8/9/16

Có phải học chữ Hán là thành “Hán nô”?

Standard
 
 
 
 
 
 
3 Votes

Bảng chữ cái trong hệ kí tự Phoenicia
Bảng chữ cái trong hệ kí tự Phoenicia
Chu Mộng Long – Bài trước tôi nói không chấp những người mang thói quen hàm hồ quy chụp “Hán nô” khi tấn công những ai nói về việc học chữ Hán, nhưng xem ra, thành phần này không ít, nên phải có trao đổi đàng hoàng.
Chung quy cũng bởi tại mặc cảm ngàn năm Bắc thuộc, cho nên người Việt không tránh khỏi sự đề kháng một cách vô thức! Biết vậy, PGS Giang Đoàn Lê cũng không nên phiền lòng về những quy chụp kiểu này!
Trước hết, cần giải định kiến chữ Hán là sở hữu của người Trung Quốc đã. Thực chất, chữ Hán là một cách nói theo thói quen, còn có cách gọi khác là chữ Nho, một kiểu chữ tượng hình từng được sử dụng chung cho cả một khu vực rộng lớn gồm Trung Quốc, Hàn, Nhật, Việt Nam trước khi các quốc gia này có biên giới lãnh thổ rõ ràng. Điều này cũng giống như bảng chữ cái Phoenicia là nền tảng cho nhiều bảng chữ cái khác được dùng chung ở châu Âu và Trung Đông, bao gồm cả bảng chữ cái Latin. Cũng như thế, bảng chữ cái Kirin là hệ thống kí tự làm cơ sở cho bảng chữ cái được sử dụng trong các ngôn ngữ khác nhau, trong đó có các bộ phận của Đông Nam Âu và Bắc lục địa Âu Á, đặc biệt trong các nhóm người gốc Slav…

Kí tự (characters) là tài sản chung của cả một khu vực các cộng đồng chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Thực chất, trên thế giới dù có hàng trăm dân tộc khác nhau, nhưng chỉ có ba bốn nhóm kí tự tương ứng với các nền văn minh. Nhiều dân tộc có ngôn ngữ nhưng không có hoặc không cần kí tự. Các nhà ngữ học lấy cái nôi văn minh của một khu vực mà đặt tên cho các nhóm kí tự và điều ấy không đồng nghĩa với sự sở hữu độc quyền của dân tộc được gắn cho tên gọi ấy. Không có chuyện chữ Hán là độc quyền của người Hán hay kí tự Slav là độc quyền của người Nga. Từ đầu thế kỉ 20, người Việt bỏ chữ Hán để sử dụng kí tự Latin là một sự lựa chọn có tính lịch sử, do sự thích hợp và tiện dụng của lối chữ ghi âm, kể cả do tác động bởi sức mạnh ảnh hưởng của nền văn hóa, văn minh phương Tây. Không có chuyện, các dân tộc sử dụng chung một loại kí tự là dân tộc này bị nô dịch dân tộc kia.
Kí tự khác với ngôn ngữ. Ngôn ngữ (language) bao gồm hệ thống kí hiệu biểu đạt bằng âm thanh của một cộng đồng bản ngữ như một khế ước trong trao đổi tình cảm, tư tưởng. Tiếng Việt mà chúng ta đang nói đến là ngôn ngữ tồn tại như một tài sản riêng của người Việt. Các cộng đồng, dân tộc có thể sử dụng chung một loại kí tự nhưng ngôn ngữ vẫn khác biệt khó có thể đồng hóa. Vì mặc cảm, người ta hay dùng khái niệm Hán hóa cho ngàn năm Bắc thuộc, riêng cá nhân tôi vẫn gọi đó là quá trình Việt hóa dù áp lực của cả ngàn năm Bắc thuộc. Trong luận án tiến sĩ của tôi, có một phần chứng minh rất rõ quá trình Việt hóa ấy bằng chính sức mạnh nội sinh của tiếng Việt. Mặc dù cha ông ta vay mượn hết Hán rồi cải biến Hán thành Nôm, cuối cùng là kí tự Latin, tiếng Việt với âm điệu, kể cả tình cảm, tư tưởng luôn hoàn toàn khác biệt với các dân tộc khác. Kí tự không làm thay đổi ngôn ngữ.
Bảng chữ cái Kirin
Bảng chữ cái Kirin
Bài trước tôi có nói đùa về việc ai sẽ dạy chữ Hán ở phổ thông, rằng chẳng nhẽ phải mời người Hán dạy chữ Hán cho các cháu là tôi nói vui, chứ người Hán làm sao dạy được khi đó chỉ là kí tự, còn âm hoàn toàn là âm Việt mang cảm xúc, tư tưởng của người Việt. Đành rằng, giới nho học phong kiến một thời có sử dụng nguyên chữ, nguyên cấu trúc và thể loại của người Hán để giao tiếp trên mặt văn bản, nhưng nếu có chuyên môn phân tích về âm và nghĩa, sẽ thấy các cụ ta đã Việt hóa rất rõ ràng bằng chính sức mạnh của tinh thần Việt.
Không có quá trình Việt hóa ấy, tiếng Việt đã không tồn tại, người Việt không ăn nói như người Hán thì cũng ăn nói như người Tây.
Không có quá trình Việt hóa ấy, văn chương Việt Nam cũng không có vị thế nào cho những áng văn chương thấm đẫm tinh thần, ý chí dân tộc.
Cha ông ta đã dùng chữ Hán cả ngàn năm, cũng như chúng ta hôm nay dùng kí tự Latin đã hơn trăm năm, ắt không đồng nghĩa với nô dịch Hán hay nô dịch Tây!
Có nô dịch chăng là ở những người ngu dốt. Ngu dốt thì ắt bị nô dịch. Không nô dịch nước ngoài thì cũng nô dịch trong nước. Không nô dịch trong quan hệ xã hội thì cũng nô dịch trong gia đình. Người ngu dốt bị kẻ lưu manh thống trị và xỏ mũi là lẽ thường tình! Sự nô dịch cấp độ nào cũng tệ hại như nhau. Cho nên muốn thoát khỏi sự nô dịch chỉ có thể là nỗ lực nâng cao dân trí. Dân trí mới mang lại dân chủ, tự do thực sự!
Việc học chữ Hán để hiểu tình cảm, tư tưởng, ý chí quật cường của cha ông, hiểu được âm mưu thủ đoạn của kẻ thù ngàn năm của chúng ta sao lại đồng nghĩa với nô dịch? Kể cả học giỏi tiếng Trung cũng chưa hẳn nô dịch khi ý thức về sự sinh tồn dân tộc luôn được giữ gìn, bảo trọng.
Vừa rồi, trong vụ Formosa, khi ấy đã hơn 11 giờ đêm, một bạn share cho tôi clip của Đài Loan về phóng sự cá chết, chính tôi đã giục các bạn ấy hãy làm phụ đề tiếng Việt ngay cho bà con xem. Và các bạn đã rất sốt sắng. Tôi sốt ruột thao thức chờ và chỉ trong vòng vài ba tiếng các bạn nhắn tin báo đã làm xong và share lên Facebook. Đó là những bạn từng du học ở Bắc Kinh. Có bị nô dịch không khi các bạn ấy luôn quan tâm đến sự sống còn của dân tộc mình?
Tôi đảm bảo, loại người mà các bạn gọi là “Hán nô” ấy không biết gì về chữ Hán, kể cả không rành tiếng Việt. Không tin, cứ thử lôi ra một vài thằng gọi là Hán nô nào đó tra vấn thử xem? Bọn này chỉ rành tiền thôi. Tiền bắt chúng quy phục và làm tay sai. Tiền làm chúng tối mắt tối mũi thì còn đâu mà biết được Hán hay Nôm?
Bảng chữ cái Arab
Bảng chữ cái Khmer cổ
Bảng chữ cái Khmer 
————

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét