Nhiều người đã bàn về tượng Người Mẹ ở Quảng Nam, chẳng hạn nhà thơ Trần Mạnh Hảo có bàn: tượng giống mẹ Mỹ hơn mẹ Việt.
Theo tôi điều này không quan trọng, vì vẻ đẹp của mỹ học hoàn toàn cho phép người ta được cách điệu từ mũi tẹt lên mũi cao cho đẹp, đó là nghệ thuật tự do mà, thậm chí người ta có thể nâng chiều cao cho bức tượng đối với người thấp…
Công bằng mà nói, phần đầu và mặt bức tượng khá đẹp và kiêu hãnh có nét giống tượng nhân sư như ai đó đã phát hiện trước. Nhưng tổng thể chung tượng có phần nền quá xấu – chẳng khác gì đê con trạch đập vào mắt người ta.
Về điêu khắc, chúng ta biết nó căn bản khác hội họa ở không gian Ba chiều. Chẳng hạn ngắm hội họa là bức tranh thì chỉ có chiều dài và chiều rộng, nên người ta chỉ ngắm hai chiều, theo lối mặt dẹt, đẹp phía trước là đẹp tất.
Nhưng điêu khắc được coi là khó hơn nhiều, nó bao gồm thêm cả chiều sâu, tức cả ba hướng nhìn, vì thế một bức tượng đẹp phải đảm bảo nhìn từ bất kể hướng nào cũng đẹp, cả trước lẫn sau, cả phải lẫn trái.
Một bức tượng luôn phải đảm bảo không gian được ngắm của nó. Nó không thể tùy tiện đứng một mình, mà phải được xứng hợp với xung quanh, về thuật ngữ trong nghệ thuật người ta thường dùng từ “ensemble”.
Nghệ thuật luôn phải đảm bảo cho con mắt người ta được thỏa mãn tràn trề như một bữa tiệc mỹ học, nhưng cùng lúc phải giải phóng đôi mắt được tung cánh tự do. Vì vậy bức tượng Người Mẹ quá xấu, vì nó dài như con đê đồ sộ chắn mất tầm mắt của người ta, gây bức bối đến mức như bức tường của nhà giam – nó phải vươn lên cao đề đe dọa những kẻ muốn đào tẩu , giải phóng. Tượng Nhân Sư rất lớn nhưng không chắn tầm nhìn, bởi lẽ hai bên phải trái có không gian cho đôi mắt chạy thoát thả bổng hướng nhìn.
Về nguyên tắc nghệ thuật thị giác không được phép xấu. Bởi vì theo mỹ học Hegel, văn chương là nghệ thuật thời gian, có thể đưa cái xấu ra để rồi cái đẹp sẽ xuất hiện sửa chữa cái xấu. Nhưng nghệ thuật thị giác như hội họa, điêu khắc hay kiến trúc dứt khoát không được trình bày cái xấu dù nhỏ nhất, bởi vì thị giác là rụp một cái đôi mắt đã chụp bắt cái tổng thể.
Bức tượng đài luôn luôn là để kỷ niệm hay ghi dấu một giá trị tinh thần. Tinh thần thì phải bay lên cao. Và chỉ có bay lên cao tinh thần mới vươn đến tự do.
Trong khi tượng Người Mẹ Việt Nam thì sao? Trời ơi mẹ ôm đồm quá, mẹ giang tay che chở cho tất cả, thế có nghĩa là con của mẹ không bao giờ lớn, và mẹ cứ mãi cúi xuống để nuôi nấng con trong bầu sữa giá áo túi cơm, vậy thì mẹ làm sao cất cánh bay lên cùng thời đại?
Tư duy của người Trung Quốc và Việt Nam là tư duy chiều ngang. Công trình tín ngưỡng đồ sộ của Việt Nam là chùa trăm gian, một công trình mà ông thợ mộc kém nhất có nguyên liệu là làm được, vì ông cứ nối mộng thêm vào từ gian thứ nhất đến gian thứ hai. Trung Quốc với Vạn Lý Trường Thành cũng chỉ là thứ chùa trăm gian không mái cứ chạy dài trên núi, mà chẳng cần tài cán gì mấy anh nông dân đi lính có thể chỉ đạo đắp nối tiếp. Vào thăm các nhà trẻ chúng ta sẽ thấy, con nít xếp hình dài, thì chúng xếp rồng rắn vòng quanh nền nhà. Nhưng nếu chúng xếp cao lên, khéo léo lắm mới xếp được vài khối hình chồng lên nhau. Qua đó chúng ta sẽ thấy cái khác nhau giữa chiều ngang và chiều cao. Người châu Á rất khó tiếp cận với những gì vĩ đại bởi tư duy chiều ngang.
Một xúc vải, nếu mở rộng chiều ngang khổ vải có thể lên đến 2m, rồi 5m là kịch. Nhưng để chạy dài nó có thể chạy vô tận từ bắc chí nam đến vòng quanh trái đất. Người Việt có ngàn vạn người làm thơ, nhưng theo tư duy chiều ngang, nghĩa là một tư duy không cần cấu trúc, mở rộng hết khổ vải thì được dăm câu ba điều, bày đặt học đòi viết trường ca, thì cả ngàn trường ca không có nhân vật, tức là làm lều lá chuối úp đậy thức ăn không cần cột kèo.
Và cái tư duy chiều ngang đó cũng được thể hiện trong bức tượng đài Người Mẹ. Người đàn bà Việt Nam suốt dòng lịch sử khổ lắm vì gánh nặng đòn gánh ngang hai vai, đó cũng là tư duy chiều ngang, giờ đây đàn bà nông thôn còn phóng xe máy vèo vèo đội mũ bảo hiểm trông như phi công tầu vũ trụ, sao không cất đi cho mẹ hai vai chiều ngang. Lẽ ra hai vai mẹ phải hóa đôi cánh để mẹ bay lên trời, để mẹ được nhắm vào bầu trời lồng lộng tự do, để sánh bước cùng năm châu thế giới. ai lại buộc chặt hai tay mẹ vào đất như tầu hỏa Việt Nam như vậy (tầu Việt Nam ôm chặt đất anh hùng), thế thì mẹ còn đi đâu được.
Bức tượng đã giam cầm chính mẹ, con chim bay lên được bầu trời vì trọng lượng nó bé. Con voi làm sao bay được lên bầu trời?! Người mẹ văn minh là người mẹ phải say khát tự do muốn hòa đồng cùng thế giới và vũ trụ, vậy mà mẹ bị gắn chặt vào mặt đất, vào con cái không chịu lớn, học rất nhiều nhưng vẫn chỉ có tư duy chiều ngang, thì mẹ vươn lên, bay lên làm sao được.
Có thể hình như mẹ bảo “ôi dào bàn về mỹ học nhiều làm gì cho khổ, chẳng qua là họ muốn đắp rộng ra để giải ngân nhiều!”
“Vậy tại sao không nối dài phía sau của mẹ, thì có phải vẫn giải ngân được nhiều mà tượng vẫn đẹp không? Như vậy tầm mắt người tham quan không bị chắn”
“Biết rồi, nhưng quĩ đất đằng sau vì quá tế nhị nên không giải phóng được mặt bằng”
“Vậy thì làm cao lên!”
“Làm cao thì phải có trình độ kỹ thuật, vả lại như vậy tốn rất nhiều thép, sẽ bị đội giá thành, không giải ngân được.”
“Thế này thì chịu!”
“Không chịu thì làm sao, cái trình độ của ta mới chỉ ở tư duy chiều ngang, chỉ giỏi khôn vặt và ăn vặt, thì tượng đài dù to mấy cũng chỉ là thứ trẻ con chơi đồ hàng bày la liệt vặt vãnh mà thôi…”
Paul Đức 16/03/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét