Hung dữ: Người Việt thay đổi sau 75…
Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói: “Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: Người Việt của bạn là những người hung dữ”.
Người Việt chúng ta là những người hung dữ.
Đấy là tình cảnh một dịp gần đây, trong buổi giao lưu giữa những người nước ngoài hiện sống và làm việc tại thành phố Jakarta (Indonesia), tôi gặp một người phụ nữ Mỹ gốc châu Phi. Trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc, chị hỏi tôi từ đâu đến.
Câu nói của người phụ nữ làm tôi choáng váng. “Tại sao chị lại nghĩ vậy?” – Tôi vội hỏi và chị giải thích rằng vừa qua Việt Nam du lịch.
Đến TP.HCM, khi đang say sưa với cảnh vật và con người, chị đứng bên đường chụp ảnh khu nhà thờ Đức Bà bằng chiếc điện thoại vừa mới mua thì bị kẻ cướp lao đến giật phắt điện thoại, rồi vút đi bằng xe máy.
Vụ cướp giật không chỉ để lại cho chị những vết sẹo trên cơ thể (do bị kéo té ngã) mà còn cú sang chấn về tinh thần: Hiện nay, mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng xe máy chị lại hoảng hốt.
Khi tôi xin lỗi chị và nói rằng chính quyền TP.HCM đang làm các bước để cải thiện sự an toàn cho khách du lịch, người phụ nữ ấy lắc đầu và nói cái cần sửa nhất là bản tính tham lam, bon chen và hung hăng của người Việt.
Chị cho biết, trong khoảng ba tuần ở Việt Nam, chị đã quan sát thấy cái bản tính ấy trong nhiều hoàn cảnh: Người ta không chịu xếp hàng mà sẵn sàng chen lấn, xô đẩy; người ta bóp kèn inh ỏi trên phố để cố nhanh hơn vài giây, vài phút.
Khi va quẹt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sửng cồ, sẵn sàng lao vào nhau.
Người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt: Khi trả giá để mua hàng, chị đã bị người bán nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn xúc phạm đến nguồn gốc châu Phi của chị. Người phụ nữ thở dài nói rằng chị đã ở Indonesia 5 năm nhưng chưa bao giờ sa vào hoàn cảnh tương tự và so với những gì chị đã trực tiếp trải nghiệm, người Indonesia vô cùng hiền lành, tốt bụng, vui vẻ và tử tế.
Người Việt có hung dữ không? Câu hỏi ấy đeo đẳng tôi suốt nhiều tháng trời để rồi khi về Việt Nam lần gần đây nhất, tôi đã có câu trả lời.
Tại con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, tôi chạy xe kế bên người mẹ vừa đón con đi học về. Giây phút hội ngộ của hai mẹ con sau một ngày làm việc và học tập vất vả đáng lẽ là những giây phút hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười, nhưng không phải. Người mẹ vừa chạy xe vừa ra rả rủa xả con mình trong khi cô con gái nhỏ co rúm vì sợ hãi.
Người mẹ chửi con vì điểm kiểm tra toán hôm đó không như bà mong đợi. Nhìn nét mặt đau khổ của cô con gái, tôi tự hỏi người phụ nữ đang dạy con những gì? Hay bà đang cố gắng gieo mầm mống của sự hung dữ vào tâm hồn trẻ nhỏ?
Người Việt chúng ta là những người hung dữ., Khi chửi rủa con trẻ, phải chăng người mẹ đang gieo mầm tính xấu cho nó
Tôi tự hỏi có phải vì điều kiện sống quá áp lực, vì hoàn cảnh kinh tế bức bối mà con người ta dễ dàng trút giận lên nhau?
Trong những năm gần đây, tôi sống và làm việc ở hai thành phố lớn với môi trường khá tương tự TP.HCM. Đó là Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia).
Đây là hai thành phố có tình trạng người thất nghiệp khá cao, an sinh xã hội thấp, nhiều người nghèo và đặc biệt với tình trạng ùn tắc giao thông dễ khiến người ta nổi nóng.
Nhưng thật lạ, trong bốn năm sống ở Manila và một năm rưỡi sống ở Jakarta, tôi thấy trên đường phố, dù kẹt xe đến mấy, ít ai bóp còi.
Văn hóa xếp hàng ở hai thành phố này cũng vượt trội hơn hẳn các thành phố của Việt Nam và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh, tôi chưa từng gặp tình trạng bị chèo kéo, hăm dọa và bắt nạt như tôi từng gặp mỗi khi về nước.
“Người Việt là những người hung dữ”, câu nói đó không hẳn là đúng, nhưng tôi thấy sự hung dữ ngày càng lộng hành và bột phát không chỉ ngoài đường phố mà còn trong các gia đình (bạo hành phụ nữ, trẻ em, người thân trong gia đình giết nhau vì mâu thuẫn hay tranh chấp tài sản), trong trường học (bạo hành học sinh), trên mạng xã hội (người ta có thể thoải mái mạt sát, thóa mạ lẫn nhau). Đặc biệt là các vụ giết người vì mâu thuẫn nhỏ ngày càng gia tăng.
Tôi đã nghe cha mẹ tôi kể những câu chuyện rất xúc động về sự tử tế của con người trong những năm tháng khi đất nước chúng ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh.
Điều đáng buồn là khi chiến tranh lùi xa, sự tử tế cũng đang dần biến mất nhiều nơi. Bộ phim “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1985 đã cảnh báo về tình trạng ấy. Giờ đây, sau 34 năm, bộ phim vẫn còn nóng hổi tính thời sự.
Theo lời bình của bộ phim: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn…”.
Vâng, sự tử tế chính là cái gốc cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Nếu chúng ta không sớm hành động để đánh thức và khích lệ sự tử tế trong mỗi con người, nền tảng đạo đức xã hội sẽ tiếp tục lung lay, khiến cho những thành tựu phát triển kinh tế của chúng ta trở nên vô nghĩa.
Nhà văn NGUYỄN PHAN QUẾ MAI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét