Thân Phận Phụ Nữ Hồi Giáo
Tổng số 1 tỷ 200 triệu tín đồ Hồi Giáo trải rộng trên khắp các lục địa nên số phận của phụ nữ không đồng nhất. Tùy theo luật pháp của mỗi quốc gia, số phận phụ nữ ở mỗi nước cũng khác nhau và tùy theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc, cũng như do sự biến chuyển của lịch sử, số phận của phụ nữ Hồi Giáo cũng thay đổi theo.
Tuy nhiên, vượt lên trên mọi dị biệt của địa phương và qua mọi giai đoạn khác nhau của lịch sử vẫn có những yếu tố chung của đạo Hồi quyết định phần lớn số phận của các phụ nữ Hồi Giáo. Đó chính là những điều luật về phụ nữ được nêu rõ trong kinh Koran và trong Thánh Luật Sharia (The Holy Law of Islam). Kinh Koran là cuốn sách thiêng liêng ghi chép các lời của Thiên Chúa Allah (Words of Allah) nên Koran được coi là bộ luật tối cao và không ai có quyền sửa đổi. Bộ luật Sharia được triển khai từ kinh Koran nên cũng là Thánh Luật bất khả xâm phạm. Do đó, những điều gì dù bất công và vô lý đã được kinh Koran và thánh luật Sharia áp đặt lên số phận phụ nữ cũng đều trở thành bất di bất dịch trong các nước Hồi Giáo. Thí dụ:
- Kinh Koran đã qui định chế độ y phục của phụ nữ hết sức khắt khe như sau:"Phụ nữ phải mặc che kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể trước mặt bất cứ một người đàn ông nào, bao gồm cả mặt và tay" (They dress up completely without showing any part of their bodies, including face and hands to any man - Koran 33:53).
Kinh Koran minh thị xác nhận uy quyền của đàn ông đối với đàn bà: "Đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Chúa đã sinh ra đàn ông cao quí hơn đàn bà và vì đàn ông phải bỏ tài sản của mình ra để nuôi họ. Đàn bà tốt phải biết vâng lời đàn ông vì đàn ông săn sóc cả phần tinh thần của đàn bà. Đối với những phụ nữ không biết vâng lời, đàn ông có quyền ruồng bỏ, không cho nằm chung giường và có quyền đánh đập".(Man has the authority over women because God has made the one superior to the other and because they spend wealth to breed them. Good women are obedient because they guard their unseen parts. As for those whom you fear disobedience, admolish them, send them to beds apart and beat them - Koran 4:34).
Kinh Koran coi thiên đàng là "Khu vườn của lạc thú nhục dục muôn đời", còn ở trên thế gian nầy thì đàn bà là "cánh đồng lạc thú" mà mọi nguời đàn ông đều có quyền chủ động bước vào nếu muốn: ("Women are your field, go into your field whence you please" - Koran 2: 221)
Đàn bà bị xã hội Hồi Giáo coi là một thứ công cụ để đẻ con và để thỏa mãn dục tính của đàn ông. Kinh Koran còn qui định: khi cha mẹ chia gia tài thì con gái chỉ được hưởng một phần nửa phần của con trai mà thôi. Khi các nhân chứng ra trước tòa làm chứng thì lời chứng của đàn bà chỉ có giá trị bằng một nửa lời khai của đàn ông. Khi nạn nhân là phụ nữ bị giết thì thân nhân chỉ được lãnh một nửa số tiền bồi thường.
Đàn ông có quyền lấy nhiều vợ nhưng đàn bà chỉ được lấy một chồng, do đó đàn ông không có tội ngoại tình. Trái lại, đàn bà ngoại tình sẽ bị đem ra nơi công cộng để mọi người ném đá đến chết.
Trải qua 14 thế kỷ, kinh Koran đã gieo biết bao tai họa cho các phụ nữ Hồi giáo nhưng vì các tín đồ ngoan đạo đều coi Koran là "Chân lý Tối Hậu của Thiên Chúa" (The Final Truth of Allah) nên không ai dám coi đó là những điều vô lý hoặc bất công. Các tín đồ nam cũng như nữ không còn con đường nào khác là phải tuyệt đối vâng phục ý Chúa vì Đạo Hồi có nghĩa là sự vâng phục hoàn toàn ý của Chúa (Islam = Submission to God).
Trong các nước Hồi Giáo, nữ giới phải chiu nhiều thiệt thòi trong hôn nhân. Tuổi con gái đi lấy chồng trung bình từ 12 đến 15. Trong các bộ lạc du mục, nhiều khi cha mẹ gả chồng cho con gái lúc mới 5,6 tuổi. Các anh chị em họ gần (cousins) có quyền lấy nhau, đặc biệt là hai người đàn ông có quyền trao đổi con gái cho nhau (người này làm cha vợ của người kia!). Đó chính là trường hợp của Muhammad. Năm 624, Muhammad (54 tuổi) lấy cô Hafsah 18 tuổi, con của Umar làm vợ bé. Trong khi đó, vợ chính của Muhammad mới lên 10, con gái của Abu Bakr. Cả hai cha vợ của Muhammad là Umar và Abu Bakr đều xin cưới con gái út của Muhammad là Fatima. Muhammad không chịu vì ông quá yêu thương Ali là em họ (con của chú ruột) nên ông đã gả Fatima cho Ali. Sau này Ali và Fatima trở nên "thánh tổ" của giáo phái Shi-a. Shi'a có nghĩa là "đảng của Ali" (Shiites = partisans of Ali).
Sau đây là hai vấn đề quan trọng được coi là tiêu biểu cho quan niệm đặc biệt của Hồi Giáo về nữ quyền. Đó là vấn đề đa thê (Polygamy) và trường hợp Afganistan dưới chế độ Hồi Giáo cực đoan của Taliban.
I. VẤN ĐỀ ĐA THÊNói chung, các nước Tây Phương nhìn về các nước Hồi Giáo (công nhận chế độ đa thê) một cách khinh bỉ và họ coi Đa Thê đồng nghĩa với chế độ nô lệ (Polygamy is slavery!). Từ hậu bán thế kỷ 20, do nhiều biến chuyển về kinh tế và chính trị trên thế giới, nhiều nước Hồi Giáo đã phải điều chỉnh "Thánh Luật Sharia" đối với vấn đề đa thê cho phù hợp với thực tế.
- Tunisia: Đa số đàn ông Tunisia không đủ sức nuôi vợ con cho nên hầu như chẳng có ai muốn lấy nhiều vợ, mặc dầu kinh Koran cho phép đàn ông lấy 4 vợ. Các dân biểu tán thành việc hủy bỏ tục đa thê. Do đó, vào năm 1956, Tunisia trở thành nước Hồi Giáo đầu tiên ra lệnh cấm đa thê. Chẳng những thế, họ còn chê bai chế độ ly dị quá dễ dàng của Tây Phương. Họ gọi các cuộc hôn nhân sau khi ly dị liên tiếp nhiều lần là một hình thức đa thê trá hình vì đó chỉ là "chế độ độc thê hàng loạt" (serial monogamy).
- Algeria: Algeria là thuộc địa của Pháp từ năm 1830. Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng của Việt Nam năm 1954 đã đem lại một niềm hứng khởi vô cùng lớn lao cho nhân dân Algeria trong quyết tâm đánh đuổi thực dân Pháp dành độc lập. Niềm hứng khởi đó đã thúc đẩy trên 10.000 phụ nữ Algeria gia nhập hàng ngũ kháng chiến quân võ trang. Họ lợi dụng những chiếc áo choàng đen phủ kín từ đầu đến chân để dấu vũ khí, thuốc men, lương thực tiếp tế cho quân kháng chiến. Nhưng sau khi cuộc kháng chiến thành công năm 1962 thì chính quyền Algeria bị rơi vào tay của giới lãnh đạo Hồi Giáo cực đoan.
Chính quyền này muốn đưa Algeria trở về thời Trung Cổ bằng cách tước đoạt mọi quyền tự do của phụ nữ. Phụ nữ Algeria ngao ngán thở dài hối tiếc thời Pháp thuộc vì dưới ách thống trị của thực dân, họ đã được hưởng rất nhiều quyền tự do và nhân phẩm của họ đã được kẻ địch tôn trọng còn hơn những kẻ lãnh đạo đồng hương của họ.
Vào năm 1980, một đảng Hồi Giáo cực đoan khác lên nắm chính quyền ở Algeria. Năm 1984, chính quyền này ban hành luật công nhận chế độ đa thê. Nhiều phụ nữ biểu tình chống lại luật này. Chính quyền quá khích ra lệnh cho cảnh sát nổ súng khiến cho 48 phụ nữ bi thiệt mạng.
Sự đàn áp dã man của chính quyền Hồi Giáo cuồng tín đã làm bùng lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ hơn. Chính quyền liền ban hành luật thị uy với những hình phạt thật nghiêm khắc đối với những người xách động biểu tình: đàn ông bị chặt đầu, đàn bà bị thiêu sống. Bộ luật chống biểu tình này được áp dụng liền trong 10 năm, từ 1984 đến 1993, đã giết chết khoảng 7000 người!. Mặc dầu vậy, phụ nữ Algeria vẫn không nản chí, họ tiếp tục tranh đấu cho tự do một cách thật kiên cường khiến cho thế giới phải khâm phục. Ngày lịch sử 22-3-1993, một nửa triệu phụ nữ Algeria vứt bỏ áo choàng và khăn che mặt từ khắp nơi đổ về thủ đô với khẩu hiệu: "Chúng tôi không nhượng bộ" (We will not yield!). Trước khí thế quá mạnh mẽ và can trường của nửa triệu phụ nữ, chính quyền Hồi Giáo cực đoan đã phải chùn tay không dám bắn và cuối cùng họ đã phải nhượng bộ bằng cách hủy bỏ các luật lệ bất công đối với phụ nữ.
- Iran: Đại đa số dân Iran theo giáo phái Shiites nổi tiếng bảo thủ và cực đoan. Họ theo đúng tinh thần của Kinh Koran là chỉ tôn trọng quyền lợi của đàn ông mà thôi. Luật hôn nhân của Iran công nhận chế độ đa thê. Đàn ông muốn ly dị vợ lúc nào cũng được, thủ tục ly dị vô cùng đơn giản vì người chồng chỉ cần nói với vợ ba lần: "Tôi ly dị cô"! Sau khi được tòa cho ly dị, người chồng luôn luôn có quyền giữ con trai trên 6 tuổi và con gái trên 12 tuổi. Người vợ chỉ được nhận tiền của chồng trợ cấp trong 3 tháng mà thôi.
Trong thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, các vua Hồi công nhận nhiều quyền tự do của phụ nữ, nhưng sau cuộc Cách Mạng Hồi Giáo do giáo chủ Khomeini lãnh đạo trong 2 năm 1978-1979, chính quyền Hồi Giáo Shiite cực đoan đã đưa Iran trở lại thời Trung Cổ: Phụ nữ bị bắt buộc phải đeo mạng che kín mặt và phải mặc áo choàng CHADOR phủ kín từ đầu đến chân. Luật pháp cho phép chồng có quyền đánh vợ, thậm chí dù có đánh chết vợ chăng nữa thì cũng chỉ bị tòa án phạt tượng trưng. Tại Iran, hàng năm có tới nhiều trăm vụ phụ nữ bị chồng giết chết!
Tuy nhiên, Iran có một số điều luật tiến bộ so với các nước Hồi Giáo khác: Phụ nữ được phép lái xe, được quyền hành nghề buôn bán nhà cửa, làm chủ cửa tiệm buôn và đặc biệt là được giữ các chức vụ cao trong chính quyền. Hiện nay phụ nữ chiếm 35% lực lượng công chức tại các công sở, 25% lực lượng công nhân và 54% tổng số sinh viên đại học. (Newsweek 3.2.2001).
- Các nước Hồi Giáo có nữ thủ tướng: Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Bangladesh và Indonesia. Tại các nước này, phụ nữ có quyền tự do gần như bình đẳng với nam giới. Nếu xếp theo thứ tự về quyền tự do của phụ nữ thì Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu rồi đến Indonesia, Pakistan và Bangladesh. Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, tại Indonesia, Pakistan và Bangladesh hầu hết các phụ nữ đều thất học. Chỉ có một trường đại học Rawanpindi ở Pakistan có nữ sinh viên. Các phụ nữ Pakistan, kể cả nữ sinh viên, đều phải che mặt. Tại vùng Kashmir đang có chiến tranh giữa Hồi và Ấn, bọn cuồng tín Hồi Giáo thường hay tạt acid vào mặt những phụ nữ không chịu đeo mạng che mặt.
- Các nước Hồi Giáo tại vùng vịnh Ba Tư.- Vùng Vịnh Ba Tư có nhiều nước Ả Rập theo Hồi Giáo: Ả Rập Saudi, Kuweit, Yemen, Quatar và United Arab Emirates (UAE). Các nước này giầu có nhờ dầu hỏa và có nhiều siêu thị (supermarket, Food stores) như ở Mỹ, nhưng phụ nữ bị luật pháp cấm lái xe. Do đó, công tác mua sắm (shopping) và đi chợ đều do đàn ông thực hiện. Nếu đàn ông không thích đi chợ mua sắm thì cũng phải lái xe đưa vợ tới các cửa tiệm rồi ngồi chờ vợ ở trong xe.
Tại Ả Rập Saudi, nhà nước ban hành luật về y phục của phụ nữ (The National Dress Code) theo đúng tinh thần kinh Koran là "phải bảo vệ đức khiêm tốn của phụ nữ và không cho phép họ phô bày nhan sắc" (to guard their modesty and not to display their beauty). Luật này lập ra một ngành cảnh sát đặc biệt gọi là "Cảnh Sát đạo đức" (Morality Police) chuyên lo việc thi hành các luật lệ về y phục của phụ nữ. Bất cứ một phụ nữ nào mặc y phục không đúng qui định sẽ bị cảnh sát đạo đức đánh đập bằng gậy tại chỗ!
Điều rất đặc biệt tại Saudi Arabia là các phụ nữ đều không có thẻ căn cước. Lý lịch của họ chỉ được ghi thêm vào căn cước của cha nếu còn độc thân. Khi cha chết thì lý lịch được ghi vào thẻ của anh em trai. Nếu đã kết hôn thì lý lịch của phụ nữ được ghi vào thẻ căn cước của chồng. Khi chồng chết thì ghi vào thẻ căn cước của con trai. Đàn bà bị cấm lái xe, bị cấm hành nghề luật sư, kỹ sư và bị cấm làm công chức cho các công sở của nhà nước.
Tại Kuwait: Số phận phụ nữ cũng tương tự như ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, kể từ 1999, phụ nữ được luật pháp công nhận nhiều quyền tự do, trong đó có quyền tự do quan trọng nhất là quyền tự do ứng cử và bầu cử. (Newsweek 3/12/2001).
Tại Saudi Arabia và Kuwait, các học sinh nam nữ phải học tại các trường riêng biệt từ cấp Tiểu học, Trung học và ở Đại Học.
II. AFGHANISTAN DƯỚI CHẾ ĐỘ HỒI GIÁO CỰC ĐOAN TALIBAN
Năm 1989, do sự giúp đỡ tích cực của Mỹ và của các nước Hồi Giáo, quân kháng chiến Afghanistan đã đánh đuổi quân Liên Xô ra khỏi bờ cõi. Sau đó, trong ba năm kế tiếp, quân kháng chiến tiếp tục cuộc chiến đấu để lật nhào chế độ thân Liên Xô của Najibullah. Nhưng đến khi cuộc kháng chiến thành công thì các "chiến sĩ tự do" (Mujahideen) đã mau chóng chia thành nhiều phe nhóm chống đối và giết hại lẫn nhau vì lý do sắc tộc và giáo phái khác biệt. Tại Afghanistan, từ xưa đến nay có bốn sắc tộc thường xuyên xung đột nhau là Pathans, Pashtun, Uzbek và Tajik. Về tôn giáo, có hai giáo phái vốn thù nghịch nhau và đã từng có nhiều thế kỷ thù hận đẫm máu là giáo phái Sunni và Shiite. Đất nước Afghanistan rơi vào tình trạng nồi da xáo thịt trong 5 năm, từ 1989 đến 1994 làm thiệt mạng hàng vạn sinh linh.
Cuộc nội chiến được kết thúc năm 1994 do một người hùng tên Mullah Omar, lãnh đạo phe Taliban, thành công trong việc cướp chính quyền trung ương. Theo ngôn ngữ Afghan thì Taliban có nghĩa là "Một Nhóm Sinh Viên" (A Band of Students). Họ có chủ trương ổn định đất nước, thiết lập quốc gia Hồi Giáo và chủ trương bài ngoại cực đoan.
Điều làm mọi người phải ngạc nhiên là phe Taliban không có quân đội, trong khi các lãnh chúa của các bộ lạc đều có quân đội và vũ khí trong tay mà không dám làm gì. Sự thành công của Taliban hoàn toàn do khả năng tuyên truyền và thuyết phục quần chúng nên họ đã được toàn dân ủng hộ và đưa lên nắm chính quyền năm 1994. Năm 1996, Taliban mới chính thức chiếm thủ đô Kabul và kiểm soát 2/3 lãnh thổ quốc gia. Việc đầu tiên là Taliban ban hành hiến pháp công bố Afghanistan là một quốc gia Hồi Giáo (Hồi Giáo là Quốc Giáo). Các luật lệ cổ hủ lỗi thời của Hồi Giáo từ 14 thế kỷ trước đều được phục hồi: kẻ bị kết án về tội trộm phải bị chặt tay, đàn bà ngoại tình bị ném đá đến chết...
Taliban ban hành luật lệ về y phục của phụ nữ hết sức khắt khe, đến nỗi đã biến họ thành "những kẻ vô hình" vì mọi người hàng xóm và những người đi trên đường phố đều không nhìn thấy mặt của phụ nữ. Mọi phụ nữ Afgan mỗi khi bước chân ra khỏi nhà đều phải mặc bộ BURKA. Đây là một kiểu áo choàng may bằng vải thô phủ kín từ đầu đến chân. Các ký giả Tây Phương gọi Burka (hay còn gọi là Burqua, Burqa) là "cái túi đựng xác người sống" (the body bag for the living). Vì được may bằng nhiều nếp gấp và rộng thùng thình nên chiếc áo Burka rất nặng. Vào mùa hè trời nóng có nhiều phụ nữ bị bịnh ngộp thở (claustrophobia) hoặc mắc chứng nhức đầu kinh niên.
Tại Afghanistan cũng như tại các quốc gia Hồi Giáo khác, phụ nữ không được đi học. Các bé gái chỉ được học từ 7 đến 12 tuổi đủ để có thể đọc được sách kinh mà thôi.
Cũng giống như trường hợp Algeria, chính quyền Hồi Giáo bản xứ đã đối xử với phụ nữ tàn tệ hơn chế độ thực dân Pháp trước kia. Chế độ Taliban cũng tước đoạt hết mọi quyền tự do của phụ nữ Afghanistan mà họ đã được hưởng dưới thời Liên Xô chiếm đóng tại xứ này trong 10 năm, từ 1979 đến 1989. Chính phủ Taliban lập ra Bộ Cải Tiến Đạo Đức và Ngăn Ngừa Thói Xấu (Ministry for Promotion of Virtues and Prevention of Vices). Các cán bộ thuộc bộ này đều là đàn ông, mỗi cán bộ được trang bị một cái roi dài quấn dây cáp bằng thép dùng để đánh bất cứ một phụ nữ nào đi trên đường phố mà không mặc y phục đúng cách. Chẳng hạn như để lộ vớ trắng ở bàn chân, đi giầy gây tiếng kêu trên hè phố, mặc quần áo quá bó sát thân hoặc trên người có đeo nữ trang v.v...
Charlie Nguyễn***
Hồi Giáo Tại Âu Châu và Mỹ Châu
Âu Châu và Mỹ Châu vốn đã được coi là những vùng đất của nền văn hóa Do Thái Ki Tô Giáo (Judeo-Christian culture). Nhưng ngày nay điều đó đã đổi khác vì hai vùng đất này đã tiên phong tự biến thể thành những quốc gia đa văn hóa (multicultural nations). Số tín đồ Hồi Giáo hiện có mặt tại Âu Châu với con số đáng kể là 25 triệu và tại Mỹ Châu khoảng 10 triệu.
Các cộng đồng Hồi Giáo tại Âu Châu và Mỹ Châu đã được hình thành do những yếu tố hoàn toàn khác biệt. Do đó, chúng ta sẽ bàn về các yếu tố hình thành của các cộng đồng Hồi Giáo trên hai lục địa này một cách riêng rẽ:
I. Hồi Giáo Tại Âu ChâuKhối lượng 25 triệu tín đồ Hồi Giáo có mặt tại Âu Châu hiện nay do hai yếu tố:
1. Đa số người gốc Đông Âu đã có tổ tiên theo đạo Hồi từ thời Trung Cổ. Ngoài ra, vì đế quốc Hồi Giáo Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ cai trị nhiều nước Âu Châu từ thế kỷ 8 đến đầu thế kỷ 20 nên có rất nhiều người Ki Tô Giáo đã bỏ đạo để theo Hồi Giáo. Nhiều người Bosnia thuở xưa cải đạo đã được đế quốc Ottoman cho giữ những chức vụ cao cấp trong chính quyền. Các thủy thủ Hy Lạp bỏ đạo Chính Thống theo đạo Hồi để được đế quốc Ottoman tuyển dụng và cho làm việc trên các hạm đội. Riêng nước Tây Ban Nha là một nước lớn ở Âu Châu nổi tiếng sùng đạo Công Giáo nhưng nước này đã bị người Ả Rập Hồi Giáo (Moors) cai trị trên 300 năm, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 15. Ngày nay có nhiều người Tây Ban Nha bề ngoài là Công Giáo nhưng bên trong họ vẫn giữ niềm tin Hồi Giáo của tổ tiên xa xưa của họ.
Có nhiều vùng đất Âu Châu hiện nay theo Ki Tô Giáo, nhưng cách đây không lâu lại là những lãnh địa của Hồi Giáo, đó là đảo Sicily (Ý), Crete (Hy Lạp) các nước Hungary, Bulgary, Albany và Herzegovina. Trong thế kỷ 19, vua Áo sùng đạo Công Giáo đem quân tiêu diệt người Hồi tại Hezegovina. Trong thế chiến thứ hai, chính phủ Nam Tư, do giống người Croatian Công Giáo lãnh đạo, đã giết hại 200.000 tín đồ Hồi Giáo tại nước này. Sau thế chiến thứ hai, chính phủ Nam Tư do người Serbian theo Chính Thống Giáo lãnh đạo đã giết hại hàng trăm ngàn người Hồi Giáo tại Bosnia!
Hầu hết các người Hồi Giáo tại Đông Âu đều có tổ tiên theo đạo này từ thế kỷ 15. Đại đa số người Bulgary theo đạo Hồi là con cháu của một đợt di cư vĩ đại của trên 1 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ vào Bulgary năm 1850.
2. Các cuộc di dân ồ ạt của người Hồi Giáo vào Tây Âu trong thập niên 1960Trong thập niên 1960, các nước kỹ nghệ Tây Âu lâm vào tình trạng thiếu nhân công rất trầm trọng. Do đó, các nước Tây Âu đành phải chấp nhận cho nhập cư nhiều đợt công nhân từ các nước Hồi Giáo từ Bắc Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một thời gian, số công nhân này được phép bảo lãnh thân nhân nhập cư theo để đoàn tụ gia đình. Cho tới nay tại Tây Âu, số người Hồi gốc Maroc là 1 triệu rưỡi, Thổ Nhĩ Kỳ 2 triệu rưỡi. (Riêng ở Đức có 2 triệu người Thổ, 200.000 ở Bỉ, 200.000 ở Hòa Lan, trên 100.000 ở Pháp).
Điều đáng chú ý là sự cải đạo Ki Tô sang đạo Hồi tại Âu Châu. Riêng ở Pháp từ 1968 đến nay có trên 100.000 tín đồ Công Giáo theo đạo Hồi, trong số đó có nhà thám hiểm hàng hải nổi tiếng là Jacques Couteau.
Điều đáng chú ý hơn nữa là từ 1982 đến nay có rất nhiều người Hồi Giáo từ các "cựu thuộc địa" xin nhập cư vào các "cựu mẫu quốc" với tư cách di dân và đều được chấp thuận:
- 700.000 người Hồi Giáo từ Ấn Độ và Pakistan được nhập cư vào Anh Quốc nâng tổng số Hồi Giáo tại Anh lên 2 triệu.
- Hàng trăm ngàn cựu binh sĩ Lê Dương gốc Hồi Giáo Bắc Phi, Congo, Sénégal... xin vào Pháp.
- Hàng chục ngàn người Hồi Giáo Nam Dương và Surinam xin vào cựu mẫu quốc Hòa Lan.
Đến nay, hầu hết các di dân đều đã trở thành công dân của các nước cho nhập cư. Nhiều người trong số con cháu của họ đã chiếm được những chức vị cao trong các nước Tây Âu. Tại Anh Quốc năm 1993, 12 người Hồi gốc Ấn hoặc Pakistan đã được bầu vào quốc hội Anh (12 trên tổng số 117 Nghị sĩ Quốc Hội).
Nước Đức không có thuộc địa nhưng chính sách di dân rất cởi mở đã tạo cơ hội cho nhiều sinh viên ngoại quốc xin du học tại Đức. Trong năm 1971, riêng số thanh niên Hồi Giáo xin du học tại Đức là 50.000 người.
Số đền thờ Hồi Giáo tại Tây Âu là 4.000 đơn vị, riêng tại Đức 2.000. Sở dĩ tại Đức có nhiều đền thờ Hồi Giáo vì số tín đồ Hồi Giáo tại đây thuộc nhiều giáo phái khác nhau và định cư rải rác khắp nơi trên nước Đức. Tại Pháp có 1.000 đơn vị, Anh 600...
3. Trường hợp đặc biệt của Liên XôTừ cuối thế kỷ 7 và trong thế kỷ 8, các đoàn kỵ binh Hồi Giáo Ả Rập đã tiến chiếm một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Ấn và toàn vùng Trung Á ở sát phía Nam của nước Nga. Tiếp theo đó là sự theo đạo Hồi ồ ạt của dân tộc Bulgars định cư tại vùng đồng bằng sông Volga thuộc Nga. Sau này, dân tộc Bulgars đã tách rời khỏi Nga để thành lập quốc gia riêng là Kazakstan. Trong thế kỷ 13, dân tộc Tartars theo đạo Hồi, sau đó họ thành lập một nước độc lập là Uzbekistan.
Trong năm năm (1552-1557) Nga hoàng Ivan IV đem quân tàn phá vùng Golden Horn thuộc miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ và các vùng lân cận tàn sát hàng triệu người Hồi Giáo và cưỡng bách những người sống sót phải theo đạo Ki Tô Chính Thống (Orthodox Christianity). Năm 1783, nữ hoàng Nga Catherine II xua quân chiếm vùng Crimea giết hại 30.000 người Hồi Giáo.
Trong thế kỷ 18 và 19, các Nga Hoàng có thái độ khoan dung đối với đạo Hồi đã cho phép các giáo sĩ Hồi Giáo được tự do truyền đạo và hành đạo. Nhờ đó, đạo Hồi đã mau chóng phát triển tại Nga. Tới năm 1897, trên khắp nước Nga đã có 600 trường học và 1555 đền thờ Hồi Giáo. Nga hoàng cho phép người Hồi Giáo xây nhà thờ trên tiêu chuẩn 150 nam tín đồ có một nhà thờ riêng.
Sau Cách Mạng Tháng Mười Nga 1917, Đảng Cộng Sản Nga thành lập Liên Bang Xô Viết gồm có 15 nước Cộng Hòa, trong đó có 6 nước Hồi Giáo (1 thuộc Âu Châu và 5 thuộc Trung Á) Liên Xô trở thành một nước có 65 triệu công dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, những người Hồi Giáo đều là những tín đồ hữu thần rất sùng tín nên đại đa số không thể chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản vô thần. Đứng trước nguy cơ nổi loạn của tập thể Hồi Giáo với sự hỗ trợ của nhiều thế lực đối nghịch từ bên ngoài, chính phủ liên bang Xô Viết đã công khai tuyên chiến với Hồi Giáo. Trước hết chính phủ ra lệnh cấm truyền đạo và hành đạo. Năm 1921, Staline tạo ra nạn đói giết chết 2 triệu người Kazakhs và Kirghis. Năm 1929, chính phủ Xô Viết ra lệnh tịch thu hết súc vật của những dân du mục Hồi Giáo nổi loạn tại Tây Á khiến cho trên một triệu người bị chết đói.
Trước khi đảng Cộng Sản nắm chính quyền năm 1917, toàn lãnh thổ Liên Xô có 2600 đền thờ Hồi Giáo. Sau trên 70 năm cầm quyền, chính phủ Cộng Sản đã phá hủy gần hết. Năm 1980, toàn liên bang chỉ còn 450 đền thờ mà thôi.
II. Hồi Giáo Tại Mỹ Châu
Tổng số tín đồ Hồi Giáo tại Mỹ Châu chỉ có 10 triệu nhưng sự hiện diện của họ tại lục đia này do nhiều yếu tố phức tạp hơn ở Âu Châu rất nhiều:
1. Những người Tây Ban Nha Hồi Giáo mới thực sự là những người đầu tiên thám hiểm Châu Mỹ: Ai cũng biết Christophe Columbus thám hiểm Châu Mỹ trong thế kỷ 15. Nhưng trước đó 3 thế kỷ, tức vào thế kỷ 12, những đoàn thám hiểm Tây Ban Nha được lãnh đạo bởi các nhà hàng hải giàu kinh nghiệm của vùng Andalusia ở phía Nam Tây Ban Nha theo đạo Hồi đã đến thám hiểm Châu Mỹ. Tuy nhiên, vào thời đó ít có ai chú ý đến những thành quả của họ.
Từ thế kỷ 15 trở về sau, những người Tây Ban Nha theo đạo Hồi đã bị các vua chúa Công Giáo đàn áp nặng nề nên họ phải ẩn dấu tôn giáo của họ. Tiếng Tây Ban Nha có danh từ đặc biệt để gọi những người này là MORISCOS (Spanish Muslims). Trong các đoàn thủy thủ Tây Ban Nha xâm chiếm Châu Mỹ có rất nhiều người Moriscos, trong số đó có Rodrigo de Lope là phó tướng của Christophe Columbus, tướng Estevanico de Azemor chiếm vùng Arizona (Mỹ), tướng Estaval the Moor chiếm New Mexico và Colorado năm 1540. Chính những người Moriscos là những tín đồ Hồi Giáo đầu tiên trên Châu Mỹ.
2. Đa số nô lệ bị đưa đến Châu Mỹ trong hai thế kỷ 17-18 là những tín đồ Hồi GiáoTrong thế kỷ 17 và 18, bọn thực dân Âu Châu phát triển kỹ nghệ buôn bán nô lệ (the slave trade) để kiếm lợi. Bọn chúng thường đem quân đổ bộ lên vùng ven biển Phi Châu bắt người da đen đem lên tàu nhốt trong cũi như súc vật. Sau đó, bọn chúng đem họ đến Châu Mỹ bán cho các chủ nông trại. Hầu hết các chủ nô lệ đều là những người Ki Tô Giáo da trắng trong khi phần lớn những người nô lệ da đen là những tín đồ Hồi Giáo. Do bị đối xử tàn bạo và bị ép buộc phải bỏ đạo Hồi theo đạo Ki Tô , những người da đen đã vùng lên nổi loạn tại Bắc Mỹ năm 1758, nhiều chủ nô lệ da trắng đã bị phe nổi loạn trói vào cọc thiêu sống. Sau đó, báo chí Tây Phương đã lên tiếng kết án chế độ nô lệ.
Từ năm 1830, để thay thế việc buôn nô lệ da đen, bọn thực dân Anh và Hòa Lan dụ dỗ những người nghèo ở Indonesia, Surinam và Mã Lai dưới hình thức "mộ phu" và ký với họ những "giao kèo lao động" rồi đưa họ đến Mỹ Châu bán cho các chủ nông trại. Hầu hết những người này là tín đồ Hồi Giáo. Họ bị đối xử như nô lệ nhưng không bị ép buôc phải bỏ đạo. Họ công khai hành đạo tại Mỹ Châu. Từ đó, các tên riêng của Hồi Giáo bắt đầu xuất hiện rộng rãi khắp nơi như: Muhammad, Ali, Abu, Omar, Abdul, Ismael v.v...
Cuốn tiểu thuyết best-seller "Cội Nguồn" (Roots) của Alex Harley là câu chuyện của những người nô lệ da đen ở Brazil tìm về cội nguồn của họ là xứ Hồi Giáo Phi Châu Gambia. Họ bị thực dân Bồ Đào Nha đem đến Nam Mỹ năm 1830.
3. Do nhu cầu phát triển kỹ nghệ, nước Mỹ mở cửa đón nhận nhiều đợt nhập cư của các chuyên gia từ các nước Hồi Giáoa. Đợt đầu tiên trong thập niên 1870 gồm rất nhiều các nhân viên kỹ thuật từ các nước Trung Đông như Syria, Lyban, Jordan và Palestine.
b. Sau Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) nước Mỹ tuyển rất nhiều chuyên gia từ các nước Hồi Giáo Đông Âu như Nam Tư, Albania, Bulgary v.v...
c. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, liền trong 15 năm (1945-1960) nước Mỹ thâu nhận nhiều trăm ngàn chuyên gia thông thạo Anh ngữ từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập.
Phần lớn những chuyên gia và nhân viên kỹ thuật định cư tại các khu kỹ nghệ như Detroit, Chicago, Los Angeles và nhất là New York.
4. Yếu tố cuối cùng hình thành cộng đồng Hồi Giáo tại Mỹ là sự cải đạo theo Hồi Giáo (Conversion to Islam)Hầu hết mọi người da đen tại Mỹ đều ý thức rằng Hồi Giáo là tôn giáo truyền thống của tổ tiên họ tại Phi Châu. Những cơ quan tuyên truyền của người da đen cố ý đánh thức tâm lý quần chúng da đen tìm về cội nguồn Hồi Giáo của họ. Những khẩu hiệu vận động trong cộng đồng người da đen thường thấy là: "Hồi Giáo là đạo của người da đen. Ki Tô Giáo là đạo của người da trắng". (Islam, the religion of Blacks. Christianity religion of Whites).
Những cuộc vận động đó rất hữu hiệu vì nó đã làm cho cộng đồng Hồi Giáo tăng vọt lên trong thập niên 1950. Theo tuần báo Time ngày 01-11-2001 thì số người Hồi Giáo tại Mỹ hiện nay là 7 triệu, người Mỹ da đen chiếm 40%, Ả Rập 30% và Á Châu chiếm 30%.
Ngoài nước Mỹ ra, Canada có nửa triệu người Hồi Giáo với 100 đền thờ, Trung và Nam Mỹ có 2 triệu rưỡi người Hồi Giáo, đông nhất tại Argentine và Brazil (mỗi nước có 500.000 tín đồ Hồi Giáo). Năm 1990, người Hồi Giáo đầu tiên được bầu làm Tổng Thống Argentina là ông Memem, gốc Syria.
Trước đây nhiều người cho rằng Hoa Kỳ là một "lò luyện kim" có thể nấu chảy mọi thứ dị biệt trên đất nước này. Nhưng ngày nay người ta nhận thấy có một thứ không thể nấu chảy là tinh thần cuồng tín cực đoan của người Hồi Giáo. Do vậy, Hoa Kỳ đã phải xét lại chính sách di dân và phải có biện pháp hạn chế đối với các di dân Hồi Giáo. Dù sống tại Mỹ, những người Hồi Giáo cực đoan vẫn thù ghét lối sống Mỹ và họ rất sợ "mất linh hồn" trong môi trường sống của Mỹ. Do đó, những người Hồi Giáo thu mình lại như con ốc thu mình trong cái vỏ khép kín của nó. Họ tự tách mình khỏi xã hội Mỹ để tự giam mình trong một hình thức ghettos.
Tập thể người Mỹ da đen còn đi xa hơn nữa là họ vận động tách rời khỏi nước Mỹ để thành lập một quốc gia Hồi Giáo riêng biệt. Phong trào "Quốc Gia Hồi Giáo" (Nation of Islam) được phát động rầm rộ từ năm 1930 bởi Wallace Fard. Năm 1934, Fard bị bắt và bị thủ tiêu bí mật.
Phong trào được tiếp tục lãnh đạo bởi Elijah Muhammad, 37 tuổi. Ông gọi lãnh tụ Fard là "Chúa Cứu Thế" và gọi dân da trắng là kẻ dữ (evils). Ông tiếp tục đòi người da trắng phải để cho người da đen tách rời thành một nước riêng. Elijah qua đời vì bệnh năm 1975, thọ 78 tuổi.
Người hoạt động nổi tiếng nhất trong đầu thập niên 1960 là Malcom X (1925-1965). Ông kêu gọi mọi người da đen bỏ đạo Ki Tô để trở về với đạo gốc của tổ tiên là đạo Hồi, chỉ có đạo Hồi mới có khả năng đoàn kết mọi người da đen thành một khối mạnh mẽ. Ông gọi Thiên Chúa của đạo Ki Tô là Chúa của Da Trắng, Chúa ngoại lai và Chúa của chủ nghĩa nô lệ. Ông thành lập "Hội Truyền Bá Đạo Hồi tại Hoa Kỳ" (American Muslim Mission). Malcom X bị một nhóm da đen Hồi Giáo bất đồng chính kiến ám sát chết năm 1965.
Charlie Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét