8/9/16

Cần khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường

26/06/2010 02:28 GMT+7
TTCT - LTS: Cần có chủ trương đối với chữ Hán là một trong các kiến nghị được Hội thảo khoa học toàn quốc “Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” đưa ra cuối tuần qua. Chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS.TS Đoàn Lê Giang cho TTCT về kiến nghị này.
Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Việt đang bị dùng sai một cách khủng khiếp. Chỉ có mấy từ dùng sai mà sửa mãi vẫn không hết: yếu điểm được dùng như điểm yếu, cứu cánh được dùng như cứu giúp, thậm chí có nhà văn nọ còn dùng từ khiếm nhã như là trang nhã...

Sinh viên ngay cả ngành khoa học xã hội và nhân văn mà vốn từ hết sức nghèo nàn, nhiều người trong số họ không có khả năng hiểu được những từ gắn với nhà trường như: học phong, môn phong, đồng song, đồng môn...
Những sai lầm yếu kém trên sẽ không có nếu học sinh được học chữ Hán, có thói quen tra từ điển Hán - Việt và tiếng Việt. Nếu như 50 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là do lo ngại tình trạng lạm dụng từ gốc Hán, như thay vì sân bay thì nói phi trường, núi lửa thì nói hỏa diệm sơn, tàu ngầm thì nói tiềm thủy đĩnh..., nhưng với tình hình giáo dục như hiện nay thì lấy đâu ra người hiểu được chữ diệm là cái sáng, cái nóng trên ngọn lửa, tiềm thủy là ẩn dưới nước...
Vì vậy bây giờ nói đến việc gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt chính lại là phải học chữ Hán.
100 năm - một chủ trương bỏ dở
Trong luận văn nổi tiếng Luận về chính học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế, nhà chí sĩ đã phê phán một cách mạnh mẽ tình trạng học thuật đương thời: “Âu học vẫn chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”.
Ông vẫn mơ ước dân tộc ta có một nền quốc học sâu sắc để làm cơ sở tiếp thu nền văn minh hiện đại từ phương Tây. Thế nên Trường Đông Kinh Nghĩa Thục của các chí sĩ duy tân thành lập năm 1907, bên cạnh đề cao thực học, đề cao tự do trình bày tư tưởng, cổ động việc học chữ quốc ngữ Latin để thay cho chữ Nôm, trường vẫn tổ chức học một cách nghiêm túc hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Pháp và tiếng Hán.
Trước năm 1945 ở nước ta, sau khi thực dân Pháp bỏ các kỳ thi chữ Hán thì chữ Hán vẫn được giảng dạy trong nhà trường, mỗi tuần 1-2 tiết. Tuy số tiết học rất ít ỏi nhưng cũng đủ cho người học hiểu được chữ Hán, không dùng sai, viết sai tiếng Việt và để tinh thần truyền thống qua thứ chữ ấy góp phần tạo nên cốt cách con người.
Ở miền Nam trước năm 1975 từng tổ chức một chương trình dạy tiếng Hán cho học sinh từ trung học đệ nhất cấp với bộ sách giáo khoa khá tốt: Hán văn khóa bản, học 1 giờ/tuần bên cạnh hai ngoại ngữ bắt buộc: tiếng Anh và tiếng Pháp.
Dạy chữ Hán trong nhà trường như thế nào?
Nhìn ra các nước Đông Á, không có nước nào dám đoạn tuyệt với chữ Hán. Người Trung Quốc trước kia trong cơn sùng bái phương Tây và đổ lỗi sự lạc hậu của dân tộc mình cho chữ Hán, từng mơ Latin hóa chữ viết của mình, nhưng rồi họ đành bằng lòng quay về với việc dùng chữ Hán giản thể và dạy cho học sinh phổ thông biết tối thiểu khoảng 3.000 chữ Hán.
Người Nhật Bản cũng từng thử nghiệm dùng chữ Romaji (chữ Latin) nhưng không thành, thế là quay lại sử dụng chữ Kana mà dân tộc họ đã sáng tạo từ hơn 10 thế kỷ trước, bên cạnh đó vẫn bắt buộc học sinh tốt nghiệp trung học phải biết thuần thục 1.945 chữ Hán. Người Hàn Quốc chính thức sử dụng chữ Hangul được tạo ra từ thế kỷ 15.
Trong văn bản tiếng Hàn thông thường hiện nay hầu như không còn chữ Hán nữa, nhưng những văn bản cổ hơn hay tài liệu khoa học thì dùng khá nhiều. Vì vậy chương trình giáo dục của Hàn Quốc vẫn dạy chữ Hán cho học sinh: cấp II dạy 900 chữ, cấp III dạy 900 chữ, tổng cộng là 1.800 chữ.
Ở Việt Nam, nếu đưa chữ Hán vào dạy trong trường phổ thông chắc chắn sẽ gây phản ứng từ nhiều phía. Nhưng chừng nào chúng ta còn dùng tiếng Việt, chừng nào chúng ta còn coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc, chừng nào chúng ta còn nhìn các nước Đông Á như những cái mốc cần phải đuổi kịp thì chừng ấy chúng ta còn cần phải dạy chữ Hán.
Hiện nay vẫn có nhiều giảng viên các khoa ngữ văn, lịch sử ở những đại học lớn biết chữ Hán. Chúng ta bắt đầu từ việc dạy đại trà cho sinh viên ngữ văn ở các đại học, từ đó đưa họ ra dạy thí điểm ở một số trường phổ thông. Sau đó rút kinh nghiệm, dạy chữ Hán cho học sinh trung học cơ sở, dần dần mở rộng ra học sinh chuyên ban khoa học xã hội ở trung học phổ thông. Cuối cùng mới tính đến việc dạy cho tất cả học sinh ở các ban khác.
Chỉ cần dạy cho học sinh khoảng 1.000 chữ Hán để biết chữ nghĩa căn bản, biết cách tra từ điển, biết cách tự học. Sau này khi có điều kiện tốt hơn, có thể dạy khoảng 2.000 chữ Hán như người Nhật, người Hàn Quốc.
Nếu chúng ta kiên quyết, kiên trì đưa chữ Hán vào chương trình phổ thông, tiếng Việt của chúng ta sẽ giàu có hơn, trong sáng hơn, ít bị sai hơn. Chúng ta sẽ có được thế hệ người Việt Nam mới: hiện đại, giàu có, mạnh mẽ, nhưng cũng uyên thâm cổ học, biết cắm rễ tri thức của mình vào nguồn mạch phương Đông và dân tộc, biết sống thung dung theo đạo học phương Đông và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét