31/10/23

 

Nơi dòng sông chảy ngược.

Quê tôi có huyện Tiên Phước (TP), thuộc miền tây Quảng Nam, nơi đây, núi không cao, nước không sâu, không hiểu cuộc đất vặn xoắn thế nào, để hình thành một con sông chảy ngược từ đông sang tây, thế mới có câu: Sông Tiên nước chảy ngược dòng/ Lấy chồng Tiên Phước đừng hòng

tương lai! Câu ca vô tình, một thời, gây bao trở ngại cho những nam thanh Tiên Phước trên bước đường chinh phục…vợ! Xin mở ngoặc ở đây: thời xa xưa, núi rừng TP, Trà My, là nơi sốt rét lưu hành, là chốn “rừng thiêng nước độc”, vì chưa có thuốc chữa, nên một ai đó dễ thành góa phụ, nếu không may chồng mình mắc bệnh. Giờ, câu ca đã thành hoài niệm về một thời đã qua.
(ảnh trên net)

Không biết, có phải vì dòng sông chảy ngược đấy không, mà ở đây có nhiều khác biệt: Thương hiệu Hồ tiêu Tiên Phước là một ví dụ, tiêu nhỏ hạt, thơm thanh, nồng nhẹ, không ‘xé miệng’, vừa đủ làm cho chén nước chấm mãi còn vấn vương trong tâm hồn thực khách! Tiêu TP ngày nay đã đi năm châu bốn bể và đã bị người ta làm giả làm nhái, hãnh diện thay!

 Thứ đến là Bòn bon. Bòn bon (Lansium parasiticum), bà con mình gọi Bòn bon/ Lòn bon là đọc theo âm Khmer : ‘Long kong’. Quảng Nam, có vài nơi trồng được, như Phước Sơn,…,đáng kể hơn là Đại Lộc, nhưng có lẽ dòng Vu Gia không chảy ngược, nên trái này nơi đây lạt vị và đã đi vào quên lãng! Vậy, Việt Nam, khi nói đến Bòn bon, người ta nghĩ ngay đến địa danh Tiên Phước.

Bòn bon đã đi vào thơ nhạc: “Ai lên nhắn với bậu nguồn/ Bòn bon gởi xuống cá chuồn gởi lên”, “ Đói lòng ăn trái bòn bon/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”, trái Nam trân rất hiền, ăn không “phá ruột”, ăn không biết chán, “ Anh đưa em đi ăn trái bòn bon, ăn hoài mệt nghỉ”(Ns Nguyễn Văn Tý) đã nói lên điều đó. Không phải ngẫu nhiên, mà một loại cây vô danh tiểu tốt, lại được vua Gia Long, phong hai chữ ‘Nam trân’, vua Minh Mệnh cho khắc lên Nhân Đỉnh.

 Bòn bon TP ngon cở nào? Không thể mô tả ở đây, vì e mang tiếng chủ quan, quảng cáo, “dẫn dắt dư luận”, hãy ăn và cảm nhận cái vị bốn phần là nho, một phần là chanh, được quyện vào nhau trong mỗi múi bòn bon !Tuy nhiên, cũng phải đôi dòng về “kinh nghiệm” ăn trái này sao cho trọn vị.Trước đĩa bòn bon, nên chọn trái nào thon nhọn, không to lắm, da hơi sẩm màu một tí, bóc ra, cho  vào miệng, ấn nhẹ răng vào, vị ngọt thanh ứa ra,… bảo đảm không ai dám nuốt, chỉ để tận hưởng! Còn trái lớn thì sao? Trái to, múi to, hạt lớn, thiên nhiên dành để làm giống, nên có vị chua, không nên ăn, trong một trái có 1,2, múi như vậy, ta chỉ cần lấy tay tách nhẹ và ăn các múi nhỏ hơn còn lại. Nếu không may, gặp phải múi chua, không sao, cứ cắn vào hạt, vị đắng trào ra và trung hòa tất cả, ta tiếp tục ăn đến khi mệt nghỉ! Mùa này (tháng 8-10), bòn bon, được đóng thùng, gởi đi biếu, đi cho và cả đi bán khắp nơi, những người con TP xa xứ cũng được thưởng thức thứ quà quê chơn chất, nặng tình nặng nghĩa này !

 Đẹp thay con gái Tiên Hà, gà tơ Tiên Cảnh, trái Bòn Tiên Châu ! Nếu quan sát kỹ một tí, sẽ thấy, dòng Tiên chảy qua ba xã này như chậm lại, đủ thời gian cho những nguyên tố vi lượng đặc biệt lắng vào lòng đất và tạo nên sự khác biệt cho con người và sản vật nơi đây. Bòn bon Tiên Phước đã ngon, vị của Bòn bon Tiên Châu còn ngon hơn thế, đó là sự kết hợp hài hòa giữa nho và bưởi, ngọt thanh và không chua, làm người sành ăn thòm thèm khi trái vụ !

‘Quảng Nam có Tiên Phước/ Cả nước có Cần Thơ’, câu ca như một lời khẳng định thứ bậc. Phụ nữ TP đẹp nhưng không điêu ; mảnh mai không mảnh khảnh ; đầy đặn chứ không tròn trịa,…với mái tóc thơm lừng chanh bưởi, dài mượt như dòng Tiên !

Chiều nay, có kẻ, vì nghiện trái Bòn bon, đã cố tình sảy chân giữa dòng Tiên ; ngồi nhớ lại chuyện mình và ngêu ngao hát- ‘ quá nửa đời phiêu bạt, anh lại về úp mặt vào sông… Tiên’! Ơi sông Tiên, ơi sông Tiên !

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét