29/8/19

Sự Phục Hưng Kinh Tế Của Nhật Bản Sau 1945


Phạm Văn Tuấn

1/ Nền Kinh Tế Của Nhật Bản Sau Khi Thua Trận.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, người Nhật và người Mỹ đã làm gì khiến cho nền kinh tế của Nhật Bản đã được phục hồi một cách nhanh chóng, các yếu tố nào đã ảnh hưởng tới sự xây dựng lại đất nước và các phạm vi nào đã đạt được những thành quả to lớn và vì sao?

Việc chiếm đóng của người Mỹ tại Nhật Bản nhất định là một yếu tố quan trọng trong việc xác định các chiều hướng cải tổ chính trị, kinh tế, xã hội… của Nhật Bản và ấn định tốc độ đổi thay. Các chương trình phục hưng của người Mỹ ngay từ lúc đầu đã có ý định biến nước Nhật thành một quốc gia theo tư bản và các chương trình đó thành công là do các khả năng và ý muốn của chính dân tộc Nhật Bản đối với các mục tiêu đó.

Bản chất của xã hội Nhật Bản, các nền móng dân chủ và tự do mà người dân Nhật đã cố gắng thiết lập từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 cũng đã là các yếu tố quan trọng đóng góp vào sự thành công. Người dân Nhật rất chuyên cần, ham tiết kiệm tối đa, có trình độ học vấn từ lâu được coi như ngang bằng với các dân tộc phương Tây, họ lại có các kỹ năng về tổ chức, đã học hỏi được từ cuối thế kỷ 19 các kiến thức kỹ thuật và có đủ kinh nghiệm về kinh doanh, sản xuất, thương mại, về tổ chức chính quyền cũng như về các định chế dân chủ. Hơn nữa, xã hội Nhật Bản còn có các truyền thống tốt đẹp về hợp tác giữa thương mại và chính quyền, giữa giới quản trị và giới lao động.

Sau khi thua trận năm 1945, người dân Nhật Bản đã bị kiệt quệ về vật chất và tinh thần, họ trở thành ngỡ ngàng, chấp nhận mọi nghịch cảnh và cùng quyết tâm xây dựng lại đất nước bằng tất cả công việc khó nhọc, gian khổ. Đây là xứ sở của các trận hỏa hoạn, cuồng phong và động đất xẩy ra thường xuyên, người dân Nhật đã quen với việc xây dựng lại sau các thiên tai đó.

Khi tiếng bom ngừng nổ, các thành phố tại Nhật Bản phần lớn chỉ gồm các tòa nhà đổ nát, cháy đen, các nhà máy, cơ xưởng bị phá hủy nặng nề. Người dân Nhật Bản đã dùng ngay những nguyên liệu vương vãi này để chắp nối lại, họ đã xử dụng những gì còn dùng được.

Người dân thành phố là những người phải chịu đựng nhiều đau khổ nhất. Khẩu phần của họ xuống tới mức độ 1,500 calori. Họ phải đi về nông thôn, dùng số tài sản còn sót lại để đổi thực phẩm cho gia đình. Tất cả các mảnh đất trống trong thành phố, bên lề đường, trên nền nhà đổ nát… đã được khai thác hết mức để trồng rau xanh hay những gì ăn được. Mọi người Nhật đều cố gắng chịu đựng để sống còn. Người Mỹ tuy đã vận chuyển tới đất Nhật các thực phẩm trợ giúp, nhưng các thứ đồ ăn này không hợp với khẩu vị của người dân Nhật, không thể thay thế cho gạo là thức ăn chính của họ. Đồng thời, nạn lạm phát cũng ảnh hưởng nặng nề tới những người có đồng lương cố định.

Bên ngoài xã hội là nạn chợ đen và tung hoành trên phạm vi này là các kẻ lưu manh, đầu cơ và rất đông người Triều Tiên. Sắc dân này đã bị cưỡng bách tới Nhật Bản để làm lao động tại các hầm mỏ, các nhà máy vì thanh niên Nhật Bản thời đó đã bị gọi nhập ngũ ra khỏi nước. Sau chiến tranh, 600 ngàn người Triều Tiên đã tình nguyện ở lại Nhật Bản, họ đã được chính quyền chiếm đóng Hoa Kỳ cho họ một thứ địa vị xã hội của những kẻ coi như "chiến thắng một nửa". Nhiều người Triều Tiên đã rất căm thù người Nhật nên chính vào lúc này, họ đã coi thường luật pháp của đất nước Nhật.

Sự nghèo đói, sự dơ bẩn do chiến tranh mang lại và các tệ nạn xã hội do quân đội chiếm đóng Hoa Kỳ gây nên đã làm tổn thương tâm lý của người Nhật Bản, vì họ là một dân tộc tôn trọng luật pháp, đúng giờ và rất sạch sẽ. Vào thời gian này, người dân Nhật nào cũng phải sống nhờ vào chợ đen để có đủ thực phẩm sinh tồn. Họ rất đau khổ khi thấy các giá trị cổ truyền bị đảo lộn, khi thấy đất nước bị phá sản, không còn đủ sức lực để tự túc và còn bị căm hờn bởi các quốc gia trong vùng.

Người dân Nhật Bản vào thời gian này đã nhận chân được rằng các nhà quân sự Nhật đã nhầm lẫn một cách tai hại khiến cho Nhật Bản là nước đầu tiên bị tấn công bằng võ khí nguyên tử. Vì thế họ đã chống đối kịch liệt thứ võ khí này dù cho võ khí nguyên tử được dùng để bảo vệ Nhật Bản và họ cũng phản đối sự phát triển và thử nghiệm nguyên tử tại các quốc gia khác.

Sự thua trận cũng khiến cho người dân Nhật lúc ban đầu mất đi niềm tin tưởng vào đất nước. Lá cờ Mặt Trời ít khi được dùng tới cũng như bản quốc ca Nhật không được nghe thấy thường xuyên. Người dân Nhật cho rằng cần phải tránh xa một chế độ chuyên chế trong khi nền dân chủ và nền kinh tế thị trường phải là lý tưởng để đoàn kết dân tộc, xây dựng lại xứ sở.

Sự phục hưng kinh tế của nước Nhật cũng do nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài. Khi chiếm đóng Nhật Bản, chính quyền quân sự Hoa Kỳ đã từng chủ trương xây dựng nước Nhật trở thành một quốc gia tự túc, tự cường và yêu chuộng hòa bình. Vì thế gánh nặng quân sự và vấn đề quốc phòng đã do quân đội Mỹ đảm trách. Đội Tự Vệ của Nhật Bản chỉ cần tới ngân khoản một phần trăm tổng sản lượng quốc gia, trong khi đối với các nước khác, tỉ lệ đó từ 3 tới 5 phần trăm hoặc 10 tới 20 phần trăm tại một số quốc gia đang võ trang.

Nhật Bản tuy bị tàn phá nặng nề nhưng vẫn là một quốc gia đã kỹ nghệ hóa, khác hẳn các nước đang phát triển và đang ở vào giai đoạn đầu của tiến trình kỹ nghệ hóa. Hiện tượng này cũng giống như nước Đức sau Thế Chiến Thứ Hai và người Nhật Bản vì thế chỉ cần tiếp tục nốt các bước tiến đã có sẵn và đã bị chiến tranh làm ngừng lại.

Mặt khác, Hoa Kỳ vào thời gian này sẵn lòng chia xẻ với Nhật Bản các kỹ thuật và nguồn tư bản để vực dậy quốc gia này. Các xưởng máy của Nhật Bản được trang bị các loại máy móc tối tân nhất và các kỹ thuật Tây phương phát triển vào lúc chiến tranh đã được du nhập vào Nhật Bản. Hàng ngàn bằng phát minh, bằng sáng chế được Hoa Kỳ cũng như các nước phương Tây cung cấp cho Nhật Bản với giá rẻ mạt, họ đâu có ngờ rằng người Nhật sau này sẽ lại trở nên những kẻ cạnh tranh ráo riết trên thị trường quốc tế.

Nhật Bản như vậy đã tiết kiệm được rất nhiều trong việc nghiên cứu và phương pháp khuếch trương, họ lại khéo léo bổ túc thêm vào đó các sáng kiến và óc mỹ thuật của riêng họ khiến cho các sản phẩm của họ vừa rẻ hơn, vừa hấp dẫn hơn những sản phẩm vay mượn ban đầu. Đồng thời, Hoa Kỳ lại mở rộng thị trường cho hàng hóa Nhật Bản tràn vào và còn khuyến khích các nước đồng minh cũng làm như vậy. Trong khi đó, người Nhật cũng nhận được các khoản tiền vay ngân hàng từ Hoa Kỳ để củng cố các ngành kỹ nghệ còn non trẻ của họ.

Một điều may mắn khác tới với Nhật Bản vào cuối thời kỳ đó là nguồn dầu lửa giá rất rẻ của Trung Đông. Nhờ các tầu dầu thật to lớn, dầu thô được chở tới Nhật Bản đã lấn át than đá và nguồn điện lực dựa vào than. Các nhà máy mới của Nhật Bản được đặt sát ngay tại bờ biển để khai thác tối đa nguồn dầu Trung Đông, lại làm giảm được phí tổn chuyên chở các sản phẩm nhập cảng cũng như xuất cảng. Những nhà máy mới này đã là những cơ sở sản xuất cạnh tranh rất có ưu thế so với các cơ xưởng cũ, đặt sâu trong đất liền của các nước phương Tây.

Tướng MacArthur và Nhật Hoàng Hirohito
Việc tổ chức và điều hành bộ máy quân sự của Tướng MacArthur tại Nhật Bản cũng là một gương mẫu của một thứ chính quyền tập trung, vừa hữu hiệu, vừa độc tôn mà người Nhật Bản được chứng kiến lần đầu. Đây là một khuôn mẫu dùng cho việc hoạch định kinh tế trung ương nhờ đó người Nhật Bản có thể hướng dẫn nền kỹ nghệ và thương mại của họ bằng một sức mạnh rất lớn lao mà chính các quốc gia được gọi là có nền kinh tế chỉ huy cũng không làm nổi một cách hiệu quả như thế.

Chính phủ Nhật Bản đối với nền kinh tế của thời gian này đã hành động khôn ngoan qua nhiều biện pháp, như về thuế vụ, việc phân phối tín chỉ (credits) một cách hợp lý, kiểm soát nhập cảng các kỹ thuật cũng như nghiên cứu các thị trường nước ngoài. Nhờ các chính sách kinh tế khôn ngoan và sáng suốt, chính phủ Nhật Bản đã lèo lái nền kỹ nghệ và thương mại Nhật vào những phạm vi đang phát triển và lánh xa được các phạm vi đang suy thoái. Trong thập niên 1950, các phạm vi phát triển bao gồm các kỹ nghệ sắt thép, điện tử, đóng tầu, hóa chất và điện năng.

Cơ quan điều hành các chính sách kỹ nghệ và thương mại của Nhật Bản là Bộ Ngoại Thương và Kỹ Nghệ (the Ministry of International Trade and Industry = MITY) được thành lập năm 1949. Chính Bộ này và một số cơ quan khác đã điều hành và làm phát triển nền kinh tế một cách hữu hiệu nhờ biết cách kiểm soát số tư bản hiện có, đối phó với các rắc rối giấy tờ (red tape) trong cũng như ngoài nước, nghiên cứu các kỹ thuật tân tiến nhất của các nước ngoài để tìm cách khai thác một cách có lợi tại Nhật Bản, điều hành các cơ sở sản xuất chỉ có hai hay ba nguồn cạnh tranh khiến cho có đủ tính hữu hiệu cần thiết.

Người Nhật như vậy đã biết dùng các lợi ích của nền kinh tế chỉ huy từ chính phủ, của nền kinh tế vĩ mô (macroeconomy) trong khi vẫn khai thác triệt để nền kinh tế vi mô (microeconomy). Họ đã khéo léo phối hợp được sự tự do kinh doanh của chủ nghĩa tư bản cổ điển lẫn nền kinh tế chỉ huy của các nước Cộng Sản, đồng thời ở bên trong lại có các đặc thù về tổ chức, sản xuất, bảo vệ… khiến cho các người phương Tây cũng không thể hiểu nổi và chỉ có thể gọi nền kinh tế bí ẩn này bằng một danh từ chung là "Xí Nghiệp Nhật Bản" (Japan, Inc.), một thứ đại công ty bao la, dồn toàn lực vào việc khai thác triệt để hai nền kỹ thuật và thương mại.

2/ Sự Phục Hưng Kinh Tế.

Nền kỹ nghệ của Nhật Bản đã có gốc rễ từ thời Minh Trị (1868-1912). Các nhà lãnh đạo đất nước Nhật thời bấy giờ đã cho du nhập hệ thống giáo dục Tây phương để rèn luyện lớp người trẻ tuổi, đã gửi hàng ngàn sinh viên sang Hoa Kỳ và châu Âu du học và cũng đã mướn hơn 3 ngàn chuyên viên ngoại quốc tới nước Nhật để giảng dạy về Toán Học, Khoa Học, Kỹ Thuật, Thương Mại… cũng như các loại Ngoại Ngữ.

Đồng thời chính phủ Nhật cũng lo lắp đặt đường xe lửa, mở mang hệ thống giao thông và truyền thông, cải cách điền địa, xây dựng kỹ nghệ, khuếch trương xuất cảng… Để khuyến khích công cuộc kỹ nghệ hóa đất nước, chính phủ Nhật thời đó đã cho mở các xí nghiệp công và các xưởng đóng tầu làm nòng cốt, phân phối tài nguyên cho các xí nghiệp tư, giúp cho các doanh nhân tư các điều kiện thuận lợi để họ có thể phát triển. Như vậy chính phủ Nhật đã là người hướng dẫn, khuyến khích, hoạch định các chính sách kinh tế, bao gồm cả việc đánh thuế nhẹ vào các sản phẩm, trong khi đó các doanh nhân là giới chế tạo, thực hiên các chương trình phát triển kinh tế của chính phủ.

Vào các năm trước Thế Chiến Thứ Hai, nước Nhật Bản đã củng cố được một đế quốc gồm Đài Loan, Mãn Châu và một phần phía bắc của Trung Hoa. Giới lãnh đạo quân phiệt Nhật đã cho rằng phạm vi bành trướng này là nhu cầu cần thiết cho chính trị và kinh tế của nước Nhật Bản, tránh được sự phong tỏa các nguyên liệu của các nước Tây phương và lực lượng quân sự là phương tiện võ lực để bảo vệ tổ quốc.

Thế Chiến Thứ Hai đã xóa bỏ những gì Nhật Bản chiếm được kể từ năm 1868. Vào khoảng 40% các nhà máy kỹ nghệ của Nhật Bản và các cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy và mức sản xuất bị giảm xuống bằng với 15 năm về trước. Tuy nhiên căn bản của nền kinh tế kỹ nghệ hóa vẫn còn và từ năm 1950, các doanh nhân Nhật Bản lại nhập cảng các kỹ thuật tối tân nhất để làm phát triển lại nền móng kỹ nghệ. Các doanh nhân này là những người chuyên nghiệp, hiểu rõ các thủ tục hành chính, có đủ tính thực tế, hữu hiệu và chuyên môn. Họ là những nhà trí thức xuất thân từ các đại học cỡ lớn của Nhật Bản và là bạn bè của các chính trị gia tại Quốc Hội, của các nhà cai trị đang nắm quyền lực về quản trị xứ sở. Cả ba thành phần chính trị gia, quản trị gia hành chánh và doanh nhân có tầm vóc, đã cộng tác hòa hợp với nhau trong việc vận chuyển bộ máy chính trị, kinh tế và xã hội của Nhật Bản.

Ở tầng lớp dưới là người dân Nhật. Đây là lớp nông dân bảo thủ, các công nhân nhà máy chăm chỉ và trung thành cùng với tập thể dân chúng biết tôn trọng kỷ luật và trật tự chung. Những người này ngoài đức tính cần cù, ham học, họ còn cam chịu cực khổ, để dành tiền vào tiết kiệm và đầu tư với tỉ lệ cao hơn tất cả các dân tộc khác trên thế giới. Chính nhờ vào số tiền tiết kiệm lớn lao của người dân, cộng với các món tiền vay mượn được từ các ngân hàng ngoại quốc, các quản trị viên xí nghiệp không phải bận tâm về các cổ đông, về các món tiền lời định kỳ phải báo cáo, giao nộp… họ có cả một chương trình hành động dài hạn để phát triển.

TV Nhật trong thời kỳ phát triển
Các nhà doanh nghiệp Nhật Bản thời đó đã không quan tâm về các sản phẩm tiêu thụ cá nhân mà dồn nỗ lực vào các đầu tư phát triển dài hạn. Mặt khác, các kỹ nghệ gia lại có trong tay các người thợ đã có tay nghề cao và căn bản giáo dục kỹ thuật vững chắc, họ đã cung cấp cho giới công nhân những lợi lộc và bảo hiểm để duy trì việc thuê mướn lâu dài, họ điều hành cách quản trị vừa có tính cách gia đình, vừa đòi hỏi ở người công nhân lòng trung thành đối với công ty, đồng thời lương bổng cũng tăng theo với thâm niên. Các kỹ thuật quản trị nhân sự khéo léo của Nhật Bản đã khiến cho giới công nhân trở nên một lực lượng lao động vừa hữu hiệu, vừa trung thành và tận tụy.

Người công nhân Nhật Bản tham gia vào các tổ chức công đoàn và các đoàn thể này cũng tranh đấu cho quyền lợi của công nhân nhưng những hoạt động đấu tranh của họ lại không làm hại đến công ty mà họ đang phục vụ. Người công nhân tự hào về các sản phẩm và uy tín của công ty, họ rất quan tâm tới tương lai của công ty, họ hòa mình với công ty vì chính công ty là tập thể đã nuôi sống họ và gia đình, và còn duy trì các phúc lợi cho tới sau ngày hồi hưu.

Tại Nhật Bản, các công ty tư có công đoàn Domei còn các nhân viên chính phủ thuộc công đoàn Sohyo. Nhờ nền giáo dục căn bản cao về văn hóa và kỹ thuật dành cho công nhân, nhờ cách tổ chức liên kết khéo léo, lực lượng lao động Nhật Bản đã trở nên một sức mạnh sản xuất hữu hiệu nhất trên thế giới.

Sau khi đã tổ chức các nhà máy, các công ty sản xuất Nhật Bản tìm cách lấy lại các thị trường đã mất trong thời gian chiến tranh. Việc này không phải là dễ dàng vì các quốc gia Á châu vẫn còn căm thù sự tàn bạo của quân đội Nhật và thị trường Á châu đã đặt ra các giới hạn vào các hàng xuất cảng từ Nhật Bản. Tuy nhiên, những bồi thường chiến tranh đã mở cửa dần các thị trường châu Á và hàng hóa Nhật Bản vừa rẻ tiền, vừa có phẩm chất cao, đã lan dần sang nhiều địa phương, xứ sở.

 Nissan Sunny thời thập niên 1960
Lúc đầu, các hàng vải sợi của Nhật Bản, với truyền thống từ cuối thể kỷ 19, đã là sản phẩm đi trước, sau đó là sản phẩm của nhiều kỹ nghệ nhẹ như máy ảnh, đồ điện tử, xe gắn máy… Bằng cách dùng công nhân có tay nghề cao, lãnh lương thấp, lại áp dụng các kỹ thuật chế tạo mới nhất, hàng hóa Nhật Bản đã lấn át dần các mặt hàng xấu kém của nhiều quốc gia khác. Tên của các hãng lớn với sản phẩm tốt cũng trở thành quen thuộc với mọi giới tiêu thụ: Nikon, Canon, Sony, Panasonic, Seiko, Hitachi, Honda, Toyota, Nissan, Yamaha, Kawasaki… 
Song song với kỹ nghệ và thương mại, nền nông nghiệp của Nhật Bản cũng phát triển. Sau các đạo luật về cải cách ruộng đất, nông dân Nhật Bản đã làm chủ được một số lớn đất đai, tự canh tác theo các kỹ thuật mới. Sau chiến tranh, họ đã dùng các thuốc sát trùng mới, các loại phân hóa học được cải tiến, cùng các nông cơ cỡ nhỏ để làm gia tăng năng suất. Tuy nhiên, lợi tức của nông dân, của thợ thủ công vẫn còn thua xa lương bổng của các công nhân tại các nhà máy đã được kỹ nghệ hóa, điều này đã làm cho nhiều người bỏ nông thôn đổ dồn về thành thị để xin việc làm tại các cơ xưởng sản xuất.

Vào giữa thập niên 1950, người dân Nhật Bản đã tự túc được lúa gạo, rồi do lợi tức cá nhân được nâng cao, người Nhật Bản đã dùng thêm các thực phẩm bơ sữa, lúa mì, các loại đồ ăn cao chất đạm (protein foods). Họ không còn ngồi trên sàn nhà mà dùng tới bàn ghế, kết quả là giới trẻ Nhật Bản được dinh dưỡng tốt hơn, có đầy đủ tiện nghi vật chất, nên đã cao lớn hơn, to mập hơn các thế hệ cha anh khi trước.

Sự phát triển quá nhanh của kỹ nghệ đã mang lại sự mất thăng bằng về kinh tế, xã hội. An sinh xã hội (social security) được phó mặc cho cá nhân, gia đình hay công ty trong khi đó, các vấn đề thiếu thốn khác là các căn nhà ở, các tòa nhà công cộng và các công viên giải trí. Trường học và bệnh viện cũng ở dưới mức tiêu chuẩn cần thiết. Hệ thống đường xá và cống rãnh còn thô sơ, dân chúng lại quá đông người, không khí và nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng. Phương tiện giao thông cũng còn thiếu sót rất nhiều khiến cho hàng triệu công nhân phải bỏ mỗi ngày một hay hai giờ để đi tới chỗ làm việc bằng xe buýt, xe lửa hay xe điện ngầm.

Sau chiến tranh, hơn 6 triệu quân nhân và dân sự Nhật Bản ở nước ngoài đã được hồi hương. Mảnh đất Phù Tang càng trở nên chật hẹp với dân số quá đông. Tuy nhiên, mức độ gia tăng dân số đã được giữ ở mức 1% nhờ các đạo luật phá thai dễ dàng, nhờ việc kiểm soát sanh đẻ với sự trợ giúp của chính quyền và kỹ nghệ… dù cho có các chống đối của tôn giáo hay xã hội. Các gia đình Nhật Bản đã có ít con hơn thời trước vì các bậc cha mẹ mong muốn các con có được nền giáo dục đầy đủ hơn để có thể thành công sau này ở ngoài đời. Do dân số gia tăng 1% trong khi kinh tế gia tăng 10%, sự kiện này đã làm tăng thêm rất mạnh sự phong phú của đất nước nhờ đó các cải tiến về nhà ở, đường xá, cầu cống hay các tiện nghi công cộng khác đã được thực hiện rất nhanh chóng.

Sự thua trận cũng làm giảm đi giá trị của các truyền thống cổ, các tập quán cũ đã có từ trước, làm thay đổi các quan hệ gia đình và xã hội và việc kỹ nghệ hóa đất nước đã làm gia tăng nhịp độ của các đổi thay này. Không còn nữa các đại gia đình với quyền uy của các bậc trưởng thượng, cao niên hay chủ gia đình. Các tiểu gia đình với người đàn bà được độc lập hơn, đi làm việc bình đẳng với nam giới. Nền giáo dục cưỡng bách được khai triển tới lớp 12 và 90% giới trẻ Nhật Bản đã bước chân vào Đại Học, điều này khiến cho sự cạnh tranh khi thi tuyển vô các đại học danh tiếng trở nên rất căng thẳng. Dù sao, Nhật Bản vẫn là một dân tộc có được một nền giáo dục cao nhất thế giới.

Ngoài các đặc tính ham học, người Nhật Bản còn ham đọc sách và đọc báo. Các tạp chí hàng tháng trong nhiều thập kỷ đã đóng vai trò quan trọng, thì vào giai đoạn sau chiến tranh, còn xuất hiện các tuần báo. Nhật báo tại Nhật Bản luôn luôn có số độc giả cao nhất thế giới, với lượng phát hành buổi sáng từ 4 tới 6 triệu ấn bản vào thập niên 1950, với ba tên báo rất phổ thông là Asahi, Mainichi và Yomiuri. Các tờ báo địa phương hay thuộc tầm cỡ trung cũng có số lượng trên 1 triệu ấn bản. Báo chí tại Nhật Bản ngoài phẩm chất cao, còn gây ảnh hưởng tới quần chúng hơn là tại các quốc gia khác.

Bên cạnh báo chí rất phổ biến, còn có hệ thống truyền thanh và truyền hình. Thời bấy giờ, có hai hệ thống truyền hình của chính phủ và năm hệ thống tư nhân, tất cả ngoài nhiệm vụ thông tin, giải trí còn có các tiết mục giáo dục và sự cạnh tranh giữa các đài truyền hình rất

Sự phát triển về kinh tế tại Nhật Bản vào các thập niên 1950 và 1960 đã khiến cho tốc độ đô thị hóa gia tăng gấp bội. Các miền nông thôn mất dần dân cư trong khi đô thị lại không đủ sức chứa những người tìm đến vì công việc làm ăn. Thủ đô Tokyo vì vậy đã vượt qua 8 triệu cư dân và trở nên thành phố đông dân nhất thế giới. Các thành phố gần đó như Yokohama, Osaka, Kobe… cũng đều có thêm vài triệu người, tất cả sống chen chúc, hối hả… khiến cho mọc lên rất nhiều khu nhà cao tầng, các cửa hàng bách hóa to lớn với vườn cảnh ở trên nóc, các quán trà, quán ăn, hộp đêm, khách sạn và các trung tâm giải trí ồn ào…

Cuộc sống tại Nhật Bản vào thời kỳ này lại bắt kịp với nhịp sống của các nước phương Tây, với tính năng động, với các biến thái nhiều kiểu cách. Các ban ngành nghệ thuật cổ điển như kịch Noh, Kabuki, hay loại tân tiến đều phát triển. Thành phố Tokyo đã có 5 ban nhạc đại hòa tấu chuyên nghiệp. Y phục thời trang cũng dần dần có đầy đủ các sắc thái tây phương trong khi đó, tại các gia đình, các phương tiện cũng dồi dào hơn: điện thoại, truyền hình, tủ lạnh, nồi cơm điện, dàn máy âm thanh nổi… và xe hơi cũng đã là một tiện nghi của dân chúng. Đà văn minh phát triển, gia tăng, đồng thời với các tội ác, băng đảng và các bệnh xã hội khác.

Sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Thế Chiến Thứ Hai đã phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến vai trò của giới trí thức đã biết đoàn kết và biết cách đối phó với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Sau khi thua trận, nhóm tài phiệt Nhật Zaibatsu đã bị giải tán nhưng lại xuất hiện nhóm Keiretsu (hệ liệt công ty). Đây là tập hợp các nhóm đại xí nghiệp kỹ nghệ (large and modern industrial entreprise groupings). Cơ quan MITI phối hợp với các đại xí nghiệp Keiretsu hoạt động bên ngoài và điều hòa các công ty nhỏ bên trong, nên đã làm gia tăng được rất nhiều hiệu quả kỹ nghệ. Các công ty nhỏ có kỹ thuật kém tiến bộ hơn nhưng đã thu dụng 2/3 số công nhân và đã lãnh thầu lại của các đại xí nghiệp, sản xuất ra các bộ phận cần thiết nhỏ hơn hay kém quan trọng hơn. Về đối ngoại, Keiretsu đã có các chiến lược và chiến thuật tinh khôn để cạnh tranh, chủ trương sản xuất ra các sản phẩm đa dạng, biết tiên liệu và lo trước về các nhà máy và nhân lực cần thiết, mưu mẹo giành lấy thị trường dài hạn hơn là chiếm cứ các nguồn lợi cấp thời.

Hoàn cảnh bên ngoài sau Thế Chiến Thứ Hai cũng lại là một lợi điểm cho nước Nhật. Khởi đầu, trong thời kỳ chiếm đóng, Hoa Kỳ đã trợ giúp cho Nhật Bản 1.9 tỉ Mỹ kim, 59% ngân khoản là về thực phẩm, 15% về vật liệu kỹ nghệ (industrial materials) và 12% về dụng cụ giao thông (transportation equiqments). Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên 1950-53 đã làm cho nền kỹ nghệ của Nhật Bản bắt đầu phát triển, để đáp ứng các nhu cầu của quân đội Hoa Kỳ. Kế đó là cuộc Chiến Tranh Đông Dương lần thứ hai (the Second Indochina War, 1954-75) cũng đã mang lại sự bùng nổ kinh tế (economic booms) cho Nhật Bản.


Năm 1964, Thế Vận Hội Olympic tại Tokyo (the Tokyo Olympic Games) đã cho Thế Giới thấy được các thành quả rực rỡ về Kinh Tế, Khoa Học và Kiến Trúc của nước Nhật Bản hậu chiến với các phương tiện giao thông tân tiến, các khách sạn mới không thua gì thứ của các nước phương Tây.

Năm 1968, Giải Thưởng Nobel về Văn Chương được trao về cho nhà văn người Nhật Kawabata Yasunari, càng làm tăng thêm niềm tự hào cho dân tộc này. Năm 1970, cuộc Triển Lãm Quốc Tế tại Osaka (the International Exposition in Osaka) lại khiến cho Thế Giới bàng hoàng trước đà tiến bộ vượt bực của một dân tộc xuất sắc của Á châu.

Phạm Văn Tuấn

Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia, Japan – A Country Study, Area Handbook Series edited by Ronald E. Dolan, Library of Congress, Wash.D.C., 1992.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét