29/8/19

Đế Quốc Nhật Bản Đầu Hàng


Phạm Văn Tuấn

1/ Chiến Thắng Của Đế Quốc Nhật Bản.

Ngày 02 tháng 7 năm 1941, Hội Nghị Hoàng Gia Nhật Bản đã quyết định tiến quân vào Đông Nam Á là miền đất rất giàu tài nguyên thiên nhiên. Tháng 10 năm đó, Tướng Tojo Hideki, một trong các nhà quân sự hàng đầu của Nhật Bản, trở nên Thủ Tướng và từ đây, bắt đầu các kế hoạch bành trướng của Đế Quốc Nhật. Sau đó Đô Đốc Yamamoto Isoruku đã ban lệnh vào ngày 1 tháng 1, chuẩn bị tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) với mục đích làm tê liệt Hạm Đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong khi Nhật Bản tìm cách củng cố các nơi chiếm được tại vùng Đông Nam Á.

Vào ngày 17 tháng 11 năm 1941, Đô Đốc Yamamoto đã chọn ngày tấn công là ngày 7 tháng 12. Lực lượng đánh Trân Châu Cảng dưới quyền chỉ huy của Phó Đô Đốc Nagumo Chuichi gồm 6 hàng không mẫu hạm bảo vệ bởi 2 tầu chiến, hàng chục chiến hạm, 3 tuần dương hạm, 9 khu trục hạm rời khỏi Etorofu trong quần đảo Kuriles vào ngày 26 tháng 11, đi vòng lên mạn bắc Thái Bình Dương rồi đổ xuống về phía quần đảo Hawaii. Trận tấn công bằng không lực Nhật Bản đánh vào căn cứ Hải Quân Mỹ bắt đầu lúc 7 giờ 55 phút sáng ngày 7 tháng 12 năm 1941, đã khiến cho lực lượng Hoa Kỳ trở tay không kịp: trong gần 2 giờ, 6 tầu chiến Hoa Kỳ bị tê liệt, 120 phi cơ bị phá hủy, 2,400 hải quân Mỹ bị chết, thiệt hại về phía Nhật Bản không đáng kể.

Việc oanh tạc Trân Châu Cảng của Nhật Bản đã đánh dấu bước đầu thành công của Nhật trong trận Chiến Tranh Thái Bình Dương (the Pacific War). Từ nay, Nhật Bản đã đạt được phần lớn các mục tiêu tại châu Á và Thái Bình Dương, đã kiểm soát một vùng rất rộng lớn, từ quần đảo Aleutians ở phía bắc kéo dài tới quần đảo Indonesia ở phía nam, từ nước Miến Điện ở phía tây sang các quần đảo tại trung tâm Thái Bình Dương ở phía đông.

Các thành công của Nhật Bản đã có một tác dụng tâm lý rất lớn đối với các dân tộc bị trị châu Á. Huyền thoại không thể thắng được người da trắng đã bị phá bỏ khi Nhật Bản chiến thắng trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật vào năm 1905 và vào đầu thập niên 1940, khi các tù binh da trắng bị dẫn đi trên các đại lộ của nhiều thành phố tại Á châu.

Cũng từ nay, các chế độ thuộc địa da trắng bị sụp đổ, làm khai sinh ra các phong trào quốc gia giành độc lập. Nhật Bản đã thiết lập các chính phủ địa phương thân Nhật tại nhiều nơi, nhưng khi chiến tranh càng tiếp diễn, các hành động tàn bạo của quân đội Nhật Bản càng làm cho các dân tộc bị trị nhận ra rằng người Nhật cũng chẳng khác nào những tên thực dân da trắng khi trước. Chính sách Thịnh Vượng Đại Đông Á (Greater East Asia Co-prosperity Sphere) từng chủ trương Á châu của người châu Á, đã bị nghi ngờ là phương cách làm Á châu trở thành của người Nhật Bản.

2/ Đế Quốc Nhật Bản Thua Trận.

Nhật Hoàng Hirohito
Thất bại của Hải Quân Nhật Bản vào các ngày từ mồng 4 tới mồng 6 tháng 6 năm 1942 tại quần đảo Midway với 4 hàng không mẫu hạm Nhật bị đánh chìm, đã là bước đầu, đánh dấu việc bại trận. Hoa Kỳ cũng đã chiến thắng tại quần đảo Salomon, đặc biệt là đảo Guadalcanal.

Hoa Kỳ với dân số đông gấp đôi và sức mạnh kinh tế gấp 10 lần Nhật Bản, đã bắt đầu nắm ưu thế. Mặc dù quân đội Nhật có "tinh thần Nhật Bản" (Japanese Spirit) và họ đã chiến đấu rất kiên cường, thường là tới người lính cuối cùng song các cứ điểm dần dần mất vào tay quân đội Mỹ. Các tầu ngầm Hoa Kỳ và các thủy lôi do máy bay thả xuống các hải cảng sâu trong nội địa Nhật Bản đã cắt hẳn sự liên lạc giữa Nhật Bản với bên ngoài, làm cô lập các đoàn quân viễn chinh và đồng thời cũng làm giảm hẳn giòng nguyên liệu chảy về đất Nhật. Mặt khác, nền kỹ nghệ Nhật Bản sau nhiều năm làm việc quá sức, lại không được thay thế đầy đủ về máy móc, công nhân, nên đã suy giảm về sản phẩm.

Tháng 3 năm 1942, hai đảo Attu và Kiska trong dãy đảo Aleutians bị quân đội Hoa Kỳ chiếm rồi vào giữa năm 1944 tới lượt các quần đảo Gilbert, Marshall và Marianas, trong đó có các đảo Guam, Saipan và Tinian. Từ quần đảo Marianas, các máy bay oanh tạc Hoa Kỳ có thể bay khứ hồi tới đất Nhật Bản dễ dàng và tới lúc này, trận Chiến Tranh Thái Bình Dương đã tới một khúc quanh đáng kể.

Các oanh tạc cơ Hoa Kỳ đã thực hiện công cuộc phá hủy có hệ thống các thành phố của Nhật Bản, phần lớn bằng bom lửa để phá bỏ các nơi cư ngụ của dân chúng, đẩy các công nhân nhà máy ra khỏi thành phố và làm kiệt quệ sức sản xuất. Hai trận oanh tạc bằng bom vào mùa xuân năm 1945 tại Tokyo đã làm thiệt mạng trên 100 ngàn người và san bằng phần lớn thành phố này. Các thành phố khác của Nhật Bản cũng chịu các thiệt hại rất lớn ngoại trừ Kyoto là nơi danh lam lịch sử và một số thành phố nhỏ khác.

Đạo quân Hoa Kỳ thứ hai do Tướng Douglas MacArthur chỉ huy, đã bắt đầu tiến từ hòn đảo New Guinea vào tháng 10 năm 1944, đã chiếm được đảo Leyte trong quần đảo Phi Luật Tân. Rồi Manila được chiếm lại vào tháng 2 năm 1945. Trong lúc tuyệt vọng, quân đội Nhật Bản đã phải dùng tới các máy bay Thần Phong (Kamikaze) cảm tử lao vào các chiến hạm Mỹ. Tháng 6 năm đó, đảo Okinawa bị quân đội Mỹ chiếm với tổn thất 110 ngàn quân Nhật, 75 ngàn thường dân.

Bên trời Âu, Đức Quốc Xã đã đầu hàng vào ngày 8 tháng 5 và Nhật Bản đã nhận ra rằng mình đã thua trận. Đại đa số các thành phố của Nhật Bản trở thành bình địa, việc sản xuất kỹ nghệ bị ngưng trệ vì không có nguyên liệu và không có công nhân. Toàn thể đất nước Nhật Bản đang đứng trước cảnh đói rách và các đoàn quân viễn chinh Nhật bị cắt rời khỏi chính quốc vì thiếu phương tiện liên lạc. Dân chúng Nhật Bản nhẫn nhục chịu đựng mọi thiếu thốn.

Trong hoàn cảnh này, các nhà lãnh đạo dân sự cao cấp bên cạnh Thiên Hoàng đã nhìn thấy sự tuyệt vọng của cuộc chiến và đã muốn chấm dứt chiến tranh. Tháng 7 năm 1944, Tướng Tojo được khuyên nên nhường chức Thủ Tướng cho một tướng lãnh ôn hòa hơn rồi vị này lại được thay thế bởi Đô Đốc Suzuki. 

Sau khi đảo Okinawa đã bị quân đội Mỹ chiếm vào tháng 6-1945, Thiên Hoàng đã khởi đầu, kêu gọi Hội Đồng Tối Cao Nhật Bản (Supreme Council) tìm cách chấm dứt chiến tranh và Hội Đồng này muốn nhờ Liên Xô làm trung gian. Về phía bên kia, Hoa Kỳ cùng Anh Quốc và Trung Hoa luôn luôn đòi hỏi Nhật Bản cũng như Đức Quốc Xã phải đầu hàng "vô điều kiện".
Hoa Kỳ đã đưa ra Bản Tuyên Bố Potsdam (Potsdam Proclamation) vào ngày 26 tháng 7 theo đó Nhật Bản bị tước bỏ tất cả các lãnh thổ đế quốc và sẽ bị chiếm đóng cho đến khi nào Nhật Bản trở nên một quốc gia hòa bình, không quân sự, tuy nhiên Nhật Bản vẫn còn giữ được chủ quyền quốc gia và người dân Nhật sẽ được tự do chọn lựa hình thức chính thể.

Trong khi giới quân sự Nhật Bản còn do dự, chưa chịu đầu hàng thì vào hai ngày 6 và ngày 9 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử được thả xuống đất Nhật vào hai thành pố Hiroshima và Nagasaki, giết hại trên 200 ngàn người và đã làm cho thế giới ghê sợ về thứ võ khí mới. Khi nhìn lại giai đoạn lịch sử này, nhiều người đã cho rằng quả bom nguyên tử thứ nhất đủ để thúc đẩy quân đội Nhật Bản đầu hàng, cho nên không thể biện minh cho việc xử dụng quả bom nguyên tử thứ hai.

Trong khi đó tại mạn bắc châu Á, quân đội Liên Xô đã chiếm Mãn Châu vào ngày 8 tháng 8, đè bẹp dễ dàng đội quân Quan Đông của Nhật Bản. Trước những thảm họa này, các nhà lãnh đạo chung quanh Nhật Hoàng vẫn còn do dự về một điều khoản liên hệ tới Thiên Hoàng.

Ngày 10 tháng 8, họ chấp nhận Bản Tuyên Bố Potsdam với điều kiện còn bảo vệ được Thiên Hoàng. Câu trả lời của Hoa Kỳ vào lúc đó còn mập mờ và Hội Đồng Tối Cao Nhật Bản cũng chia làm hai phe lưỡng lự. Cuối cùng Nhật Hoàng Hirohito quyết định và chính nhà Vua đã tuyên cáo cùng thần dân Nhật trên đài phát thanh sự đầu hàng vào ngày 15 tháng 8. Chiến tranh chấm dứt. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Nhật một Thiên Hoàng đã làm một quyết định chính trị rất quan trọng. Một hoàng tử Nhật được cử làm Thủ Tướng và ở khắp nơi, Hải Quân và Lục Quân Nhật cũng đều tuân theo mệnh lệnh kéo cờ trắng từ Tokyo.

Ngày 02 tháng 9 năm 1945, nước Nhật Bản chính thức ký kết bản văn đầu hàng không điều kiện trước Tướng Douglas MacArthur trên chiến hạm Missouri bỏ neo trong Vịnh Tokyo. Đế quốc Quân Phiệt Nhật Bản đã cáo chung.
  
Phạm Văn Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét