Phiếm luận về Tình yêu.
(Cho Hờ và Ngờ)
Trong tình yêu không có khái niệm “ khổ đau tuyệt đối” hay “hạnh phúc tuyệt đối”; và khi có người thứ ba xuất hiện thì tiếng khóc nụ cười hoán đổi cho nhau, hạnh phúc của người này là đau khổ của người kia!
Chuyện khóc cười trong tình
yêu cũng… thường thôi (như chuyện mưa nắng của trời). Còn yêu sáng đón chiều
đưa, hết yêu đi tối về trưa mặc người!
Tình yêu chỉ có một, nhưng những thứ na ná như tình yêu thì khá nhiều, nên con người ta dễ ngộ nhận, nhất là khi con tim để cho cảm xúc chi phối, cái mà người đời gọi là “say nắng” hay “cảm gió” gì đó… Và một hai năm sau ngày cưới, ai cũng nói câu KHÔNG NGỜ! Rồi kéo nhau ra Tòa làm thủ tục hay bi đát hơn là cùng nhau gắng gượng chắp vá những đổ vỡ để cho những đứa con được đẹp đội hình đủ cha đủ mẹ!
“Tình đầu cũng là tình cuối” thật ra không hay ho lắm đâu (!) Chỉ có người trong cuộc mới hiểu!
Trong tình yêu nếu không có
khổ đau, chia ly, sầu biệt…làm sao có những bản tình ca bất hủ, những bộ trường
thiên tiểu thuyết lấy bao nước mắt của nhân loại! Hồ Dzếnh muôn đời vẫn đúng: “
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở/Tình hết vui khi đã vẹn câu thề”.
Tiếng cười đưa tình yêu
thăng hoa, tiếng khóc làm cho tình yêu bất tử!
Thời gian luôn là bài thuốc
nhiệm màu, mọi vết thương “Tình” rồi sẽ liền sẹo, vết sẹo này có đau nhức khi
trái gió trở trời hay không là tùy thuộc vào người kế tiếp!
Cười và khóc là hai mặt đối lập của cặp phạm trù “Hạnh phúc-Khổ đau”; nó là van xả để giải áp một trạng thái quá mức (overloading). Hạnh phúc cũng như khổ đau, đều có giới hạn của nó, tận cùng của hạnh phúc, là nơi khổ đau xuất hiện và ngược lại; nó tồn tại theo qui luật “Hồi qui trung bình”; bởi vậy “con đường thoát khổ” của Đức Phật dù đã trên 2500 năm nay, chẳng giúp được mấy người!
Một cuộc đời “đích thực” phải đủ cả khóc, cười. Tiếng khóc như một nốt trầm, một quãng lặng trong âm nhạc.
“Tình yêu như trái phá con tim mù lòa” nhưng dẫu
sao cũng đừng tuyệt vọng. Hờ, Ngờ ơi! đừng tuyệt vọng! Con “hồn nhiên rồi” con
“sẽ bình minh”!
22/4/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét