8/9/16

Học chữ Hán – Sao lại không?

Standard
 
 
 
 
 
 
Rate This

chunomChu Mộng Long – Không chỉ chữ Hán, mà theo tôi, những ngôn ngữ của những nền văn hóa lớn đều rất cần phải học nếu có điều kiện: như tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hindi…
Nhưng vì sao PGS. Đoàn Lê Giang đặt vấn đề phải đưa chữ Hán vào trong chương trình phổ thông? Và vì sao ý kiến này bị phản đối đông hơn là được ủng hộ?
Do bài viết của PGS. Đoàn Lê Giang không nói rõ, chữ Hán như là tiếng Việt được sử dụng cả mấy ngàn năm, trước khi chúng ta sử dụng chữ Latin thay thế, chứ không phải là một ngoại ngữ (tiếng Trung) như có người hiểu nhầm.
Chữ Hán hiện nay không chỉ tồn tại như một công cụ để giao tiếp hàng ngày (giúp người ta dùng đúng một số lượng khổng lồ từ và ngữ Hán – Việt) mà còn là công cụ để hiểu biết toàn bộ di sản văn hóa của cha ông. Nói cách khác, nó cũng là công cụ giao tiếp, nhưng là giao tiếp lớn hơn nhu cầu thực dụng: giao tiếp giữa xưa và nay, giữa con cháu với cha ông.

Một thực tế là số lượng người hiểu biết chữ Hán ngày càng ít đi và các di sản quá khứ ngày càng mai một nếu chỉ còn bảo tồn cái vỏ vật chất. Ngôn ngữ là một công cụ hữu hiệu, chuyển những di sản vật chất thành tinh thần, bởi vì chỉ nhờ nó mới lưu giữ đầy đủ những gì mà các di sản vật chất không thể lưu giữ trường tồn được.
Tôi hiểu những người phản đối PGS. Đoàn Lê Giang là những người mang định kiến ghét Tàu. Họ cực đoan đến mức, những gì có liên quan đến Trung Quốc đều nên tẩy chay. Và vì định kiến, nên tai hại thay là rất nhiều người trên mạng xã hội đã vội vàng chụp mũ PGS. Đoàn Lê Giang là “tay sai của Tàu”, âm mưu “Hán hóa người Việt lần nữa”?! Họ không cần biết PGS. Đoàn Lê Giang là ai, sẵn sàng ném đá cho hả giận để chứng tỏ mình yêu nước, yêu giống nòi!
Biểu đồ ủng hộ và phản đối học chữ Hán (Báo Tuổi trẻ)
Biểu đồ ủng hộ và phản đối học chữ Hán (Báo Tuổi trẻ)
Yêu nước, yêu giống nòi gắn liền với ý thức độc lập, tự chủ là đúng rồi. Nhưng yêu nước, yêu giống nòi lại càng không thể đoạn tuyệt với ngàn năm văn hiến của tổ tiên.
Học một ngôn ngữ khác không đồng nghĩa với bị nô dịch. Thiếu hiểu biết mới đi đến nguy cơ bị nô dịch.
Cá nhân tôi đã từng phản đối sự phục hưng Nho giáo, ở sự lợi dụng, biến tấu một học thuyết toàn trị của quá khứ để phục vụ cho một nhóm người hiện tại có quyền lực (cả trong gia đình lẫn xã hội) lúc nào cũng nhân danh Lễ trị để thống trị kẻ khác. Nhưng tôi cũng không bao giờ phản đối văn hóa Hán (rộng hơn văn hóa Nho giáo) với những tinh hoa mà dân tộc đã từng và buộc phải chịu ảnh hưởng, trong đó có chữ Hán. Cần và nên đưa vào trường học, ngay ở giáo dục phổ thông là đúng. Còn liều lượng thế nào phải bàn thêm.
Chẳng hạn, có thể không nhất thiết học chữ Hán như một môn học riêng (dễ bị hiểu nhầm là ngoại ngữ bắt buộc) mà tích hợp vào trong phần học văn bản ngữ văn trung đại do giáo viên ngữ văn đảm nhiệm. Thay bằng học bản dịch với những nội dung tán sáo tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước… đến nhàm chán như hiện nay là yêu cầu tiếp cận nguyên tác. Có một thực tế là sinh viên ngành ngữ văn có học Hán Nôm với dung lượng không ít, học tốt chứ không hẳn hoàn toàn khó học, nhưng khi ra trường lại không hề sử dụng. Mà ngôn ngữ không được mang ra sử dụng thì, hoặc là ngay tại trường đại học, việc dạy và học hoàn toàn đối phó, khi ra trường vốn chữ từng được học bị rơi rớt dần, cuối cùng là sự lãng phí đáng tiếc trong đào tạo.
chuhanMục đích quan trọng của việc học chữ Hán ở phổ thông là tạo hứng thú cho người học, từ đó tìm kiếm, phát hiện những năng lực nghiên cứu văn hóa cổ để đào tạo chuyên sâu và nâng cao thành chuyên ngành về sau.
Nhân chuyện hiểu nhầm xem chữ Hán là một ngoại ngữ, tại Trường Đại học Quy Nhơn vừa rồi cũng đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự. Đúng ra là một vụ kiện tụng về bằng cấp chuyên ngành của một giảng viên dạy Hán Nôm. Nguyên đơn cho rằng, người này không đảm bảo yêu cầu về bằng cấp chuyên môn để có thể dạy môn học này, vì không có bằng thạc sĩ, hay tiến sĩ Hán Nôm. Tổ thanh tra lại kết luận nội dung tố cáo này là đúng, với lí do xem đó như là một ngoại ngữ! Tôi phải gặp Hiệu trưởng yêu cầu thu hồi ngay lập tức bản kết luận thiếu hiểu biết này. Rằng Hán Nôm được giảng dạy tại Khoa Ngữ văn chỉ là một môn học của ngành Ngữ văn chứ không phải là một chuyên ngành. Nó không là ngoại ngữ mà là chữ viết và văn bản của cha ông trước thế kỉ 20.
May mà Hiệu trưởng nghe ra và cho thu hồi bản kết luận. Tôi nói thêm, nếu kết luận sai trái kia được mang ra thực thi, thì ở Việt Nam không có ai đủ tư cách giảng dạy môn học này. Và chẳng lẽ bỏ hẳn cái môn học đang giúp cho người học hiểu biết về quá khứ của cha ông?
———

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét