Bởi nếu vậy thì chúng ta đáng lẽ phải sản sinh ra nhiều cá nhân kiệt xuất hơn các nước tư bản giàu có chứ? Đã đến lúc phải thôi tự hào về việc học để thoát nghèo đi!
GS. An Kim Bằng người Trung Quốc từ đại học Harvard vừa có bài viết được rất nhiều báo điện tử Việt Nam đăng và đang gây hiệu ứng chấn động.
Một tấm gương bền bỉ vượt nghèo khó của Giáo sư (GS) và người mẹ của mình được vẽ ra rất xúc động và số đông đồng cảm sâu sắc.
Đó là điều dễ hiểu.
Bỏ qua các vấn đề chân thực hay không chân thực trong câu chuyện đặc biệt là việc GS vào đội tuyển IMO của Trung Quốc và thi cử thành công như thế nào mà chỉ có những người " trong cuộc của IMO " mới thấu hiểu, bài viết này của tôi xin được bác lại quan điểm của GS về việc cho rằng nghèo đói là trường đại học tốt nhất.
Một điều giản dị mà chúng ta dễ thấy là Việt Nam và Trung Quốc là 2 nước nghèo khó. Nếu vậy thì 2 cái đại học tốt nhất này đáng lẽ phải sản sinh ra các cá nhân kiệt xuất hơn rất nhiều các nước tư bản giàu có chứ. Chỉ có nghèo mới vượt khó còn giàu có thì không vươn lên sao?
Đó là một quan điểm rất sai lầm về giáo dục.
Một quan điểm sai lầm về giáo dục?
Ngày ngày các cha mẹ Việt kể cho các con nghe các câu chuyện nghèo khó của mình và bảo con mình phải học đi, học nhiều vào. Đây là tư duy HỌC ĐỂ THOÁT NGHÈO. Học không có gì sai nếu học theo đam mê và khả năng để làm ra sản phẩm và đóng góp không chỉ cho cá nhân mình mà còn cho xã hội. Nhưng học vì điểm số để đạt được các mục tiêu vào các trường tốt và danh giá để thoát cảnh nghèo khó lại là một con đường và lựa chọn rất... bao cấp và ấu trĩ.
Có biết bao là cách để thoát nghèo thay cho việc chỉ biết học. Chỉ biết học để thoát nghèo chính là nguyên nhân gốc rễ của việc chúng ta - đất nước Việt Nam này - học giỏi mà vẫn nghèo.
Chúng ta không nên tự hào như vậy nữa, mà phải đặt câu hỏi: sao học giỏi mà cứ mãi nghèo thế?
Không nên tự hào vì phần lớn chúng ta đang học để thoát nghèo - Ảnh minh họa: Tiền Phong
Rất đơn giản. Chỉ biết học thì làm sao mà BIẾT LÀM. Tức là làm việc kiếm tiền hay làm ra một sản phẩm gì đó. Việc học qua quá trình phải kiếm tiền hay làm ra một sản phẩm mới giúp người học thu được kiến thức thật qua trải nghiệm tri thức thực tế và có được 2 thứ quý giá hơn kiến thức: TƯ DUY và KĨ NĂNG.
Chúng ta đều biết ở phương Tây, INNOVATION là động lực cho phát triển và thịnh vượng. Nếu không đổi mới sản phẩm cũ và sáng tạo ra sản phẩm mới được thì sẽ đồng nghĩa với cái chết. Nokia chết đi sau gần 2 thập kỉ lẫy lừng chỉ bởi 1 chiếc Iphone ra đời năm 2007. Một đế chế lụi tàn như Nokia và cả Motorola cho thấy kiến thức (kho sáng chế của khủng khiếp của họ) không thể giúp gì nếu họ không chịu làm ra một cái gì đó mới mẻ.
Vị GS của Harvard bây giờ không còn nghèo khổ nữa nhưng thiết nghĩ ông không nên lấy câu chuyện thoát nghèo (chưa phải làm giàu) của mình ra dạy bảo thiên hạ hay dẫn dắt mọi người thoát nghèo bằng việc học điên cuồng sao cho có thể có điểm cao, có thành tích xuất sắc rồi vào được trường nọ, trường kia như vậy.
Giáo sư còn chưa hiểu một khái niệm mà Henry Ford đưa ra là nền giáo dục cá nhân chỉ bắt đầu khi người ta rời trường phổ thông hay trường đại học cơ. Tư duy và cách tiếp cận của Henry Ford chính là nguồn động lực để ông sản sinh ra chiếc xe Model T của Ford làm thay đổi cả 1 nền công nghiệp xe hơi của nước Mỹ hùng mạnh. Cách tiếp cận tri thức và phát triển của Henry là: Phải làm cho bằng được. Thay vì phải học cho thật giỏi.
Đứng từ góc độ vươn lên của một cá nhân hay đất nước thì ai cũng khó khăn cả. Đã đến lúc chúng ta phải thôi việc coi học là cách duy nhất để thoát nghèo, vì ngoài chuyện không hiệu quả ra thì nó còn là con đường phi nhân bản khi chỉ sinh ra cá nhân với thành công cho riêng mình nhờ học giỏi.
Thứ mà rất nhiều khi là vô dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét