Thuốc Phiện Và Nước Trung Hoa
1/ Nước Trung Hoa đóng cửa trước người ngoại quốc.
Người con trai thứ tư của Vua Ung Chính (Yong Zheng) nhà Thanh lên ngôi vào tuổi 25 là Vua Càn Long (Qian Long) (1736-1799). Vào lúc này, nước Trung Hoa tới thời cực thịnh với dân số 140 triệu người, ngân sách thường có sẵn 500 triệu đồng vàng còn quân sĩ lên tới 250 ngàn người trong đó có 50 ngàn người Trung Hoa, số còn lại là người Mãn Châu. Vua Càn Long cũng như ông nội của nhà vua là Vua Khang Hi (Kang Xi) (1662-1723) đều là những bậc thông thái, ham học, thành thạo cả về văn chương, toán pháp, thiên văn, vạn vật… Nước Trung Hoa đã cực thịnh dưới thời hai vua Khang Hi và Càn Long nhưng sự phú cường đó không thể so sánh được với tình trạng kinh tế của các nước châu Âu như hai nước Anh và Pháp bởi vì vào thời kỳ này, Trung Hoa vẫn còn là một xứ sở nông nghiệp, tổ chức xã hội vẫn như đời Đường, cổ lỗ giống như một ngàn năm về trước và nền kỹ nghệ của Trung Hoa không có gì đáng kể.
Vào ngày 1 tháng 9 năm 1793, trên con đường đất dẫn từ Bắc Kinh tới Nhiệt Hà là cung điện mùa hè của Vua Càn Long, một phái đoàn gồm 90 người châu Âu mặc binh phục và triều phục ngồi trên xe hoặc trên lưng ngựa, đã di chuyển theo một trăm vị quan chức người Trung Hoa cưỡi ngựa chỉnh tề. Đi vào cuối đoàn là chiếc xe chở nhà ngoại giao người Anh, Lord George Macartney. Đoàn đại biểu châu Âu này đã mang theo rất nhiều quà biếu vị Vua Trung Hoa. Đây là các món hàng đặc biệt, những phát minh của nền kỹ nghệ tây phương mà người Trung Hoa chưa từng thấy, chẳng hạn như các khẩu súng, đồng hồ đánh chuông, đồ sứ Derby, đèn pha lê và các dụng cụ thiên văn. Ngoài ra còn có cả một khinh khí cầu với nhân viên phi hành.
Vua Càn Long lúc này đã ngoài 80 tuổi và đã trị vì hơn 60 năm trên một miền đất rộng lớn nhất và cổ xưa nhất của thế giới. Nhà Vua được coi là Thiên Tử, hay con của Trời, và nước Trung Hoa tự coi là quốc gia ở chính giữa thế giới, văn minh nhất, còn các người ngoại quốc tây phương cũng như các dân tộc từ các nước chung quanh Trung Hoa chỉ là các kẻ man rợ, cho nên các quà biếu ngày hôm đó của Lord Macartney chỉ là những đồ triều cống của những người dân thần phục, chấp nhận sự hèn kém.
Lord Macartney đã mang đồ biếu tới Vua Càn Long để hi vọng mở mang thương mại với người Trung Hoa, nhưng nhà Vua đã không quan tâm. Ngoài ra vị đại sứ người Anh lại không chịu quỳ lạy, đầu chạm đất như các thần dân khác, một dấu hiệu bày tỏ sự kính trọng và thần phục. Chuyến đi nửa vòng trái đất của Lord Macartney đã gặp thất bại và phái đoàn Anh đã trở ra biển, nhiệm vụ bất thành. Về sau, trong một bức thư phúc đáp Vua George III của nước Anh, Hoàng Đế Trung Hoa đã viết: “cách thức của chúng tôi không giống của quý vị. Và như vị đại sứ đã nhìn thấy, chúng tôi có đủ mọi thứ. Chúng tôi không đánh giá cao các đồ vật xa lạ hay tinh xảo của quý vị và không dùng chúng cho các ngành sản xuất của chúng tôi”.
Quả vậy, trong hàng nghìn năm, nước Trung Hoa đã có một nền văn minh tiến bộ nhất. Người Trung Hoa đã biết dùng sắt, giấy, địa bàn, đồng hồ, chữ in rời, các dụng cụ thiên văn, và các phát minh của người Trung Hoa đã được truyền qua châu Âu. Trong khi ở châu Âu, người lính chiến còn dùng gươm giáo… thì ở Trung Hoa, quân đội đã biết dùng súng, hỏa tiễn… Nước Trung Hoa đã sản xuất được nhiều mặt hàng như tơ lụa, bông vải, đồ sứ, đồ sơn mài… và đặc biệt là trà, và trà Trung Hoa đã được bán trên các thị trường của châu Âu. Nền văn hóa của Trung Hoa được phổ biến sang các quốc gia chung quanh và đó cũng là lý do tại sao người Trung Hoa coi các dân tộc khác còn man rợ, thấp kém.
Nhưng vào đầu thế kỷ 19, thế giới đã thay đổi. Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ đã khiến cho các nước châu Âu trở nên cường thịnh và để tiêu thụ các sản phẩm kỹ nghệ, các nước phương tây tìm cách bành trướng mậu dịch. Vào năm 1557, người Bồ Đào Nha đã tìm cách thiết lập các trung tâm mậu dịch với nước Trung Hoa tại cửa sông Châu Giang, trên bán đảo Macao. Vua Càn Long của nước Trung Hoa thời đó đã không cho phép người ngoại quốc đặt các thương điếm trên đất liền của Trung Hoa, và người ngoại quốc cũng không được phép đi quá 40 dặm khỏi hải cảng Quảng Đông, nơi mà ngày nay là thành phố Quảng Châu. Trong nhiều năm, người châu Âu phải sống cách biệt, họ không được phép mang vợ con theo, không được bơi thuyền trên sông hay học tiếng Quảng Đông. Mỗi tháng, họ không được phép ra khỏi khu vực chỉ định quá ba lần và khi đi, không được đông quá 10 người và phải có một thông ngôn người Trung Hoa đi kèm và người thông ngôn này chịu trách nhiệm về các hành vi hợp pháp của bọn người nước ngoài.
Người châu Âu như vậy bị giam hãm trong phần đất Macao ngoại trừ vào mùa mua trà, kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9. Vào mùa thương mại này, việc giao dịch phải do các dương hành (co-hong) của người Trung Hoa lập nên và đứng làm trung gian. Những giới hạn áp đặt lên các nhân viên thương mại người Anh tại Quảng Đông đã là một phần quan tâm của công ty Đông Ấn thuộc Anh (the British East India Company). Trong nhiều năm, công ty này đã thiết lập được các tuyến mậu dịch theo 3 đỉnh tam giác, là chuyên chở vải sợi của nước Anh tới Ấn Độ, chở bông gòn của Ấn Độ tới Trung Hoa rồi mang trà, tơ lụa và đồ sứ từ Trung Hoa về nước Anh. Vấn đề quan trọng không phải là các mặt hàng mà là số tiền bạc to lớn mà công ty Anh đã phải trả cho Trung Hoa vì người Trung Hoa dùng “bạc“ làm căn bản tiền tệ.
Trung Hoa đã bán cho các công ty người Âu trà, tơ lụa, đồ sứ, các đồ vật trang trí, rất nhiều so với những thứ mà họ nhập cảng như đồng hồ, lông thú, đồ len và bông gòn hay các kim loại như chì, kẽm… Vì vậy, số lượng bạc đổ vào nước Trung Hoa rất lớn, khiến cho đây cũng là một lý do mang lại sự thịnh vượng cho triều đại của Vua Càn Long. Chẳng hạn trong thập niên 1760, hơn 3 triệu tiền bạc (taels) đã được trả cho Trung Hoa, rồi tới thập niên 1770, số tiền lên tới 7.5 triệu tiền bạc và sang thập niên sau, 1780, 16 triệu tiền bạc. Đến cuối thế kỷ 18, người Anh thuộc công ty Đông Ấn phải tìm ra một món hàng trao đổi với các sản phẩm Trung Hoa, món hàng đó là thuốc phiện.
2/ Trung Hoa ngăn cấm thuốc phiện.
Người hút thuốc phiện |
Từ năm 1729, đã có lệnh của triều đình Trung Hoa nghiêm cấm việc hút thuốc phiện và lệnh cấm này được lập lại trong các năm 1796 và sau 1800, vì sự nghiện ngập làm hạ giá nhân phẩm của con người, làm gia tăng độ tham nhũng trong chính quyền và tính nổi loạn trong dân chúng. Nhưng thuốc phiện đã kiếm ra con đường đi riêng của nó bởi vì những kẻ phân phối thuốc phiện đều liên hệ với các hội kín và các quan lại từ chối nhận hối lộ và chống thuốc phiện thường bị đe dọa.
Năm 1796, người kế nghiệp Vua Càn Long là Vua Gia Khánh (Jia Qing) (1796-1820) đã ra lệnh cấm hoàn toàn mọi việc buôn bán và dùng thuốc phiện, nhưng nhà vua này là một nhà cai trị yếu kém. Tại bờ biển miền nam Trung Hoa, nạn trộm cướp hoành hành, có khi tầu thuyền của một băng đảng lên tới 500 chiếc và vào năm 1813, một cuộc nổi loạn đã khiến cho 20 ngàn người thiệt mạng. Các quan lại địa phương trở nên bất lực, nhận hối lộ và làm ngơ trước công cuộc buôn bán bất hợp pháp.
Đầu tiên, nơi trao đổi thuốc phiện sầm uất nhất là Hoàng Phố (Whampoa), rồi từ năm 1821, địa điểm tập trung buôn bán thuốc phiện là hòn đảo Linding, nằm tại phía đông bắc Macao. Tại Calcutta, Ấn Độ, việc buôn bán thuốc phiện phần lớn do các nhà buôn gốc Tô Cách Lan và Hoa Kỳ đảm nhiệm. Năm 1831, công ty Tô Cách Lan Jardine và Matheson đã bán cho Trung Hoa 6.000 thùng thuốc phiện, hơn số lượng nhập cảng trong 10 năm về trước, và lợi tức hàng năm của công ty này lên tới 100.000 bảng Anh. Tới năm 1833, chính quyền Anh bãi bỏ độc quyền buôn thuốc phiện của Công ty Đông Ấn, khiến cho số nhà buôn độc chất này tại Quảng Đông tăng lên gấp ba. Nguồn thuốc phiện đổ ào ạt vào Trung Hoa đã gây ra xung đột trực tiếp giữa Trung Hoa và nước Anh.
Năm 1834, viên tổng quản trị mậu dịch người Anh là Lord William Napier tới Quảng Đông, đã khiến gia tăng sự hiểu lầm giữa Trung Hoa và các nhà buôn ngoại quốc. Lord Napier muốn chấm dứt việc mậu dịch qua trung gian của các dương hàng và muốn đề cao danh dự của nước Anh nên đã dùng tới các chính sách bị coi là ngu xuẩn. Sự hiểu lầm cũng gia tăng do vẻ ngoài của ông Napier này. Là một con người cao, gầy, tóc đỏ, đối với người Trung Hoa, Lord Napier đúng là hình ảnh của một kẻ ngoại quốc man rợ. Ngoài ra ông ta lại còn thiếu tế nhị, coi thường các luật lệ đặt ra cho người ngoại quốc. Trong các bức thư gửi cho vị phó vương, Lord Napier đã không dùng tới những lời văn kính cẩn khiến cho giới chức Trung Hoa đã ra lệnh cho ông phải ra đi. Lord Napier từ chối. Tình hình trở nên căng thẳng.
Lord Napier đã biên thư về Anh Quốc, yêu cầu gửi hạm đội tới đánh chiếm Quảng Đông, phục hồi nền mậu dịch và xác nhận vị trí của nước Anh tại Trung Hoa. Sự việc này đã khiến cho London và các nhà buôn người Anh tại Trung Hoa phải lo ngại. Trong khi chờ đợi, Lord Napier đã tự ý hành động. Ngày 7 tháng 9 năm 1835, 2 con tầu chiến Anh đã từ Macao tiến vào Quảng Đông và bắn phá các cơ sở phòng thủ của người Trung Hoa ở hai bên bờ. Chiến tranh toàn diện có thể bùng nổ thì chính vào lúc này, Lord Napier đã mắc bệnh sốt và phải đồng ý rút tầu chiến về Macao. Cuối cùng, Lord Napier đã qua đời vào ngày 11 tháng 10 năm đó. Đây là một lối thoát, gỡ thể diện cho nước Trung Hoa.
Tới đầu năm 1836, việc buôn bán thuốc phiện tại Quảng Đông vẫn gia tăng. Hàng năm, có 30.000 thùng thuốc phiện đổ vào nước Trung Hoa và số dân nghiện ngập đã lên tới 12 triệu người, kể cả các đội quân phòng vệ hoàng gia. Các ổ hút thuốc phiện lan tràn, từ loại bình dân tới hạng sang trọng. Thuốc phiện càng đổ vào trong nước Trung Hoa, càng làm cho tiền bạc đội nón ra đi rất nhanh chóng. Trong 8 năm, 38 triệu đồng tiền bạc đã ra khỏi công quỹ hoàng gia. Trước tình trạng báo động về nền kinh tế quốc gia và sức khỏe của người dân, Vua Đạo Quang (Dao Guang) (1821-1850) đã ra lệnh đánh 100 roi tre và đeo gông vào cổ các kẻ nghiện hút nhưng các biện pháp ngăn chặn đã tỏ ra không hữu hiệu. Năm 1836, có các cố vấn của nhà vua khuyên nên hợp thức hóa việc nhập cảng thuốc phiện, đánh thuế vào loại hàng này và giao việc bán thuốc cho các cửa hàng đặc biệt phụ trách. Người phản đối mãnh liệt nhất giải pháp kể trên là Lâm Tắc Từ (Lin Zexu).
Lâm Tắc Từ là vị quan 54 tuổi, đỗ Tiến Sĩ vào năm 1811, đã ở trong Hàn Lâm Học Viện và đã từng làm quan tại các tỉnh Vân Nam, Giang Tô, Thiểm Tây và Sơn Đông. Khi làm Tổng Đốc Hồ Bắc và Hồ Nam, Lâm Tắc Từ đã phát động phong trào chống thuốc phiện nên tâu với vua rằng: “… không cấm tuyệt nha phiến thì nước càng ngày càng nghèo, dân càng ngày càng yếu, sau vài mươi năm nữa, không những không đủ tiền chi cấp binh nhu mà lại không có dân có thể làm lính được…”. Vua Đạo Quang bèn cử Lâm Tắc Từ làm Khâm Sai Đại Thần kiêm Tiết Chế Quảng Đông Thủy Sư để thi hành chính sách ngăn cấm thuốc phiện.
Lâm Tắc Từ tới Quảng Châu ngày 10-3-1839, liền ra lệnh thứ nhất cho các người ngoại quốc, các kho hàng tại Quảng Đông, các tầu thuyền có chứa thuốc phiện, phải giao nạp ngay loại hàng cấm đó để tiêu hủy. Lệnh cấm thứ hai là người ngoại quốc phải thề hứa không mang thuốc phiện tới Trung Hoa và ai vi phạm sẽ bị chặt đầu. Tổng đốc Lâm Tắc Từ cũng viết thư cho Nữ Hoàng Victoria của nước Anh, yêu cầu giúp tay vào việc bài trừ thuốc phiện: “Những gì nghiêm cấm ở đây, các thần dân của nhà vua phải bị cấm sản xuất ra và những gì đã được làm rồi, nhà vua phải lục soát và ném xuống biển, và không bao giờ để chất độc đó tồn tại”.
Trước lệnh nghiêm cấm, cộng đồng các nhà buôn người Âu đã không tuân theo. Sau hai tuần lễ chờ đợi, Tổng Đốc Lâm Tắc Từ cho quân đội bao vây nơi trú ngụ của các người ngoại quốc và hạ lệnh cho các người Trung Hoa làm công phải rời khỏi cộng đồng đó. Các người châu Âu như vậy đã sống trong cảnh bị giam hãm, họ có vẻ không quan tâm trước cảnh bị cô lập. Nhưng có một người lo ngại về cách đối phó của người Trung Hoa, đó là Đại Tá Charles Elliot, vị tổng quản trị mậu dịch.
Elliot trước kia là sĩ quan Hải Quân Anh, nay ở tuổi 38, là một con người tham vọng và thực tế, đã khuyên các nhà buôn Anh nên giao nạp số thuốc phiện cất giấu, nhờ vậy trong ba tháng, Lâm Tắc Từ đã tiêu hủy 20,000 thùng thuốc phiện, đổ xuống sông Châu Giang. Trước việc ngăn cấm tại Quảng Đông, nguồn cung cấp thuốc phiện đã tìm các địa diểm mới ở quá lên mạn bắc, và 9 tháng sau kỳ giao nạp thuốc phiện của Đại Tá Elliot, vẫn có 8,000 thùng thuốc phiện được đưa lậu vào nước Trung Hoa.
Chiến Tranh Nha Phiến Thứ Nhất |
3/ Hiệp Ước Nam Kinh 1842.
Tại nước Anh, bức thư của Tổng Đốc Quảng Đông Lâm Tắc Từ đã gây ra phẫn nộ cho giới chức Anh. Chính quyền Anh hạ tối hậu thư cho Trung Hoa, gồm 3 điểm:
- Bồi thường cho 20,000 thùng thuốc phiện đã bị phá hủy,
- Đền bù cho các nhà buôn người Anh bị giam hãm tại Quảng Đông và
- Bảo đảm sự an toàn của nền mậu dịch tương lai của nước Anh tại Trung Hoa.
Hạm đội Anh sau khi tới cửa sông Châu Giang, đã bỏ neo vài ngày rồi đi lên mạn bắc, tấn công Đinh Hải, một hòn đảo của Châu Sơn nằm tại 75 dậm về phía đông của thành phố Thượng Hải. Hạm đội này tới mục tiêu vào ngày 4-7-1840, và sau lời kêu gọi người Trung Hoa đầu hàng không xong, các con tầu Anh đã bắn phá thành phố trong 9 phút rồi do không gặp kháng cự, binh lính Anh đã tràn lên bờ, cướp bóc. Sau khi rời Châu Sơn, hạm đội Anh tiến lên mạn bắc, vào cửa sông Hải Hà vào ngày 15-8 và khi binh lính Anh chỉ còn vài ngày thì tới được Bắc Kinh, Vua Tuyên Tông Đạo Quang quá lo sợ, bèn cách chức Lâm Tắc Từ và thay thế bằng Tổng Đốc Trực Lệ là Kỳ Thiện (Qi Shan).
Không giống như vị tiền nhiệm là Lâm Tắc Từ, Kỳ Thiện hiểu rõ hiệu quả quân sự của lực lượng Anh. Chiến thuyền Anh có thể di chuyển mà không cần gió, chạy xuôi dòng cũng như ngược dòng dễ dàng, và binh lính Anh được chỉ huy bởi những tướng tá được huấn luyện kỹ về nghệ thuật chiến tranh. Trong khi đó, quân lực Trung Hoa còn do các nhà nho chỉ huy, các vị này giỏi về viết chữ đẹp nhưng lại không biết gì về kỹ thuật tác chiến.
Trước tình thế khẩn trương này, Kỳ Thiện cho rằng ưu tiên thứ nhất là phải làm giảm áp lực quân sự đặt vào thành phố Bắc Kinh, tức là hạm đội Anh phải rút về phía nam. Trái ngược với Lâm Tắc Từ, Kỳ Thiện là một vị quan vừa lịch duyệt, vừa biết cách dàn hòa, đã khuyên người Anh nên thương thuyết tại Quảng Đông, nơi mà căn nguyên của vấn đề có thể được “điều tra từng chi tiết và các kẻ phạm lỗi sẽ bị trừng phạt nghiêm ngặt”. Chiến thuyền Anh vì thế đã rút đi, nhưng sau ba tháng thảo luận không kết quả, người Anh bèn quyết định tăng cường áp lực.
Ngày 7-1-1841, các tầu chiến Anh đánh phá các pháo đài tại Hạ Môn, Đinh Hải… giết chết khoảng 500 lính Trung Hoa mà chỉ chịu một thiệt hại nhỏ. Sự việc này đã khiến cho vài ngày sau, Kỳ Thiện phải ký một thỏa ước với Đại Tá Elliot, chấp nhận bồi thường 6 triệu đô la, nhượng cho nước Anh một hòn đảo đánh cá nhỏ nằm trong cửa sông Châu Giang: đảo Hương Cảng. Nhưng thỏa ước này đã không làm vừa lòng cả Vua Đạo Quang lẫn Đại Tá Elliot, bên Trung Hoa cho rằng việc bồi thường đã đi quá xa còn phe người Anh lại bất mãn vì số lượng bồi thường chưa đủ. Kỳ Thiện bị lột chức tước, tịch thu tài sản và xích cổ, đưa về Bắc Kinh, còn vị Bộ Trưởng Ngoại Giao Anh lại trách mắng Đại Tá Elliot là đã không coi trọng các chỉ thị của chính phủ Anh.
Trong các tháng kế tiếp, đã xẩy ra nhiều trận xung đột trong vùng Quảng Đông giữa lực lượng Anh và binh lính Trung Hoa, đặc biệt là vào ngày 24-5, quân dội Anh đã xông vào thành phố Quảng Đông. Ngày hôm sau, Dịch Sơn (Yi Shan) là vị quan anh em họ được Vua Trung Hoa cử đi, đã đồng ý trả bồi thường 6 triệu đô la.
Hải Quân Anh tiến vào Quảng Đông (1841) |
Tháng 5 năm 1842, lực lượng Anh tiến đánh phía nam của thành phố Thượng Hải và nơi này thất thủ vào tháng 6. Từ đây, lực lượng Anh đi ngược dòng sông Dương Tử, chiếm thành phố Chiết Giang một tháng sau. Ngày 8 tháng 8 -1842, khi các tầu chiến Anh sẵn sàng tiến đánh thành phố Nam Kinh thì một nhóm các vị quan cao cấp Trung Hoa lên tầu chỉ huy Anh Cornwallis để thương thuyết.
Ký kết Hiệp Ước Nam Kinh |
Sự yếu hèn của nước Trung Hoa vào lúc này đã bị các nước Tây Phương lợi dụng, khai thác và chỉ vài năm sau Hiệp Ước Nam Kinh, Trung Hoa đã phải ký kết các thỏa ước nhục nhã, tương tự với các quốc gia Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ và Thụy Điển.
Thuốc phiện là chất độc, được đổ ào ạt vào đất nước Trung Hoa nhưng trong các cuộc thương thảo và mặc dù các đại biểu Trung Hoa có đề cập tới việc nhập thuốc phiện bất hợp pháp, Tướng Sir Henry Pottinger là Tư Lệnh binh lực Anh tại Trung Hoa, đã cho rằng vấn đề ngăn chặn thuốc phiện là công việc mà chính người Trung Hoa phải tự giải quyết. Đại biểu Trung Hoa cũng yêu cầu người Anh cấm trồng cây thuốc phiện tại xứ Ấn Độ, thì Tướng Pottinger bèn bác bỏ và nói rằng làm như vậy tức là chuyển thị trường đó sang tay kẻ khác.
Sau khi nước Trung Hoa thua trận và phải ký Hiệp Ước Nam Kinh, việc mậu dịch thuốc phiện tại Trung Hoa không những vẫn tiếp tục, mà còn gia tăng với tốc độ nhanh hơn trước.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org., Britannica Encyclopedia, China, a New History by John King Fairbank, Harvard Univ. Press, Mass. 1992.
First Opium War
Second Opium War
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét