30/3/20

Khu Suối Dầu và mộ Bác sĩ Alexandre Yersin

26/03/2014Go to comments

… Hướng chỉ vào ngôi mộ hình chữ nhật sơn màu nâu đỏ, nói giọng ngậm ngùi :
– Đoan đọc đi ! Mộ của bác sĩ Alexandre Yersin đó ! Từ lâu Hướng muốn dẫn Đoan đến đây, để nói cho Đoan biết ước mơ của Hướng.
Đoan hoảng hốt :
– Hướng? Cái gì?…
Hướng ngồi xuống bên thành mộ :
– Hướng và người dưới mộ không có gì liên hệ với nhau. Nhưng mỗi khi nhìn ngôi mộ này, Hướng thường ao ước mình sẽ được như vậy.
– Hướng! Nghĩa là…
– Nghĩa là Hướng muốn khi chết, được chôn trên một ngọn đồi.

– Hướng nói dại.
– Không. Đời người rồi cũng qua chứ, phải không Đoan ? Lúc Hướng còn tràn trề hy vọng về chuyện học hành thi cử, thì Hướng ao ước đời mình sẽ đi lên mãi, Hướng ao ước về sau làm được một cái gì, như Yersin, để Hướng được chôn trên một ngọn đồi, tuy hoang sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa.

(trích Chương 2- “Tim Tím Như Hoa Dại” của Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh, Tủ sách Tuổi Hoa – 1973)

*
(Hình do anh Tài gởi tặng)
(Hình do anh Tài gởi tặng trang PV)
.
(Đoạn dưới đây được viết lại theo tài liệu của trang saigontoserco.com)
Alexandre Yersin ra đời ngày 22/9/1863 tại một vùng quê miền núi ở Lavaux – thuộc hạt Vaud – Thụy Sĩ.
Năm 20 tuổi (1883) Yersin học ngành y tại Lausanne (Thuỵ Sĩ), sau đó tiếp tục học tại Marburg (Đức) và tốt nghiệp đại học Paris (Pháp).
Từ năm 1886 ông làm việc tại viện Pasteur Paris và cộng tác với bác sĩ Roux trong việc tìm độc tố vi khuẩn bạch cầu.
Năm 1890 ông được chuyển lại quốc tịch Pháp.
Trong những năm miệt mài nghiên cứu tại viện Pasteur Paris, ông đã tỏ ra là một người giàu nghị lực và ham tìm tòi học hỏi. Tương lai tươi sáng mở ra trước mắt ông. Nhưng Yersin lại hướng về chân trời mới, muốn tìm ra lối thoát khỏi cuộc sống hiện tại “tôi luôn luôn mơ ước khám phá đất lạ, thám hiểm khi còn trẻ ta luôn tưởng tượng những điều kỳ lạ sẽ đến, không có gì là không có thể làm được”.
Thế rồi Yersin bất ngờ rời bỏ ngành vi trùng học để sống đời thủy thủ và thám hiểm, mở đầu một cuộc đời khác kéo dài 50 năm.
Trước hết Yersin nhận lời làm bác sĩ cho một con tàu của công ty vận tải đường biển đến Viễn Đông. Sau 6 tháng hoạt động trên tuyến đường Sài Gòn-Manila (Philippin), Yersin chuyển sang làm việc trên tàu Sài Gòn chạy từ Sài Gòn đến Hải Phòng và ngược lại.
Tháng 7-1891, Yersin cập bến Nha Trang. Ông lên bờ, đi dọc miền duyên hải đến Phan Rí và theo các con đường mòn vượt qua một ngọn đèo cao 1200 m gần Di Linh. Từ Di Linh ông định băng rừng đến Sài Gòn tìm ra con đường bộ nối liền Nha Trang với Sài Gòn, nhưng không kịp chuyến tàu đi Hải Phòng nên ông đành bỏ cuộc hành trình, xuống Phan Thiết dùng thuyền buồm ra Nha Trang.
Ngày 21-6-1893, ông đến thác Prenn và sau đó đặt chân lên Langbiang.
“Trên đường đi, cao nguyên nhấp nhô cao từ 900-1200 khoảng 15-20 km trước khi đến chân núi. Tôi đứng trên một vùng hoàn toàn trơ trụi và cây cỏ. Đất đồi mấp mô khiến tôi cảm giác như đang đi trên một đại dương xao động vì những ngọn sóng khổng lồ. Núi Langbiang đứng sừng sững ở giữa như một hòn đảo và hình như ngày càng xa dần khi tôi đến gần. Dưới chỗ trũng, đất màu đen và đầy than bùn. Những đàn nai lớn để yên cho chúng tôi đến gần. Cách vài trăm mét, đàn nai vụt chạy ra xa rồi ngoái cổ lại tò mò nhìn chúng tôi”.
Ngày 20-6-1894, ông tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch. Qua hệ thống bưu điện của Anh, ông đã gửi những ống nghiệm trực trùng sang Pháp. Trực trùng bệnh dịch hạch đến viện Pasteur Paris nguyên vẹn và được xác minh, mang tên Yersin (Yersinia pestis).
Năm 1895, Yersin thành lập viện Pasteur ở Nha Trang và điều chế huyết thanh chữa bệnh dịch hạch.
Ông khai phá vùng Suối Dầu- cách Nha Trang 20 km về hướng nam, thành lập một trại chăn nuôi và trồng trọt. Ông lao vào nghiên cứu huyết thanh trị bệnh dịch hạch cho trâu bò.
Năm 1897, ông bắt đầu trồng cao su ở Suối Dầu. Quan tâm đến phương pháp trồng, khai thác và chế biến cao su, ông đã thiết lập một phòng thí nghiệm nông hóa. Tại đây, những biện pháp chọn giống, cạo mủ và làm đông mủ cao su được nghiên cứu có hệ thống đã giúp rất nhiều cho những người trồng cao su ở Đông Dương.
Năm 1914, chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Lúc bấy giờ, Hà Lan chiếm độc quyền sản xuất Quinine-phương thuốc duy nhất chữa bệnh sốt rét. Yersin gieo thử hạt Canh ki na ở Suối Dầu nhưng thất bại.
Năm 1917, Yersin trồng cây Canh ki na ở Hòn Bà- một ngọn núi gần Suối Dầu. Lúc đầu cây tăng trưởng tốt nhưng chết vì đất đai không thích hợp.
Tháng 7-1923 những cây Canh ki na tốt nhất ở Hòn Bà được đem lên trồng ở Dran và thu được kết quả tốt. Ông tiếp tục trồng trên cao nguyên Langbiang nhỏ và Di Linh.
Năm 1936, cây Canh ki na được trồng quy mô lớn ở Lán Tranh và Di Linh.
Từ đó, viện Pasteur Nha Trang chuyên bào chế thuốc, nghiên cứu về bệnh sốt rét và các loại vi trùng, ký sinh trùng gây bệnh cho người, súc vật và thảo mộc.
Ngày 28-6-1935, trường trung học Yersin được khánh thành ở Đà Lạt. Yersin trở về Đà Lạt lần cuối cùng trước khi mất. Nhân dịp này, đáp lại lời phát biểu của một học sinh, ông đã trình bày cảm tưởng khi đặt chân lên cao nguyên Langbiang: “Không khí mát mẻ đã làm tôi quên đi mệt nhọc và tôi nhớ lại niềm vui được chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi như một học sinh trung học trẻ tuổi”.
Ngày 1-3-1943, Yersin thanh thản qua đời tại Nha Trang, hưởng thọ 80 tuổi. Hàng ngàn người dân Nha Trang đã đưa linh cữu ông đến nơi an nghỉ cuối cùng trên một ngọn đồi nhỏ ở Suối Dầu, thuộc xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
**
Nơi này cách thành phố Nha Trang 20 cây số về phía nam:
.
Vạt núi bên kia đường:
.
Viện Pasteur- Trại chăn nuôi Suối Dầu:
Bác sĩ A. Yersin lập Trại chăn nuôi Suối Dầu để nuôi trâu, bò, lừa, ngựa, cùng thỏ, chuột để điều chế huyết thanh và nghiên cứu khoa học trong những năm tháng sống ở Khánh Hòa.
.
Từ cổng ngoài phải đi vào thêm 800 mét nữa mới đến khu mộ bác sĩ A. Yersin:
.
Con dốc thoai thoải dẫn lên đồi:
.
Phía tay trái là cảnh rừng hoang sơ:
.
.
và… hoa ngũ sắc:
.
Phiá tay mặt là cánh đồng mía:
.
Con đường dẫn lên khu mộ nằm giữa hai vòm cây lá đan nhau:
.
.
.
Bác sĩ A. Yersin đã để lại di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu, yêu cầu ông Bùi Quang Phương giữ tôi lại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng, không điếu văn”.
Theo di chúc, khi khâm liệm người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay về biển để ông mãi mãi ôm mảnh đất quê hương của mình.
.
Alexandre Yersin viết thư về cho mẹ: “Con rất vui thú khi tiếp chuyện những người đến hỏi ý kiến nhưng con không muốn hành nghề bác sĩ, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi hỏi bệnh nhân trả công khi săn sóc cho họ. Con xem ngành y như là một thiên chức, tương tự vai trò của mục sư. Đòi tiền công săn sóc bệnh nhân, như có phần nào nói với người ấy: tiền hay cuộc sống. Con biết không phải tất cả các đồng nghiệp của con đều chia sẻ những ý nghĩ này, song đấy vẫn là những điều con nghĩ và sẽ khó lòng mà từ bỏ chúng”.
.
.
Xin kính cẩn vái chào một nhân cách lớn, một ân nhân của nhân loại- cách riêng của Việt Nam và đặc biệt vùng Nha Trang, Đà Lạt.
.
Dưới đây là một số hình ảnh về trại chăn nuôi Suối Dầu (hiện chỉ còn nuôi cừu dùng vào việc thí nghiệm):
Đồng cỏ tươi, suối nước mát:
.
.
.
Bầy cừu đi theo “lề” 😀
.
.
“Còm sĩ” Bảo Vân đặt tên cho hình này là “viện toán cao cấp của bầy cừu”:
.
Có một cái “còm” của bác Lê ngày 10/12/2016, nêu ra một chi tiết thú vị. Xin đăng lên đây để quý vị nào ngại đọc “còm” phía dưới cũng có thể xem qua, và nếu có thông tin xin bổ sung giúp:
“Có một chi tiết nếu chủ nhà quan tâm bổ túc sẽ rất thú vị, Thập niên 90 1992, 1993 gì đó, Tổng Thống Pháp Francois Mitterrand có chuyến thăm VN, trước chuyến đi Ông TT ngõ ý muốn thăm mộ và di sản của BS Yersin, báo hại phía VN phải dáo dác tìm kiếm, tôn tạo, trùng tu, đánh bóng ngôi mộ của “thằng Tây thực dân” đến “liệt sĩ Năm” với nhiều công trạng tưởng tượng trước khi trả lại nguyên hình hài cho danh nhân. Loạt bài này được đăng trên TT, TTC và TN với nhiều tình tiết cực hài, nếu ai có điều kiện tìm được các bài báo thời ấy đưa lên đây cống hiến cho độc giả để nhớ đến một thời…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét