Tự sự của con chim câu gãy cánh
08:54 | 14/05/2009
DƯƠNG THÙY DƯƠNG
(Câu lạc bộ Viết Trẻ Thừa Thiên Huế)
. Vào năm 198 mấy, tôi biết về những giao xúc yêu đương của người lớn. Phòng ngủ của mẹ tôi không có cửa vì phòng ngủ của những người lớn lúc bấy giờ đều như thế, không có cửa. Một tấm rèm nhựa màu xanh lấp lánh như phòng ngủ của mẹ đã thuộc hạng sang.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Và sau những khoảng trống song song của những chuỗi màu xanh ấy, tôi thấy mẹ và T ôm nhau, quấn riết và áp môi vào nhau. Tôi đã hất tung những chuỗi màu xanh, cái âm thanh lạc lõng ấy, đến bây giờ vẫn còn là sự ám ảnh. Tôi trào lên sự giận dữ đau khổ, tôi biết căm ghét, hận thù từ đó, tôi căm ghét T, căm ghét những bức mành màu xanh lấp lánh. Tôi oà khóc, đứa trẻ bị phản bội chỉ có thể chống cự bằng nước mắt. Tôi khóc rũ rượi trên cái giường một con con của bà ngoại. Em tôi, đứa bé lớp 1 không hiểu chuyện gì, cũng oà khóc theo. Mẹ cũng khóc, nước mắt đắng. T bỏ đi, sau khi đốt một điếu thuốc có phần ăn năn. Bố! ở nơi cách xa 430km có biết là cả 3 mẹ con đang khóc?
Mẹ luôn tay vỗ vỗ vào lưng tôi, nghẹn ngào “đừng nói cho bố con biết, bố sẽ đánh mẹ mất thôi” và “lớn lên rồi con sẽ hiểu”. Tôi không rõ, mẹ không xin lỗi. Nếu là tôi phạm lỗi, câu đầu tiên mà tôi phải nói là “con xin lỗi bố mẹ, con hứa lần sau…” nhưng mẹ thì không. Mẹ không bao giờ mắc lỗi cả, người lớn luôn đúng và không bao giờ nói câu xin lỗi với trẻ con. Người lớn cũng thế, sợ bị đánh đòn như trẻ con và những điều thắc mắc luôn được trả lời là “lớn lên sẽ hiểu”. Tôi không rõ đến lúc nào tôi sẽ hiểu hành động hôm nay của mẹ và T, tôi biết đó là một cái gì đó thật ghê tởm, tôi thương bố. Mẹ chăm sóc tôi kĩ hơn. Tôi biết. Mỗi khi có lỗi, tôi đều cố gắng bù lại bằng những hành động tốt. Mẹ nấu cho chị em tôi món chè đậu xanh loãng thơm mùi dầu chuối và mua những ổ mì to bự rỗng ruột màu nâu. Tôi cũng dần cảm thấy ổn hơn. T không xuất hiện ở nhà tôi nữa hoặc là có xuất hiện khi tôi đi vắng thì tôi không rõ. Thi thoảng tôi vẫn gặp T. Ở cái thị xã bé tẹo này người ta không thể lẩn trốn nhau lâu dài được. Mỗi khi không thể tránh hoặc tảng lờ, tôi đành phải nhìn T và không bao giờ chào. Những người lớn nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi là một đứa trẻ ngoan. Một đứa trẻ ngoan luôn phải chào hỏi lễ phép và vâng dạ với người lớn. Nhưng tôi không thể chào một kẻ mà tôi căm ghét, một người lớn mà tâm hồn rỗng như ổ mì màu nâu mẹ thường mua. Tôi vì vậy đã là một đứa trẻ hư rồi. Nhưng hắn, T vẫn là một người lớn đàng hoàng. Mùa hè lớp 3. Bố tôi trở về, mập hơn và thấp hơn trước một tẹo. Bố ôm cả hai chị em vào lòng. Đứa em cứ cọ cọ vào đám râu lởm chởm ở cằm của bố, còn tôi thì nhìn đăm đắm vào gương mặt bố. Mẹ ở bên, nín lặng căng thẳng. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi oà khóc. Bố vỗ về, cười. Bố không biết được, tôi là một tội đồ, một kẻ đồng loã. Tôi không thể nói. Trong những bộ phim trên tivi mỗi buổi tối mà tôi thường chỉ xem được một phần hai, khi bố mẹ giận nhau thì một đứa con sẽ theo bố và đứa còn lại theo mẹ. Cả gia đình cùng khóc. Tôi không muốn. Dù không còn yêu mẹ như trước nữa nhưng tôi không muốn xa mẹ và đặc biệt là em của tôi. Hai chị em mang khoe với bố tấm bằng khen có in dấu đỏ hình tròn. Cả hai chúng tôi như biết bao những đứa trẻ khác luôn phải cố làm hết chồng bài tập trong sách giáo khoa và sách tham khảo, học ra rả cho kì thuộc những trang sách để được điểm 9 và 10 và được bằng khen có dấu hình tròn màu đỏ. Có được nó, mẹ sẽ mua cho quần áo mới và bố sẽ cho về quê nội chơi. Còn đám bài kiểm tra thì sẽ cho vào lò đun bếp và chồng sách giáo khoa thì cho các em ở quê, chúng lại sẽ làm những bài kiểm tra và đọc ra rả những trang sách như chị em tôi như một trò chơi nhàm chán. Lớp 5. Một học sinh giỏi văn là tôi bị điểm 6 môn văn. Tôi đã viết những câu đại loại như thế này: Những đám mây trôi lững lờ trên bầu trời ảm đảm. Cô giáo có cặp tóc màu trắng mất ba hạt nhựa lấp lánh nói với tôi rằng không nên đặt những câu văn buồn thảm như thế, những từ ngữ đó không phù hợp với học sinh lớp 5. Một câu đúng phải là "những đám mây trôi chậm trên bầu trời trong xanh" hay là "những đám mây trắng xốp như bông đang đùa chơi trên bầu trời xanh ngắt", đại loại thế. Đúng vậy. Con mèo phải luôn có đôi mắt xanh như hai viên bi hay xanh như đá cẩm thạch dù tôi chẳng biết đá cẩm thạch là gì và xem ra mắt mèo cũng chẳng giống hai viên bi lắm. Tả cây mít thì phải thân màu gì, có to bằng vòng tay người ôm không, lá của nó mặt trước và mặt sau như thế nào, mùa đông có rụng lá và mùa hè có quả không? Vân vân và vân vân. Cô giáo luôn có một chồng sách trong đầu và chỉ cần tuôn ra cho chúng tôi chép vào vở, chúng tôi hăm hở ghi lại cố nhớ và chép lại trong bài kiểm tra đúng y xì như thế. Tôi đã sai vì tôi không theo ý của cô giáo. Mẹ tôi cũng bảo tôi sai, văn của trẻ con phải trong sáng. Tôi lúc đó cũng nghĩ là mình sai rồi vì cô giáo và mẹ luôn luôn đúng nhưng mà thực sự là trời lúc đó không xanh… Tôi chỉ thích đúng ngày thứ 5. Thứ 5 hàng tuần tôi phải học cả ngày. Buổi sáng học chính khoá và từ 2 giờ chiều tôi học ca thứ 2, bồi dưỡng văn. Tôi rất thích những giờ học này vì chẳng phải học theo một quyển sách giáo khoa nào cả. Và đặc biệt là thầy P thầy giáo già có cặp kính quấn dây bên trái luôn cho chúng tôi thoải mái viết, không theo một khuôn mẫu nào cả. Và chỉ cần trong bài văn của chúng tôi có một hai câu hay, ý tưởng lạ là nghiễm nhiên được đọc trước lớp, được điểm 10. Tôi rất tự hào vì là một trong những đứa được điểm 10 nhiều nhất. Sau buổi học cuối cùng, thầy P bảo tôi: - Em cần một tuổi thơ đẹp hơn. - Thưa thầy… - Văn của em già trước tuổi, nhưng không phải lỗi của em. Ngày hôm đó, một ngày mưa buồn. Tôi nhớ lại lớp 3 của tôi. Thầy nói đúng nhưng mà chưa đủ, tôi không phải là một đứa trẻ ngây thơ. Tôi là một đứa trẻ yêu trường học. Không phải vì quá say mê với những môn học mà vì trường học là một môi trường khác. Ở đó, tôi có bạn bè, những trò chơi, những bài kiểm tra khiến tôi có lúc như sống khác. Ở nhà tôi luôn có cảm giác nghẹt thở. Tôi đã từ lâu không còn sôi nổi khi nói chuyện với mẹ nữa, tôi đã từ lâu không tâm sự những buồn vui với mẹ nữa, tôi, đã từ lâu xem nhà của mình là một nơi đau khổ. Trường học cho tôi một nơi giải thoát. Nhưng cũng có lúc tôi căm ghét trường học. Đó là khoảng thời gian học cấp 2. Vào mùa nắng, trời nóng bức. Tôi chỉ thèm được ăn một que kem mát lạnh hay uống nước mát nhưng trường cấm chúng tôi đến những hàng quà trước cổng vì lí do mất vệ sinh. Mỗi sáng thứ 2 thầy phụ trách đều dóng dả ở micro là hàng quà rất mất vệ sinh, ăn vào đau bụng. Và nếu như chúng tôi mua quà ở đấy thì cờ đỏ sẽ ghi tên và nêu vào sáng thứ 2. Mẹ tôi cũng cấm. Mẹ chuẩn bị cho chị em tôi mỗi đứa một biđông đựng nước màu xanh nắp trắng. Tôi phải đeo cặp lên vai và xách kè kè bịch nước mỗi buổi học. Nó thường vơi đi một phần 3 khi tôi đến trường và sau giờ ra chơi thì hết nhẵn. Suốt giờ còn lại, có khát cũng chịu. Cảm giác của tôi thời cấp 3 là triền miên khát, khát cháy cổ không làm gì được. Có mấy đứa bạn của tôi lén ra bờ rào mua nước. Ở đó có một lỗ hổng và mấy bà bán hàng thường chìa bịch nước ra bán, có cả mía lạnh và sữa chua. Nhưng tôi không có đồng quà nào để mua cả. Mẹ tôi luôn sợ tôi ăn hàng ăn quán sẽ bị đau bụng. Tôi lúc đó giận mẹ tôi ghê gớm. Trẻ con có lúc nào bị đau bụng khi ăn kem đâu, chỉ có người lớn là giàu trí tưởng tượng. Nhưng nếu chỉ là những cơn khát triền miên thì tôi đã không căm ghét trường học nhiều như thế. Tôi căm ghét tận độ vì một lí do khác, là nhà vệ sinh. Mỗi buổi học tôi luôn phải đi vệ sinh ít nhất một lần. Đó là một cực hình mà đến bây giờ khi nghĩ lại tôi vẫn thấy sởn cả gai ốc. Nhà vệ sinh bé tẹo và không có nước. Mỗi khi chuẩn bị bước vào đó tôi luôn phải hít căng thu vào hai lá phổi luồng không khí trong lành và bước những bước hùng dũng mau lẹ vào cái căn phòng ẩm thấp tối tăm ấy. Tôi phải cố bước những bước khéo léo để không dẫm lên những đám nước nhầy nhụa thối bẩn trên nền xi măng và cố hoàn tất thật nhanh để chạy ào ra ngoài để hít căng luồng không khí trong lành. Mỗi ngày đều như thế, tôi không làm sao thoát ra khỏi cái vòng đau khổ ấy được. Tôi sợ mỗi buổi đến trường, cái nhà vệ sinh màu vàng ẩm thấp ấy. Giờ mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình can đảm, một đứa trẻ can đảm như bao đứa trẻ khác lúc bấy giờ. Tôi ngưỡng mộ chị P và chị Q. Chị P hơn tôi 5 tuổi và chị Q hơn tôi 3 tuổi. Cả hai chị đều xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi và có bố đi nước ngoài. Bà ngoại tôi bảo đi nước ngoài thì giàu lắm. Mà đúng là 2 chị ấy có 2 con bupbe to gần bằng người, tóc màu nâu, đôi mắt có thể nhắm mở, như vậy thì đúng là giàu nhất trong xóm rồi. Chúng tôi chẳng ai có những con buppe đẹp như thế. Mỗi tối thứ 7, chị em tôi thường sang nhà chị P và Q chơi. Vì tối đó chúng tôi được nghỉ, không phải làm bài. Tivi thì ngoại xem cải lương. Chúng tôi chẳng được xem phim gì cả, mà ở nhà cũng sợ cái tiếng ca cải lương mùi mẫn ấy. 4 chị em chúng tôi thường bày đủ các trò, cút bắt, đánh chuyền cả thi hát và diễn kịch cũng có. Nhưng rồi cũng nhanh chán. Chị P bày cho lũ chúng tôi một trò mới. Lần đầu tiên, em tôi không được tham gia, chị P bảo nó bé quá, lại hay mách lẻo nên nó phải đứng ở ngoài, canh phòng. Nhìn nó mếu mếu tôi cũng thương nhưng mà sức hấp dẫn của trò chơi mới khiến tôi quên ngay. Tôi theo chị P và Q ra sau nhà, một khoảng sân tối. Sau một hồi căn vặn tôi là không được nói với ai, 2 chị mới cho tôi tham gia trò chơi mới này. Trò chơi có tên là vợ chồng. Tôi không rõ. Chị P và Q chơi trước, hai người ôm riết lấy nhau, thì thào những câu nói không rõ lời, tôi nghe cũng buồn cười nhưng không dám cười. Chị P bắt đầu sờ nắn khắp người chị Q và lẩm nhẩm khen ngợi, chị Q thì buồn buồn bắt đầu cười rúc rích, tôi cũng thấy buồn cười, nhưng không dám. Đến lượt mình, tôi cũng sờ nắn khắp người chị P. Tôi nhận ra sự khác biệt mà lâu nay không biết, ngực chị P to hơn ngực tôi, hai vú cưng cứng. Chị P cũng làm tương tự, tôi thấy ghê ghê. Chị áp môi vào môi tôi, một cảm giác mới lạ nhưng buồn nôn. Trò chơi kết thúc, chúng tôi phải thề thốt giao hẹn không được nói cho ai cả. Tôi thấy rỗng. Chị Q buột miệng nói cho tôi rằng một lần 2 chị ấy thấy mẹ của hai chị với một ông H nào đó làm chuyện ấy, nên học theo, cũng thú lắm. Tôi từ ngạc nhiên đến chua chát. Ra là thế, giống nhau cả, tội nghiệp bố. Tôi lặng lẽ ra về. Em tôi cứ hỏi mãi là trò chơi gì thế, thú không? Tôi chỉ muốn khóc. Nhưng mà không. Thầy một lần nữa lại đúng. Tôi là một đứa trẻ không có tuổi thơ, tôi không thể trong sáng. Giá mà tôi khóc được. Em tôi là một con chim nhỏ ngây thơ. Em đừng biết thì hơn. D.T.D(242/04-09) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét