Đêm nay, thế giới dài thêm một giây
Thời gian trên toàn thế giới hôm nay sẽ được điều chỉnh dài thêm một giây để bù đắp những sai số là hệ quả của việc tốc độ quay của Trái Đất bị thay đổi.
Một giây nhuận sẽ giúp đồng hồ trên toàn thế giới chạy khớp với tốc độ quay của Trái Đất nhưng cũng gây ra vấn đề về đồng bộ hóa dữ liệu máy tính. Ảnh minh họa: BBC
|
Vào lúc 23h59 GMT hôm nay, các đồng hồ nguyên tử trên thế giới sẽ được thêm một giây. Điều này có nghĩa phút cuối cùng của tháng 6 sẽ có tổng cộng 61 giây, theo BBC. Việc điều chỉnh này nhằm mục đích đồng bộ thời gian trên các đồng hồ nguyên tử với vòng quay của Trái Đất.
Theo Peter Whibberley, nhà nghiên cứu cấp cao tại Phòng thí nghiệm Vật lý quốc gia Anh, tính chính xác của đồng hồ trên thế giới phụ thuộc vào tốc độ quay quanh trục của Trái Đất nhưng con số này lại thay đổi bất thường bởi chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh như thủy triều, lực hấp dẫn của Mặt Trời, Mặt Trăng. Vì thế hiện tượng giây nhuận cũng xảy ra không theo chu kỳ nhất định.
Một số chuyên gia cho rằng một giây thêm vào có khả năng mang đến nhiều rắc rối cho hệ thống xử lý thông tin tại các trung tâm tài chính cũng như nhiều tổ chức khác trên toàn cầu bởi các máy tính không được đồng bộ hóa.
Chính vì thế ông Whibberley đề xuất rằng "mỗi giây nhuận cần được thông báo trước 6 tháng". Điều này sẽ giúp các máy tính và phần mềm không có cơ chế hỗ trợ thay đổi thời gian tự động tránh khỏi vấn đề sai lệch thông số.
Tuy nhiên, Sebastien Bize, chuyên gia đồng hồ nguyên tử tại phòng thí nghiệm SYRTE, đài quan sát Paris, thì cho rằng "đã đến lục loại bỏ giây nhuận".
Việc bỏ giây nhuận không ảnh hưởng nhiều tới con người trong tương lai gần. Tuy nhiên, sau 10 nghìn năm nữa, giờ giấc sẽ đảo lộn. Khi đó, chúng ta sẽ ngắm mặt trời mọc lúc nửa đêm và ăn sáng lúc 2h.
Vũ Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét