24/10/20

 

Tháng Chín kỷ niệm Tháp Đôi World Trade Center

 NEW YORK CITY, New York (NV) – Thấm thoát 19 năm đã trôi qua, hình ảnh sụp đổ của Twin World Trade Center (WTC) hay Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới tại New York vào buổi sáng ngày 11 Tháng Chín, 2001, làm chấn động toàn cầu.

One World Trade Center ngày nay. (Hình: Mike Lawrie/Getty Images)

Câu chuyện đã đi vào lịch sử của thế giới, nhưng để lại trong tâm tưởng cho tất cả những ai đã có dịp ghé thăm nơi đây những kỷ niệm thật đẹp về tòa Tháp Đôi WTC.

Đã hơn 20 năm qua, như thường lệ hằng năm vào mỗi dịp lễ Labor Day của Hoa Kỳ, ATNT Tours & Travel đều tổ chức tour du ngoạn đến New York và Washington, DC. Đúng vào sáng ngày 3 Tháng Chín, ngày Labor Day của 2001, đoàn chúng tôi đã đến New York. Trong chuyến đi, WTC được chọn là một trong những điểm du ngoạn chính. WTC có điều gì lạ và hấp dẫn để có thể lôi cuốn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến thăm như vậy!

WTC là một cặp tòa nhà chọc trời nằm về phía miền hạ của Manhattan thuộc thành phố New York. WTC ra đời vào năm 1973, gồm có 110 tầng lầu, chiếm một diện tích vào khoảng 16 acres và được xem như tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới vào thời điểm này. Đây là hai tòa nhà vuông vắn cao vút giữa khu Lower Manhattan. Sự giống nhau của hai tòa nhà được xem như hình ảnh của một cặp song sinh giữa nền trời Manhattan, nên WTC còn được gọi một cái tên quen thuộc là Tháp Đôi.

Hình ảnh của WTC đã làm lu mờ hẳn tòa nhà Empire State Building, một tòa nhà danh tiếng tại New York mà trước đó đã ngự trị trên toàn nước Mỹ suốt từ năm 1931. Du ngoạn tòa nhà Empire State, du khách có thể dùng thang máy lên đến tầng 102 (cao khoảng 1,250 ft, tức 380 mét) để ngắm toàn cảnh thành phố New York.

Không gian “Tháp Đôi” World Trade Center Twin Towers ngày trước. (Hình: Getty Images)

Tuy nhiên, vị trí của Empire State Building lại nằm ở khu vực Midtown Manhattan, trong khi vị trí của Tháp Đôi có ưu điểm là nằm ở khu vực Lower Manhattan gần cửa ngõ ra vào của thuyền bè khi cập cảng New York. Người ta ước lượng rằng vào ngày nắng đẹp, du khách có thể đứng từ Empire State Building phóng tầm mắt nhìn ngắm không gian thành phố xa đến khoảng 50 dặm. Có nói đến những ưu điểm của tòa nhà Empire State thì chúng ta mới có thể thấy thêm những ưu điểm của tòa nhà Tháp Đôi.

Điểm cao nhất của tòa nhà mà du khách có thể đến được gọi là Top of the World Trade Center Observatory Deck nằm trên tầng lầu thứ 107 của tòa nhà (nơi mà chiếc máy bay khủng bố thứ hai đã đâm vào). Đây là một tầng lầu có độ cao 1,377 ft (410 mét), dành cho khách lên đây có thể ngắm nhìn toàn cảnh của thành phố New York từ tất cả mọi hướng Đông Tây Nam Bắc.

Chỉ mất có đúng 58 giây, thang máy của Tháp Đôi đã đưa khách từ mặt đất lên đến tầng 107. Đứng ở đây, bạn mới thấy được cái đẹp và sự hấp dẫn lôi cuốn của thành phố New York. Hình ảnh một thành phố được hai con sông East và West Hudson bao bọc chung quanh chảy ra biển đã tạo cho không gian khu Lower Manhattan một nét hoàn toàn riêng biệt.

Bức hình chụp ngày 20 Tháng Năm, 1986, thấy cả tượng Nữ Thần Tự Do và tòa Tháp Đôi World Trade Center. (Hình: Mario Suriani/AFP via Getty Images)

Từ hướng Tây của tòa nhà, bạn có thể thưởng ngoạn hình ảnh con sông West Hudson lặng lờ trôi, phía bên kia bờ là thành phố Newark của tiểu bang New Jersey với những bến thuyền dài ngắn không đều nhau nhô ra khỏi bờ sông. Ngày nay thành phố Newark cũng đã thay đổi rất nhiều so với hai thập niên trước.

Sau khi đến nơi, khách chậm rãi đi về phía Nam của tầng 107, tôi cho rằng đây là một không gian đẹp nhất và xúc động nhất cho những ai thích về thiên nhiên và lịch sử. Hai con sông East Hudson và West Hudson ôm sát phía Nam thành phố Manhattan lặng lờ tuôn chảy ra biển. Từ đây bạn phóng tầm mắt nhìn ra biển thật xa. Hình ảnh những chiếc thuyền bé li ti ra vào cửa biển tạo cho du khách ấn tượng về sự vĩ đại của thiên nhiên và sự nhỏ bé của con người.

Nhưng điểm nổi bật và xúc động nhất với tôi là hình ảnh của tượng Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững trên hòn đảo Liberty Island nằm giữa hai dòng sông giao nhau. Phóng tầm mắt xa hơn nữa là khách có thể thưởng ngoạn con đường thông ra biển Atlantic (Đại Tây Dương). Có ai đến New York mà không ghé đến thăm Nữ Thần Tự Do! Đây là một không gian gợi lại cho người dân Hoa Kỳ nhớ đến những ngày đầu lập quốc đầy những khó khăn của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Bức hình ngày 11 Tháng Chín, 2001, chụp những người đi bộ bên bờ sông ở Brooklyn, New York, nhìn thấy tòa Tháp Đôi World Trade Center đang bốc cháy. (Hình: Henny Ray Abrams/AFP via Getty Images)

Tượng Nữ Thần Tự Do được dựng trên đảo Liberty Island là một món quà mà người dân Pháp đã tặng cho Hoa Kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc. Tượng được thiết kế hoàn toàn dựa theo tinh thần Hoa Kỳ.

Tay phải của Nữ Thần cầm một bó đuốc như một ngọn đèn hải đăng, dùng báo hiệu cho các con thuyền chở di dân từ Âu Châu đi tìm vùng đất hứa. Khi gặp được “ngọn đuốc của nữ thần,” những con người vượt biển Atlantic biết rằng họ đã đến được vùng đất của Tân Thế Giới.

Tay trái của tượng cầm một cuốn sách, đó chính là ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ ra đời năm 1776. Dưới chân tượng, Nữ Thần đứng đạp đứt những gông cùm xiềng xích dưới chân, biểu tượng cho sự tự do dân chủ và bãi bỏ chế độ nô lệ ở đất nước Hợp Chúng Quốc hãy còn quá non trẻ.

Có hiểu ý nghĩa của pho tượng Liberty Statue đứng trơ mình dầm mưa dãi nắng giữa sông và biển để chào đón cứu vớt những kẻ đến từ những phương trời xa, khách mới cảm nhận được sự rung động trong tâm tư mình vì sự khoan dung của đất nước Hoa Kỳ.

Không gian tượng Nữ Thần Tự Do và One World Trade Center ngày nay. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Rời hướng Nam, khách lần bước đến phía Đông và Bắc của tầng lầu 107. Những chiếc cầu nổi tiếng như Brooklyn – nơi khởi đầu cho những cuộc chạy marathon hằng năm của thành phố New York, cầu Manhattan băng ngang qua con sông East Hudson – nối liền hai khu Manhattan và Queens. Những tòa nhà chọc trời khác rải rác chung quanh đều chỉ là “các đàn em nhỏ bé” của WTC nhưng lại tạo ra một hình ảnh đặc thù của New York. Có lẽ chính nhờ vào nét văn hóa đặc thù này mà người dân New York hình như không muốn rời bỏ thành phố New York cho dù tình trạng của thành phố có thế nào đi chăng nữa!

Sau khi đi một vòng Đông Tây Nam Bắc, quý vị đã mỏi chân ư! Thì đây một quán cà phê nhỏ cho du khách ngừng chân, nhấm nháp ly cà phê và thả hồn ngắm trời ngắm quang cảnh chung quanh. Ở thời điểm 2001, giá cả một ly cà phê là $2.31, một miếng bánh New York cheesecake $3.95 ở trên tầng tháp cao như thế thì không có gì mắc cả. Chung quanh đó, một tiệm gift shop bán những món hàng kỷ niệm của WTC và một vài quán ăn nho nhỏ là những tiện nghi khác dành cho du khách đỡ cơn đói bụng.

Đã 19 năm qua, tôi vẫn không biết cô hàng cà phê dáng người ngăm đen, bà bán hàng người Á Châu, người quét dọn hành lang mà tôi mới gặp cách trước đó tám ngày (trước khi tháp đôi sụp đổ) liệu có còn không! Kỷ niệm còn lại chăng của WTC (với tôi) chỉ là một tờ receipt của cô hàng cà phê đã đưa tôi, một vé vào cửa WTC. Tôi đã giữ những vật này như là một kỷ niệm đẹp suốt 19 năm nay! Phải chăng “Kỷ niệm đẹp không hẳn vì nó đẹp mà chỉ vì nó không bao giờ tìm lại được.”

Tấm vé vào cửa “Tháp Đôi” World Trade Center. (Hình: ATNT Tours & Travel)

Nếu trùm khủng bố Bin Laden chọn ngày lễ Labor Day để ra tay hành động, có lẽ số người thương vong trong sự sụp đổ của tòa Tháp Đôi còn cao hơn rất nhiều (trong số đó có tôi) vì ngày ấy có rất nhiều du khách xếp hàng nối đuôi nhau để chờ lên tầng 107. Nhưng có lẽ 11 Tháng Chín là ám hiệu 911 cho các tay khủng bố dễ nhớ! Nhờ thế sống chết nào có ai biết được.

Bây giờ, một One World Trade Center mới đã được dựng lên ngay chốn cũ của Tháp Đôi World Trade Center. Tháp Đôi bây giờ chỉ còn là sự đơn chiếc nên không bao giờ thay thế được cái đã qua. Người ta có thể thay đổi được thể xác nhưng không bao giờ thay thế được phần hồn. Xin mượn một câu thơ của thi sĩ Phạm Huy Thông để ngậm ngùi chia tay với Tháp Đôi World Trade Center “xin một lần mãi mãi chia tay.” (Trần Nguyên Thắng)


--

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét