Ngoài những tiêu chí phân cấp đô thị thông dụng, thiên về tính chất hành chính, nhiều nước trên thế giới còn áp dụng bộ tiêu chí khác, dựa vào đặc trưng tiêu biểu của từng đô thị để phân loại, như: đô thị văn học; đô thị lịch sử; đô thị giáo dục; đô thị khoa học; đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp… Ưu điểm nổi bật của cách phân loại này là đánh giá đúng đặc điểm và tiềm năng của từng đô thị. Từ đó, định hướng quy hoạch và phát triển đô thị một cách bền vững, hài hòa và đa dạng, tránh tình trạng rập khuôn trong quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị.
Vận dụng cách phân loại này đối với việc quản lý và phát triển đô thị ở Hội An, tôi cho rằng Hội An cần được xác định là một đô thị lịch sử, vì đây chính là đặc trưng tiêu biểu của thành phố này.
Việt Nam hiện có nhiều đô thị được phân hạng là đô thị loại 1, loại 2 hay loại 3… ; là thành phố trực thuộc trung ương hay thành phố cấp quốc gia, nhưng chưa có đô thị nào được xác nhận theo tiêu chí là đô thị lịch sử hay đô thị văn hóa. Nếu Hội An chọn mô hình đô thị lịch sử để xây dựng các tiêu chí quản lý đô thị cho tương lai, việc bảo tồn các di tích lịch sử và các di sản văn hóa nói chung ở Hội An sẽ thuận lợi và có tính bền vững hơn và Hội An sẽ được biết đến như một đô thị lịch sử đầu tiên của Việt Nam và đó cũng là một “thương hiệu” của Hội An trong tương lai.
Vì sao chọn Hội An là một ví dụ điển hình của đô thị lịch sử, hẳn nhiều người đã rõ: Hội An từng là một đô thị – thương cảng có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền ngoại thương của vương quốc Champa cổ đại và quốc gia Đại Việt trong nhiều thế kỷ trước; là cửa ngõ để Đàng Trong của các chúa Nguyễn thông thương với thế giới bên ngoài trong các thế kỷ XVI – XVIII; là một điểm giao dịch nổi tiếng của nền thương mại hàng hải ở khu vực Đông Á trong thời đại đại thương mại (thế kỷ XVI – XVII); là mảnh đất mang nhiều dấu tích lịch sử – văn hóa không chỉ của người Việt, mà của cả người Hoa, người Nhật và người phương Tây. Cũng vì mang trên mình những giá trị lịch sử – văn hóa đặc sắc ấy mà Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Khi đặt tính lịch sử lên hàng đầu, thì chiến lược quy hoạch và phát triển đô thị Hội An trong tương lai phải đặt nền tảng trên thuộc tính này. Mọi chính sách, thể chế và thái độ ứng xử của chính quyền và người dân đối với đô thị Hội An phải tôn trọng nguyên tắc này. Có như vậy mới tránh được những “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển; giữa kinh tế với văn hóa; giữa truyền thống với hiện đại. Đây chính là cách thức mà người Nhật đã ứng xử với Nara, một đô thị lịch sử của Nhật Bản có nhiều nét tương đồng với Hội An.
Cố đô Nara. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Nara là kinh đô của Nhật Bản từ năm 710 đến năm 784. Dưới sự trị vì của Nữ hoàng Gemmei (707 – 715), Nara là một đô thị có hơn 100.000 cư dân sinh sống và là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của Nhật Bản. Nara từng là đầu cầu tiếp nhận ảnh hưởng các thiết chế chính trị, luật pháp và văn hóa của Trung Hoa du nhập vào Nhật Bản và điểm kết nối quan trọng trên “con đường tơ lụa” từ Á sang Âu vào thời trung đại. Vì những giá trị mang tính toàn cầu của các di tích lịch sử và văn hóa ở Nara, nên tại kỳ họp thứ 22 của Ủy ban Di sản Thế giới tổ chức ở Kyoto vào năm 1998, Nara được ghi tên vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên của nhân loại.
Hiện tại, phạm vi của di sản Nara được phân định thành 3 vùng: Vùng di tích lịch sử rộng 616,9 ha; Vùng đệm rộng 1962,5 ha và Vùng hài hòa với môi trường lịch sử rộng 539 ha. Riêng trong Vùng di tích lịch sử, người Nhật cũng phân định thành 3 loại: những di tích kiến trúc được chỉ định là bảo vật quốc gia (National Treasure); những di sản được chỉ định là di tích lịch sử đặc biệt (Special Historic Sites) và địa điểm thiên nhiên đặc biệt (Special Natural Monuments). Mỗi vùng di tích, mỗi loại hình di sản đều có những định chế bảo tồn thích hợp. Nhưng những định chế ấy được đặt trong một chính sách tổng quát và nhất quán, biến Nara từ một đô thị lịch sử thành một pháo đài văn hóa bất khả xâm phạm và cũng là một thánh địa du lịch của Nhật Bản, thu hút hàng chục triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Một trong những thiết chế quan trọng nhất, ảnh hưởng đến toàn bộ việc quy hoạch và định hướng phát triển của Nara là Viện Nghiên cứu Quốc gia về di sản văn hóa Nara (tiếng Nhật gọi tắt là Nabunken). Nabunken ra đời vào năm 1952, trực thuộc Ủy ban quốc gia về Di sản văn hóa; đến năm 1968 thì thuộc Tổng cục Văn hóa (Bunkacho) của Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên Nhật Bản. Nabunken có nhiệm vụ nghiên cứu tất cả các tài sản văn hóa thuộc quần thể di tích Nara, tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ học trong phạm vi đô thị lịch sử Nara và lập các bản đồ di tích gửi đến các cơ quan chính quyền ở Nara để giúp các cơ quan này quy hoạch và định hướng phát triển Nara.
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm là ở Nhật Bản, việc tham khảo các bản đồ di tích, bản đồ khảo cổ học trước khi ra quyết định quy hoạch hay đầu tư xây dựng là một điều bắt buộc. Năm 1950, chính phủ Nhật Bản ban hành đạo luật Văn hóa tài bảo hộ pháp. Ðạo luật này có một số điều khoản giao trách nhiệm cho các nhà khảo cổ học trên toàn Nhật Bản tiến hành thăm dò, khai quật tất cả các di tích, di chỉ khảo cổ học trước khi trả lại mặt bằng cho các công trường xây dựng. Những kết quả điều tra, khai quật của các nhà khảo cổ học được ấn hành hàng năm trong các tài liệu gọi là Phát quật báo cáo thư hay Khảo cổ di chỉ điều tra địa đồ. Ðó là những tài liệu tối cần thiết đối với các nhà thầu xây dựng trong việc đấu thầu, vì họ là những người phải bỏ tiền chi phí cho các cuộc khai quật, một khi trong công trình mà họ thắng thầu có tiềm ẩn những di tích lịch sử.
Ðể chi tiết hơn trong việc kêu gọi tài chính cho công tác khai quật khảo cổ nhằm, tránh cho các di tích lịch sử văn hóa bị xâm hại hoặc bị bỏ sót, vào năm 1975, chính phủ Nhật lại ban hành đạo luật Nguyên nhân giả phụ đảm chế độ hóa, quy định về việc cung cấp tiền cho các hoạt động khai quật khảo cổ học ở những công trường đang thi công. Theo đó, Bộ Kiến thiết Nhật Bản sẽ trả tiền khai quật cho các công trình giao thông bộ và thủy lợi; Tổng công ty đường sắt Nhật Bản (JR) thì chi cho các công trường làm đường xe lửa và tàu siêu tốc shinkansen; Monbusho, cơ quan quản lý về giáo dục, sẽ lo cho các công trường làm trường đại học hay các cuộc khai quật phục vụ nghiên cứu; chính quyền các địa phương chi trả cho các công trình làm trường học cấp địa phương, còn trường tư thì do tư nhân đảm nhiệm. Số tiền này được các nhà thầu tính vào trong giá gọi thầu và sẽ được hoàn trả bởi các cấp chủ quản. Vì thế việc tham khảo các tài liệu điều tra và bản đồ quy hoạch di tích là cực kỳ quan trọng đối với tất cả các công ty xây dựng. Ban văn hóa ở các địa phương phải chịu trách nhiệm công bố các bản đồ di tích và bổ sung từng năm một. Tuy nhiên cũng có những công trường lúc mở ra mới phát hiện những di tích, chưa được đánh dấu trên bản đồ khảo cổ. Lúc đó, tiền khai quật hay tôn tạo di tích ấy sẽ được huy động từ chính quyền (chiếm 50%), khoản đóng góp của các nhà hảo tâm (khoảng 25%), phần còn lại là do công ty thắng thầu xây dựng công trình đó đảm nhận. Công việc xây dựng chỉ được tiếp tục một khi việc khai quật hay tôn tạo di tích đã hoàn chỉnh. Ðó là điều được pháp luật quy định và được người Nhật tuân thủ triệt để. Nếu đơn vị xây dựng nào phát hiện ra di tích trên công trường của mình mà cố tình “vùi dập” di tích nhằm “trốn” các khoản chi cho việc khai quật, khi bị phát hiện sẽ bị phạt tiền, bị phong tỏa tín dụng trong ngân hàng và bị rút giấy phép hành nghề. Vì Nara là một đô thị lịch sử nên các công tác liên quan đến việc khai quật và lập bản đồ di tích được giao cho Nabunken và được giám sát nghiêm ngặt hơn những nơi khác. Vì thế, mà Nara bảo tồn được các di sản văn hóa và lịch sử, đồng thời, phân lập được các khu vực “phi di sản” để phát triển các khu đô thị mới và các khu công nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Từ trường hợp Nara, tôi nhận thấy có 2 kinh nghiệm có thể áp dụng cho Hội An trong bài toán quản lý và phát triển đô thị:
- Thứ nhất, chính quyền thành phố Hội An nên phân vùng để quản lý đô thị cổ Hội An theo mô hình: Vùng di tích lịch sử (tập trung vào khu phố cổ); Vùng đệm (bao quanh khu phố cổ, kết nối với các di tích và các làng nghề truyền thống ở phụ cận và Vùng hài hòa với môi trường lịch sử (là những phần còn lại của Hội An). Trong Vùng di tích lịch sử, cũng nên tiến hành các cuộc tổng điều tra di tích lịch sử văn hóa và xây dựng các tiêu chí đánh giá (hoặc trình các cấp có thẩm quyền thẩm định) di tích theo các nhóm: di tích nào là bảo vật quốc gia (National Treasure); di tích nào di tích lịch sử đặc biệt (Special Historic Sites) hay địa điểm nào địa điểm thiên nhiên đặc biệt (Special Natural Monuments)… để có những chính sách và cơ chế quản lý và bảo tồn cho phù hợp.
Đô thị cổ Hội An. Ảnh: Internet
- Thứ hai, tôi kiến nghị nâng cấp Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An (trực thuộc UBND thành phố Hội An) trở thành một cơ quan có chức năng và nhiệm vụ như Nabunken ở Nara (tất nhiên với quy mô khiêm tốn hơn). Trung tâm này phải là một cơ quan chuyên môn và là cơ quan tư vấn cao nhất cho chính quyền thành phố trong chiến lược quản lý, quy hoạch và phát triển Hội An theo định hướng đô thị lịch sử. Ngoài chức năng và nhiệm vụ đang thực thi hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An cần tập trung nguồn lực và thời gian để tổ chức (hoặc phối hợp tổ chức) các cuộc điều tra, thăm dò và khai quật khảo cổ học trên toàn thành phố Hội An một cách thường xuyên; lập bản đồ mạng lưới di tích, di chỉ khảo cổ học tại Hội An và công bố định kỳ (có thể 6 tháng / lần) để tư vấn cho chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch, định hướng phát triển đô thị và cung cấp cho các nhà đầu tư tham khảo trước khi quyết định đầu tư xây dựng một công trình (dự án) nào đó trên địa bàn thành phố Hội An. Điều này sẽ giúp chính quyền tránh được việc phê duyệt và cấp phép đầu tư vào những khu vực tàng ẩn nhiều di tích, di sản văn hóa; góp phần ngăn chặn việc xâm hại di sản văn hóa. Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ này, chính quyền thành phố Hội An phải tạo cơ chế cho Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, bảo tồn – bảo tàng và quản lý di sản văn hóa. Có thể lựa chọn những sinh viên mới tốt nghiệp đại học, gửi đi đào tạo các lĩnh vực: quy hoạch và quản lý đô thị, quản lý di sản văn hóa, khảo cổ học… ở trong và ngoài nước, với các ưu đãi về học phí và học bổng, cùng các điều kiện bắt buộc họ phải trở về làm việc cho Hội An sau khi học xong.
Vận dụng kinh nghiệm từ các thành công của nước ngoài và lựa chọn những giá trị tiêu biểu, đặc thù để xây dựng nên chính sách quản lý đô thị thích hợp là việc làm cần thiết để xác lập một vị thế xác đáng cho Hội An trong tương lai, biến Hội An thành một đô thị lịch sử của tỉnh Quảng Nam và của cả Việt Nam. Đây cũng là cách thức để khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị của đô thị lịch sử ấy, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội và văn hóa của vùng đất này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét