30/3/20

Magellan

Từ Blog Phay VanGo to comments
Ai là người đầu tiên dũng cảm dùng tàu đi vòng quanh trái đất từ tây sang đông và chứng minh trái đất tròn?
– Đó chính là Magellan.
Năm 1519-1522, Ferdinand Magellan đã cầm đầu đoàn thám hiểm Tây Ban Nha lần đầu tiên đi vòng
quanh thế giới. Một hạm đội gồm 5 tàu với 265 người đã vượt Đại Tây Dương tới bờ biển phía đông của Nam Mỹ.
Họ đã đi theo một eo biển hẹp gần cực nam châu Mỹ và sang được một đại dương mênh mông ở phía bên kia. Suốt quá trình vượt đại dương mênh mông đó, đoàn tàu buồm của Magellan hầu như không gặp một cơn bão đáng kể nào. Ông đặt tên cho đại dương mới đó là Thái Bình Dương. Magellan đã bỏ mạng ở Philippines do trúng tên độc của thổ dân. Đoàn thám hiểm của ông cũng chỉ có 18 người sống sót trở về được tới quê hương. 247 người bỏ mạng trên tất cả các vùng biển và các hòn đảo trên thế giới vì những nguyên nhân khác nhau. Nhưng thành công lớn nhất mà chuyến đi đạt được là lần đầu tiên con người đã đi vòng quanh thế giới.
Dưới đây là vài đoạn trích từ cuốn Magellan, nguyên tác Stefan Zweig (1938) , bản Việt ngữ Trần Văn Nuôi, NXB Trẻ 1988.
*
Lời tác giả
Một quyển sách có thể ra đời từ nhiều tình cảm rất khác nhau: niềm phấn khởi, lòng biết ơn, sự phẫn nộ buồn phiền. Đôi khi vì mục đích tìm hiểu sự kiện và con người mà ta cầm bút. Cũng có khi để kiếm sống, để tự phê bình. Các tác giả cần biết lý do khiến mình chọn đề tài này nọ, riêng về quyển sách này thì tôi biết rõ vì sao tôi viết. Nó sinh ra từ một tình cảm ít có dịp thấy trong đời nhưng rất mãnh liệt, đó là sự xấu hổ.
Câu chuyện là thế này. Cách nay mười tám tháng, tôi có dịp đi Nam Mỹ, đây là chuyến đi từ lâu mong ước. Tôi biết rằng ở Brazin tôi sẽ được viếng thăm vài ba thắng cảnh vào loại đẹp nhất thế giới và ở Achentina, bạn bè đang dành cho tôi những cuộc gặp gỡ thú vị. Chỉ cầu vậy thôi đã thấy dễ chịu lắm rồi, chuyến đi này lại gặp nhiều may mắn: biển thì lặng tờ không sóng gió, con tàu thì nhanh, thênh thang rộng. Chuyến đi thoải mái làm ta quên đi mọi buồn phiền ràng buộc hàng ngày, và tôi đã tận huởng dịp nghỉ ngơi ấy. Nhưng tự dưng, đâu vào ngày thứ bảy thứ tám gì đó, tôi đâm ra bồn chồn sốt ruột. Cứ mãi bầu từ xanh ấy, cứ mãi mặt biển êm ru ấy! Tự dưng tôi cảm thấy thời gian trôi sao mà chậm chạp. Tôi mong đến bến bờ biết bao, và thế là cái thú êm đềm ấm áp làm tôi đâm khó chịu. Tôi thấy mệt, cứ phải nhìn mãi những khuôn mặt quen thuộc, thấy hết chịu nổi cái cung cách phục vụ đều đều chính xác và bình thản trên tàu. Tiến nhanh lên! Nhanh nữa! Con tàu lịch sự tiện nghi ấy lướt sóng nhanh thế mà tôi cứ thấy nó chạy sẽ sàng thế nào ấy!
Nhưng rồi tôi chợt thấy xấu hổ quá. Làm sao mà lại nghĩ như vậy được chứ? Ở đây anh có mọi thứ. Ban đêm nếu thấy lạnh, anh chỉ cần xoay nút điện, cabin lập tức được sưởi ấm. Ban ngày nếu thấy nóng nực, anh chỉ cần bước một bước, mở quạt máy: mươi bước nữa, bể bơi đang đón mời anh. Tới bữa, anh có thể gọi bất cứ món gì , rượu gì, mọi thứ đều ê hề. Khi thích , anh tìm chỗ vắng để đọc sách , còn muốn giải trí thì trò tiêu khiển đấy, bạn bè khách khứa đấy. Anh có mọi tiện nghi, đủ thứ an toàn, anh biết sẽ tới đâu, mấy giờ tới, anh sẽ được đón tiếp ân cần, và từ Luân Đôn Paris, Buenos Aires, và New York, người ta biết chính xác con tàu anh đang có mặt ở điểm nào trên trái đất. Hãy nhớ lại người xưa đi biển như thế nào. Hãy so sánh chuyến đi này với những chuyến đi của các nhà hàng hải táo tợn đã tìm ra các đại dương. Hãy hình dung, bằng những chiếc thuyền buồm thảm hại, họ đã lao vào khoảng vô biên như thế nào. Không rõ đường đi, mất hút trong đêm tối, phơi mình giữa hiểm nguy mưa nắng, giữa đói khát bệnh tật. Đêm không có ánh sáng, nước uống mặn chát trong thùng gỗ, thức ăn là những mẩu bánh khô cứng như đá với mỡ muối, mà đôi khi cũng chẳng có, phải nhịn đói dài dài. Không giường không đệm, nóng như thiêu, rét như cắt và thêm nữa, cầm chắc rằng mình bơ vơ, hoàn toàn trơ trọi giữa sa mạc nước mênh mông. Năm này tháng khác, người nhà chẳng biết họ đang ở đâu và cả họ nữa họ cũng chẳng biết mình đang tới đâu. Cái đói kề vai họ, cái chết bao quanh họ. Họ biết là không ai có thể tới cứu họ, không có cánh buồm nào tiến về phía họ trên mặt biển xa lạ kia. Không ai đưa họ ra khỏi cơn tuyệt vọng hoặc báo giùm tin họ đã chết. Chỉ cần nhớ lại những chuyến đi ấy thôi, là tôi đã thấy xấu hổ biết chừng nào.
Cái ý nghĩ này ám ảnh tôi suốt chuyến đi. Tôi nghĩ tới các vị anh hùng vô danh ngày ấy. Tôi muốn biết thêm về họ, và những chiến công đã từng làm tim tôi xao động khi tôi còn bé. Tôi tới thư viện dưới tàu tìm đọc vài quyển sách. Trong những thiên anh hùng ca ấy, chuyến đi của Ferdinand Magellan làm tôi xúc động nhất, chuyến đi khởi hành từ Séville trên năm chiếc thuyền buồm với ý đồ đi vòng quanh trái đất, chuyến phiêu lưu huy hoàng vào bậc nhất trong lịch sử loài người, chuyến đi của hai trăm sáu mươi lăm con người quả cảm, khi về chỉ còn mười tám. Mười tám người trên một con thuyền rệu rã nhưng với ngọn lửa chiến thắng chất cao trên đỉnh cột buồm. Những quyển sách trên tàu chẳng cho tôi biết mấy về Magellan, cho nên khi trở về Âu châu, tôi tiếp tục tìm tòi, rất ngạc nhiên về những điều hiểu biết quá ít ỏi chung quanh chuyến đi ấy và nhất là sự bấp bênh của chúng. Tôi nghĩ rằng muốn cắt nghĩa cho mình hiểu rõ điều gì, tốt nhất là hãy tìm cách cắt nghĩa cho người khác hiểu.
Cuốn sách này đã ra đời như vậy, thú thật rằng nó đã làm cho tôi ngạc nhiên. Khi thuật lại chuyến đi một cách chính xác theo tư liệu thu thập được, tôi luôn có cảm giác đang thuật lại một câu chuyện do chính tôi bịa ra, đang thuật lại một trong những giấc mơ lớn nhất của loài người. Bởi, không gì sâu sắc hơn một sự thực có vẻ như là không thực trong các sự kiện lớn của lịch sử, vì chúng vượt quá xa tầm cỡ thông thường, chúng luôn chứa đựng một cái gì đó rất khó hiểu, khó tin. Nhưng chính là nhờ những điều khó tin như vậy mà nhân loại tìm lại được lòng tin tưởng nơi mình.
*
Đoạn này kể về việc “bắt cóc” thổ dân:
(…)
Chính vì thiếu cảnh giác như vậy mà những đứa con của thiên nhiên đã lâm nguy. Cũng như Christophe Colomb và nhiều nhà thám hiểm khác, Magellan được Trụ sở Hợp đồng giao nhiệm vụ phải đem về không những cây cỏ, khoáng sản mà cả những giống người mới, gặp trong chuyến đi. Nhưng bắt sống một con ngừơi cỡ này cũng khó khăn như bắt một con cá voi bằng cách nắm đuôi nó. Thuỷ thủ cứ loay hoay mãi xung quanh đám người Patagon, cuối cùng họ nghĩ ra một mẹo. Người ta tặng cho hai người trong bọn họ nhiều món quà, nhiều đến nỗi hai tay họ đều bận cầm nắm. Rổi người ta chưng ra một món nữa có tiếng leng keng vui tai, một khúc xiềng. Người ta hỏi họ có ưng đeo vào chân không; hai anh chàng Patagon cười toe gật đầu. Tay vẫn ôm quà tặng, họ tò mò nhìn đám thuỷ thủ quàng vào cổ chân họ những khoanh sắt đẹp phát ra tiếng nhạc, và bỗng- tốc! Họ đã bị khoá chân. Họ bị quật ngã xuống cát, họ la hét giẫy giụa kêu gào thần Sébastos tới cứu- Shakespeare có mượn tên vị thần này- nhưng vô hiệu: Trụ sở Hợp đồng đang cần dùng họ để triển lãm. Giống như một con bò tót thua trận trên đấu trường, họ bị lôi trên cát, đem lên tàu. Tội nghiệp, chỉ sau đó ít lâu, họ lịm dần rồi chết vì thiếu ăn. Những người đại diện cho nền văn minh đã tỏ ra nham hiểm và thế là còn đâu sự hoà hợp giữa những con người.
(…)
*
Chương 13
Người chết bao giờ cũng có lỗi
(06 tháng chín 1521)- Đám đông tụ tập ở Séville- Oviedo viết- để “ngưỡng mộ con tàu quang vinh đã lập một kỳ công chưa từng thấy kể từ khai thiên lập địa”. Họ nhìn mười tám thuỷ thủ, từng người một lên bờ, lảo đảo bước lên đất liền. Trông họ mệt mỏi, yếu đuối, bệnh hoạn, những anh hùng vô danh đã già hẳn đi qua ba năm ghê gớm. Đám đông hoan hô đồng thời thương xót họ.
(…)
Họ quì trên đất, tạ ơn Chúa và các Thánh và họ đọc một hồi kinh cầu nguyện cho thủ lĩnh họ, cùng những người anh em của họ đã khuất bóng. Bao nhiêu người nữa, cũng tại nơi đây, đã từng nhìn đô đốc giương lá cờ lụa vua ban, họ ở đâu rồi? Mất tích trên biển, bị thổ dân giết, chết đói, chết lạnh, bị bắt, bị cầm tù. Chỉ mình họ không hiểu vì sao lại được số mệnh dun rủi cho trở về. Tin tức truyền đi khắp châu Âu, lúc đầu gây ngạc nhiên rồi thán phục cho toàn dân xứ Tây Ban Nha. Từ chuyến đi của Christophe Colomb, chưa từng có sự kiện nào làm người đương thời xúc động đến thế. Bây giờ không ai còn phân vân nữa. Sự nghi ngờ kẻ thù của mọi kiến thức đã bị đánh bại trong lĩnh vực địa lý. Từ khi có một con tàu xuất phát từ bến Séville cứ một mực đi về phía trước và đã trở về nơi xuất phát thì không còn ai cãi được nữa, trái đất đúng là một khối đất tròn, và bốn biển thật ra chỉ là một biển. Khoa địa lý của người Hy Lạp và người La Mã đã lỗi thời rồi. Nhà thờ cũng chẳng còn có thể cãi vào đâu được nữa. Người ta đã xác định hình thù, kích thước trái đất. Những nhà thám hiểm khác rồi đây sẽ tìm ra nhiều chi tiết bổ sung, nhưng hình dạng căn bản của quả đất này, thì Magellan đã khẳng định. Từ đây địa cầu là một khu vực được xác định, và loài người đã chiếm lĩnh khu vực này. Từ cái ngày đáng nhớ ấy, Tây Ban Nha thấy hãnh diện. Dưới lá cờ ấy, Christophe Colomb mở đầu công trình phát hiện thế giới; dưới lá cờ ấy, Magellan kết thúc công trình này. Trong vòng một phần tư thế kỷ, loài người tự biết về mình hơn là trong hàng ngàn năm trước và con người ta nhận ra rằng loài người đang bước vào một thời kỳ mới: thời kỳ hiện đại.
(…)
Thường khi, chính cái chết lại cho ta hiểu điều bí mật sâu kín nhất về nhân cách một con người. Lúc ý đồ của Magellan được thực hiện, chính là lúc tấn bi kịch của đời ông bộc lộ rõ nhất. Con người khắc khổ, kín đáo, câm lặng ấy là một con người hành động, dám đưa tất cả thử thách, ngay cả sinh mệnh của mình để thực hiện một ý đồ. Ý đồ ấy, ông chọn để mà thực hiện, không phải để tìm một thú vui. Công trình do ông thực hiện, kẻ khác được hưởng vinh quang và bổng lộc. Định mệnh hết sức khắc nghiệt đã đối xử với ông như ông từng đối xử với mọi người, mọi sự. Định mệnh chỉ ban cho ông một điều, cái điều ông hướng đến bằng tất cả sức mạnh của tâm hồn: tìm ra con đường để đi vòng quanh thế giới. Nhưng đi cho trọn con đường ấy, thì định mệnh không cho phép. Ông chỉ được phép ngắm vòng hoa chiến thắng và cầm lấy trên tay, còn khi ông định đặt nó lên đầu, thì định mệnh bèn nói: “Đủ rồi!”, và hất vòng hoa xuống đất.
Đọc lại di chúc của ông sau cái chết, ta mới thấy não lòng làm sao! Những gì ông thác lại đều bị khước từ. Của cải quy ước trong hợp đồng với nhà vua, vợ con ông không hề được hưởng. Những dự liệu, những thu xếp hết sức sáng suốt, tỉ mỉ của ông cũng chẳng ai thèm để ý tới. Những đồng tiền vàng góp cho nhà nguyện, của bố thí cho kẻ khó, cho tu viện, cho bệnh viện chẳng có ai chịu góp giùm ông vì không có ai nhận thực hiện di chúc.
(…)
Nhưng bi thảm hơn, công trình mà ông dâng trọn cuộc đời để thực hiện, công trình ấy dường như cũng phù du nốt. Magellan muốn chiếm vùng đảo gia vị cho vương quốc Tây Ban Nha và ông đã làm được điều ấy. Nhưng sứ mệnh thiêng liêng của ông đã kết thúc một cách khôi hài: Charles Quint bán lại các hòn đảo ấy cho Bồ Đào Nha lấy số tiền ba trăm năm mươi ngàn ducat vàng. Con đường ông tìm ra, gần như chẳng có ai dùng, nó không đem lại lợi lộc gì. Sau khi ông chết, những ai muốn qua đó đều thất bại, tàu thuyền của họ đều bị lạc lối. Eo biển ấy, hơn mấy chục năm sau chẳng ai dám qua. Người Tây Ban Nha ưng dùng con đường qua Panama hơn, mặc dù việc vận chuyển qua đất liền rất tốn kém. Eo biển Magellan lúc đầu dược toàn thế giới hoan hỉ chào mừng, nay từ từ rơi vào quên lãng.
(…) Đấy là con đường mà Magellan và bao người từng nghĩ là con đường huyết mạch nối liền Châu Âu với phương Đông. Sau cùng, vào mùa thu năm 1913, khi Tổng thống Mỹ Wilson nhấn nút điện mở đập tràn của con kênh Panama nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, thì eo biển Magellan quả tình đã trở nên vô nghĩa. Số phận của nó được định đoạt: nó chỉ còn là một khái niệm lịch sử và địa lý.
Nhưng lợi ích vật chất của một công trình đâu có làm nên giá trị đích thực của nó. Một con người đem tặng nhân loại một điều hiểu biết mới, thúc gịuc nhân loại nghĩ ra thêm điều gì mới, con người ấy mới thực sự làm giàu cho nhân loại. Về phương diện này, chiến công của Magellan vượt lên trên tất cả mọi chiến công trong thời ông. Hành trình của năm con tàu bé bỏng ấy đúng là cuộc Thánh chiến của nhân loại tiến công vào thành trì của U Mê. Nó là bất tử. Cũng bất tử, tên tuổi của con ngưuời đã vạch ra và thực hiện được một ý đồ to lớn đến thế. Bởi, khi tìm ra được kích thước quả đất từ ngàn đời tìm kiếm, thì con người đã tìm ra được kích thước của chính mình. Chiến thắng được không gian, nắm được tầm cỡ trái đất, con người vui mừng nhận ra tầm cỡ của chính mình. Chiến công của Magellan một lần nữa chứng minh rằng, bằng cuộc đời ngắn ngủi bé mọn của mình, con người có thể biến những gì hàng trăm thế hệ trước coi như giấc mơ trở thành hiện thực, trở thành chân lý muôn đời…
———————————–
(*) Stefan Zweig (1881-1942) là một nhà văn người Áo. Ông cũng là nhà viết tiểu sử danh nhân, nhà viết luận văn, nhà thơ, kịch gia nổi tiếng thế giới. Ông đã đưa phân tâm học của S. Freud vào sáng tác của mình nhằm phân tích sâu sắc tâm lý nhân vật. Quan niệm của mình về văn học nghệ thuật được ông tóm tắt bằng câu nói: “Cái sáng tạo là cái có giá trị nhất trong những cái có giá trị, cái có ý nghĩa nhất trong những cái có ý nghĩa.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét