30/11/13


    “ Môi em là đốm lửa”!
                                                                      Huy&Nghi

 Trong cuộc mưu sinh, tôi được nhà đầu tư, “ưu ái”, dành cho một căn phòng nhỏ, trên tầng tư của Bệnh viện. Căn phòng, có cửa sổ nhìn ra cánh đồng. Bây giờ là mùa đông, cánh đồng luôn mênh mông nước, buổi chiều nơi đây đi thật chậm, nhiều hôm mưa giăng khuất cả một khoảng trời. Và chiều nay (lại một chiều nữa qua đây), ngồi nhấm nháp tí café không đá, nhìn những bóng mưa đi ngoài khung cửa, bổng dưng, tôi nhớ đến câu ca “ ngoài phố mùa đông đôi môi em là đốm lửa hông”; tôi mở máy, vào Google, tìm “Ru đời đi nhé”, bản nhạc một thời tôi và… yêu thích!, để xem mình có còn cảm xúc như ngày xưa hay đã tắc “lửa” rồi. Người đầu tiên tôi gặp có một cái tên hơi lạ: Toàn Nguyễn.Thưa thật, xưa nay tôi ít khi nào chú ý đến ai, ngoài Khánh Ly (hát trước 1975), Khánh Hà và sau này Quang Dũng, Hồng Nhung… hát nhạc Trịnh Công Sơn (TCS). Cái thích đầu tiên của tôi dành cho Toàn Nguyễn là anh hát mộc với một cây Guitar, muốn hát thế, phải “bản lĩnh và nội lực” đầy mình mới thể hiện được hết “ hồn cốt” bản nhạc. Nghe đến bài thứ 5 trong tổng số 11 bài, thì…tôi hết nghe nổi nữa!; chất giọng của anh chưa đủ tầm, mặc dầu anh có rất cố gắng thể hiện; có những chỗ anh muốn “ghi dấu ấn” nhưng chưa đạt.
  Nhạc TCS hay, sâu sắc là ở chỗ ca từ, ca từ TCS mang “âm hưởng”  triết học Đông phương, ông đã hiểu và diễn dịch cái “vô thường” của nhà Phật, cái “Hư không” cái “vô vi” của Lão học vào trong âm nhạc của mình. Muốn hát nhạc TCS hay, ngoài thiên phú ở cái cao thấp nơi “lưỡi gà” ra, còn phải có một ‘tầm văn hóa” nhất định, để cảm được cái sâu sắc nằm ngoài chữ nghĩa của ông ( Ngôn vô ngôn)!
  Tình yêu và thân phận Tình yêu, chiếm một mãng lớn trong nhạc TCS; và đó là một thứTình yêu “vô trụ”, không bám víu một thứ gì, không đau buồn ủy mị, không quá viên mãn tràn đầy; đôi bờ hạnh phúc và khổ đau chỉ có đứng nhìn Tình yêu thăng hoa vào miền hư ảo!. Bởi thế, hát nhạc Tình TCS phải hát như chim Sơn ca kia: cao, trong và bay vút giữa từng  không [chưa ai qua được Khánh Ly (trước 1975)ở điểm này]; Qua đây, để thấy những giọng ca ‘phồn thực” kiểu như Thanh Lam,…đã phá nát nhạc TCS như thế nào!
  Hết vốn!!!
  (Tôi là người ngoại đạo, chưa biết nốt La nó dài hay ngắn, chiều nay ngắm mưa, nhớ lại người xưa, tìm về bài hát cũ, “hứng chí”, viết vài cảm nhận “tồ lô” , nếu ai có đọc, đừng Chấp nhé! Tks!)
  Sau đây mời nghe nhạc.

                                                                              VĐ 30/11/2013

1 nhận xét:

  1. Nghe TCS, lại nhớ Huế. Anh đã từng ở Huế phải không? chỉ có sống ở Huế, yêu Huế, nghĩ về Huế mới cảm nhận được TCS sâu lắng đến vậy! Em thấy có một bài thơ về Huế vô cùng hay, hay trong từng câu chữ, hay trong cả cái bảng lảng đến vô cùng TCS chép lại để A đọc thử.
    Anh hãy về thăm lại Huế mùa đông
    Khi cái lạnh Tháng Mười Hai thấm vào từng hơi thở
    Cái rét ngọt khi xa thành nỗi nhớ
    Bởi xứ người tìm đâu thấy mùa đông
    Thành phố mình vẫn vậy, anh thấy không?
    Thành quách rêu phong, thềm xưa quán cũ
    Vẫn những cơn mưa dầm cố hữu
    Rơi một lần làm ướt cả trăm năm
    Mưa giăng mờ trên mái phố trầm ngâm
    Góc quán nhỏ rì rào nghe lá đổ
    Bàn tay tìm bàn tay ấp ủ
    Hơi ấm trao trong những khoảng hôn nồng
    Anh hãy về dắt em đi dạo phố đêm đông
    Bước dưới ánh đèn vàng mà ngỡ là nắng hồng đang thắp
    Hãy nói với em khi mưa lạnh thấm qua từng chân tóc
    “Vì Huế có em nên anh sẽ quay về ”

    Trả lờiXóa