5/6/15

Việt Nam là chìa khóa giải quyết tranh chấp Biển Đông

 
  

Ở thời điểm hiện tại, không nghi ngờ gì về việc châu Á Thái Bình Dương sẽ trở thành tâm điểm của thế giới ít nhất là trong nhiều năm sắp tới. Đây là khu vực tiềm tàng nhiều xung đột ở quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với khu vực nóng nhất thế giới trong 15 năm qua là Trung Đông. Bài viết trên trang Diplomat, trích dịch:

Châu Á – Thái Bình Dương hội tụ những nền kinh tế lớn nhất và năng động nhất châu Á và trên cả thế giới và đây cũng đang là khu vực đông dân nhất hành tinh. Châu Á – Thái Bình Dương vì thế sẽ là bàn cờ lớn nhất thế giới trong thế kỷ 21, khi nó còn đang thu hút những cường quốc hàng đầu trên thế giới tập trung về đây. Nhưng, điều đáng ngạc nhiên nhất, là chìa khóa cho cả bàn cờ mênh mông và phức tạp này lại là Việt Nam.
Trước đó, khi Trung Quốc đóng cửa trong gần ba mươi năm dưới thời Mao Trạch Đông và kể cả sau khi nước này mở cửa nhưng chưa thu được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, thì châu Á – Thái Bình Dương rất yên bình. Không có quốc gia nào đủ lớn và đủ mạnh để có ý định mở rộng ảnh hưởng và thâu tóm quyền lực trong khu vực. Nhưng tất cả đã thay đổi sau khi kinh tế Trung Quốc phát triển và bắt đầu thay đổi thái độ với các nước láng giềng.
Một trong những yêu cầu phi lý nhất mà Bắc Kinh đưa ra là đòi hỏi quyền làm chủ phần lớn lãnh hải trong khu vực biển Đông, vốn được coi là yết hầu của tuyến đường biển qua eo Malacca. Một khi đạt được tham vọng cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ là quốc gia quan trọng nhất ở toàn bộ khu vực.
Vậy mục đích lớn nhất của Trung Quốc trong tương lai là gì? Đó là soán vị trí của Mỹ để trở thành siêu cường lớn nhất toàn cầu. Nhưng để đạt được điều đó, Trung Quốc cần trở thành quốc gia lãnh đạo châu Á trước. Trong ý nghĩa đó, mục tiêu làm chủ được biển Đông đối với Trung Quốc quan trọng hơn nhiều so với những tranh chấp ở biển Hoa Đông với Nhật Bản.
So với khu vực Đông Bắc Á chỉ có hai quốc gia lớn nhất là Triều Tiên và Nhật Bản, thì Đông Nam Á với hàng chục quốc gia mới là bàn đạp mà Trung Quốc cần để trở thành quốc gia lãnh đạo châu Á. Một khi đã mở rộng ảnh hưởng xuống các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng sang khu vực Nam Á và Trung Đông là những khu vực quan trọng còn lại của châu Á. Con đường để trở thành nước lãnh đạo châu Á của Trung Quốc là Nam tiến, chứ không phải Đông tiến.
Vì thế, muốn ngăn chặn một sự trỗi dậy và mở rộng quyền lực của Trung Quốc trong tương lai, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn khả năng Nam tiến của Bắc Kinh. Và chìa khóa để làm điều này lại nằm ở Việt Nam. Những nhà lãnh đạo hàng đầu trên thế giới quan tâm tới vấn đề châu Á – Thái Bình Dương như Mỹ hay Ấn Độ đã sớm nhận ra rằng việc một ASEAN liên kết lại với nhau để ngăn chặn Trung Quốc là điều không khả thi.
Những nước không hoặc ít có dính líu đến tranh chấp ở biển Đông như Malaysia hay Indonesia sẽ không thiết tha với việc nỗ lực cản bước Trung Quốc. Chỉ có hai quốc gia hội đủ những điều kiện cần thiết để trở thành chìa khóa cho vấn đề là Việt Nam và Philippines – những nước nằm ở phía Nam Trung Quốc và đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm lãnh thổ trên biển Đông.
Việt Nam, vì thế đang được xem là cánh cửa mở ra cho các cường quốc tham gia vào vấn đề châu Á Thái Bình Dương với mục đích đảm bảo ổn định ở khu vực. Ấn Độ là một ví dụ. New Delhi từ lâu đã quan tâm đến vấn đề ở biển Đông và thậm chí đã xuất hiện trong một số hội nghị có liên quan, nhưng Ấn Độ vẫn chưa có tiếng nói chính thức trong vấn đề tranh chấp ở khu vực. Người đã chủ động mời và chấp nhận cho Ấn Độ thể hiện tiếng nói của mình ở khu vực là Việt Nam khi một tuyên bố chung giữa Việt Nam và Ấn Độ về vấn đề biển Đông được chính thức đưa ra vào năm 2014.
Tương tự là Mỹ. Dù Mỹ đang là đồng minh của Philippines và sẵn sàng bảo vệ lợi ích cho đồng minh của mình, nhưng Mỹ vẫn chưa có tư cách pháp lý để chính thức tham gia vào cuộc tranh chấp. Hiệp ước đồng minh với Philippines chỉ giúp Mỹ lên tiếng trong những vấn đề có sự hiện diện của nước này. Để có thể cất lên tiếng nói trong những vấn đề ở khu vực, Mỹ cần lời mời từ một quốc gia trong khu vực, và quốc gia muốn Mỹ tham gia nhất ở thời điểm hiện tại không ai khác ngoài Việt Nam.
Trên bàn cờ địa chính trị, Việt Nam vì thế đang là chìa khóa quan trọng nhất trên toàn bàn cờ, vì đây là quốc gia đóng vai trò đầu mối liên kết các quốc gia trong khu vực với các cường quốc trên thế giới lại với nhau. Chiến lược của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương thiên về giải pháp quân sự hơn là chính trị. Việc bật đèn xanh cho Nhật Bản tái vũ trang và tăng cường quan hệ quốc phòng giữa các đồng minh của Mỹ trong khu vực để tạo thành một vành đai vây quanh Trung Quốc, chủ yếu hướng đến việc ngăn chặn khả năng Trung Quốc dùng vũ lực để mở rộng ảnh hưởng.
Còn việc ngăn chặn bằng những biện pháp phi vũ lực thì những liên kết giữa các cường quốc trên thế giới và các nước trong khu vực mà Việt Nam đang tạo nên có vai trò cốt yếu hơn. Nó cho phép những cường quốc ở ngoài khu vực như Mỹ và Ấn Độ có thể tham gia sâu hơn và có tiếng nói hơn vào những vấn đề trong nội bộ khu vực để ngăn chặn và gây sức ép đối với Trung Quốc.
Thậm chí về phương diện quân sự, Việt Nam cũng đang là chốt chặn quan trọng nhất. Hệ thống liên minh của Mỹ ở khu vực chỉ có tác dụng tạo một vành đai quân sự vây quanh Trung Quốc, nhưng xét về tốc độ phản ứng, những liên minh quân sự kiểu này luôn phản ứng khá chậm chạp và chỉ thích hợp cho một cuộc chiến kéo dài. Còn với những chiến dịch chớp nhoáng thì không.
Điều cốt yếu là phải ngăn chặn khả năng Trung Quốc dùng một cuộc chiến chớp nhoáng để đoạt lấy những hòn đảo quan trọng nhất trên biển Đông và biến mọi sự thành việc đã rồi. Bản thân các hạm đội Mỹ không thể luôn có mặt tại khu vực này. Một khi Trung Quốc đã làm chủ được biển Đông thì những kế hoạch ngăn chặn của Mỹ và các đồng minh sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Việt Nam là nước duy nhất có đủ tiềm lực quốc phòng để ngăn chặn một chiến dịch chớp nhoáng như vậy, và ngăn chặn Trung Quốc phá vỡ thế cờ ở khu vực.

Diplomat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét