Thói hư tật xấu của người Việt :
Quan lớn như hạ lưu, Ảo tưởng thoái hóa, trì trệ bất lực
Quan cao chức lớn cũng sống như kẻ hạ lưu
(Tản Đà, Đông Pháp thời báo, năm 1927)
(Tản Đà, Đông Pháp thời báo, năm 1927)
Nghĩ như những người quan cao chức lớn, cửa rộng
nhà to, mũ áo đai cân, mày đay kim khánh mà gian tham xiểm nịnh, bất nghĩa vô
lương hút máu hút mủ của dân thứ để nuôi béo vợ con, như thế có phải là hạng
người hạ lưu không, tưởng công chúng cũng đều công nhận. Lại nghĩ như những
người tây học nho học, học rộng tài cao duyệt lịch giang hồ, giao du quyền quý
mà quỷ quyệt giả trá, bôi nhọ ra hề, lấy văn học(1) gạt xã hội để mua cái hư
danh, phụ xã hội thân người ngoài(2) để kiếm bề tư lợi , như thế có phải là hạ
lưu không, tưởng công chúng cũng đều công nhận.
(1) văn học ở đây tức là học vấn nói chung.
(2) người ngoài: chỉ người Pháp cũng như người
Tàu là các thế lực lúc ấy đang có nhiều ảnh hưởng.
Từ ảo tưởng tới thoái hóa
(Phan Khôi, Báo Thần chung, năm 1929)
(Phan Khôi, Báo Thần chung, năm 1929)
Mấy trăm năm nay, thuyết minh đức tân dân(1) làm
hại cho sĩ phu nhiều lắm, nhất là trong thời đại khoa cử thịnh hành. Buổi còn
đang đi học thì người nào cũng nhằm vào hai chữ tân dân đó mà ôm những hy vọng
hão huyền, cứ tưởng rằng mình ngày sau sẽ làm ông nọ bà kia, sẽ kinh bang tế
thế, rồi mình sẽ thượng trí quan, hạ trạch dân, làm nên công nghiệp(2) ghi vào
thanh sử(3) đến đời đời, không ngờ thi không đậu hay đậu mà không làm ra trò
chi, thì trở nên thất vọng, thiếu điều ngã ngửa người ra, tay chân xuôi lơ và
bủn rủn. Còn người khác đắc thời, thi đậu ra làm quan thì lại ỉ rằng bấy lâu
mình đã có cái công phu minh đức, nghĩa là mình đã học giỏi rồi, thì bây giờ cứ
việc thôi sờ học ư sở hành, chớ có lo chi. Bởi vậy nên có những ông thượng thư
bộ hộ mà làm chẳng chạy bốn phép toán, thượng thư bộ binh mà cả đời chẳng biết
đến cái lưng con ngựa ra sao cái cò khẩu súng là gì. Mà rồi ông quan nào cũng
như thượng đế cả, nghĩa là toàn trí, toàn năng(!).
(1) trích từ câu đầu tiên của sách Đại học, có nghĩa làm
sáng đức và khiến dân luôn luôn đổi mới.
(2) cũng tức là sự nghiệp.
(3) thanh sét thời cổ ở Trung Quốc dùng thẻ tre để chép sử,
nên lịch sử thường được gọi là thanh sử.
Trì trệ và bất lực
(Lương Đức Thiệp, Việt Nam tiến hóa sử, năm 1944)
Bị ý thức hệ nho giáo bảo thủ lung lạc, bị nguỵ
thuyết của bọn Tống nho đưa lạc nẻo, bị chế độ thi cử chi phối, đẳng cấp nho sĩ
Việt Nam không còn một chút hoạt lực(1) nào, không còn được một tính cách cấp
tiến nào nữa. Bởi vậy họ đã chống tiến hoá chống cải cách. Phụ hoạ với triều
định, họ đã lấy cái học bã giả(2) của Tống nho dựng một bức trường thành ngăn
các trào lưu triết học khác không cho tràn tới địa hạt tri thức do họ giữ đặc
quyền.
…"Thiếu độc lập về tư tưởng, hoàn toàn phục
tùng cổ nhân Trung Hoa về cả mặt tình cảm, quá câu nệ về hình thức thơ Tàu,
đẳng cấp Nho sĩ Vệt Nam
chỉ sản xuất ra được những lối thơ nghèo nàn. Nhiều tập thơ mài giũa công phu
nhưng không chút sinh khí.
Qua ngay hình thức của thơ, ta cũng thấy rõ tinh
thần bảo thủ của đẳng cấp Nho sĩ và sự bất lực của đẳng cấp này trong mọi công
cuộc sáng tạo xã hội có tính chất cấp tiến.
(1) sức sống.
(2) thường nói bã chả, với nghĩa cái phần dư thừa sau khi
lấy hết tính chất và nát ngấu nhão nhoẹt.
Vương Trí Nhàn tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét