm tự do cho một số ít người, cũng bị tiêu vong theo chúng.
Ở đây cần phải khắc phục một sự ngộ nhận đáng tiếc về Charles de Secondat Montesquieu (1689 – 1755) cho rằng ông đã phát triển toàn diện quy chế phân lập tam quyền, sự ngộ nhận đó làm cho người ta thường nghĩ ngay đến ông mỗi khi nhắc tới quy chế phân lập tam quyền. Thật ra, C. S. Montesquieu chỉ đóng góp một phần nhất định tuy nổi bật nhất nhưng không quan trọng nhất vào lý thuyết khoa học về quy chế phân lập tam quyền mà không hề xây dựng tất cả lý thuyết đó.
Dựa vào C. S. Montesquieu, người ta tin tưởng chắc chắn rằng, quy chế phân lập tam quyền làm nền tảng cơ bản nhất cho chính thể dân chủ, niềm tin tưởng đó chỉ có thể có cơ sở trên lý thuyết nhưng thực tế đã cho thấy rằng, quy chế phân lập tam quyền chỉ tồn tại được với ít nhất hai thiết chế khác (bao gồm cả nguyên tắc đa nguyên bình đẳng lẫn chế độ bầu cử tự do) làm điều kiện cần thiết cho quy chế kia tồn tại. Sự thể này cho thấy thực tiễn chính trị đã vượt qua C. S. Montesquieu.
C. S. Montesquieu đã giải thích tư biện về nguồn gốc sinh ra pháp luật để rồi giải thích sai lạc nguyên nhân thật sự dẫn đến sự phân chia cơ quan lập pháp thành hai thiết chế khác nhau: Hạ Nghị viện phân biệt với Thượng Nghị viện. Ông cũng không giải thích tại sao phải tổ chức hoạt động cho nhà nước pháp quyền theo quy chế phân lập tam quyền, tức là ông không hình dung được bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc đồng thời cũng không hiểu được chính bản tính đó đã đòi hỏi nhà nước pháp quyền phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. John Locke đã từng xác lập được quan niệm sơ lược tuy thiếu sót nhưng đúng đắn về bản tính vị kỷ có thể được lấy làm tiền đề xuất phát cho các thế hệ sau 21). Vậy mà C. S. Montesquieu đã không lấy quan niệm đó để giải thích đúng đắn nguyên nhân thật sự cho quy chế phân lập tạm quyền. Phải chăng ông giả định ngầm rằng độc giả đã biết rồi khiến ông cảm thấy không cần phải nói lại nữa?
Không thể phủ nhận được rằng C. S. Montesquieu đã có ảnh hưởng lớn đối với Hiến pháp Mỹ nhưng có thể khẳng định được rằng ảnh hưởng đó không có tác dụng quyết định đối với Hiến pháp Mỹ. Cho dù chính quyền được tổ chức theo “quy chế phân lập tam quyền” nhưng nếu cả ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều chỉ bị kiểm soát bởi một phe nhóm nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ mà không hề bị kiểm sát bởi toàn thể nhân dân vốn dĩ bao gồm nhiều thành phần khác nhau về cả quyền lợi lẫn ý đồ thì quy chế phân lập tam quyền sẽ trở nên vô nghĩa. Sự thể đó cho thấy rằng nguyên tắc đa nguyên bình đẳng quan trọng hơn nhiều so với quy chế phân lập tam quyền. Ở ngay chính nước Mỹ vẫn có những cơ chế tổ chức chỉ thuộc về chính thể quý tộc, như Thượng Nghị viện có số lượng thành viên bằng nhau cho các bang khác nhau về dân số, Thượng Nghị viện thực hiện quyền lực tư pháp đối với Tòa án, hoặc có vẻ nghiêm trọng hơn cho Bang Nebraska chỉ có Nghị viện Tập trung mà không phải có Nghị viện Phân tán thành Thượng Nghị viện độc lập với Hạ Nghị viện, v. v.. Tuy nhiên, vì có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thể hiện rõ ràng qua Tuyên ngôn về Nhân quyền trong Hiến pháp nên cơ chế đó bị mất tính chất quý tộc mà hầu như chỉ có tính chất dân chủ.
Cùng thời với C. S. Montesquieu, Marquis d’Argenson (1694 – 1757) dám so sánh ví von thế này: “Dân tộc ở trên các ông vua như Nhà Thờ Công giáo ở trên Giáo hoàng” 22). Tác gia đó muốn khẳng định rằng quyền lợi chung phải được đặt lên trên quyền lợi riêng.
Tiếp theo M. d’Argenson, Emmanuel Joseph Sieyès (sinh ngày 3 Tháng Ba 1748 – mất ngày 20 Tháng Sáu 1836), đưa ra một giải pháp trọn vẹn mang tính chất cách mạng để giải quyết tranh chấp giữa “Hiến pháp” với “những luật căn bản của vương quyền”. Ông giải quyết bằng cách từ bỏ việc lập luận bằng quyền lịch sử để lập luận bằng quyền tự nhiên. E. J. Sieyès tóm tắt: “Hiến pháp bao gồm đồng thời: việc thành lập và tổ chức nội bộ các quyền lực khác nhau của nhà nước, mối tương quan tất yếu và sự độc lập giữa các quyền lực đó, và cuối cùng, những cảnh giác chính trị phải cẩn thận xây dựng chung quanh, để các quyền lực đó lúc nào cũng có ích lợi nhưng không bao giờ trở thành nguy hiểm. Đó là ý nghĩa chính xác của danh từ hiến pháp; ý nghĩa đó liên quan đến toàn thể quyền lực của nhà nước và sự phân chia những quyền lực đó” 23).
Thomas Paine (1737 – 1836), lý thuyết gia nổi bật cho Cách mạng Mỹ, nói rõ: “Hiến pháp là một văn bản không phải của chính quyền mà của dân chúng tạo ra một chính quyền, và một chính quyền không có Hiến pháp là một chính quyền không có luật” 24). Ông nhắc lại lần nữa: “Một Hiến pháp là một điều có trước chính quyền, và một chính quyền chỉ là con đẻ của một Hiến pháp. Hiến pháp của một nước không phải là văn bản của một chính quyền mà của dân chúng tạo ra một chính quyền” 25).
Jean Joseph Mounier (1758 – 1806) đã phát biểu: “Nếu quyền lực không có giới hạn, quyền lực tất yếu trở thành tùy tiện, và không có gì trực tiếp đối chọi với một Hiến pháp bằng bạo quyền”. Tư tưởng đó được viết chắc nịch như đinh đóng cột trong Điều 16 cho Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền: “Bất cứ xã hội nào trong đó các quyền không được bảo đảm và sự phân quyền không được tôn trọng, xã hội đó không có Hiến pháp” 26).
Ferdinand Lassalle (1825 – 1864), một nhà marxist trứ danh người Đức gốc Do thái về cuối đời đã ly khai với Chủ nghĩa Marx để đi theo chủ nghĩa dân chủ. Ông đã phân chia Hiến pháp thành hai loại khác nhau: một loại được gọi là Hiến pháp Thành văn, khác hẳn một loại được gọi là Hiến pháp Thực tồn. Hiến pháp Thành văn được xác định bằng một văn bản pháp lý ghi nhận quyền lợi cùng với nghĩa vụ cho các bên giáo ước. Hiến pháp Thực tồn được xác định bằng những mối tương quan quyền lực giữa các thành phần khác nhau hoặc các giai cấp khác nhau tồn tại thực tế trong một đất nước 27). Loại này lúc nào cũng có nhưng loại kia không phải lúc nào cũng có mà lúc có lúc không tùy thuộc vào mối quan hệ tương tác với loại này. Ông lập luận rằng nếu hai loại đó mà trùng khớp nhau thì sẽ không có mâu thuẫn làm cho Hiến pháp Thành văn tồn tại bền vững nhưng nếu hai loại đó mà sai lệch nhau thì sẽ có mâu thuẫn biểu hiện thực tế thành xung đột xã hội làm cho Hiến pháp Thành văn bị tiêu diệt. Tuy đã từ bỏ Chủ nghĩa Marx nhưng vào năm 1862, khi phát biểu về bản chất của Hiến pháp, F. Lassalle vẫn chưa thoát khỏi tư duy tư biện về Hiến pháp hoặc thậm chí người ta còn có thể cảm nhận được mùi vị đặc trưng từ đấu tranh giai cấp trong Hiến pháp Thực tồn được dùng làm câu trả lời đặc thù theo kiểu F. Lassalle cho câu hỏi này: Hiến pháp của một quốc gia là cái gì?
Charles De Gaulle (1890 – 1970) làm một hiến pháp mới – hiến pháp hiện tại – cho nước Pháp để chấm dứt một trật tự cũ đồng thời thiết lập một trật tự mới, mở đầu cho nền Cộng hòa thứ Năm. Trong một cuộc họp báo quan trọng vào ngày 31 Tháng Giêng 1964, ông định nghĩa Hiến pháp bằng một câu nói nổi tiếng: “Hiến pháp là một tinh thần, những định chế, một thực tiễn” 28).
Giáo sư Cao Huy Thuần muốn nói gì khi nhắc lại những kiến thức phổ thông trên đây? Duy nhất điều này thôi: lịch sử của khái niệm hiến pháp bắt đầu từ một khao khát: tự do; khao khát đó sẽ không bao giờ thực hiện được trước một quyền lực tuyệt đối; để quyền lực không phải là bạo lực, phải phân quyền; để sự phân quyền được rõ ràng, minh bạch, phải ghi thành luật, luật đó là tối thượng, là mẹ của mọi thứ luật khác. Nghĩa là: để định nghĩa hiến pháp là gì, đừng quên rằng bắt đầu quá trình là một ý tưởng chính trị và kết thúc là một văn bản luật pháp, từ đó mà quyết định cái gì là hợp pháp, cái gì là bất hợp pháp trong mọi hành động lập pháp và lập quy của các cơ quan nhà nước. Chỉ một ý đó thôi mà tác giả đã lặp đi lặp lại bao nhiêu lần: Hiến pháp là một ý tưởng chính trị được luật hóa vào một giai đoạn quan trọng nào đó của lịch sử để một trật tự chính trị trở thành chính đáng. Điều này bao gồm hai ý nghĩa: thứ nhất, trật tự chính trị nào cũng mượn danh nghĩa luật để trở thành một trật tự pháp lý; nhưng thứ hai, không luật pháp nào ban tính chính đáng cho một trật tự chính trị nếu luật đó không xuất phát từ nguyện vọng đích thực của nhân dân 29).
Tất cả đều quên mất một nguyên tắc quan trọng nhất. Đó là nguyên tắc đa nguyên bình đẳng phải làm nền tảng pháp lý cho nguyên tắc phân quyền. Không có nền tảng đó, nguyên tắc phân quyền sẽ không bao giờ được tôn trọng, càng không bao giờ được thực thi nghiêm chỉnh trên thực tế. Vậy Hiến pháp cần phải đặt nặng nền tảng đa nguyên cho nguyên tắc phân quyền để mới có thể bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã hội.
Với tác dụng bảo đảm Tự do – Bình đẳng – Bác ái cho xã hội, Hiến pháp vừa thể hiện tư tưởng chính trị cho chính thể dân chủ vừa làm thiết chế chính trị hoặc quy tắc chính trị mang tính chất pháp lý cho chính thể đó để mọi cá nhân tham gia đều phải bảo vệ Hiến pháp mới có thể được thỏa mãn nhu cầu. Bảo vệ Hiến pháp chẳng qua chỉ bảo vệ chính thể dân chủ mà thôi.
Chính thể dân chủ là chế độ chính trị bảo đảm cho mọi cá nhân đều có thể làm chủ bản thân bằng ý chí biểu hiện thành pháp luật dựa trên ba thiết chế cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia độc lập về nhân sự thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện ba quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho các nhà cầm quyền không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật bất công dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo định nghĩa, chính thể dân chủ vẫn chưa hình thành đầy đủ mà mới chỉ xuất hiện manh nha trên phạm vi thế giới để chỉ có một bộ phận nhân loại được hưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái, phần còn lại vẫn phải sống theo chính thể chuyên chế. Thế giới ngày nay chỉ làm hình ảnh mở rộng cho các nền dân chủ manh nha trước thế kỷ XX mà thôi. Chính thủ tục biểu quyết cho Hội đồng Bảo an trực thuộc Liên hiệp Quốc được quy định bởi Hiến chương 1945 đã chứng tỏ rõ ràng như vậy, theo đó chỉ cần có một nước duy nhất bất kể dân chủ hay độc tài làm thành viên thường trực cho Hội đồng Bảo an mà phủ quyết hoặc bác bỏ cũng đã ngăn chặn được bất cứ một nghị quyết nào làm cho quyền quyết định chỉ thuộc về chính nước đó chứ không thuộc về Hội đồng Bảo an, nếu nước đó vẫn theo chính thể chuyên chế thì hậu quả chính trị sẽ vô cùng khủng khiếp về cả kinh tế lẫn tư tưởng, việc phủ quyết được thực hiện bởi một nước độc tài không chỉ làm bại hoại đạo đức mà còn làm tổn hại sự sống cho bất cứ thành phần nào bị tác động bởi chính việc đó. Một thế giới chuyên quyền với hệ quả thảm khốc như vậy vẫn còn xa lạ với chính thể dân chủ.
Tuy nhiên, nếu chỉ xem xét trong phạm vi quốc gia hoặc phạm vi khu vực cho một nước nào đó hoặc một khu vực nào đó thì quả thật chính thể dân chủ đã hình thành đầy đủ tại một số quốc gia nào đó hoặc một số khu vực nào đó, chẳng hạn như nước Mỹ từ cuối thế kỷ XX đến nay cũng như Liên minh Âu châu (EU) trong cùng thời kỳ đó.
Trừu tượng hoá ở mức độ cao nhất, chính thể dân chủ được khái quát thành một chế độ chính trị có ba nền tảng cơ bản nhất: 1/ Nhà nước dân chủ được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền thành ba cơ quan độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp; 2/ Nhà nước dân chủ được làm chủ trực tiếp theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi nhiều tổ chức độc lập; 3/ Nhà nước dân chủ được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do bởi toàn thể nhân dân.
Thực tế trên thế giới hiện nay, chính thể dân chủ lại tồn tại với ba hình thức cơ bản. Hình thức thứ nhất là Cộng hoà Nguyên thủ hoặc Cộng hoà Tổng thống như vẫn thường gọi, theo đó người đứng đầu cơ quan hành pháp, tức Nguyên thủ hoặc Tổng thống, được bầu chọn trực tiếp bởi toàn thể nhân dân; hình thức này tồn tại ở Mỹ, Philippines, Indonesia, v. v.. Hình thức thứ hai là Cộng hoà Đại nghị, theo đó người đứng đầu cơ quan hành pháp, tức Thủ tướng, được bầu chọn trực tiếp bởi cơ quan lập pháp mà cơ quan này cũng được bầu chọn trực tiếp bởi toàn thể nhân dân, tức là người đứng đầu cơ quan hành pháp chỉ được bầu chọn gián tiếp bởi toàn thể nhân dân; hình thức này tồn tại ở Anh, Úc, Nhật bản, v. v.. Hình thức thứ ba là Cộng hoà Hỗn hợp, theo đó Cộng hoà Nguyên thủ lai ghép với Cộng hoà Đại nghị tạo ra nhiều biến thể khác nhau: có biến thể mà người đứng đầu cơ quan hành pháp được bầu chọn trực tiếp bởi toàn thể nhân dân làm Tổng thống rồi Tổng thống đề cử một người khác cho cơ quan lập pháp phê chuẩn làm Thủ tướng, biến thể này tồn tại ở Pháp, Nam Việt nam (trước năm 1975), Nam Triều tiên, v. v. (nhiều người tin rằng Pháp có ảnh hưởng nhiều đến Việt nam); có biến thể mà người đứng đầu cơ quan hành pháp lại được bầu chọn trực tiếp bởi cơ quan lập pháp làm Thủ tướng đồng thời bị kiểm sát trực tiếp bởi Tổng thống vốn cũng được bầu chọn trực tiếp bởi cơ quan lập pháp (Tổng thống chỉ làm đại diện danh nghĩa cho nhà nước dân chủ), biến thể này tồn tại ở Đức, Ấn độ, v. v.; ngoài ra có thể còn có nhiều biến thể khác theo hình thức này.
Ba hình thức cơ bản được kể trên đồng nhất với nhau ở hai nền tảng cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ được làm chủ trực tiếp theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi xã hội dân sự với nhiều tổ chức độc lập; và 2/ Nhà nước dân chủ được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do bởi toàn thể nhân dân; nhưng phân biệt với nhau ở quy chế phân lập tam quyền, tức là khác nhau về cách thức để thực hiện quy chế đó. Mặc dù cả ba hình thức đó đều có nhà nước pháp quyền được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền nhưng trong đó Cộng hoà Nguyên thủ tỏ ra ưu việt hơn cả với quy định người đứng đầu cơ quan hành pháp được bầu chọn trực tiếp bởi toàn thể nhân dân làm cho người đó không bị phụ thuộc vào cơ quan lập pháp (mặc dù vẫn phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi cơ quan này để không thể lạm dụng quyền lực hành pháp!) mà chỉ bị phụ thuộc vào toàn thể nhân dân để rồi phải phục vụ toàn thể nhân dân chứ không chỉ phục vụ cơ quan lập pháp. Tuy nhiên hình thức này vẫn chưa hoàn thiện mà còn cần phải được phát triển hơn nữa.
Thật vậy, Hiến pháp ở Mỹ có hai vấn đề cần phải được giải quyết: 1/ Thượng Nghị viện nắm quyền xét xử đối với Toà án cũng như Toà án nắm quyền xét xử đối với Thượng Nghị viện làm cho hai cơ quan đó có thể liên kết bất chính với nhau mà ưu thế tương đối hình như thiên về Toà án? 2/ Nhân quyền đã được quy định rõ ràng bằng Tuyên ngôn về Nhân quyền nhưng việc làm chủ nhà nước pháp quyền theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng lại không được quy định rõ ràng như vậy bằng các điều luật cụ thể làm cho nguy cơ bị lạm dụng có thể nảy sinh? Nhưng bằng Tuyên ngôn về Nhân quyền, Hiến pháp ở Mỹ đã bảo đảm được cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được tuân thủ triệt để thể hiện thành nhiều tổ chức độc lập phát triển mạnh mẽ để ngăn ngừa được sự liên kết bất chính giữa Toà án với Thượng Nghị viện. Phải chăng Hiến pháp ở Mỹ phù hợp với tình hình thực tế ở Mỹ nhưng không chắc chắn sẽ phù hợp với tình hình thực tế ở các nơi khác trên thế giới?
Tôi phân tích như vậy để quý độc giả thấy rằng thế giới hiện nay vẫn chưa có một mô hình phổ quát cho chính thể dân chủ đồng thời cũng tin rằng lý thuyết hoàn chỉnh về chính thể đó được trình bày ở đây sẽ được lấy làm mô hình phổ quát cho chế độ dân chủ.
Vậy về hình thức thể hiện, chính thể dân chủ có thể có nhiều loại khác nhau nhưng về nội dung quy định, chính thể dân chủ chỉ có một loại duy nhất với ba thiết chế cơ bản đã được trình bày ở đây: 1/ Nhà nước dân chủ được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền thành ba cơ quan độc lập: lập pháp, hành pháp và tư pháp; 2/ Nhà nước dân chủ được làm chủ trực tiếp theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi nhiều tổ chức độc lập; 3/ Nhà nước dân chủ được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do bởi toàn thể nhân dân.
Bằng việc phân tích khoa học theo kiểu thuần túy nghiêng về tư tưởng dân chủ nhiều hơn thiết chế dân chủ, David Held đã đưa ra mười mô hình khác nhau về dân chủ: 1/ mô hình cổ điển; 2/ mô hình cộng hòa; 3/ mô hình tự do; 4/ mô hình trực tiếp; 5/ mô hình tinh hoa; 6/ mô hình đa nguyên; 7/ mô hình hợp pháp; 8/ mô hình tham gia; 9/ mô hình thảo luận; và 10/ mô hình chiết trung được đề xuất thận trọng bởi chính D. Held trong “Models Of Democracy” (Các Mô hình Dân chủ) – một tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng dân chủ 30). Trong đó bốn mô hình trước không thật sự dân chủ: mô hình cổ điển hết sức thô sơ hoặc thậm chí cực kỳ thô thiển nhưng đã đóng góp nhiều ý tưởng kinh điển về dân chủ cho các thế hệ sau; mô hình cộng hòa không thật sự cộng hòa hoặc chỉ cộng hòa nửa vời, không phải cộng hòa cho mọi cá nhân tham gia hoặc mọi cá nhân chịu tác động mà chỉ cộng hòa cho tầng lớp thống trị; mô hình tự do cũng chỉ tự do nửa vời làm cho tự do trở thành tùy tiện, tự do không được dành cho mọi cá nhân hoặc mọi cá nhân chịu tác động mà chỉ được dành cho tầng lớp thống trị vốn chỉ chiếm một số ít trong cộng đồng theo mô hình này, chính sự thể đó đã làm cho tự do trở thành tùy tiện: tự do được dành cho tầng lớp thống trị để tầng lớp này tùy tiện khi hành xử với các tầng lớp khác, cũng tức là tầng lớp thống trị làm hại các tầng lớp khác; mô hình trực tiếp được đề xuất bởi cả Karl Marx lẫn Friedrich Engels không những phi dân chủ mà còn phản dân chủ hoặc chuyên chế cùng cực như chính D. Held đã chứng minh được rõ ràng như vậy khiến tôi phải phản đối kịch liệt D. Held đã gán ghép tính chất dân chủ cho mô hình này hoặc đã đặt để mô hình này vào khái niệm về dân chủ, mô hình này được đề xuất nhằm khắc phục những khuyết tật cố hữu cho ba mô hình đầu tiên nhưng vì bác bỏ hoặc chống lại những nền tảng tích cực nhất thể hiện thành chủ nghĩa cá nhân mới hình thành ở dạng sơ khai làm nền tảng tinh thần cho cả ba mô hình đó nên mô hình này không những phi dân chủ mà còn phản dân chủ; đối lập với ba mô hình đầu tiên tuy còn phiến diện hoặc thiếu sót cần phải được khắc phục để phát triển nhưng cũng đã đóng góp nhiều tư tưởng quý hóa về dân chủ cho các thế hệ sau, mô hình trực tiếp không những không đóng góp được gì tốt đẹp cho các thế hệ sau mà còn làm cho các thế hệ đó khiếp sợ hãi hùng mỗi khi nghĩ lại về mô hình này, tất nhiên phải trừ ra những người nào có đầu óc bất thường như Hugo Chávez (1954 – 2013) ở Venezuela chẳng hạn sẽ không cảm thấy như thế. Tiếp theo bốn mô hình trước, sẽ không sợ sai lầm khi khẳng định chắc chắn rằng sáu mô hình sau thật sự dân chủ, nhưng thật ra sáu mô hình đó chỉ thể hiện sáu hình thức khác nhau cho một mô hình duy nhất mà thôi, mô hình đó chính là chính thể dân chủ với ba thiết chế cơ bản đã được trình bày ở trên. Với ba thiết chế đó, chính thể dân chủ có thể biểu hiện phức tạp thành nhiều mô hình khác ngoài sáu mô hình kia. Nếu tiếp tục vận dụng cái phương pháp phân tích rất đáng bị nghi ngờ nhưng cũng rất đặc trưng cho D. Held thì người ta có thể tạo tác được thêm nhiều mô hình nữa cho chính thể dân chủ: có bao nhiều cái đầu biết suy nghĩ sẽ có bấy nhiêu mô hình riêng biệt cho chính thể này. Làm như vậy chắc chắn sẽ làm suy giảm tầm quan trọng cho chủ đề quan trọng được luận bàn ở đây để qua đó sẽ làm cho người ta bị mất phương hướng khi suy nghĩ về dân chủ. Quả thật, D. Held đã kết luận rằng: “Chúng ta không thể hài lòng với những mô hình dân chủ hiện hữu. Xuyên suốt tác phẩm này chúng ta đã nhận thấy lý do chắc chắn để không chấp nhận bất cứ mô hình nào, dù đó là mô hình cổ điển hay mô hình hiện đại”. Kết luận như vậy, D. Held đã làm cho người ta cảm thấy dân chủ là một khái niệm mơ hồ không hề dễ dàng nắm bắt, mặc dù hầu hết mọi người đều đã nghe nói về nó từ rất lâu hoặc đang sống trong môi trường xã hội được coi là dân chủ. Kết luận như vậy, D. Held đã làm cho người ta bối rối mà không biết làm thế nào đề thiết lập chính thể dân chủ một khi chỉ cảm nhận mơ hồ về dân chủ. Kết luận như vậy, D. Held đã vô tình gây nên trở ngại tư tưởng cho công cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa thế giới hoặc dân chủ hóa xã hội ở các nước chuyên chế, không chỉ làm cho các lực lượng dân chủ bị mất phương hướng mà còn làm cho các chế độ độc tài được thể lấn tới bằng các lý lẽ cùn quỵt.
Thật ra, dân chủ là một khái niệm rõ ràng với một nội hàm xác định để ai cũng có thể nắm bắt được rõ ràng, ngay cả những người nào đang sống trong xã hội chuyên chế cũng có thể hiểu được khái niệm đó một khi khái niệm đó đã được định nghĩa chính xác theo phương pháp khoa học, phương pháp này cho phép người ta phân biệt được dân chủ với độc tài để không thể đánh đồng độc tài với dân chủ. Tôi thừa nhận thẳng thật rằng có bao nhiêu cái đầu biết suy nghĩ sẽ có bấy nhiêu quan điểm riêng về dân chủ nhưng tôi cũng khẳng định chắc chắn rằng nhất định phải có một quan điểm chung về dân chủ, quan điểm này phải đúng với tất cả những cái đầu biết suy nghĩ về dân chủ. Phân tích dân chủ bằng phương pháp khoa học, các mô hình dân chủ đã được định dạng bởi chính D. Held chỉ có thể được phân chia thành hai loại khác nhau: mô hình cổ điển xuất hiện trước thế kỷ XX khác biệt với mô hình hiện đại xuất hiện trong phạm vi quốc gia hoặc phạm vi khu vực từ thế kỷ đó đến nay, tất nhiên phải loại trừ mô hình trực tiếp không xứng đáng được quy nạp vào mô hình dân chủ. Mô hình cổ điển tuy không thật sự dân chủ nhưng đã đóng góp nhiều giá trị tích cực từ những ý tưởng tốt đẹp đến những bài học kinh nghiệm cho mô hình hiện đại, mô hình này thật sự dân chủ nhưng mới chỉ đang hình thành, còn phải đấu tranh quyết liệt với mô hình chuyên chế cho dù đã cắm rễ khá sâu vào một bộ phận nhân loại ở các nước nào theo chính thể dân chủ trên phạm vi quốc gia.
Ta có thể nhận thấy D. Held đã suy nghĩ về dân chủ theo nguyên tắc bất định làm cho dân chủ chỉ biểu hiện bất định qua D. Held thành một khái niệm mơ hồ không hề dễ dàng nắm bắt mặc dù theo quan điểm chung được xác lập rõ ràng ở đây, dân chủ còn phải biểu hiện xác định thành một khái niệm rõ ràng với một nội hàm xác định để ai cũng có thể nắm bắt được rõ ràng. D. Held không nhận thấy dân chủ về mặt xác định mà chỉ nhận thấy dân chủ về mặt bất định. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thiếu sót đáng tiếc ở D. Held, chưa kể cái mâu thuẫn logic trong quan niệm phê phán về Chủ nghĩa Marx được phát biểu dứt khoát bởi chính D. Held: một mặt D. Held đặt để mô hình trực tiếp được đề xuất bởi K. Marx vào khái niệm về dân chủ, như thế cũng có nghĩa là D. Held đã gán tính chất dân chủ cho mô hình đó, nhưng mặt khác D. Held lại chứng minh rõ ràng đến mức độ mà không ai có thể bác bỏ được rằng mô hình đó không những phi dân chủ mà còn phản dân chủ hoặc chuyên chế cùng cực.
Chủ nghĩa Marx có giá trị hiện thực với cả chính thể chuyên chế lẫn chính thể quý tộc vốn làm cho đối kháng giai cấp gia tăng trầm trọng thành sự xung đột khốc liệt giữa người với người. Chính thực tại đó đã cho phép các nhà marxist không chỉ phê phán gay gắt chế độ chuyên chế mà còn đả kích kịch liệt cả nền dân chủ tư sản rồi quy kết đúng đắn nền dân chủ đó thành nền chuyên chế giai cấp cho giai cấp tư sản để giai cấp này thống trị các giai cấp khác. Có thể xác quyết rõ ràng hơn rằng, chính tính chất nửa vời cho các nền dân chủ tư sản, trong đó có Hiến pháp Mỹ trước thế kỷ XX, đã trở thành một trong các nguyên nhân sâu xa nhất làm cho Karl Marx cùng các đồng sự quy kết mọi nhà nước thành công cụ chính trị cho giai cấp này thống trị giai cấp khác để rồi họ chủ trương xoá bỏ mọi nhà nước. Vậy nếu (tôi xin nhấn mạnh rằng: nếu!) Chủ nghĩa Marx sai lầm với chủ trương xoá bỏ mọi nhà nước thì những người thông minh uyên bác phải biết quy kết một phần trách nhiệm cho tính chất nửa vời trong các nền dân chủ tư sản, bao gồm cả Hiến pháp Mỹ, vào thế kỷ XIX! Nhưng thật đáng tiếc cho các học giả uyên bác, trong đó có David Held rất đáng được kể ra với “Models Of Democracy” (Các Mô hình Dân chủ) dường như đã không cảm thấy cần phải làm như vậy. Chủ nghĩa Marx cần phải được đánh giá khách quan theo nhiều chiều kích khác nhau mới có thể thể hiện được hết các phẩm chất xác định. Nếu được đánh giá khách quan như vậy thì Chủ nghĩa Marx có thể sẽ được bào chữa một phần nào đó bởi chính nền dân chủ tư sản vốn rất dễ gây nên sự ngộ nhận về mình!
K. Marx chủ trương thiết lập một thế giới đại đồng, không tư hữu, không giai cấp, không luật pháp, không nhà nước, hoàn toàn phi chính trị. Đó là mô hình xã hội đầy ảo tưởng không bao giờ trở thành hiện thực xã hội dù ở bất cứ mức độ nào.
Đối lập với K. Marx, D. Held chủ trương một thế giới đại đồng với một nhà nước chung hoạt động theo nguyên tắc dân chủ. Mô hình này thật sự dân chủ nhưng dân chủ theo nguyên tắc bất định để biểu hiện bất định thành dân chủ chiết trung. Chỉ cần bổ sung tính chất xác định cho mô hình chiết trung sẽ làm cho mô hình này trở thành mô hình hiện thực.
Hiểu đúng như vậy sẽ làm cho người ta xác định được phương hướng cho công cuộc dân chủ hóa để công cuộc đó được thực hiện đúng đắn theo phương hướng tích cực, phương hướng đó là đưa cả thế giới đến chính thể dân chủ.
Vấn đề mấu chốt là cần phải làm thế nào để có chính thể dân chủ? Phải đấu tranh ôn hòa bằng các giải pháp hòa bình. Đấu tranh ôn hòa bao gồm cả đấu tranh tư tưởng lẫn đấu tranh chính trị. Đấu tranh tư tưởng nhằm xây dựng Văn hóa Dân chủ nhưng đấu tranh chính trị lại phải nhằm thiết lập chính thể dân chủ đồng thời bảo vệ chính thể đó. Đấu tranh tư tưởng tuy khác biệt đấu tranh chính trị về cả mục đích lẫn phương tiện nhưng đấu tranh tư tưởng lại mở đường cho đấu tranh chính trị đi đến thành công. Hơn nữa, giữa đấu tranh tư tưởng với đấu tranh chính trị cần phải có một sự giống nhau cơ bản nhất, đó là loại bỏ bạo lực.
Vì sao phải loại bỏ bạo lực? Vì bạo lực chỉ làm tổn thương sự sống hoặc thậm chí có thể tiêu diệt sự sống nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo tồn sự sống. Vì ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng muốn bảo tồn sự sống cho mình nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo tồn sự sống cho tất cả các bên tranh chấp: cả người đấu tranh lẫn người bị đấu tranh. Vì ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng muốn cầu lợi cho mình nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo đảm nguyên tắc cùng thắng (the principle of win-win) cho đấu tranh ôn hòa: cả người đấu tranh lẫn người bị đấu tranh đều thắng mà không người nào bị thua. Nguyên tắc cùng thắng không chấp nhận bạo hành với mọi hình thức mà chỉ chấp nhận Đối thoại – Tương kính – Khoan dung cho phép tất cả các bên tranh chấp đều có thể biến kẻ thù thành bạn hữu hoặc biến đối thủ thành đối tác. Vì ai cũng có bản tính vị kỷ khiến ai cũng có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, nên cần phải loại bỏ bạo lực để bảo đảm cho tất cả mọi người đều được sống, được tự do và được hạnh phúc trong chính thể dân chủ vốn phải lấy Hiến pháp làm cơ sở pháp lý cho mình.
Hòa bình luôn luôn làm linh hồn cho Hiến pháp.
Đối với Việt nam, tôi phải đau đớn tâm can mà thốt lên lên rằng:
Dân bao nhiêu triệu chưa khôn lớn?
Nước mấy ngàn năm vẫn dại khờ!?
Nước mấy ngàn năm vẫn dại khờ!?
Vào đầu thế kỷ XX, Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) cũng đã từng than vãn não nùng trong “Khối Tình Con” rằng:
Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!? 31).
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con!? 31).
Nhưng vì diễn đạt tư tưởng bằng những con số cụ thể: hai mươi lăm triệu cùng với bốn ngàn năm, nên Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu không thể lường được hai câu thơ đó có thể bị diễn dịch sai lạc theo một nghĩa khác hoàn toàn xa lạ với chúng nhằm che giấu một sự thật ê chề, sự thật đó cho biết Dân tộc Việt nam vẫn chưa trưởng thành về nhận thức để có thể làm được Hiến pháp Chân chính cho mình mà vẫn phải sao chép Hiến pháp Giả ngụy được tạo ra bởi các nhà độc tài ở nước khác. Những con số cụ thể dễ làm cho người ta hiểu lầm rằng hai câu thơ đó chỉ đúng với Việt nam vào đầu thế kỷ XX mà có thể không ngờ rằng hai câu thơ đó còn đúng với cả Việt nam vào đầu thế kỷ XXI nữa. Thật ra, Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu muốn nói bằng thơ rằng Dân tộc Việt nam vẫn chưa trưởng thành về nhận thức dẫn đến chưa trưởng thành về chính trị hoặc chưa biết tổ chức xã hội theo chính thể dân chủ. Nam Việt nam, với danh xưng là Việt nam Cộng hòa, tuy đã từng làm được Hiến pháp Chân chính vào năm 1967 nhưng lại bị tiêu diệt vào năm 1975 bởi ý thức hệ chuyên chế. Vì chưa có dân chủ nên dù nước vẫn còn nhưng nhân dân vẫn có thể yếu hèn nhỏ bé mà không thể làm chủ được đối với chính bản thân. Hai câu thơ đó vẫn còn nguyên giá trị thời sự cho đến tận ngày nay khi chưa có dân chủ cho Việt nam nhưng hai con số cụ thể lại cho phép người ta có thể diễn dịch sai lạc hai câu thơ đó theo một ý nghĩa khác hẳn nhằm vào một mục đích thực tiễn có thể tốt đẹp mà cũng có thể xấu xa. Người ta có thể diễn dịch rằng chế độ thực dân làm cho dân tộc Việt nam yếu hèn nhỏ bé nhưng người ta cũng có thể diễn dịch rằng Dân tộc Việt nam sẽ trưởng thành sau khi thoát khỏi chế độ thực dân. Diễn dịch như vậy chỉ đúng với một nước Việt nam Tự do sau khi thoát khỏi nền chuyên chế thực dân. Nhưng nếu nước Việt nam không được tự do sau khi thoát khỏi nền chuyên chế đó thì diễn dịch như vậy chẳng qua chỉ nhằm mỵ dân để nhân dân chấp nhận chế độ độc tài sau ách thực dân mà thôi. Quả thật, đám văn nô vốn u mê cùng cực trong nền chuyên chính vô sản được áp đặt cho nước Việt nam sau khi thoát khỏi nền chuyên chế thực dân đã ra sức xuyên tạc Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu nhằm biện hộ tinh vi cho nền chuyên chính đó. Vậy chỉ cần giải thoát hai câu thơ đó khỏi những con số cụ thể sẽ làm cho hai câu thơ đó vẫn còn nguyên giá trị hiện thực đối với nước Việt nam sống theo chính thể chuyên chế làm cho dân tộc Việt nam không thể trưởng thành mà vẫn còn trẻ con để tiếp tục thói quen suy nghĩ lộn xộn luôn luôn vi phạm các quy tắc logic thể hiện qua thái độ bàng quan đối với đời sống chính trị. Quả thật, hai câu thơ đó vẫn còn nguyên tính chất thời sự đối với Việt nam cho đến khi nào có dân chủ cho Việt nam.
Tôi chỉ nhại lại Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu cho chính xác hơn mà thôi.
Vào cuối thế kỷ XX, Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) cũng đã nói thẳng thật trong “Lời Thề thứ Chín” rằng: “Nhân dân ta rất anh hùng nhưng thật ra hèn lắm”! 32). Kịch gia lỗi lạc đã phải trả giá đắt cho câu nói đó bằng cả mạng sống của mình qua một cái chết thảm khốc nhất. Nhưng tôi xác tín rằng bi kịch này sẽ được chấm dứt trong tương lai gần, rất gần!
Gần đây nhất, cô giáo Trần Thị Lam đã cảm tác một bài thơ hay than vãn cho dân chúng Việt nam không chịu kêu đòi khi bị áp bức 33), lẽ ra sẽ bị truy bức nhưng tác giả đó đã được bảo vệ tốt bởi đông đảo công chúng đã biết cất lên tiếng nói lương tri. Sự thể đó chứng tỏ rằng Dân tộc Việt nam bắt đầu lớn khôn.
Từ đó tôi càng xác tín chắc chắn rằng bi kịch tinh thần sẽ được chấm dứt cho Việt nam trong tương lai gần, rất gần, rất gần. Với sự xác tín đó, tôi công bố tiểu luận này nhằm tôn vinh các nhà Khai sáng Việt nam: Trương Vĩnh Ký, Phan Châu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Tản Đà, Phạm Quỳnh, Trương Tử Anh, Nam Cao, Nguyễn Văn Bông, Chu Hảo, Nguyễn Gia Kiểng, Nguyễn Quang A, Bùi Văn Nam Sơn, Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Hoài, Trần Thị Lam, vân vân.
HÀ HUY TOÀN
_________________________________________________
1) Tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Luật_pháp), khái niệm về pháp luật hoặc luật pháp đã được định nghĩa theo quan điểm marxist gán ghép tính chất giai cấp cho pháp luật, tức là áp đặt nguyên tắc xiêu lệch cho pháp luật hoặc đặt để pháp luật trên nền tảng bất công. Quan điểm marxist về pháp luật cũng hiện hữu phổ biến trong tất cả các giáo trình về pháp luật được dùng phổ biến cho học sinh – sinh viên ở cả nước Tàu lẫn Việt nam, xem Tài liệu Ôn tập trên Internet (http://www.tailieuontap.com/2012/10/phap-luat-la-gi-cac-thuoc-tinh-cua-phap.html) sẽ thấy ngay pháp luật được định nghĩa mơ hồ làm cho người ta hiểu sai rằng: 1/ Pháp luật luôn luôn mang tính chất giai cấp; 2/ Bất cứ nhà nước nào, dù độc tài hay dân chủ, cũng có pháp luật. Đó là một cách làm không chỉ sai lầm mà còn nguy hiểm, làm cho mỗi cá nhân nhất định ở đó không chỉ có thể hiểu sai về pháp luật mà còn có thể hành xử nguy hiểm với mọi người xung quanh, không chỉ dẫn đến chiến tranh giữa người với người mà còn phải dẫn đến cả chiến tranh giữa người với thiên nhiên nữa. Cá đang chết hàng loạt ở Biển Đông chỉ làm một ví dụ nhỏ nhoi cho cái sự thể đó. Rồi tới đây, sẽ còn xảy ra nhiều tai họa khác cho cả nước Tàu lẫn Việt nam!
2) Hiến pháp Soviet 1977 quy định tại Điều khoản 6 như sau:
“Lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Soviet và hạt nhân của hệ thống chính trị, của tất cả các tổ chức nhà nước và tổ chức xã hội, là Đảng Cộng sản Soviet. Đảng là của dân, và vì dân.
Đảng Cộng sản, được trang bị bằng Chủ nghĩa Marx – Lenin, quyết định mô hình chung cho sự phát triển của xã hội và đường lối đối nội và đối ngoại của Liên bang Soviet, chỉ đạo các kế hoạch lớn của nhân dân Soviet, và có vai trò lên kế hoạch, hệ thống hóa và chứng minh lý thuyết trong cuộc đấu tranh của nhân dân vì sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Soviet”.
Văn thư Lưu trữ Mở: Hiến pháp Liên bang Soviet (https://vi.wikisource.org/wiki/Hiến_pháp_Liên_bang_Cộng_hòa_Xã_hội_chủ_nghĩa_Xô_viết_1977). Truy cập ngày 23 Tháng Sáu 2015. Điều khoản này hoàn toàn bất bình đẳng hoặc trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc bình đẳng. Không cần phải thông minh lắm cũng có thể hiểu được rằng điều khoản này đối lập thù địch với pháp luật. Chính vì trái ngược hoàn toàn với nguyên tắc bình đẳng hoặc đối lập thù địch với pháp luật nên điều khoản này đã mở đường cho Liên bang Soviet tan rã vào cuối năm 1991. Với tính chất nghiêm trọng như vậy, điều khoản này làm cho quý độc giả có thể hiểu được rằng Liên bang Soviet không hề có pháp luật theo đúng ý nghĩa đích thực cho khái niệm đó đồng thời có thể hiểu được rằng pháp luật phải bao hàm nguyên tắc bình đẳng, nếu không bao hàm nguyên tắc đó hoặc trái ngược với nguyên tắc đó thì pháp luật chỉ được dùng làm một cái tên gọi trống rỗng để gọi tên cho các quy định độc đoán mà thôi, các quy tắc này sẽ gây nên chiến tranh triền miên giữa người với người. Liên bang Soviet sụp đổ nhanh chóng đã chứng tỏ rõ ràng như vậy.
Nếu biết Trung văn (中文) thì độc giả cũng có thể tìm thấy một quy định tương tự trong Hiến pháp Tàu.
Độc giả nên xem thêm Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam năm 1992 được bổ sung sửa đổi năm 2001. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà nội 2002. Văn kiện này được sửa đổi nhiều vào năm 2013 nhưng vẫn giữ nguyên điều luật 4 tập trung cả ba quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, vào một số ít thành viên cốt cán trong Đảng Cộng sản Việt nam. Rất dễ dự đoán hệ quả tất yếu từ điều luật này!
3) Xem thông tin về Thánh Aurelius Augustin tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Latin (https://la.wikipedia.org/wiki/Augustinus_Hipponensis) hoặc Ý ngữ (https://it.wikipedia.org/wiki/Agostino_d%27Ippona) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Augustine_of_Hippo) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Augustinô_thành_Hippo), v. v..
4) Xem thông tin về Thánh Thomas Aquinas tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Latin (https://la.wikipedia.org/wiki/Thomas_Aquinas) hoặc Ý ngữ (https://it.wikipedia.org/wiki/Tommaso_d%27Aquino) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Thomas_Aquinas) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tôma_Aquinô), v. v..
5) Tôi trích dẫn cả Thánh Aurelius Augustin lẫn Thánh Thomas Aquinas qua Martin Luther King: Letter from a Birmingham Jail. 16 April 1963. The Africa Center (http://www.africa.upenn.edu/Articles_Gen/Letter_Birmingham.html). Học viện Công dân Việt nam chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Thư từ Ngục Birmingham. 16 Tháng Tư 1963. Học viện Công dân (http://www.icevn.org/vi/node/1524). Có thể xem thông tin về Martin Luther King (1929 – 1964) tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Martin_Luther_King,_Jr.) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Martin_Luther_King), v. v., cùng với một video clip nói về “một điều luật bất công không phải là luật” trên facebook (https://fr-fr.facebook.com/NhungSuThatBiCheGiau/videos/554546184591758/). Ngoài ra, có thể xem thêm Hans Küng: Grosse Christliche Denker. English translation: Great Christian Thinkers. Published May 1st 1994 by Bloomsbury Academic. Nguyễn Nghị chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2010. 384 trang. Từ trang 119 đến trang 166.
6) Aristotle: Πολιτικά. Athens 350 (Trước Công nguyên). Benjamin Jowett chuyển dịch từ Hy văn sang Anh văn: The Politics. The Clarendon Press, 1885. The Internet Classics Archive (http://classics.mit.edu/Aristotle/politics.html). Nông Duy Trường chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Chính trị luận. Nhà xuất bản Thế giới, Hà nội 2015. 435 trang. Khi chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ, dịch giả này cũng tham khảo bản dịch Anh văn được thực hiện bởi Sir Ernest Barker: The Politics of Aristotle. Oxford University Press, 1958. Với “Chính trị luận”, Aristotle đã xác quyết chắc chắn rằng: nhân loại, từ bản chất, là một sinh vật chính trị. Xác quyết chắc chắn như vậy, Aristotle đã cho thấy chính trị đóng vai trò quyết định đối với đời sống xã hội. Xem thêm thông tin về tác phẩm này tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Hy văn (https://el.wikipedia.org/wiki/Πολιτικά_(Αριστοτέλης)) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Politics_(Aristotle)), v. v.. Ngoài ra, cũng có thể xem thêm thông tin về tác phẩm này tại Học viện Công dân Việt nam (http://icevn.org/vi/node/366).
7) Claude Frédéric Bastiat: La Loi. Paris 15 June 1850. London 1853. Dean Russell translated from French to English: The Law. Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York. Phạm Nguyên Trường chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Luật pháp. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2015 – 2016. 172 trang. Có thể xem thông tin về Claude Frédéric Bastiat tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Pháp ngữ (https://fr.wikipedia.org/wiki/Frédéric_Bastiat) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Frédéric_Bastiat), v. v..
8) Chính bản tính vị kỷ làm động lực tuyệt đối cho toàn bộ lịch sử của nhân loại từ trước đến nay cũng như từ nay về sau, đồng thời cũng làm nguyên nhân thật sự cho cả sở hữu tư nhân lẫn đấu tranh giai cấp. Không có bản tính vị kỷ ắt sẽ không thể có sở hữu tư nhân đồng thời cũng không thể có đấu tranh giai cấp. Nhưng Chủ nghĩa Marx đã xác quyết sai lầm rằng đấu tranh giai cấp làm động lực tuyệt đối cho lịch sử nhân loại. Tại sao có đấu tranh giai cấp? Chủ nghĩa Marx đã cho rằng tại vì có sở hữu tư nhân nên mới có đấu tranh giai cấp. Tại sao có sở hữu tư nhân? Chủ nghĩa Marx không sao trả lời được câu hỏi đó. Đó chính là lý do sâu xa nhất làm cho Chủ nghĩa Marx phủ nhận pháp luật hoặc gán ghép tính chất giai cấp cho pháp luật để từ đó gây nên vô số tai họa cho bất cứ nước nào lấy Chủ nghĩa Marx làm hệ tư tưởng chính thống, ở các nước đó Hiến pháp cũng như pháp luật chỉ được dùng làm sáo ngữ để thực thi quyền lực độc đoán. Bản tính vị kỷ chính là câu trả lời chính xác cho câu hỏi này: Tại sao có sở hữu tư nhân? Độc giả có thể nghiên cứu Chủ nghĩa Marx tại Marxists Internet Archive (https://www.marxists.org/). Liên quan với bản tính vị kỷ, câu chuyện dụ ngôn về chiếc Nhẫn Thần đã cung cấp một câu hỏi triết lý với nhiều câu trả lời khác nhau sẽ làm cho người trả lời tỏ ra thiển cận hay uyên bác: nếu may mắn mà nhặt được một chiếc Nhẫn Thần ước gì được nấy thì bạn ước muốn điều gì đầu tiên? Người thiển cận sẽ chỉ ước muốn các giá trị kinh tế, như thực phẩm ngon, y phục đẹp, nhà ở lộng lẫy, v. v., nhưng người uyên bác sẽ phải ước muốn các giá trị chính trị, rằng chiếc Nhẫn Thần đó sẽ mãi mãi thuộc về mình để phục vụ mình. Vậy câu chuyện này không chỉ nói về bản tính vị kỷ mà còn phân biệt người thiển cận với người uyên bác nữa. Xin xem câu chuyện ngụ ngôn về “Chiếc Nhẫn Thần” tại Bách khoa Tri thức (http://www.bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1747–1550–633466395663437500/Truyen–co–tich–noi–tieng–The–gioi/Chiec–nhan–than.htm). Trường phái marxist mãi mãi không bao giờ có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong câu chuyện đó.
9) C. S. Montesquieu đã phát hiện được quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nhưng ông đã không giải thích tại sao quyền lực lập pháp lại có hai chức năng đối lập nhau như thế (Charles de Secondat Montesquieu: De l’Esprit des Lois. Traité, Geneve 1748. Garnier Frères, Libraires-Éditeurs. Paris 1874. Hoàng Thanh Đạm chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996. Quyển XI: Các luật tạo ra tự do chính trị trong mối quan hệ với Hiến pháp, từ trang 98 đến trang 117. Chương 6: Hiến pháp Anh quốc, từ trang 100 đến trang 113. Xin hãy xem trang 106. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị trực thuộc Học viện Chính trị Quốc gia tại Hà nội cũng đã xuất bản bản dịch này lần thứ nhất vào năm 2004 rồi sau đó xuất bản lần thứ hai vào năm 2006. Quý độc giả có thể xem thêm ấn phẩm bằng Việt ngữ được xuất bản vào năm 2006. Quyển XI, từ trang 103 đến trang 125. Chương 6, từ trang 105 đến trang 121. Xem điểm nhấn ở trang 113). Vì các ấn bản Việt ngữ được xuất bản tại Việt nam từ trước đến nay đều bị cắt xén nên tốt nhất nên xem toàn bộ tác phẩm này trên Internet bằng Pháp ngữ (http://www.ecole-alsacienne.org/CDI/pdf/1400/14055_MONT.pdf) hoặc Anh văn (https://archive.org/details/spiritoflaws01montuoft). Ngoài ra, có thể xem thêm thông tin về C. S. Montesquieu tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Pháp ngữ (https://fr.wikipedia.org/wiki/Montesquieu) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Montesquieu) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Montesquieu), v. v.. Ở đây tôi đã giải thích nguyên nhân làm cho quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau như trên bằng bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân sống vào mọi lúc.
10) Khuôn khổ biệt lập thường chỉ tồn tại vô hình đối với cá nhân nào chấp nhận chính thể chuyên chế nhưng sẽ tồn tại hữu hình đối với cá nhân nào chống lại chính thể đó. Với trường hợp này, khuôn khổ biệt lập sẽ hiện hữu cụ thể thành cả ngục thất lẫn đao phủ.
11) C. S. Montesquieu đã phát hiện được rằng sự khiếp sợ làm động cơ cho chính thể chuyên chế. Nhưng ông lại xác quyết chủ quan rằng sự khiếp sợ đưa đến chính thể chuyên chế, tức là ông quy định một trình tự trái ngược cho mối quan hệ thực tế giữa chính thể chuyên chế với sự khiếp sợ (Charles de Secondat Montesquieu: De l’Esprit des Lois. Traité, Geneve 1748. Garnier Frères, Libraires-Éditeurs. Paris 1874. Hoàng Thanh Đạm chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996. Quyển III: Bàn về những nguyên tắc của ba loại chính thể, từ trang 54 đến trang 57. Chương 9: Nguyên tắc của chính thể chuyên chế, trang 56. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà nội 2006. Quyển III, từ trang 55 đến trang 58. Chương 9, trang 58). Thực tế khách quan lại cho thấy chính thể chuyên chế đưa đến sự khiếp sợ, nếu không có chính thể chuyên chế thì đương nhiên không thể có sự khiếp sợ, chính thể chuyên chế làm cho hầu hết mọi người đều khiếp sợ như nhau. Ở đây tôi đã đảo ngược cái trình tự trái ngược đã được thiết lập bởi C. S. Montesquieu. Đây cũng là một điểm khác biệt phân biệt tôi với ông. Mời độc giả xem thêm chú thích 9.
12) C. S. Montesquieu đã phát hiện được rằng danh diện làm động cơ cho chính thể quý tộc. Nhưng ông lại xác quyết chủ quan rằng danh diện đưa đến chính thể quý tộc (Charles de Secondat Montesquieu: De l’Esprit des Lois. Traité, Geneve 1748. Garnier Frères, Libraires-Éditeurs. Paris 1874. Hoàng Thanh Đạm chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996. Quyển III: Bàn về những nguyên tắc của ba loại chính thể, từ trang 54 đến trang 57. Chương 7: Nguyên tắc của chính thể quân chủ, từ trang 55 đến trang 56. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà nội 2006. Quyển III, từ trang 55 đến trang 58. Chương 7, trang 57). Thực tế khách quan lại cho thấy chính thể quý tộc đưa đến danh diện (độc giả có thể xem thêm chú thích 11 ở trên đây). Cần phải chú ý rằng đôi khi C. S. Montesquieu đã định danh cho chính thể quý tộc bằng chính thể quân chủ làm cho độc giả có thể lẫn lộn chính thể quý tộc với chính thể chuyên chế. Việc đó thể hiện rõ ràng nhất tại Chương 7 kể trên. Tuy nhiên, các nhà xuất bản cũng như dịch giả có thể nhầm lẫn.
13) Việc lập luận bằng bản tính vị kỷ đã cho phép tôi phát hiện được ý nghĩa sâu xa trong Mầu nhiệm Ba Ngôi (Trinité) được xác lập bởi Chúa Jesus, tức là việc đó cho phép tôi hiểu được tại sao Chúa lại thể hiện mình thành ba ngôi: Chúa Cha (Đấng Toàn năng hoặc Đạo Vũ trụ), Chúa Con (Chúa Jesus) và Chúa Thánh thần biểu hiện cụ thể thành Giáo hội Chúa giáo với nhiều hình thức khác nhau; từ đó tôi xác lập cho mình một niềm tin rằng Chúa giáo (Christianity) là Tôn giáo về nền Cộng hòa (nền dân chủ với nhà nước pháp quyền được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, được kiểm sát theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng và được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do). Tôi không hề đi tiên phong trong việc xác lập mối liên hệ thực tế giữa Chúa giáo với chính thể dân chủ. Trước tôi, cả Alexis De Tocqueville (1805 – 1859) lẫn Friedrich August von Hayek (1899 – 1992) đã làm việc đó rất thành công. A. De Tocqueville đã giải thích được tại sao cách mạng dân chủ xảy ra trước hết ở các nước nào theo Chúa giáo (Alexis De Tocqueville: De la Démocratie en Amérique. Volume 1, Paris 1835. Volume 2, Paris 1840. G. F. Flammarion, 1981. Phạm Toàn chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Nền Dân trị ở Mỹ. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2013. Ấn bản được xuất bản lại lần thứ ba. 808 trang. Phần III, từ trang 469 đến trang 557). F. A. von Hayek đã chứng minh được rằng chủ nghĩa cá nhân, vốn phải làm nền tảng tinh thần cho chính thể dân chủ, chỉ có thể xuất sinh từ chính Chúa giáo (Friedrich August von Hayek: The Road To Serfdom (Con đường Dẫn đến Nô lệ). Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Phạm Nguyên Trường: Đường về Nô lệ. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2008. Trang 71). Tôi chỉ khái quát sâu rộng hơn để người đời thấy được rõ ràng hơn về mối liên hệ thực tế giữa Chúa giáo với chính thể dân chủ. Về tên gọi cho tôn giáo này, tôi xin giải thích rõ ràng hơn như sau: vì Kinh thánh nói Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc nên Christianity trong Anh văn cần phải được chuyển dịch sang Việt ngữ thành Chúa giáo mới thật sát nghĩa, nếu chuyển dịch Christianity thành Thiên Chúa giáo thì “Thiên Chúa giáo” không thể hiện được hết ý nghĩa đích thực cho Christianity; vì Thiên Chúa chỉ có nghĩa là Chúa Trời nên danh xưng này dễ làm cho người ta hiểu sai rằng Chúa chỉ có ở trên Trời, hiểu như vậy rất sai lạc so với Kinh thánh. Tức là trong quan hệ ý nghĩa với Christianity, Chúa giáo sát nghĩa hơn nhiều so với Thiên Chúa giáo: nếu Thiên Chúa giáo chỉ cho thấy Chúa ở trên Trời thì Chúa giáo lại phải cho thấy Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc (cả trên Trời lẫn dưới Đất, cả trong Ta lẫn ngoài Ta, cả Không gian lẫn Thời gian, v. v.). Đó chính là lý do thực tế để tôi chỉ nói Chúa giáo mà không nói Thiên Chúa giáo như nhiều người vẫn nói sai như vậy, nói như vậy vừa sai lạc vừa dài dòng, thừa chữ nhưng thiếu nghĩa.
14) C. S. Montesquieu đã phát hiện được rằng đạo đức làm động cơ cho chính thể dân chủ. Nhưng ông lại xác quyết chủ quan rằng đạo đức đưa đến chính thể dân chủ (Charles de Secondat Montesquieu: De l’Esprit des Lois. Traité, Geneve 1748. Garnier Frères, Libraires-Éditeurs. Paris 1874. Hoàng Thanh Đạm chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996. Quyển III: Bàn về những nguyên tắc của ba loại chính thể, từ trang 54 đến trang 57. Chương 3: Nguyên tắc của chính thể dân chủ, từ trang 54 đến trang 55. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà nội 2006. Quyển III, từ trang 55 đến trang 58. Chương 3, từ trang 55 đến trang 56). Tuy nhiên, thực tế khách quan lại cho thấy chính thể dân chủ đưa đến đạo đức. Độc giả có thể xem thêm cả chú thích 11 lẫn chú thích 12 ở trên đây.
15) C. S. Montesquieu đã phát hiện được ba chính thể khác nhau: chuyên chế, quý tộc và dân chủ, nhưng ông đã không giải thích tại sao lại chỉ có ba chính thể đó mà không thể hơn cũng như không thể kém (Charles de Secondat Montesquieu: De l’Esprit des Lois. Traité, Geneve 1748. Garnier Frères, Libraires-Éditeurs. Paris 1874. Hoàng Thanh Đạm chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Tinh thần Pháp luật. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà nội 1996. Từ Quyển II đến Quyển XI, từ trang 47 đến trang 117. Nhà xuất bản Lý luận Chính trị, Hà nội 2006. Từ trang 46 đến trang 125). Lập luận bằng bản tính vị kỷ, tôi đã giải đáp được vấn đề này. Sự kiện này có một ý nghĩa đặc biệt. Thứ nhất, nó cho phép chúng ta đặt để niềm tin vào quan niệm cho rằng đời sống xã hội (social existence) cũng tồn tại theo các quy luật tự nhiên như bao thực tại khác đành rằng các quy luật tự nhiên trong đời sống xã hội chỉ biểu hiện qua hoạt động sống được thực hiện hiện thực – dù tự phát hay tự giác, dù vô ý thức hay có ý thức, dù không trù định trước hay có trù định trước – bởi mọi cá nhân. Thứ hai, nó cũng cho phép chúng ta phát hiện được nhiều thiếu sót trong tất cả các hệ tư tưởng khác nhau, bao gồm cả chủ nghĩa cá nhân lẫn chủ nghĩa xã hội được lưu hành từ trước đến nay theo một tiến trình phức tạp với vô số sự kiện làm trọng tài trong cuộc đấu tranh giữa các hệ tư tưởng đó; thiếu sót chung cho tất cả các hệ tư tưởng đó thể hiện qua tình trạng bị giam hãm vào vô số định kiến cố hữu về bản tính vị kỷ khiến các hệ tư tưởng đó trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy nhân loại lao vào các cuộc xung đột khốc liệt. Thứ ba, nó cho phép chúng ta xác lập được một hệ tư tưởng thống nhất để có thể thống nhất tư tưởng vốn rất cần thiết cho công cuộc thống nhất thế giới vào một trật tự ưu việt nhất hoặc một trật tự thích hợp nhất với mọi cá nhân. Xem thêm chú thích 9.
16) Alexis De Tocqueville: De la Démocratie en Amérique. Volume 1, Paris 1835. Volume 2, Paris 1840. G. F. Flammarion, 1981. Phạm Toàn chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Nền Dân trị ở Mỹ. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2013. Ấn bản được xuất bản lại lần thứ ba. 808 trang. Từ trang 174 đến trang 176. Có thể xem thông tin về Alexis De Tocqueville tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Pháp ngữ (https://fr.wikipedia.org/wiki/Alexis_de_Tocqueville) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Alexis_de_Tocqueville) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexis_de_Tocqueville), v. v.. Xem thêm chú thích 13.
17) Văn thư Lưu trữ Mở: Hiến pháp Soviet 1977 (https://vi.wikisource.org/wiki/Hiến_pháp_Liên_bang_Cộng_hòa_Xã_hội_chủ_nghĩa_Xô_viết_1977). Truy cập ngày 23 Tháng Sáu 2015. Xem lại chú thích 2 ở trên đây.
18) Thomas Hobbes: Leviathan, ed. C. B. Macpherson. Harmondsworth: Penguin, 1986. Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1651. Độc giả có thể xem thông tin về Thomas Hobbes tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Thomas_Hobbes) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Thomas_Hobbes), v. v., đồng thời có thể xem thông tin về “Leviathan” tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Leviathan_(book)), v. v..
19) Friedrich August von Hayek: The Constitution of Liberty (Hiến pháp về Tự do). The University of Chicago Press. Chicago, USA 1960. Có thể xem thông tin về Friedrich August von Hayek tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Hayek) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Friedrich_Hayek), v. v.. Xem thêm chú thích 13.
20) Alexis De Tocqueville: De la Démocratie en Amérique. Volume 1, Paris 1835. Volume 2, Paris 1840. G. F. Flammarion, 1981. Phạm Toàn chuyển dịch từ Pháp ngữ sang Việt ngữ: Nền Dân trị ở Mỹ. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2013. Ấn bản được xuất bản lại lần thứ ba. 808 trang. Trang 174.
21) John Locke: Two Treaties of Government. Awnsham Churchill, London 1690. Cambridge University Press: 1960, 1963, 1967, 1988, 17th printing 2005. Lê Tuấn Huy chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Khảo luận thứ Hai về Chính quyền – Chính quyền Dân sự. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2014. 326 trang. Trong đó J. Locke khẳng định rằng: khởi thủy các cá nhân vốn ở vào trạng thái tự nhiên, được xác định là “một trạng thái tự do hoàn hảo, có thể sắp xếp những hành động của họ, sắp đặt tài sản và cá nhân họ theo những gì mà mình cho là thích hợp, trong khuôn khổ của luật tự nhiên mà không phải xin phép hoặc phụ thuộc vào ý muốn của bất kỳ ai khác”. Trang 33. Có thể xem thông tin về John Locke tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/John_Locke) hoặc Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Locke), v. v..
22) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
23) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
24) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
25) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
26) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
27) Ferdinand Lassalle: Bàn về Bản chất của Hiến pháp. Ngược chiều gió (https://doigio.wordpress.com/tri-thức/ferdinand-lassalle-ban-về-bản-chất-của-hiến-phap/). Truy cập ngày 9 Tháng Mười 2014.
28) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
29) Cao Huy Thuần: Hiến pháp là gì? Tạp chí Tia sáng (http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=6171). Truy cập ngày 7 Tháng Năm 2013.
30) David Held: Models of Democracy. Stanford University Press. California 1987, 2006 (3rd ed.). Phạm Nguyên Trường chuyển dịch từ Anh văn sang Việt ngữ: Các Mô hình Dân chủ. Bản dịch này được xuất bản tại Việt nam với một tiêu đề khác: Các Mô hình Quản lý Nhà nước Hiện đại. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2013. 556 trang. Có thể xem thông tin về David Held tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/David_Held) hoặc Pháp ngữ (https://fr.wikipedia.org/wiki/David_Held), v. v..
31) Xem thông tin về Tản đà Nguyễn Khắc Hiếu tại Bách khoa Toàn thư Mở bằng Việt ngữ (https://vi.wikipedia.org/wiki/Tản_Đà) hoặc Anh văn (https://en.wikipedia.org/wiki/Tản_Đà), v. v.. Cũng có thể xem bình luận về tác gia này trên Internet (http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/vanhoc/ThiSiTanDa.htm).
32) Xem vở kịch “Lời Thề thứ Chín” bị cắt xén đoạn kết trên Youtube (https://www.youtube.com/watch?v=luAhOm182ok) hoặc lời bình luận từ Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (https://vi-vn.facebook.com/nguyenlandunggs/posts/1509844089261515:0).
33) Bài thơ hay: “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?”, đã được phổ nhạc nhanh chóng rồi được lan truyền rộng khắp trên Internet (https://www.youtube.com/watch?v=6biRgLmHzwg) chứng tỏ tác giả đã hiểu biết sâu sắc về Văn hóa Chính trị ở người Việt nam!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét