Chủ dự án "lên trời gọi mưa": Công trình của tôi rất thực tiễn
Ông Phan Đình Phương, người trình dự án "lên trời gọi mưa" với vốn ứng 5.000 tỷ đồng, gây sốc cho dư luận khẳng định tính thực tiễn khi đưa vào thực hiện.
Như đã đưa tin, vừa qua, Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh vừa gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ xem xét dự án "lên trời gọi mưa" cũng như khoản ứng 5.000 tỷ đồng để thực hiện tạo "mưa nhân tạo" chống lại hiện tượng khô hạn của El Nino hay mưa lụt do hiện tượng La Nina gây ra.
Làm mưa nhân tạo (cloud seeding) là công nghệ thay đổi thời tiết tại các khu vực nhất định, nhằm tăng lượng mưa, giảm thiểu thiệt hại như hạn hán hay mưa đá. Công nghệ làm mưa nhân tạo trên thế giới đã có từ hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ này vô cùng đắt đỏ, như việc sử dụng hóa chất Iốt Bạc (AgI) làm một tâm ngưng tụ cho hơi ẩm trong mây, làm quá trình xả nước từ mây hiệu quả hơn.
Cũng vì việc này, rất nhiều ý kiến phản hồi từ dư luận đến các chuyên gia về dự án gây sốc này của ông Phan Đình Phương (Giám đốc Công ty CP khoa học công nghệ An Sinh Xanh). Nhiều người còn cho rằng đây là đề án "viển vông", "vô bổ", ''không thực tiễn" và số tiền 5.000 tỷ không phải là "vỏ hến"...
Ông Phan Đình Phương (áo trắng) từng nhận chứng nhận bằng sáng chế của Cơ quan Phát minh sáng chế Hoa Kỳ
Trước vô vàn áp lực đổ về dự án của mình, ông Phan Đình Phương không tỏ vẻ khó chịu, ngược lại ông sự hồ hởi, phấn khích khi dự án nhận được sự quan tâm từ dư luận.
Ông Phương chia sẻ cùng PV: "Sau khi trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo 7 Bộ, tôi không có ý định tiết lộ với báo chí về việc này. Bởi đây mới là dự án đang chờ xem xét, phản hồi chứ tôi không có ý định đánh bóng thương hiệu. Tôi rất mừng khi Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có công văn phản hồi ngay sau đó về dự án của mình".
Ngay sau khi dự án này được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, ông Phương chăm chỉ vào xem bình luận của độc giả dành cho mình. Qua thống kê của ông Phương ban đầu, hơn 100 bình luận chỉ có đúng 4 bình luận cổ vũ, khen ngợi ý tưởng của ông. Còn đa phần là những nhận định nghi ngờ, phản bác dự án "Lên trời gọi mưa".
Ông Phương cho biết trạm "Lên trời gọi mưa" còn có thể kiêm du lịch độc đáo
Ông chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng những lời phê bình giúp những người sáng chế chúng tôi rất nhiều. Họ đặt nhiều câu hỏi giúp tôi hoàn thiện dự án. Ví dụ như những ngọn núi có từ tính sẽ hút mây ra sao, có nhiều tầng mây thì việc tạo mưa ảnh hưởng thế nào... Họ chỉ đường giúp tôi hoàn thiện dự án, giảm thiểu rủi ro cho công việc của tôi. Đó là những phản biện tốt, bức thiết với chính bản thân tôi", kỹ sư quê gốc Quảng Trị chia sẻ.
Ý tưởng về việc "Lên trời gọi mưa" của ông xuất phát từ hình ảnh người dân miền Tây Nam Bộ vừa trải qua đợt khô hạn lớn vào đầu năm nay. "Khi nhìn hình ảnh người dân thiếu nước, tình trạng ngập mặn ảnh hưởng cuộc sống cứ vấn vương trong đầu tôi. Sau đó, tôi nghĩ việc dùng hơi nước bắn vào đám mấy để gây mưa, từ hình ảnh phun nước tại cầu Rồng. Tôi quyết định viết dự án này từ khoảng tháng 3/2016 với khoảng 112 trang, trình bày kỹ lưỡng về cách thức tạo mưa của tôi".
Được biết, ông Phan Đình Phương chính là tác giả cầu Rồng phun nước và trở thành hình ảnh đặc biệt ấn tượng đối với khách du lịch khi đến TP Đà Nẵng.
Ông lấy sẵn chiếc vòi phun từ chiếc xe chữa cháy độc nhất vô nhị của mình để lắp lên đầu cầu Rồng. Cùng chiếc máy nén khí 20 KW, qua hệ thống cột bơm, dẫn đẩy nước lên đầu rồng ra vòi phun tự chế. Cứ thế, những ngày cuối tuần, đầu rồng phun cột nước vươn xa hơn 120 m trong sự tán thưởng của người xem.
Ông Phương cho biết dự án này có tính khả thi 100 % và dựa trên công nghệ "nổ thủy khí" mà ông áp dụng phun nước tại cầu Rồng
Điều đáng nói, nhà sáng chế này còn sở hữu hơn 40 bằng sáng chế khác, như: máy “tóm” hơi xăng, máy sục rửa vỏ bình gas, xe hút bụi, đến máy chữa cháy tự hành...
Riêng máy sử dụng khí nén CO2 đẩy nước, chất chữa cháy qua vòi phun, không cần dùng điện nhanh chóng dập tắt hiệu quả các đám cháy được xem là sản phẩm tự hào nhất của ông Phương.
Sáng chế này được Tổ chức Sở Hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho “điểm tuyệt đối”, “đạt tính mới của thế giới”. Ông Phương là người Việt Nam đầu tiên được Cơ quan Phát minh Sáng chế Hoa Kỳ cấp Bằng độc quyền sáng chế mang số 00001 vào năm 2005, cho máy chữa cháy tự động.
"Nguyên lý tạo máy phun nước của cầu Rồng cũng được áp dụng trong dự án "Lên trời gọi mưa". Nó không hề tốn kém để mua hóa chất vì sẵn có. Tôi ví dụ một tối cầu Rồng phun nước khoảng 3 lần. Một lần như thế chỉ tiêu tốn 20.000 đồng. Một đêm phun nước, cầu Rồng chỉ mất chi phí 60.000 đồng, trong khi việc phun lửa tiêu tốn mấy triệu đồng", ông Phương cho hay.
Công nghệ ông áp dụng cho việc chữa cháy bằng hơi nước cũng như làm mưa nhân tạo là công nghệ "nổ thủy khí". Chiếc máy của ông Phương có thể tạo ra 1.500 lít hơi nước từ 1 lít nước. Việc bắn phá hạt nước tạo hơi sương nhanh như tia chớp mà không hề tốn kém.
"Khi bắt tay nghiên cứu, tôi thú thực chưa hỏi giá để mua hóa chất Iốt Bạc (AgI). Mọi người cũng biết bạc đắt không thua gì vàng và đây là Iốt Bạc nên càng đắt. Việc áp dụng công nghệ này đắt đỏ, tốn kém so với phương pháp dung "nổ thủy khí" của tôi. Chỉ cần dùng hơi nước phun lên làm hóa chất khiến hơi nước tích tụ lại tạo thành mưa", ông Phương nhận định.
Bàn thêm về dự án này, ông Phương khẳng định dự án hoàn toàn có tính khả thi, hiệu quả khi đưa vào thực tiễn. "Trước khi phát minh về xe đạp, máy bay ra đời, có ai tin tưởng vào độ thành công của nó đâu. Bởi nó không ằm trong kiến thức thông thường. Tại sao cá chuồn ở dưới nước vẫn bay được. Rắn không có cánh, có lông vũ... vẫn bay đấy thôi. Vì thế tôi tâm đắc câu nói của nhà khoa học Einstein: "Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức" khi dấn thân theo nghiệp làm phát minh".
Công nghệ "Lên trời gọi mưa" dùng chính hơi nước làm hóa chất để tạo mưa thay vì Iốt Bạc (AgI)
Bàn về con số 5.000 tỷ đồng, ông Phương cho biết đó là con số tạm ứng để thực hiện dự án. "Tôi đơn thuần chỉ là người phát minh ý tưởng chứ không ứng số tiền đó. Thực tế con số có thể thấp hơn, nếu tận dụng phương tiện trực thăng, ô tô, tàu biển sẵn có. Tuy nhiên, việc này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng. Trong dự án tôi trình Chính phủ, tôi cũng cho biết số tiền này sẽ được giao cho Bộ chỉ huy dự án "Lên trời gọi mưa" do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ huy. Ngoài ra, 7 Bộ cũng tham mưu trong việc thực hiện dự án này".
Ông Phương cũng khẳng định dự án sẽ thành công 100% nếu đưa vào thực tiễn. Dựa trên ưu đãi sẵn có việc chúng ta có sẵn hệ thống sông ngòi dày đặc, cũng như hệ thống dãy núi kéo dài từ Bắc vào Nam, thuận lợi việc giữ mây và độ ẩm cần thiết trong không khí.
Công văn phản hồi của Bộ Khoa học và Công nghệ với ý tưởng của ông Phương
"Máy phun hơi nước sẽ được đặt cố định trên xe ô tô (trên đất liền) hay trên tàu (trên sông, biển). Ngoài ra, còn hệ thống ống dây dài từ 5 đến 10 km để phun hơi nước lên trên không. Nhiều người nghĩ không có ống dây nào dài đến 1km. Nhưng tôi đã có đơn vị làm dây dài từ 5 đến 10 km mà không cần nối ống, có thể cuộn lại sau khi làm mưa nhân tạo. Để giảm trọng lượng ống dẫn, sẽ có thêm hệ thống khinh khí cầu ở phía trên. Máy bay trực thăng sẽ điều chuyển ống nước trên cao. Một lần như thế, có thể tạo mưa trong vòng tròn 50 km vuông", ông Phương thuyết trình.
Ông Phương cho biết, nhiều sáng chế của ông gây ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia quốc tế. Ví dụ bằng sáng chế máy sử dụng khí nén CO2 đẩy nước, chất chữa cháy qua vòi phun, không cần dùng điện nhanh chóng được Cơ quan Phát minh Sáng chế Hoa Kỳ công nhận.
"Hệ thống chống cháy của tôi làm tắt lửa, không làm ướt máy móc, không gây chết người nếu phun phải, không cần máy nổ đi kèm... Hiện nay, cả 10 nhà máy của người Nhật Bản tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đều sử dụng công nghệ của tôi. Người Nhật vô cùng cẩn thận, kỹ lưỡng còn sử dụng sản phẩm của tôi. Nó chứng tỏ khả năng sáng tạo của người Việt Nam chúng ta không thua nước ngoài. Điều quan trọng là niềm tin chính hàng Việt mà tôi muốn gửi gắm với mọi người qua dự án này", ông Phương kết luận.
Theo Anh Tuấn (Người đưa tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét