Trích “Hồi ký Trần Văn Khê” - (Tập 3)
Giáo sư Trần Văn Khê, cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam vừa qua đời ở tuổi 94 (1921-2015). Sau hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc ở nước ngoài, đem tiếng nhạc Việt Nam giới thiệu khắp năm châu bốn biển, ông trở về quê hương, tiếp tục cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà những năm cuối đời. TBKTSG Online xin giới thiệu đến bạn đọc một trích đoạn trong hồi ký của ông.
Mùa thu năm 1974, nhân dịp dự Hội nghị Âm nhạc Quốc tế ở Perth (Úc châu), trên đường trở về Pháp tôi được dịp ghé lại Sài Gòn sau một phần tư thế kỷ sống xa đất nước. Đây là một chuyến qui cố hương đầy ấn tượng mà nếu không nhờ người bạn thâm giao từ thời học trường Trung học Trương Vĩnh Ký là anh Bùi Văn Nhu thì tôi đã không thực hiện được. Anh Nhu, lúc đó là công chức cao cấp trong chánh quyền Sài Gòn, đã bảo lãnh để tôi được thị thực quá cảnh “ghé” Sài Gòn trong ba tuần. Ngoài ra bác sĩ Nguyễn Lưu Viên, một thành viên trong Chánh Phủ miền Nam cũng có giúp đỡ trong việc bảo lãnh cho tôi.
Tại phi trường Tân Sơn Nhứt tôi được người thân và bạn bè đón tiếp trong tình cảm xúc động với cả tiếng cười lẫn nước mắt. Đó là một kỷ niệm ấn tượng nhứt mà mấy chục năm sau nầy mỗi khi nhớ lại tôi vẫn còn thấy ấm lòng.
Thời gian ở Sài Gòn tôi được mời đến nhiều nơi để nói chuyện. Trung tâm Văn hoá Pháp biết tôi là một nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống sống tại Paris nên mời tôi nói chuyện âm nhạc Việt Nam bằng tiếng Pháp tại đây. Sau đó bà Nguyễn Văn Bông, Chủ tịch Hội Việt Mỹ, gặp tôi và ngỏ lời mời:
- Tại Hội Việt Mỹ nhiều người biết anh và muốn nghe nói chuyện về âm nhạc Việt Nam. Tôi đã có lần dự buổi nói chuyện của anh bên Pháp thấy thú vị lắm, nếu anh đồng ý đến nói chuyện tại Hội thì tôi cám ơn vô cùng.
Hôm đó có cả người Việt và người Mỹ đến tham dự nên tôi nói bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Kết thúc buổi nói chuyện, một người Mỹ lên tặng quà cho tôi và nói bằng tiếng Việt:
Hôm đó có cả người Việt và người Mỹ đến tham dự nên tôi nói bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Kết thúc buổi nói chuyện, một người Mỹ lên tặng quà cho tôi và nói bằng tiếng Việt:
- Tôi chưa biết gì về âm nhạc Việt Nam, nhưng hôm nay chỉ sau một giờ đồng hồ nghe giáo sư nói chuyện tôi khám phá được nhiều điều thú vị và bổ ích, nhờ đó mà hiểu thêm được một giá trị văn hoá sâu sắc khác của người Việt. Xin cám ơn giáo sư.
Được một người nước ngoài sử dụng ngôn ngữ của quê hương khen ngợi như vậy tôi rất cảm động. Tôi cũng có buổi nói chuyện ở Đại học Vạn Hạnh, được Thượng toạ Thích Minh Châu, Viện trưởng, đích thân tiếp đón một cách thân tình. Thầy đề nghị tôi nói chuyện về âm nhạc với sinh viên và đông đảo tăng ni cùng Phật tử, đặc biệt đề cập đến những cách tán tụng trong truyền thống Phật giáo Việt Nam, đối chiếu với cách tụng niệm trong truyền thống Trung Quốc, Nhựt Bổn. Tôi không phải người tu hành cũng không theo đạo Phật mà nói chuyện về đề tài nầy trước nhiều tăng ni Phật tử, rõ ràng là đánh trống trước cửa nhà sấm, múa bùa trước cửa Lỗ Ban.
Tôi vẫn cho rằng mình có một cơ duyên với Phật giáo. Từ thuở nhỏ tôi đã sống kế bên nhà một người thầy cúng, được ông nội cưng chiều may cho áo tràng, sắm một cái đẩu, đợi khi nào mẹ tôi đi chợ thì ở nhà tôi tụng kinh, vì mẹ tôi không thích cho tôi làm điều nầy. Lớn lên tôi có dịp đi qua nhiều nơi, ghé nhiều chùa chiền và chú ý thấy tuy cùng một bài kinh, một tên Phật mà mỗi nơi tụng niệm mỗi khác. Tôi nói lại những điều đã góp nhặt được tại nhiều nơi trên thế giới, buổi nói chuyện của tôi được các tăng ni rất hoan nghinh.
Buổi gặp gỡ để lại cho tôi ấn tượng đậm đà nhứt là tại Hội Ái hữu Nghệ sĩ. Hầu hết các tài danh lúc bấy giờ đều có mặt, mọi người đều gọi tôi là “anh Hai”, từ những người đẹp nổi tiếng như Thẩm Thuý Hằng, Kim Cương, đến những nghệ sĩ kỳ cựu như anh Năm Châu, anh Ba Vân, cô Bảy Phùng Há, cô Bảy Nam. Tôi rất ngại ngùng nên nói với anh Năm Châu:
- Xin anh gọi tôi bằng em hay là chú chớ kêu bằng “anh Hai” như vậy tổn đức cho kẻ hậu sinh.
Anh Năm Châu cười:
- Tôi không gọi anh bằng “anh Hai” với ý nghĩa tính theo tuổi đời mà tôi coi anh là bậc đàn anh trong nghệ thuật, tức đặt để cho anh một trách nhiệm phải hướng dẫn và giúp đỡ chúng tôi trong nghề nghiệp.
Tôi hết sức xúc động và cảm thấy trách nhiệm bảo tồn, phát huy vốn cổ trong truyền thống Việt Nam càng thêm nặng nề.
Lần đó tôi được Hội nghệ sĩ công cử là Hội viên danh dự đồng thời trao tặng một Bằng khen do hoạ sĩ nổi tiếng Loka tự tay thiết kế, có chữ ký của anh Năm Châu (Hội trưởng), cô Bảy Phùng Há (Phó hội trưởng) và nghệ sĩ Kim Cương (Tổng thơ ký). Bằng khen nầy đối với tôi vô cùng quí giá và gìn giữ kỹ cho tới nay vì đó là sự tưởng thưởng của những đồng nghiệp mà tôi thương quí như ruột thịt.
Mấy hôm sau Trường Quốc gia Âm nhạc mời tôi nói chuyện hai buổi về âm nhạc dân tộc do anh Đỗ Văn Rỡ, Đổng lý văn phòng Bộ Văn hoá đứng ra giới thiệu. Một số giáo sư của trường không biết tôi và cũng chưa có cảm tình, vì vậy họ đặt nhiều câu hỏi hóc búa để thử thách, sau khi tôi trả lời suôn sẻ thì thái độ của họ khác trước rất nhiều và giữa chúng tôi có sự thông cảm nhau hơn.
Sau tất cả những buổi nói chuyện đó, tôi có thêm nhiều bạn còn những người không ưa ngày càng ít đi, điều đó làm tôi hết sức vui.
Báo chí đều có bài tường thuật đầy đủ về những buổi nói chuyện của tôi và hầu hết các báo đều nhấn mạnh điểm tôi xa xứ đã gần một phần tư thế kỷ mà vẫn nói tiếng Việt rất rành, không pha trộn tiếng nước ngoài.
Năm 1976 đánh dấu một sự kiện hết sức quan trọng trong đời tôi: lần đầu tiên sau hơn một phần tư thế kỷ lìa xa
đất nước tôi được “về” quê hương chớ không phải “ghé” như hồi năm 1974.
Năm 1974 tôi về nước bằng giấy thông hành của Chánh phủ miền Nam nhưng chỉ được phép “quá cảnh”. Sau ngày 30-4-1975 giấy nầy không còn giá trị. Cơ quan thẩm quyền ở Pháp kêu tôi lên hỏi có muốn xin gia nhập quốc tịch Pháp hay không nhưng tôi chỉ xin đổi qua hộ chiếu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lúc đó những người tại đây được cấp hộ chiếu mới của Chánh phủ Việt Nam chỉ được phép đi từ Pháp về Việt Nam, riêng tôi nhờ giấy thông hành trước đây cấp phép được đi nhiều nước trên thế giới, nhờ vậy hộ chiếu mới của tôi cũng được ghi nội dung y như cũ.
Biết rằng chuyến về nước lần nầy phải làm nhiều việc nên trước khi đi tôi chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Việc đầu tiên là lãnh nhiệm vụ mà Unesco giao phó, trước đó rất lâu một viên chức cao cấp mời tôi lên nói rằng:
- Gần 25 năm nay trong chương trình của Unesco chưa hề có ghi âm được một bản nhạc truyền thống miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi không rõ ở miền Bắc có những loại nhạc truyền thống nào và hiện nay có thể còn ghi lại được không?
Tôi trả lời trong dân gian có quan họ, trên sân khấu có hát chèo còn nhạc thính phòng có ca trù. Unesco đề nghị nếu tôi ghi âm được thì họ sẽ xuất bản vài dĩa hát đặc biệt về âm nhạc Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh.
Tiếp đó ông Alain Daniélou, Giám đốc “Viện nghiên cứu âm nhạc với phương pháp đối chiếu tại Tây Bá Linh” cũng bàn với tôi:
- Nếu anh có thể ghi âm được những loại nhạc truyền thống chánh cống của miền Bắc Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng đài thọ tiền chuyến đi và cho anh mượn băng từ, kể cả máy thu âm, nhưng anh phải mang về cho chúng tôi hai bản gốc để làm dĩa hát.
Số tiền tài trợ chẳng phải là nhiều, chỉ đủ mua vé máy bay khứ hồi và tiền ăn ở tối thiểu, nhưng được vậy đã là may. Tôi nhận lời và hứa sẽ cố gắng thực hiện.
Cùng lúc đó Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) nơi tôi đang làm việc cũng cho biết:
- Đất nước anh mới thống nhứt, tuy chúng tôi chưa liên hệ được để tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, nhưng trong tương lai sẽ có một chương trình lớn gọi là “Trao đổi của hai nước Pháp và Việt Nam giữa những nhà nghiên cứu và những giáo sư nhạc học”. Nay anh về nước, coi như người đi tiên phong để tìm hiểu xem một cuộc trao đổi như vậy có thể thực hiện được hay không? Sau đó chúng tôi sẽ gởi văn bản chính thức. Trong thời gian nầy, Trung tâm cho phép anh vắng mặt hai tháng được hưởng lương.
Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi, vì thông thường trước mỗi chuyến đi tôi phải làm đơn xin phép, nói rõ mình đi đâu, làm gì, việc làm đó mang lại lợi ích nào cho chương trình nghiên cứu âm nhạc của tôi, rồi phải chờ có khi mấy tuần sau mới được trả lời.
Nay bỗng nhiên tôi được một lúc ba điều kiện thuận lợi: Unesco bằng lòng làm dĩa hát, Viện nghiên cứu Tây Bá Linh đài thọ tiền, CNRS cho phép dễ dàng.
Nhưng đó chỉ mới là phần bên Pháp, còn xin về nước được hay không lại là chuyện khác. Tôi gởi thơ về Hà Nội cho anh Đỗ Nhuận, Tổng thơ ký Hội nhạc sĩ Việt Nam, nhờ anh thăm dò thử trong nước có bằng lòng cho tôi về hay không? Sau đó tôi nhận được thơ của anh trả lời: “Rất may là tôi nói ra thì ai cũng đồng ý, nhưng bên nầy nghèo, anh muốn về phải tự lo chớ Chánh phủ không đài thọ tiền máy bay được.”
Điều đó tôi đã dự trù rồi. Anh Đỗ Nhuận hỏi tôi có những yêu cầu gì, tôi cho biết muốn được gặp các nhạc sĩ trong nước, tìm hiểu sanh hoạt âm nhạc từ trước tới nay và xin được ghi âm quan họ, hát chèo, ca trù để làm một loạt dĩa cho Unesco giới thiệu với các nước trên thế giới.
Phía trong nước Hội nhạc sĩ đề nghị tôi nói chuyện về việc nghiên cứu âm nhạc Việt Nam bên phương Tây, đồng thời nhắc nhở tôi phải mang theo thuốc men, phim ảnh màu và máy móc cần dùng chớ trong nước lúc đó còn thiếu thốn nhiều phương tiện.
Vậy là tháng 3 năm 1976, tôi chánh thức thức trở về nước với tư cách là khách mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét